Điện ảnh bom tấn Hollywood đang ở trong kỉ nguyên của các siêu anh hùng. Với sự khởi đầu vô cùng thành công của Iron Man (2008) cách đây 8 năm, Hollywood đã nhanh chóng nhận ra cơ hội vàng để có thể gặt hái được những thành công khổng lồ về mặt doanh thu nhờ những siêu anh hùng, vốn chỉ xuất hiện trong truyện tranh. Ngay lập tức, Marvel studios đã xây dựng một kế hoạch chi tiết và rõ ràng về một Vũ trụ Điện Ảnh Marvel (MCU) để dần dần hiện thực hoá những giấc mơ của con người được thấy “những siêu anh hùng bằng xương bằng thịt”. Chia làm 3 giai đoạn từ 2008-2019, mỗi năm Marvel studios cho ra đời trung bình hai bộ phim. Tình đến thời điểm này, giai đoạn hai đã kết thúc với bộ phim The Avengers: Age of Ultron. Giai đoạn ba khởi đầu bằng bộ phim mới nhất Captain America: Civil War. Những tưởng với tốc độ làm phim nhanh như vậy, những ý tưởng sẽ dần trở nên đơn điệu và nhàm chán, khi mà The Avengers: Age of Ultron đã không thực sự thành công cả về mặt thương mại lẫn chất lượng nghệ thuật. Thì Captain America: Civil War lại mang đến sự tươi mới, hấp dẫn hơn, giàu ý tưởng hơn, có chiều sâu và đặc biệt là một kịch bản rất chỉn chu, gọn gàng và thông minh.
Là sự nối tiếp của cả The Avengers 2, cũng như Captain America: Winter Soldier, Captain America: Civil War không còn đơn thuần là một bộ phim riêng về gã Siêu Anh Hùng Captain America, mà còn là câu chuyện của Avengers phải đối diện với thử thách mới khi những việc làm của họ, mặc dù để cứu thế giới, nhưng khiến nhiều người hoài nghi. Vì những hành động đó gây ra quá nhiều thiệt hại về người và của tại những nơi mà họ hiện diện. Với thế mạnh là xây dựng một vũ trụ điện ảnh thống nhất, những siêu anh hùng của Marvel đã trở nên quen thuộc. Khán giả có thể theo dõi diễn biến tâm lý, hành trình của mỗi người trong suốt nhiều 8 năm với 12 bộ phim đã ra mắt. Chính vì vậy, ở Captain America phần 3, tâm lý nhân vật được phát triển một cách vô cùng hợp lý để xung đột giữa những người anh hùng đã luôn sát cánh bên nhau xảy ra như một điều tất yếu. Vì ở họ, lý tưởng là chung nhất nhưng cách thức hành động có nhiều khác biệt. Đặc biệt là giữa Captain America và Iron Man. Sự khác biệt càng trở nên nổi bật khi họ phải lựa chọn giữa làm theo chính nghĩa của chính mình, hoặc làm an lòng những người dân vô tội, đôi khi bị chết oan uổng vì những gì mà các Siêu Anh Hùng nhân danh chính nghĩa hành động.
Sự tổn thương của con người trong những hoạt động chống lại cái ác của The Avengers đã lên đến đỉnh điểm. Những người dân bính thường sợ rằng, đến một lúc nào đó, nếu không được kiểm soát The Avengers sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Chính vì vậy, hiệp định Sokovia ra đời sau sự kiện The Avengers: Age of Ultron, như một thái độ cần có của thế giới bình thường đối với những siêu anh hùng. Sokovia yêu cầu The Avengers khi muốn hoạt động ở bất kì nước nào, cũng cần phải có sự chấp thuận của chính quyền nước đó. Hiệp định đó nhằm kiểm soát sự tự do “tự tung tự tác” của The Avengers, nó dường như không quá gây khó dễ. Nhưng tại sao có những siêu anh hùng đồng ý kí vào hiệp định, nhưng cũng có những người không đồng ý?
Sau giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của MCU, tâm lý nhân vật đã được xây dựng một cách đầy đủ và rõ ràng. Những thay đổi tâm lý là điều đã và đang diễn ra trong cách những người hùng hành động để bảo vệ thế giới. Nếu Steve Rogers (Captain America – do Chris Evans thủ vai) xuất phát điểm là một người lính, luôn tuân thủ mệnh lệnh, và phục vụ tổ quốc dưới danh nghĩa một quân nhân, thì anh đã nhận ra những bê bối của chính phủ, tầng lớp lãnh đạo, chính quyền. Lý do đó khiến anh không muốn bị áp chế về mặt hành động bởi bất kì một hiệp định nào. Điều đó sẽ gây khó dễ cho anh trong việc muốn tiếp cận 1 mục tiêu xấu và tiêu diệt nó. Ngược với Tony Starks (Robert Downey Jr.), anh luôn cảm thấy chính mình là lý do gây ra sự kiện thảm hoạ Ultron, khiến nhiều người chết. Sự dằn vặt trong anh, khiến anh tin rằng một hiệp định ràng buộc The Avengers là hợp lý.
Captain America: Civil War dựa vào hai luồng tư tưởng đó, để đẩy thành kịch tính, khiến The Avengers bị phân tán, và xảy ra một cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn. Tâm điểm của cuộc nội chiến chính là Bucky (Winter Soldier), bạn thân của Captain America. Xuất hiện trong phần 2 của loạt phim về Captain America, Bucky là một siêu chiến binh đã bị tẩy não. Từ bạn thân, anh chuyển thành kẻ thù chính của Captain America. Tuy nhiên, đến cuối cùng anh đã có thể nhớ lại toàn bộ, và trở về thành một công dân bình thường. Nhưng đối với thế giới, Bucky luôn là một mối đe doạ. Chính vì vậy, anh là điểm yếu nhất của The Avengers, nơi mà kẻ thù có thể lợi dụng hòng chia rẽ nội bộ.
Nắm được đặc điểm này, kịch bản của bộ phim đã biết tận dụng và phát triển rất thông minh. Bucky bị lợi dụng. Anh bị nghi ngờ trong một vụ việc đánh bom nghiêm trọng vào cuộc họp của nguyên thủ các quốc gia nhằm công bố hiệp định Sokovia. Sự truy đuổi của chính phủ khiến Captain America phải chọn lựa niềm tin để theo đuổi. Anh tin tưởng bạn thân của mình. Anh đã sẵn sàng chống lại chính phủ và Iron Man vì điều này. Một trận chiến diễn ra, những người trong cùng một nhà đã phải chiến đấu với nhau vì những con đường riêng mà mỗi người chọn. Điều này ghi nhận cách xây dựng khôn ngoan nhân vật phản diện Zemo (Daniel Brühl). Zemo đầy bí ẩn và khôn khéo, trong lòng đầy hận thù nhưng rất thông minh để biến cuộc đối đầu trực tiếp của mình với các siêu anh hùng, thành một cuộc tương tàn trong nội bộ. Zemo là một nhân vật gây bất ngờ, tạo bất ngờ. Một dạng nhân vật rất hiểu quả để khiến câu chuyện kết thúc hợp lý, không lan man, và không quá khoa trương.
Mặc dù có rất nhiều nhân vật, mà bản thân mỗi nhân vật đều có khả năng cầm trịch màn ảnh, nhưng không vì thế mà bộ phim không khéo léo xử lý để họ xuất hiện vừa đủ. Vừa đủ cho khán giả hiểu, vừa đủ để họ thể hiện tâm tư tình cảm của mình đối với sự kiện đang diễn ra. Vừa đủ để mỗi nhân vật bộc lộ được mình. Đặc biệt là sự xuất hiện của hai siêu anh hùng mới: Spider Man (Tom Holland) và Black Panther (Chadwick Boseman). Đấy chắc hẳn là những điểm nhấn rất đáng kể của Captain america phần 3. Những gia vị đậm đà, khiến bộ phim linh hoạt và hấp dẫn hơn rất nhiều. Một sự khởi đầu thuận lợi để những bộ phim riêng về hai siêu anh hùng này có chỗ đứng riêng trong vài năm sắp tới.
Với một kịch bản thông mình, và dàn diễn viên vẫn luôn xuất sắc trong từng vai diễn mà họ tham gia dù cũ hay mới, Captain America: Civil War quả thực là màn khởi động vô cùng tốt đẹp cho giai đoạn phát triển thứ 3 của MCU. Nó chính tỏ rằng mặc dù phim về siêu anh hùng đang tràn ngập màn ảnh rộng, nhưng sức hấp dẫn vẫn còn rất mãnh liệt. Hollywood nói chung và Marvel Studios nói riêng đang tạo nên một thương hiệu hái ra tiền, và họ sẽ chưa dừng lại. Dù cho thị trường phim về siêu anh hùng có bão hoà đi chăng nữa. Vì điều quan trọng nhất bao gồm những yếu tố như sự tươi mới, tính logic, và cốt truyện gốc được đầu tư kĩ càng, sẽ luôn luôn giúp cho thị trường này giữ được lượng rất lớn độc giả trung thành, những người đã một thời xây mê truyện tranh, và những người luôn say mê yếu tố siêu anh hùng, vốn dĩ là giấc mơ mong cầu một thế giới tốt đẹp hơn của nhân loại.