Có không ít lần trong cuộc sống, mình rơi vào những trải nghiệm bế tắc, hoang mang và căng thẳng. Chúng diễn ra đan xen với những trạng thái bình an, thư thái và biết rõ mục đích cuộc đời mà mình đã từng được nếm trải trong những phút giây sáng suốt của tinh thần. Những lúc tư tưởng thông suốt và hạnh phúc ấy thì quá đỗi tuyệt vời, nhưng những lúc rớt ra khỏi nó, mình cảm thấy một nỗi thống khổ vô cùng to lớn của tâm hồn. Ban đầu, mình thường trực cảm thấy hoang mang và bất mãn vì điều đó. Mình đã luôn tự hỏi rằng tại sao bản thân mình cứ bị chệch hướng, mình cứ luôn quên những năng lực cấp cao trong một phút giây nào đó. Khi hỏi một người bạn rằng mình nên làm gì để không bao giờ quên hay bị rớt ra ngoài những trường nhận thức tích cực đã từng được nếm trải, thì lần nào người bạn ấy cũng trả lời cùng một câu đó là “Tiếp tục tu tập!”
Mãi đến lần thứ 3 mình phải hỏi lại và nhận được một câu trả lời không khác gì từ người bạn thì mình mới hiểu ra rằng bản thân chưa từng nhìn thấy được giá trị tích cực của những nỗi thống khổ diễn ra trong cuộc sống. Mình cứ nghĩ rằng chúng là những điều xấu xa tồi tệ và mình muốn được vượt thoát khỏi chúng càng sớm càng tốt. Điều đó khiến mình luôn cảm thấy một sự căng thẳng gia tăng khi thấy bản thân không được bình an cho lắm. Giống như chuyện bé xé ra to. Nhưng bây giờ, mình đã hiểu ra được rằng những nỗi đau khổ, tiêu cực, hay những trạng thái nhận thức thấp xuất hiện đều có một giá trị quý báu đi kèm. Chúng là những lời nhắc nhở về tầm quan trọng và sức mạnh của sự kiên trì tu tập. Mỗi khi bồn chồn, lo âu hay sợ hãi nổi lên, mình bắt đầu xem đó là dấu hiệu của việc cần tinh tấn hơn nữa. Mình cảm thấy rằng chỉ cần xác định được một mục đích tích cực như vậy thôi là mình đã đem đến cho bản thân và những trạng thái yếu đuối kia một lối thoát, một cơ hội để được chuyển hóa.
Chuyện này cũng giống như khi một đứa bé mới tập đi, nó loạng choạng và chỉ chực té vấp. Nếu bạn là người lớn thì bạn chẳng bao giờ cười chê hay trách móc đứa trẻ khi nó như vậy cả. Bạn thấy đó là chuyện hết sức bình thường. Bạn khen ngợi, cổ vũ và tìm cách nâng đỡ em bé để nó có thể tiếp tục cuộc hành trình tập đi của mình một cách hiệu quả hơn. Vậy thì con người chúng ta cũng vậy, với hành trình trau dồi trí tuệ thì việc còn vấp váp vào những nỗi khổ đau, chán nản, giận dữ, tham lam, sợ hãi là chuyện rất bình thường. Chúng ta không cần trách móc, xấu hổ, day dứt và khắc nghiệt với chính mình, mà cần nhắc nhở bản thân hãy kiên trì hơn, tập trung hơn trong việc rèn luyện thân tâm và sẵn sàng đứng dậy bước tiếp sau những lần vấp ngã. Có lẽ, với những thiên thần, con người cũng không khác gì những đứa trẻ ngây thơ và non nớt vậy.
Có rất nhiều những trải nghiệm mình quan sát được xung quanh đều góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc tu tập, rèn luyện bản thân mỗi ngày. Không phải cứ đợi sóng gió ập đến rồi lúc đó chúng ta mới cuống cuồng đi chống đỡ cho ngôi nhà. Một người khôn ngoan là người biết xây một ngôi nhà vững chãi từ trước đó. Hay như chuyện một người chiến binh trước khi ra trận thì anh ta đã luôn rèn luyện trên thao trường mỗi ngày. Trận chiến xảy đến chỉ là phép thử để anh ta nhận biết được sự luyện tập của mình trước đó đạt hiệu quả đến đâu, anh ta còn thiếu sót và yếu kém ở chỗ nào. Nếu còn sống sót sau trận chiến trở về, anh ta sẽ tiếp tục rèn giũa và bù đắp những phần đó. Chứ không có chuyện một người không hề dành một ngày nào luyện tập thể lực võ nghệ mà bước vào một trận chiến lớn thì chẳng khác nào tự vẫn. Tất cả chúng ta đều luôn cần sẵn sàng bằng việc tu tập mỗi ngày, vì chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy tới.
Mình đã từng thấy những người gặp khủng hoảng rất lớn trong cuộc sống khiến sự giận dữ nổi lên cuồn cuộn, muốn làm những chuyện vô nhân tính. Nhưng đến lúc đó họ mới đi hỏi cách giải quyết là gì, trong khi cuộc khủng hoảng đó không phải là điều cần giải quyết, nó là một bài kiểm tra rằng bạn có chăm chỉ tu tập trước đó hay không, bạn có mài giũa mình mỗi ngày hay không. Nếu câu trả lời là Không thì bạn mặc định sẽ thi rớt và hành động sai lầm. Còn nếu bạn có tu tập thì có thể thi qua, dù không được hạng xuất sắc thì cũng ở hạng vớt vát hú hồn. Nhưng dù sao, nếu một người có sự tỉnh trí thì sẽ dốc lòng tu tập sau chướng ngại đó chứ không để bản thân tiếp tục buông thả lơ là. Terence McKenna đã từng nói:
“Không ai quá giác ngộ đến mức không cần phải cải tiến chính mình.”
Chắc hẳn các bạn cũng từng nghe và biết những câu chuyện rằng có những người khi còn trẻ thì ăn chơi chác táng, không chăm lo cho sức khỏe, sa vào trụy lạc phóng đãng. Khi đó họ còn có sức trẻ cân bằng lại. Nhưng đến khi về già, bệnh tật bắt đầu ập tới, chẳng có gì để chống đỡ nữa. Lúc đó, họ mới rục rịch đi tập thể dục, đi tìm các lối sống lành mạnh, v.v… Rất hiếm người có thể nhận thức được những điều tích cực ngay từ ban đầu mà không cần phải nếm trải những điều tiêu cực. Đây là một quy luật lớn của cuộc sống.
Trong Kinh thánh Cựu Ước cũng có kể chuyện rằng dân Ai Cập được tiên tri là có 7 năm được mùa, và sau đó sẽ là 7 năm mất mùa. Nên vua Pharaoh đã cho người cất thu hoa lợi trong 7 năm sung túc để phòng trừ cho lúc đói. Và khi nạn đói lan đến khắp xứ sở thì người Ai Cập không những còn đủ lương thực để sinh tồn mà còn bán được lương thực ra các vùng xung quanh, thậm chí còn thu về được rất nhiều nô lệ, vì những người kia quá đói phải bán thân để có được cái ăn.
Vừa xong là những câu chuyện khẳng định giá trị của việc tu tập và rèn thân mỗi ngày. Mình cho rằng không phải cứ khi cơm no áo ấm là chúng ta nên buông thả chơi bời, tiêu xài xa hoa cho đã. Cái no đủ tiện lợi là môi trường thuận lợi, là “đường phẳng” để một người tập trung tích lũy những giá trị nội tại, có thêm thời gian, nguồn lực để rèn thân và xây dựng những lối sống mới. Chứ nếu đợi đến khi gặp chao đảo biến động rồi mới hoảng loạn tìm lối thoát, nước đến chân mới nhảy, thì lúc đó cũng đã muộn vì trước kia, chúng ta đã tiêu xài cơ hội luyện tập mà vũ trụ trao ban một cách hoang phí.
Tuy nhiên, dù muộn màng sau nhiều lần vấp ngã, có người thì tỉnh ngộ để dốc lòng cải thiện lối sống và chất lượng bản thân. Đây là một tín hiệu quay đầu hướng thiện, thường được gọi là “cải tà quy chính.” Nhưng cũng có người thì cứ mắc một sai lầm liên tiếp, chịu một nỗi đau lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến hết đời mà không nhìn thấy được thông điệp của nó, hay thậm chí chưa từng một lần muốn được nhìn thấy thông điệp. Rốt cuộc, thay vì bắt đầu tập sống vô tư cởi mở, thì một người lại xây những hàng rào phòng thủ để bảo toàn sự sợ hãi. Thay vì tập yêu thương tha thứ, thì một người lại càng tính toán và khắc nghiệt với bản thân hay mọi người để kiểm soát mối quan hệ theo ý cá nhân. Thay vì tập sống giản dị bớt các nhu cầu không cần thiết, một người lại càng ra sức kiếm tiền bằng các mánh lới phức tạp để hòng có sự giàu có hoặc tỏ vẻ hào nhoáng để che lấp đi cảm giác nghèo đói bên trong mình.
Theo mình, những người đã nhìn thấy chân giá trị của khổ đau và bất hạnh trong cuộc sống thì sẽ không còn bị nô lệ bởi nó vì họ đã bước sang một thực tại mới của trí tuệ rộng mở. Không một nỗi đau hay khó khăn nào có thể làm phiền người đó được nữa, khi họ đã không còn nhìn chúng như một sự phiền nhiễu, mà như một lời nhắc đanh thép về điều quý giá mà họ đang rất cần, chính là sự tinh tấn hướng thiện. Vậy chẳng phải người đó đã được giải thoát khỏi mọi thực tại tiêu cực và bất an hay sao, được thường trực sống trong những giá trị cao quý nuôi dưỡng tâm hồn hay sao? Tóm lại theo mình thì một người đi qua những nỗi thống khổ không phải bằng cách đấu tranh, phủ nhận hay đè nén nó, mà bằng cách nỗ lực rèn luyện bản thân, tập trung nhìn vào những điều vĩ đại hơn cả những điều thống khổ ấy.
> Khổ đau là kho báu
Tác giả: Vũ Thanh Hòa