Uống một ly trà, ngắm nhìn mây bay lang thang đầu núi, vào rừng hít thở bầu không khí trong lành, cùng những người bạn đi cắm trại picnic ven hồ, trồng một ít cây rau và hoa đằng sau nhà,… những hoạt động này thật thư giãn, dễ chịu biết nhường nào. Nhưng rất tiếc, nó chưa đủ để được gọi là chữa lành, dù về thể chất hay tinh thần. Nó chỉ được coi là các hình thức xoa dịu tạm thời khi những vấn đề về thói quen và tư tưởng bên trong một người chưa được xử lý.
Các bạn hãy tưởng tượng mà xem, khi bạn bị nhiễm độc, bạn có cần được xoa dịu vuốt ve không? Có chứ. Nhưng nếu chỉ vuốt ve thôi thì bạn không hết độc được. Việc ưu tiên hơn cần làm đó là đào thải được độc tố ra ngoài. Ho, đi ngoài, nôn ói, nổi mụn, hay thực hiện các biện pháp thải độc nhân tạo,… Giống như khi thấy đứa con nhỏ đau khóc, người mẹ không chỉ ôm ấp và trấn an em bé, mà trong khi đó, bà cố gắng tìm ra đâu là nguyên nhân của sự bất ổn của con. Có thể là em bé bị giật mình vì tiếng động lạ, em bé bị cảm cúm, sốt mọc răng, hay nuốt phải vật lạ,… Từ đó, người mẹ có thể ứng phó kịp thời để cân bằng mọi chuyện.
Khi còn nhỏ, chúng ta có bố mẹ quan sát và chăm lo. Nhưng khi càng lớn, xa rời ánh mắt của mẹ cha, chúng ta không có sự coi sóc nào dành cho chính mình nữa và cũng không có ai dạy ta tự làm việc đó. Theo thời gian, mọi chuyện dần bớt tốt đẹp mà chuyển sang hướng tồi tệ. Cơ thể vật lý và tinh thần của chúng ta càng ngày càng tích trữ nhiều độc hại, những giờ khắc trưởng thành của ta không được định hướng, những dòng năng lượng không được chuyển hóa thành các nhân tố tích cực. Đến một ngày giật mình nhìn lại bắt đầu hành trình chữa lành, bắt đầu học cách tự làm cha làm mẹ cho chính mình, thì chúng ta lại phải đối mặt với một cơ thể kiệt quệ, một nhân cách méo mó và một ngọn núi thử thách to lớn những việc đúng đắn cần làm mà trước đó ta đã không quen làm. Khi đối mặt với quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, áp lực sẽ rất lớn. Nhiều người bị sốc khi bắt đầu nhìn lại chính mình hay có ai đó chỉ ra những đen tối bên trong họ.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy thời đại này đa phần con người là yếu đuối, cả về thể xác và tinh thần. Vì sao lại như vậy? Vì nó là quy luật tự nhiên. Có câu rằng “Thời xấu tạo ra người mạnh, người mạnh tạo ra thời tốt, thời tốt tạo ra người yếu, người yếu tạo ra thời xấu.” Thời đại ngày nay không chiến tranh, thức ăn quần áo dư thừa, các hình thức giải trí dễ dàng được tìm thấy trong lòng bàn tay, cơ hội việc làm và các hình thức kinh doanh nhiều vô số kể. Nhưng! Có một cái nhưng đó là môi trường sống bị hủy hoại, thức ăn nhiễm độc hóa chất, bầu không khí, nguồn nước và nguồn đất ô nhiễm, con người không biết tu tập mà chạy theo khoái lạc và chủ nghĩa duy vật,…
Nhìn lại những thế hệ trước, ông bà chúng ta cả đời chân lấm tay bùn, sáng củ khoai, tối canh rau muống và cơm cá kho, chẳng biết điện thoại, mạng xã hội, phim “heo” là cái gì. Họ mạnh khỏe, trường thọ. Còn thời nay vật chất dư dả, nhưng có người mới thanh xuân đã ung thư, tiểu đường, huyết áp, trầm cảm,… Trong thời đại ngày nay, sự giàu có đích thực đang bị đánh mất, đó là sự trù phú của thiên nhiên, sức khỏe và đức hạnh của con người.
Quay lại với câu chuyện nhiễm độc cơ thể vật lý, trước khi được tống ra ngoài, những chất độc ấy đã lưu trú đâu đó bên trong người bạn. Trường năng lượng tâm linh của bạn cũng không khác gì. Tâm hồn bạn cũng phải chịu đựng những thứ không kém chất thải của cơ thể. Chúng sẽ được biểu hiện ở hành vi tư thế của bạn, ở lời ăn tiếng nói và các mối quan hệ và đời sống thường ngày của bạn. Trong Kinh Thánh có nói về 7 tội lỗi và 7 đức hạnh. Người mạnh khỏe thì sẽ có đức hạnh (khiêm nhường, rộng rãi, trong sạch, tiết độ, yêu thương, siêng năng), còn người yếu đuối sẽ biểu hiện ra cuộc sống tội lỗi (kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, nóng giận, tham ăn, ghen ghét và lười biếng). Trước khi bạn nhận ra được rung động tiêu cực này, chúng đã điều hành cuộc sống của bạn rất lâu rồi.
Hàng ngày, cơ thể vật lý và cơ thể tâm linh của mỗi người sẽ tự động đào thải những độc tố ra ngoài. Nó đang tự tìm cách cân bằng và chữa lành cho chính mình. Nhưng không phải ai trong số chúng ta cũng tập luyện quan sát lắng nghe mỗi ngày để quá trình chữa lành ấy được diễn ra thuận lợi. “Tôi bận lắm, thời gian đâu ra mà lắng nghe cơ thể.” “Tôi còn phải đi làm kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền rồi mới rảnh được.” “Thân tâm gì vớ vẩn, mấy cái chữa lành chẳng đáng quan tâm.” Nhưng trớ trêu thay, cuối cùng khi bạn đã rảnh rỗi ngồi trong nhà lầu xe hơi rồi thì tiền bạc và thời gian đó cũng để mua những toa thuốc, mua giường bệnh, mua những cuộc phẫu thuật đau đớn. Còn đối với tinh thần và tâm linh thì rất rất nhiều tiền cũng không mua được một người bạn trung thành, một gia đình hòa thuận hay một tâm hồn trong sạch thanh thản.
“Nếu một người được cả thế giới mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy chi để đổi linh hồn mình lại?” – Đức Giê-su, Matthew 16:26
Người khôn ngoan thì biết hy sinh khoái lạc ngắn hạn để được phúc lạc lâu dài. Còn người khờ dại thì ngược lại, hy sinh phúc lạc đời đời để hưởng thụ khoái lạc trong phút chốc.
Vì chữa lành là việc không dễ chịu gì nên nó không dành cho những người yếu đuối hay vẫn muốn tiếp tục duy trì sự yếu đuối. Roi vọt của sự chữa lành thực sự sẽ động tới cái tôi hay gây rắc rối, động tới những thói hư in sâu thành nếp không muốn từ bỏ, và động tới sức ỳ ngại thay đổi và học hỏi. Vì thế nhiều người trong số chúng ta mới lẩn trốn việc nhìn lại bản thân và cố gắng gọi tên những hình thức giải trí êm dịu bên ngoài là chữa lành đích thực.
“Chúng ta đã lên được mặt trăng, vẽ được biểu đồ độ sâu của đại dương và hạt nhân của nguyên tử. Nhưng chúng ta vẫn còn sợ hãi nhìn vào nội tâm chính mình vì chúng ta cảm nhận được đó là nơi mọi mâu thuẫn tồn tại.” – Terence McKenna
Nếu trong quá trình chữa lành, bạn đòi hỏi sự dễ chịu dễ dàng, thì có lẽ bạn đang cần thêm thái độ tinh tấn của Ngộ Tịnh hoặc cần thêm cặp mắt thấu rõ sự thật của Ngộ Không. Sự thật là chữa lành không dễ dàng nếu không nói là nó rất khốc liệt. Có những độc tố đã ăn sâu vào cốt tủy, có những thói quen tiêu cực đã lặp đi lặp lại từ nhiều đời nhiều kiếp mà một người tu tập chân chính phải rất cố gắng để có thể được làm sạch. Một khi con đường đã bắt đầu với ý chí bền bỉ thì cái thân và cái tâm yếu đuối vốn được nuông chiều trước kia nay sẽ được ánh sáng kỷ luật và quy phục chiếu rọi. Nó sẽ mang đến sức mạnh, sự dẻo dai, đức hạnh, niềm hạnh phúc và năng lượng dồi dào.
Cuộc sống vốn rất công bằng và nhiệm mầu. Nếu bạn muốn hưởng dễ chịu, bạn sẽ được như ý, được ban cho một thân xác và một tinh thần không chịu được áp lực. Và nếu không chịu được áp lực thì đồng nghĩa bạn đang ước mình trở nên một người yếu ớt, kém giá trị, không được đánh giá cao trong đời sống. Ngược lại, nếu bạn muốn có sức khỏe và sức mạnh tinh thần, bạn sẽ được toại nguyện vì cuộc đời sẽ ban cho một ý chí bền bỉ và những sự cổ vũ cần thiết trên cuộc hành trình. Bạn sẽ được chúc phúc để trở nên một người mạnh mẽ, có phẩm chất và thành đạt trong đời. Những gì bạn ao ước sẽ định hình con người bạn. Những gì bạn nói với chính mình bằng ý thức sẽ được tiềm thức tạo thành một thực tại rõ ràng.
Mình đã từng nghe câu chuyện cuộc đời của những người bệnh nan y, bệnh mãn tính đã dám thay đổi hoàn toàn lối sống và tư tưởng của mình. Rồi dần dà theo thời gian, họ được chữa lành. Những người đó đã lựa chọn sức khỏe. Với lựa chọn đó, họ đã không hề trải qua sự dễ chịu, khi phải vừa mang bệnh tật trong người vừa phải bắt đầu thay đổi thói quen, vừa phải nhìn đống chất độc bên trong người được thải ra rất kinh tởm, vừa phải vượt qua những định kiến nghi kỵ về con đường mình bước đi,…
Người xưa đã có câu: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng.” Sửa thân đã khó sửa tâm còn khó hơn bội lần. Người tu tập tâm linh thì không chỉ sửa lối ăn ở sinh hoạt hàng ngày, mà còn phải sửa chữa cái tâm loạn động bất kham, kiêu căng ngã mạn, tham sân si chồng chất bên trong nữa. Mỗi lần chữa lành là một lần đối mặt với những nghịch duyên bực bội, hay những khổ đau khó chịu dồn nén,… Mỗi lần chữa lành là một lần phải đưa ra sự khẳng định con người nào mình muốn trở thành. Để rồi càng về sau, chúng ta sẽ càng nhận ra rằng chữa lành không phải là để dễ chịu, mà là đó là việc cần làm cho sự tiến hóa.
“Hỡi Arjuna, hãy bình thản làm tròn bổn phận của mình sau khi dứt bỏ mọi ý nghĩ về thắng hay bại. Sự bình thản này được gọi là yoga. Dhanañjaya ơi, hãy chấm dứt mọi việc làm tội lỗi nhờ sự phục vụ tận tụy, và hãy hiến mình cho Đấng Tối Cao trong tâm thức đó. Chỉ những kẻ bần tiện mới muốn hưởng thành quả lao động của mình.” – Đức Krishna, Chí Tôn Ca (2:48,49)
“Hãy chiến đấu để làm tròn bổn phận của mình và đừng nghĩ tới sướng khổ, được mất, thắng bại. Khi hành động như thế, ngươi sẽ chẳng bao giờ phạm tội.” – Đức Krishna, Chí Tôn Ca (2:38)
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Artwork: Cameron Gray