(Bài này đã được đăng trong SUYNGAM.VN Club ngày 24/11/2019. Giờ đăng lại trên website để dễ chia sẻ hơn cho những ai cần. Update lần cuối: 8/4/2020)
Nói về thiền thì có nhiều quan niệm, trường phái, cách thức khác nhau, nhưng bài này tôi chỉ xin chia sẻ hiểu biết cá nhân của mình về những khái niệm ý niệm cơ bản và cách ngồi thiền cho những người đang muốn tập ngồi thiền nhưng chưa biết nên ngồi thế nào. Bạn nào có góc nhìn, cách thiền khác thì hãy chia sẻ trong một bài viết khác, chứ không nên tranh luận bình luận vào đây gây hoang mang.
Một số người sẽ có ý kiến rằng thiền thì không nhất thiết phải ngồi, có thể thiền mọi lúc mọi nơi, trong mọi việc mình làm, gọi là thiền động. Tuy nhiên theo tôi thì việc ngồi xuống thiền là vẫn cần thiết. Chỉ khi ngồi xuống thì hành giả mới có thể chạm vào được sự tĩnh lặng tuyệt đối, cái không thể chạm vào được với thiền động. Càng tiến gần tới sự tĩnh lặng tuyệt đối và an trú trong sự tĩnh lặng tuyệt đối càng lâu thì sẽ càng có nhiều điều kì diệu xảy ra. Đỉnh điểm của những điều kỳ diệu chính là Samadhi.
SUYNGAM.VN từng làm vietsub cho video “Ngồi thiền có những lợi ích gì dựa theo khoa học?“. Ngoài những lợi ích này thì việc ngồi thiền còn là một trong những phương pháp đắc lực được những người học Đạo thực hành hơn 5000 năm nay, giúp một người nhận ra được sự thật quan trọng họ chưa từng nhận ra là họ không phải là người nghĩ ra những suy nghĩ trong đầu, không nhất thiết phải bị cuốn theo chúng, và những suy nghĩ đó có thể được lắng dịu xuống một cách tự nhiên không cưỡng ép như thế nào.
Theo hiểu biết cá nhân của tôi thì thiền là nghệ thuật của sự tập trung. Thiền là khi ta kết nối với con người thật của mình, sống với bản chất đích thực / Chân ngã của mình: ý thức thuần khiết, pure awareness, sự quan sát, sat-chit-ananda (hiện hữu-ý thức-phúc lạc). Một vài đối tượng phổ biến để tập trung quan sát là hơi thở, và/hoặc sự tĩnh lặng giữa các hơi thở, hay sự tĩnh lặng của một tâm trí đã lắng dịu. Trong lúc tập trung quan sát đó có thể vọng tưởng, tạp niệm sẽ nổi lên thì hãy quan sát, nhận ra chúng–nhận ra ta không phải là người nghĩ ra những suy nghĩ đó, chúng chỉ là quán tính của tâm trí–rồi kéo ý thức trở lại quan sát đối tượng thiền ban đầu, dần dần vọng niệm sẽ giảm bớt khiến tâm trí tĩnh lặng hơn. Chỉ đơn thuần quan sát chứ không phân tích, hay cố gắng nỗ lực áp chế, ngăn chặn suy nghĩ, vì làm như vậy cũng giống như “cố gắng làm cho mặt hồ tâm trí phẳng lặng bằng một cái bàn là”, theo cách nói của Alan Watts. Ngoài ra khi bước vào thiền định thì hành giả cũng nên loại bỏ tâm tham nếu có, tham muốn đạt được này kia khi thiền, Chí Tôn Ca đã dạy hãy hành động mà không mong cầu kết quả, lúc đó sẽ không phải dính nghiệp.
Mới tập thì ngồi 10-15 phút, dần dần tăng lên 30 phút hoặc hơn. Thời điểm thích hợp để thiền nên là buổi sáng sớm khi mới thức dậy. Đó là lúc tinh thần của bạn được sảng khoái tỉnh táo nhất, năng lượng đã được nạp đủ sau một giấc ngủ. Cá nhân tôi có thói quen thức dậy trong khoảng 5-6 giờ sáng, rồi bắt đầu ngồi thiền khoảng 30-45 phút để khởi đầu một ngày mới đầy sung mãn. Ngồi thoải mái, thẳng lưng, không ngồi kiết già được thì bán già cũng không sao, tê chân thì có thể thử ngồi trên một miếng lót (mông cao hơn chân một chút). Hít thở tự nhiên, không cố gắng điều khiển hơi thở, khi tâm trí dần tĩnh lặng thì hơi thở cũng sẽ tự nhiên trở nên chậm và sâu. Thở đúng tự nhiên thì khi hít vào bụng sẽ phình ra, vai không nhúc nhích, bụng phải thư giãn thì nó sẽ tự động phình ra. Thiền đúng thì sẽ tìm thấy được bình an, thư thái, được nạp đầy năng lượng. Thiền sai sẽ càng thấy căng thẳng có thể vì đã cố gắng kiểm soát tâm trí, thay vì chỉ đơn thuần là quan sát nó.
Có một số ý kiến cho rằng ngồi thiền cần thiết phải có một người thầy trực tiếp hướng dẫn nếu không sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Tôi không nghĩ vậy, không nhất thiết, có thì tốt không có thì tự tập theo những hướng dẫn trên bảo đảm cũng sẽ không sao. Phương pháp tôi đã nói bên trên thật ra cũng là tóm tắt đại ý của phương pháp thiền quán Vipassana đa số mọi người thực hành.
• 17 câu hỏi thường gặp về Thiền | Vũ Thanh Hòa
• Kỹ thuật hành thiền dành cho mọi mức độ IQ
Tác giả: Huy Nguyen