Thế hệ trước đã trải qua những cuộc chiến tranh, những cơn đói khổ, những mái nhà dột nát. Niềm vui của họ chỉ đơn giản là sớm mai thức dậy vẫn nhìn thấy mặt trời mọc, vẫn có cơm ăn, vẫn có chỗ tránh nắng che mưa. Chỉ đơn giản là người thân họ còn toàn vẹn, còn được có cơ hội sum vầy. Họ biết ơn từng thứ nhỏ nhặt, vì đối với họ, trong hoàn cảnh đó đã là phước lành rất lớn. Nhưng hiện nay, một bộ phận trong số chúng ta, từ trẻ nhỏ đến thanh niên, cả người lớn, hình như đã quên mất điều này – lòng biết ơn.
Kinh tế phát triển, chúng ta không còn chật vật với từng miếng ăn nữa, không có chiến tranh, chúng ta cũng không sợ phải mất mạng. Chúng ta có một cuộc sống quá an toàn, đến độ ta xem đó là một điều hiển nhiên và xem thường điều đó. Và càng ngày, chủ nghĩa tiêu thụ càng mạnh mẽ, chúng ta muốn nhiều nữa, hơn nữa, mua đồ, đi ăn thật nhiều, hàng quán mọc tứ phương, khách đi nườm nượp, và chúng ta thật vui mừng vì làm cho nền kinh tế phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.
Trẻ con bây giờ lớn lên cũng không phải vất vả như xưa. Chúng được nâng như trứng, hứng như hoa, cưng chiều, lo lắng chu cấp đủ điều, đôi khi là thừa mứa. Thực tại của chúng không chứa đựng cái khổ, nên điều khổ nhất đối với chúng là đòi hỏi điều gì đó mà không được đáp trả. Các bậc phụ huynh nghĩ điều đó là tốt cho con cái, nhưng họ không nhận ra họ đang tước đi bên trong chúng lòng biết ơn và quý trọng từng thứ mà chúng có, biến chúng trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.
Ở đây mình đang nói về đối cực của sướng và khổ (về mặt vật chất), nếu một người chỉ quen sống trong sung sướng, thực tại của họ bị khuyết thiếu đi trải nghiệm đối cực là sự khổ. Cái đáng lẽ là ít sung sướng, thì họ lại nghĩ đó là điều đau khổ, bởi làm sao biết sung sướng nếu không biết khổ là gì. Ví dụ như một cậu nhóc chỉ biết ăn bám bố mẹ, thì cậu ta sẽ không cảm thấy sung sướng, nhưng nếu cho cậu ta sống khổ cực vài ngày, thì cậu ta sẽ biết rằng sống trong hoàn cảnh như vậy đã là quý giá lắm rồi.
“Nếu như bạn chưa từng khổ, chưa từng nghèo, thì có khi, đó lại là một cái khổ.” (Anonymous)
Nhưng tâm trí của chúng ta là thứ luôn đòi hỏi, luôn bất mãn đối với hiện tại. Tâm trí luôn muốn điều gì đó khác, rằng khi tương lai đến, đạt được thứ này thứ kia, tôi mới có thể hạnh phúc. Chúng không bao giờ biết hài lòng với hiện tại, thứ ta đang có, cái bây giờ và ở đây. Tâm trí chẳng bao giờ biết ơn bất cứ điều gì.
Khi nói lên điều này tôi không có ý bảo rằng chúng ta phải sống thụ động và không hành động vì sự phát triển. Một con người thụ động là một con người vẫn bất mãn với trạng thái hiện tại, nhưng họ chỉ tự dối mình và che lấp điều ấy bởi sự lười biếng của chính mình. Thay đổi chỉ diễn ra trong hiện tại, trong hành động bây giờ, trong quá trình, còn sự bất mãn hay đòi hỏi kia là một mong muốn về kết quả hay thành tựu. Và thay đổi có nghĩa lý gì khi ta luôn bất mãn, khi hiện tại chính là tương lai của 3 tháng trước, của 3 năm trước, thời điểm ta nghĩ rằng “đến lúc đó ta sẽ toại nguyện.” Học tiếng anh giỏi đến đâu chăng nữa thì liệu có đủ thỏa mãn ta không khi ta không chấp nhận và biết ơn với trình độ tiếng anh của mình hiện tại.
Khi đánh mất lòng biết ơn, con người sống với một tâm hồn luôn bất mãn, luôn đòi hỏi. Trong khi đòi hỏi tức là xung đột với cái đang diễn ra trong hiện tại, tức sẽ dẫn đến mâu thuẫn và đau khổ.
Dịch Covid 19 xảy ra là một cú đá vào sự an toàn của chúng ta, một cú đá văng đi sự đòi hỏi. Bây giờ chúng ta chỉ mong sao cuộc sống được “bình thường” như trước, cái “bình thường” mà lâu nay chúng ta luôn hắt hủi và chối bỏ vì đã nhàm chán. Thật mâu thuẫn phải không. Chúng ta không nhìn thấy món quà “hiện tại” ở trước mắt vì ta đang bận ngó nghiêng đến “tương lai”. Đứng núi này trông núi nọ, hay như dòm vợ hàng xóm vậy.
Biết ơn không phải là tự lừa dối chính mình, tự ảo tưởng về hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Biết ơn là thay đổi điểm nhìn về một sự việc, thay đổi cách ta nhìn sự việc đó. Và sự thật là, thực tại của chúng ta chính là cách mà chúng ta nhìn chúng, chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Điều này giải thích cho việc tuy cùng một hoàn cảnh sống nhưng cảm nhận của mỗi người lại khác nhau một trời một vực.
“We don’t see things as they are, we see things as we are.” – Anais Nin (Chúng ta không nhìn mọi thứ như cái chúng là, chúng ta nhìn mọi thứ như cái ta là.)
Nên khi bất đồng quan điểm với cha mẹ, mình luôn nghĩ đến sự biết ơn đối với họ để hóa giải tiêu cực trong bản thân. Hay mỗi khi gặp nghịch cảnh, than thân trách phận, bất mãn với điều này điều kia, mình luôn tự nhủ với lòng rằng “có cơm ăn áo mặc chỗ ngủ đã là may rồi, gia đình còn hòa hợp đã là hạnh phúc rồi.” Để từ đó mình mới có thêm sức mạnh để giải quyết những thách thức, biến cố nan giải, hay đơn giản là bình thản với cái mà tâm trí kêu ca là khổ.
Phát triển lòng biết ơn, một người sẽ thay đổi trạng thái nội tâm, từ đó thay đổi thực tại của chính mình, và sẽ trở nên bình an và hạnh phúc hơn. Đời sống là vô thường, ai biết được chuyện ngày mai, còn sống thì đã là may mắn, được sống đã là một ân sủng. Hãy quý trọng những điều đó. Và khi nghịch cảnh xảy ra, hãy quy phục Vũ trụ bằng lòng biết ơn, như một liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho chính mình.
Tác giả: Bá Kỳ
Biên tập: SUYNGAM.VN