Cách đây không lâu, có một khoảng thời gian tôi muốn rút lui khỏi thế giới, chỉ muốn sống lặng lẽ im tiếng một mình. Trong khi trước đó, tôi vẫn yêu thích việc chia sẻ những ý tưởng với mọi người thông qua những bài viết. Chẳng hiểu sao, những ngày vừa qua trong tôi xuất hiện những suy nghĩ tự cản trở hành động của chính mình. Chúng mang những nội dung tiêu cực rằng “mày sống chưa ra gì mà cũng đòi khoác lác chỉ đường cho ai”, “những gì mày nói cản trở sự trải nghiệm của người khác”, “viết nhiều chỉ càng làm tâm tư của mày rối rắm và hao tổn sinh lực”, “nói nhiều làm mày trở nên kiêu ngạo”,… Những ý nghĩ này xuất hiện dồn dập làm tôi cảm thấy bất an và lo sợ, thậm chí có phần nào cảm thấy tội lỗi về chính mình.
Thế rồi, khi không thể viết tiếp được nữa với tâm trạng yếu ớt như vậy, tôi tìm đến vườn tược cây cối để nghỉ ngơi thư giãn, chờ đợi những xáo động tâm hồn ấy qua đi, hoặc chờ đợi một sự dẫn dắt từ cuộc đời. Nhiều khi trong cuộc sống, sự kiên nhẫn chờ đợi lại mang đến những điều rất tuyệt vời. Và trong tình huống này, điều đó đã đúng đối với tôi. Sự dẫn dắt cần thiết đã tới.
Đó là vào một buổi sáng nọ, tôi bỗng nghe thấy người bạn thân thiết của mình kêu lên thảng thốt “Oh my God!” ở trong phòng. Thấy vậy, tôi đoán là có chuyện gì đó chẳng hay đang xảy đến. Tôi từ ngoài vườn chạy vội vào hỏi: “Có chuyện gì thế?” Và người bạn ấy đáp rằng đang không tìm thấy bài viết mình vừa viết hôm qua đâu cả. Hóa ra là người bạn của tôi lơ đễnh chuyện gì mà quên không ấn nút Save nên bây giờ mọi chuyện mới thành ra thế này. Trước sự cố bất ngờ, người bạn thở dài và tỏ phần nào thái độ thất vọng.
Nhưng khi nhìn bạn như vậy, tôi lại không hề thấy buồn gì. Không hiểu sao đứng trước những chuyện rắc rối của người khác, tôi lại rất bình tĩnh. Lúc đó, tôi chỉ thầm nghĩ rằng nhiều khi chưa chắc chuyện xui xảy đến lại thật sự là xui. Nhỡ đâu nó lại là cơ hội cho một cái gì đó tốt hơn đến sau thì sao. Nhỡ đâu khi mất đi bài viết cũ, bạn ấy viết lại và sẽ nảy ra những ý tưởng hay hơn và sâu sắc hơn cả lúc trước thì sao? Cũng như thỉnh thoảng, tôi chờ đợi thêm một vài ngày để hoàn thành bài viết. Trong khoảng thời gian đó, sẽ có những ý tưởng tuyệt vời nảy nở trong tâm trí tôi. Nghĩ vậy, tôi lại càng thấy bình thản và ngập tràn hy vọng. Tôi không đổ thêm dầu vào lửa khi đứng trước câu chuyện có vẻ xui xẻo của người bạn mà biết động viên bạn ấy. Đây là điều tôi cảm thấy ngạc nhiên về chính bản thân mình.
Khi trải qua trạng thái không vội vàng phán xét ấy, tôi nhìn lại câu chuyện viết lách của mình đang gặp bế tắc và nhận ra rằng những lời tiêu cực trong suy nghĩ trước đó chỉ là những sự nhận định phiến diện nhất thời. Chẳng ai biết được là chuyện viết của tôi sẽ đi về đâu, nó mang lại niềm vui cho người khác hay mang lại thử thách cho họ. Cũng chẳng ai biết được rằng liệu tôi có bị hao tổn nhiều năng lượng khi chia sẻ những ý tưởng với mọi người, hay là tôi sẽ lại càng có thêm những nhiệt huyết đam mê. Và cũng chẳng ai dám chắc rằng tôi sẽ sinh ra lòng ngạo mạn, hay là lòng ngạo mạn ấy (giả sử có xuất hiện), cũng chỉ là một sự lên men để làm ra những chiếc bánh khiêm nhường. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy mình như được giải thoát khỏi biết bao nhiêu gánh nặng trong lòng. Câu chuyện này của tôi là một trong những ví dụ minh họa cho việc được khuyên bởi chính lời khuyên của mình dành cho người khác.
Tôi cho rằng với một tình huống bất kỳ, không phải ai cũng biết nó có bản chất là gì, hay nó sẽ dẫn một người đi về đâu. Giống như màn đêm buông xuống đâu hẳn chỉ là màn đêm đen đúa, mà là sự mở đầu của bình minh hé rạng; lá cây héo rụng đâu hẳn chỉ là sự điêu tàn già nua, mà là sự mở đầu cho những lộc chồi mơn mởn. Hay Pippi Tất Dài trong truyện từng bảo hai người bạn của mình rằng các cậu phải về nhà thì hôm sau các cậu mới lại sang chơi với tớ được chứ. Còn trong Chí Tôn Ca thì có câu rằng:
“Thứ đối với mọi chúng sinh là màn đêm thì lại là lúc bừng tỉnh đối với người tự chủ, còn lúc mọi chúng sinh thức giấc lại là màn đêm đối với bậc hiền giả nội quan.” – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (2:69)
Vậy mọi thứ đâu phải chỉ là chính bản thân nó, mà còn đang bao hàm những ý tưởng vượt lên cả chính nó. Như buồn phiền đã ngầm chứa một hạt nhân hạnh phúc, đoàn tụ đã nhắc nhở về một sự chia ly, và hờn ghét đã mang thông điệp về lòng nhân hậu. Không phải tất cả những gì bạn nghĩ đều đúng như vẻ ngoài của nó vậy. Nhiều khi, đó chỉ là một cái mặt nạ, một tảng băng nổi, hoặc một chiếc áo khoác ngoài. Vậy thì hà cớ gì chúng ta phải vội vàng thỏa hiệp với những ý kiến đó, đặc biệt là khi chúng đang mang một sắc thái tiêu cực?
Trong cuốn Kỳ thư Kybalion có câu rằng:
“Khuynh hướng của Tự nhiên thì theo hướng hoạt động chủ đạo của cực Tích cực.”
Nếu có một niềm vui, một tin lành hay một điều tích cực, tôi cho rằng nó không chỉ đơn thuần là một sự kiện gì đó có vẻ ngoài hạnh phúc rạng ngời như được ăn một món ngon, được gần gũi người mình yêu, được toại nguyện mơ ước,… mà là soi sáng thấy “mặt còn lại” của vấn đề, thứ luôn nằm trong bóng tối của ý thức. Chỉ bằng cách này, tâm trí của chúng ta mới được cân bằng và bình an. Và trong sự bình an, những điều đẹp đẽ mới có thể nảy nở, an cư lạc nghiệp.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc nhận ra nửa còn lại của câu chuyện đó là bạn phải dám tự phản biện lại chính mình, tự cho rằng không phải tất cả những gì mình nghĩ đều đúng và mở ra lối thoát trong tư tưởng của chính mình. Hay nói cách khác, bạn phải có đủ sự khiêm tốn và sức mạnh để len lỏi qua tấm màn che của sự cứng lòng. Không một ai ngồi trên cái ngai của sự ngạo nghễ lại có thể cúi mình trước những bông hoa chân lý giản đơn.
Ở ngoài kia, phân bón bốc mùi hôi thối lại là thứ cây cối yêu thích và tận hưởng nhất, chúng là thứ khiến thực vật thêm tốt tươi mạnh khỏe. Nhưng phân bón có bản chất là gì nếu không phải là sự phân hủy, sự hủy hoại bản chất của thứ vật chất hữu cơ? Vậy phải chăng sự tự chuyển hóa tư tưởng của chính mình, sự tự khai phóng nhận thức và phá vỡ những giới hạn của tư duy cũng là cách con người tạo ra phân bón cho cái cây tâm hồn? Và phải chăng chúng ta chuốc lấy buồn phiền không phải vì sự bốc mùi của đám phân, hay sự căng thẳng thúc ép của những thử thách cuộc đời, mà vì sự nghèo nàn đói khát của tâm hồn, hay vì sự luôn cho rằng tất cả những gì mình nghĩ đều đúng?
Tác giả: Vũ Thanh Hòa