Richard Linklater là một trong những đạo diễn đáng được nêu tên nhất của thế kỷ XX, là đạo diễn nổi tiếng với cách sử dụng lời thoại chân thật để kể những câu chuyện mang tính gần gũi, mộc mạc với các nhân vật đầy cá tính và có một nét rất đời thường. Linklater đã gặt hái được những thành công nhất định trong sự nghiệp làm phim. Đơn cử có thể kể đến những tác phẩm như Dazed and Confused, Slacker, Waking Sky (với đề tài mơ thực – lucid dream), bộ ba phim Before. Mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn rất riêng của Linklater, có đông đảo người hâm mộ, đặc biệt là đối với những người có thói quen suy ngẫm chiêm nghiệm trước những biến chuyển trong dòng chảy cuộc sống.
Năm 2002, Richard Linklater quyết định thực hiện một dự án với thời gian kéo dài mười hai năm, sao này mang tên gọi Boyhood (Thời niên thiếu). Bộ phim theo chân cuộc đời của một cậu bé từ lúc sáu tuổi cho đến mười tám tuổi, sử dụng cùng các diễn viên từ năm 2002 đến năm 2013 để diễn các cảnh đời sống thường ngày tương ứng với khoảng thời gian trong phim. Boyhood là một trong các dự án tham vọng nhất trong lịch sử điện ảnh, tương tự như series phim tài liệu Up của đài ITV kể về cuộc đời của 14 đứa trẻ tại nước Anh từ năm 1964 (Seven Up!), cứ mỗi 7 năm một tập phim với phần phim mới nhất là năm 2019 – 63 Up; hay tại Nhật Bản, series Mùa tuyết tan đã kéo dài tới 21 năm, từ 1981 đến 2002.
Linklater luôn liều lĩnh song nhất quán trong những quyết định của mình. Ông đã chắc chắn và tính toán kỹ lưỡng về những chi phí, thời gian cụ thể để quay các cảnh phim qua từng năm tháng để tránh có cản trở xảy ra trong suốt mười hai năm ròng rã ấy. Dàn diễn viên đã không ký hợp đồng chính thức vì theo như luật De Havilland, một hợp đồng lao động không được kéo dài quá 7 năm. Thậm chí, Linklater và Ethan Hawke (thủ vai người bố trong bộ phim) đã ký hợp đồng rằng nếu có bất trắc gì xảy ra với ông, Hawke sẽ là người đảm nhiệm vị trí đạo diễn để tiếp nối dự án. Diễn viên thủ vai nhân vật chính cậu bé Mason là Ellar Coltrane cũng đã được chọn lọc kỹ về tính cách, ngoại hình và đặc biệt là khả năng diễn xuất tự nhiên để làm ứng cử viên xứng đáng nhất cho hơn một thập kỷ về cuộc sống thời niên thiếu ở Austin, bang Texas nước Mỹ.
Boyhood được quay bằng ống kính 35mm để tạo sự nhất quán xuyên suốt các giai đoạn trong bộ phim, song từng phân đoạn có một chất riêng để ta nhận ra đó là năm bao nhiêu. Những sự kiện, đồ vật xuất hiện trong phim đều dễ dàng cho ta thấy cái nhìn toàn cảnh xã hội thời ấy; sự biến chuyển công nghệ, tình hình chính trị, đặc biệt là xu hướng văn hóa. Nhưng điều quan trọng hơn cả là chuyển biến các nhân vật. Chỉ khi nắm bắt tâm lý các nhân vật và sự thay đổi tâm thế của họ một cách từ tốn qua góc nhìn khách quan, ta mới thấy được bề sâu tâm hồn.
Suốt cuộc đời, con người luôn kiếm tìm một cái gì đó, luôn có một đích đến nào đó ta đặt ra và coi đó là lẽ sống duy nhất của mình. Sai lầm lớn nhất của ta là việc không biết sống chậm lại, để trân trọng mỗi khoảnh khắc như vàng ngọc, mang lại ý nghĩa cho từng phút giây trôi qua. Đó cũng chính là quan điểm của Linklater khi thực hiện Boyhood: Cuộc đời của con người là tập hợp của những lúc buồn, lúc vui, lúc yêu, lúc ghét. Nhưng nó cũng phẳng lặng một cách kỳ lạ. Đối với một số người, Boyhood có lẽ sẽ là một tác phẩm chán chường vì nó không phải là một bộ phim với những trường đoạn với các tình tiết gay cấn. Trái lại, với những khán giả thực sự quan tâm đến nhân vật trong phim, tiết tấu của phim luôn được giữ ở mức ổn định; không quá nhanh hay quá chậm.
Từng trường đoạn qua năm tháng đều có những khoảng lặng nhất định để người xem chiêm nghiệm. Người xem được đưa vào thế giới quan của Mason, đi theo chân cậu từ ngày đầu tiên đến trường, rồi gặp những bè bạn mới, những biến cố trong cuộc sống. Lần đầu tiên cậu biết thế nào là yêu, thế nào là giận hờn, thế nào là vấp ngã và tuyệt vọng. Ta thấy lần đầu tiên Mason có cảm xúc với người khác giới. Ta thấy nếp nhăn dần hiện lên trên khuôn mặt của những bậc làm cha làm mẹ. Ta thấy tâm tính của Mason thay đổi. Ta thấy thế giới quanh Mason thay đổi, với những người đến và đi trong cuộc đời.
Triết lý làm phim mang phần nhân sinh của Linklater trong Boyhood gần với của cố đạo diễn người Nhật Bản Yasujiro Ozu hơn bao giờ hết. Những cảnh phim tĩnh lặng như các bức tranh sơn dầu trong cả Boyhood và những tác phẩm kinh điển của Ozu như Tokyo Story, Early Summer đều thoạt vẻ chán chường, nhưng lại là những bước đệm dành cho người xem chiêm nghiệm, suy tư; nó là những khoảng lặng vô can trong dòng chảy xúc cảm của bộ phim trong từng phút giây, tồn tại chỉ để tồn tại, trong toàn bộ vẻ đẹp thanh khiết vĩnh cửu vốn có.
“Ta nắm bắt khoảnh khắc, nhưng khoảnh khắc cũng nắm bắt ta.”
Từ trước đến nay, cuộc sống và điện ảnh luôn phản ánh lẫn nhau, luôn bổ trợ lẫn nhau. Boyhood nằm giữa ranh giới của chúng: Nó là cuộc đời của một con người qua ống kính. Mười hai năm của cuộc đời như một cơn gió thoảng. Mười hai năm, Ellar Coltrane (và toàn thể đoàn làm phim) đã thực sự lớn lên cùng với nhân vật vậy. Cuối phim, Mason đã đủ chín chắn để lựa chọn hướng đi của mình trong cuộc sống và đưa ra những quyết định cho bản thân; cậu đã tìm thấy đam mê đối với nhiếp ảnh và bước sang trang mới của cuộc đời với những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng những mối quan hệ trong môi trường trưởng thành hơn.
Boyhood đã nhận được nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ khác nhau, trong đó có giải BAFTA cho phim hay nhất, giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, và giải Quả cầu vàng cho phim chính kịch hay nhất. Boyhood không chỉ còn là một tác phẩm điện ảnh đơn thuần mà còn là một trải nghiệm bất cứ ai cũng cần có ít nhất một lần trong cuộc đời. Nó là sự chiêm nghiệm, ngắm nhìn từng bức tranh đi ngang qua trong cuộc sống sử dụng nghệ thuật để tô điểm thêm cho những khoảnh khắc tưởng chừng như không có gì mà đặc biệt và đáng trân quý đến lạ thường.
Tác giả: Minh Tu Le