Để mình kể câu chuyện này cho các bạn cùng nghe. Mình thấy nó mang lại niềm vui cho mình nên biết đâu nó cũng có thể khiến các bạn mỉm cười. Một nụ cười, đối với mình, luôn là quý giá, đặc biệt là trong những khoảnh khắc căng thẳng.
Chẳng là cô bạn của mình mới từ Hà Nội vào Đà Lạt thăm mình. Buổi sáng, mấy đứa rủ nhau đi ăn phở. Trong lúc ngồi đợi tính tiền, bạn ấy bảo rằng tối nay muốn ăn món bún xào giá hẹ, một món ăn bình dân ngày trước mình từng làm và được bạn ấy rất yêu thích. Lúc nghe bạn nói món đó mình chợt nghĩ thầm trong bụng, “Chết thật, món đó có thành phần gì ấy nhỉ? Sao đầu trống trơn thế này?” Thì ngay lập tức, một người bạn nữa của bọn mình cũng đang ngồi đó, cất lời: “Có phải nó có trứng, đậu hũ, giá, hẹ đúng không?”
Nghe vậy, mình đáp: “Ừ, đúng rồi”, còn trong bụng thì vui như mở cờ: “Thật là tốt quá, tự nhiên thì có người nhắc cho.”
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Khi mình đi chợ mua các nguyên liệu về để nấu món bún xào đó, bỏ hết các thứ lên bàn cân để bác gái bán hàng tính tiền, nào là hẹ, cà rốt, trứng, đậu hũ, bún khô, mấy quả chanh để làm nước chấm,… mình vẫn cảm thấy như còn thiếu thiếu cái gì đó chưa lấy, nhưng cũng chẳng biết nó là cái gì. Đã không nhớ rồi thì đến chịu thôi, mình cứ mù tịt vậy. Ấy thế mà ngay sau đó một tích tắc, một chị kia kêu lên với bác gái bán hàng: “Lấy cho em 5 nghìn giá đỗ!”
“Thật là tốt quá, tự nhiên lại có người nhắc cho.” Mình lại cười thầm trong bụng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tiếng.
Buổi sáng hôm đó, trên đường về, lòng mình vui phơi phới. Có không ít lần mình đọc được những thông điệp rằng “Hãy phó thác mọi chuyện cho Thượng Đế” nhưng mình cũng không hiểu phó thác làm sao. Thì hôm nay, mình đã hiểu ra qua câu chuyện với món bún xào. Đến việc ghi nhớ các nguyên liệu, mình cũng chẳng cần làm. Chuyện kiểm tra lại các thứ lúc mua đồ, mình cũng không cần nốt, vì đều có người nhắc cho, theo một cách nào đó. Vậy thì khi mở rộng ra hơn, mọi chuyện khác trên đời giả như vượt quá sức mình thì mình cũng không cần phải gồng lên căng thẳng, cố nghĩ để ra được câu trả lời. Vì thể nào, nếu không thông qua mình, câu trả lời cũng đến thông qua một “kênh” nào đó khác mà mình không hề ngờ tới. Chưa bao giờ mình có thể tưởng tượng rằng ông Trời lại nhắc mình mua giá đỗ thông qua một chị gái xa lạ nào đó cũng đang mua nó.
>>> Người tính không bằng Trời tính
Thỉnh thoảng khi lướt web, mình cũng gặp những thông điệp phản hồi ngay lập tức những câu hỏi trong lòng của mình khiến mình cảm thấy như Vũ Trụ đang trực tiếp giao tiếp với mình.
Sự giao tiếp này còn rất rõ trong một lần mình mua gà nữa. Đến quầy bán hàng, thấy chẳng còn phần gà ta nào, mình nghĩ rằng chắc hôm nay mình ra trễ nên người ta mua hết rồi. Thôi thì vạn sự tùy duyên, mình lựa mấy cái cánh gà công nghiệp vẫn còn về chiên nước mắm vậy, lâu lâu đổi món cũng không phải ý tồi. Trong khi mình đang đứng tần ngần nhổ nhổ mấy cái lông tơ trên chiếc cánh gà mà người ta làm sót thì như thể món quà từ trên trời rớt xuống cái “bịch”, một con gà ta vừa được làm xong được anh kia bưng ra đặt ngay trước mặt mình. Mình bất ngờ quá mở to cả hai mắt và kêu lên: “Ôi vẫn còn gà!” Nghe vậy, anh bán hàng đó đáp lại với vẻ mặt đầy hóm hỉnh: “Vừa trông thấy em đến là anh phải làm cấp tốc ngay!” khiến mình có được một tiếng cười sảng khoái.
Sau những trải nghiệm mình được Vũ trụ lắng nghe và hồi đáp ấy, mình thấy việc buông đi những gánh nặng trong lòng dễ hơn biết nhường nào. Hễ gặp chuyện gì khiến mình phải nghĩ ngợi lo lắng, mình chỉ cần bảo với bản thân rằng “thôi chuyện này khó quá, ai đó khác nghĩ giùm mình nhé, như nhớ giùm việc mua giá đỗ ấy!” Bất kể chuyện gì mình cảm thấy nặng nề quá tải, mình đều tập buông nó đi vào bàn tay Thượng Đế và tin chắc rằng ắt hẳn mình sẽ được “sức mạnh” nào đó khác gánh vác giùm. Và tại khoảnh khắc buông đi ấy, mình thấy toàn thân nhẹ nhàng như thể được nhấc lên. Thậm chí, mình thấy việc bước đi, hít thở hay xỏ giày cũng là có ai đó đang làm giùm mình, thông qua mình. Và điều này thật tuyệt!
Khi mình nói rằng phó thác mọi chuyện cho Trời Đất không có nghĩa là chúng ta sẽ thoái thác mọi chuyện cho Trời Đất và cả ngày nằm ườn trên giường chối bỏ mọi sự lao động. Nếu vậy thì mình đã không ngồi đây và viết bài viết này chia sẻ với các bạn rồi. Sự phó thác ấy có nghĩa là sự thả lỏng hoàn toàn, để cho một sức mạnh lớn hơn tràn vào cơ thể và thi hành mọi việc, là bỏ đi sự gắng gượng dựa theo ý chí cá nhân để cho Ý Trời được trôi chảy theo những vận động tự nhiên. Các bạn thấy không, khi chị gái kia nói to lên rằng muốn mua thêm 5 ngàn giá đỗ, đối với chị, đó có thể chỉ đơn giản là ý chị. Nhưng trên một bình diện lớn hơn, mở rộng ra trong mối liên kết với những người xung quanh, cụ thể là mình, một người đang quên tiệt món đồ cần mua, thì câu lệnh mua thêm 5 ngàn giá đỗ ấy chính là Ý Trời. Trong hoàn cảnh đó, lời nói của chị ấy là lời của ông Trời nói với mình, thứ đã gây nên kinh ngạc và sướng vui vô cùng.
Mình từng có cơ hội được tiếp xúc với một số người, đủ nhiều để mình thấy rằng những bất hạnh mọi người gặp phải là do sự cố gắng vơ mọi hoạt động, trách nhiệm về bản thân mình. Các bạn nghĩ rằng mọi chuyện là do các bạn làm, chúng được giải quyết hay không cũng là do bạn phải can thiệp. Đó là cách sống dựa cậy vào sức mình, lúc nào cơ thể và tâm trí của người đó cũng gồng lên căng thẳng, thậm chí với những việc không hề liên quan gì đến mình.
Có người thì dằn vặt bản thân và cảm thấy tội lỗi khi thấy người khác lâm cảnh khó khăn vì cho rằng chính sự xuất hiện của mình trong thời gian qua đã làm họ ra như vậy. Còn có người thì sân si trên các bài viết công cộng, đấu tranh, móc mỉa người viết như thể nếu không làm việc đó, họ sẽ không tài nào ngủ yên. Còn có người thì luôn cố gắng kiểm soát mọi thứ, kiểm soát người xung quanh phải như ý mình, kiểm soát những cảm xúc bên trong bằng cách đè nén nó. Chúng ta có thể thấy không ít người sống với những gánh nặng khổ sở như vậy nhưng vẫn nghĩ rằng đó là những việc họ sống chết phải làm. Nhưng sự thật thì nếu không làm thì họ lại được khỏe hơn.
Có người bạn kia bảo rằng bạn không biết phải chịu đựng cảnh gia đình lạnh nhạt với bạn đến bao giờ. Mình bảo rằng bạn đâu cần phải chịu đựng nó. Cũng như trời đổ mưa, bạn đâu nhất thiết phải chịu đựng cơn mưa. Hay khi đi chợ mua rau mà mọi người xung quanh cũng đang đi chợ đông đúc ồn ào, bạn đâu cần phải chịu đựng họ, bạn vẫn tìm lối đến cửa hàng rau như thường và cười vui hớn hở khi mua được những mớ rau vừa ý. Tương tự như vậy, tại sao bạn phải chịu đựng một nỗi buồn, tại sao bạn phải chịu đựng một cảnh khó khăn, nếu không phải vì bạn cho rằng bạn phải đối đầu, hay bạn phải cố gắng vươn lên khỏi chúng, hay bạn có trách nhiệm phải chống trả chúng bằng mọi sức lực? Có mấy ai tự hỏi chính mình trong những lúc đang gồng lên căng thẳng rằng: “Hai hàm răng của mình có thể không cần phải nghiến ken két như thế này không?” “Để thấy hạnh phúc, mình có nhất thiết phải trợn ngược hai mắt lên không?” “Cãi nhau với người kia với âm lượng tối đa có là nhất thiết không?” “Hai môi mình có thể không cần phải như hai đường chỉ thế này không?”
Hiển nhiên, câu trả lời là “Không. 200% không.” Bạn hoàn toàn có thể sống vui mà không cần phải cau có kiểm soát. Bạn hoàn toàn có thể thấy những câu trả lời mà bạn không cần phải vắt kiệt não suy nghĩ. Cứ thả lỏng, rồi bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ gánh nặng kia là không cần thiết, tự nhiên bạn ở đó, ngay giữa mọi chuyện và vẫn thản nhiên bình thường. Đó là một phép màu của sự quy phục.
“Mức cuối cùng của sự chấp nhận và quy phục là gì? Đó là thật sự không có cái ‘tôi’ nào có thể làm được gì. Thật sự, không có cái ‘tôi’. Không có gì xảy ra trừ khi nó là ý muốn của Thượng Đế. Cảm giác về một cái tôi cá nhân làm này làm kia là một ảo tưởng. Đây là hiểu biết cuối cùng.” – Ramesh Balsekar (via Prana Unlimited)
Cuối cùng, để khép lại bài viết này, chúng ta hãy cùng xem Đức Krishna và Chúa Jesus nói gì về sự phó thác này trong Chí Tôn Ca và Kinh Thánh nhé.
“Chỉ người nào đã từ bỏ mọi ham muốn làm thỏa mãn các giác quan cũng như mọi ước muốn vật
chất, người không còn coi mình là chủ sở hữu của bất kỳ thứ gì và hoàn toàn thoát khỏi ngụy ngã mới
thấy an lạc thật sự.”(Chí Tôn Ca, 2:71)“Sau khi chẳng còn quyến luyến, sợ hãi và tức giận, sau khi đã dồn toàn bộ tâm trí vào Ta, tìm được chốn nương náu nơi Ta, rất nhiều người ở thời trước đã trở nên thanh sạch nhờ thấu hiểu Ta và vì thế có được tình yêu siêu việt đối với Ta.” (Chí Tôn Ca, 4:10)
“Những người mẫn tuệ và khát khao được giải thoát khỏi lão và tử chọn Ta làm chốn nương náu và bước theo con đường phục vụ tận tụy. Họ thực sự là Brahman vì họ biết tất thảy mọi điều về hoạt động siêu việt.” (Chí Tôn Ca, 7:29)
“Hỡi con trai của Pritha, những người tìm kiếm chốn nương náu nơi Ta, dù cho có thuộc về giai cấp nào, phụ nữ, thương gia (vaishya) và lao động (shudra), thì họ vẫn có thể đạt mục đích tột bậc.” (Chí Tôn Ca, 9:32)
“Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, Và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.” (Thi-thiên 37:5)
“Hãy hết lòng tin cậy Thiên Chúa, chớ nương cậy nơi sự sáng suốt của con. Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối mình, Ngài sẽ làm cho đường lối của con bằng thẳng” (Châm-ngôn 3:5-6)
“Hãy xem loài hoa huệ, coi chúng mọc lên thế nào. Chúng chẳng làm lụng khó nhọc, cũng không kéo chỉ, nhưng Ta nói với các ngươi, dẫu Vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, vua ấy cũng không mặc đẹp như một hoa nào trong các hoa ấy. Nếu hoa cỏ ngoài đồng là giống nay còn sống mai bị tống vào lò mà Thượng Đế còn cho chúng mặc đẹp thể ấy, lẽ nào Ngài chẳng lo cho các ngươi sao, hỡi những kẻ kém tin? Các ngươi đừng tìm kiếm về việc ăn gì, uống gì, và đừng quá lo lắng về những việc ấy. Vì các dân trên thế giới đều tìm kiếm những điều ấy, và Cha các ngươi đã biết các ngươi cần những điều ấy rồi. Thay vào đó hãy tìm kiếm vương quốc nước Trời thì các ngươi sẽ được ban thêm những điều ấy nữa.” (Luke 12:27-31)
Tác giả: Vũ Thanh Hòa