bo-duoc-ca-chua-mo-duoc-tiem-com-bat-duoc-nap-chai-mo-duoc-quan-nhau

Bổ được cà chua Mở được tiệm cơm – Bật được nắp chai Mở được quán nhậu

Không phải ngẫu nhiên mà  “Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm; Bật được nắp chai, mở được quán nhậu” trở thành chuyên mục ăn khách của tạp chí Nikkei Restaurent. “Vị thần quán nhậu Nhật Bản” Uno Takashi, bằng lối dẫn dắt chân tình, dễ hiểu đã tóm lược các kinh nghiệm quý báu giúp ông thành công – những bí quyết mà “bố già” (theo cách gọi của các nhân viên) chẳng bao giờ ngại chia sẻ với nhân viên hay độc giả mong muốn tích lũy kỹ năng trong lĩnh vực dịch vụ.

  • Review Sinh Ra Là Một Bản Thể Đừng Chết Như Một Bản Sao
  • Hờn Cả Thế Giới – Chung Sống Với Thế Giới Này Bằng Cách Ghét Nó
  • Tóm tắt & Review tản văn Thương Nhau Chung Một Mái Nhà

Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm; Bật được nắp chai, mở được quán nhậu

“Hãy đặt mình ở vị trí khách hàng để suy nghĩ” là triết lí kinh doanh tưởng chừng như quen thuộc với bất kì ngành nghề dịch vụ nào. Xuyên suốt cuốn sách, Uno Takashi đã dành cả tâm huyết của mình để nâng tầm tôn chỉ ấy: không phải chỉ là “khách hàng”, bất kể ai ở trước mặt chúng ta đều là “khách hàng”; và hơn hết, chính là “bản thân mình”, “suy nghĩ xem quán như thế nào thì mình cảm thấy vui vẻ”.

Ở chương thứ nhất, tác giả khẳng định Không quán nào không có lãi. Thông thường khi bắt đầu kinh doanh, bất kể ai cũng chú ý tới các khái niệm như Doanh thu – Chi phí – Lợi nhuận hay Thời gian hoàn vốn. Ở đây, Takashi đặt ra một quy chuẩn mới: “Không có chuyện bạn bị lỗ, mà chỉ là do bạn làm lỗ”. Nhẹ nhàng nhưng sắc bén, đây chính là điều mà “bố già” muốn dạy cho các nhân viên của mình. Để làm rõ quan điểm này, tác giả đưa ra vô vàn dẫn chứng từ chính trải nghiệm của bản thân. Đó có thể là cảm nhận của cậu sinh viên Uno Takashi những năm 60 về quán ăn quen,  để rồi từ đó ông nhen nhóm ý tưởng dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh ẩm thực nhiều cạnh tranh. Hay cũng có thể là vài quan sát nhỏ nhặt từ các hàng quán ông từng ghé qua để suy xét, ghi nhớ và rút ra kinh nghiệm. Đối với Takashi, trước khi mở quán cho riêng mình, “Phải đến các quán bán hàng thật” là hết sức cần thiết. Vậy làm sao để không làm lỗ? Bạn không cần áp lực phải kinh doanh lớn, làm cái mới, đừng ngại học hỏi từ những “quán bán hàng thật”, và hơn hết là phải đối đãi sao cho khách hàng cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Chi tiết dẫn chứng cũng như cách giải quyết tình huống được “bố” tâm sự, xin để dành độc giả tự trải nghiệm và suy ngẫm. Đúc kết lại những câu chuyện từ chính cuộc đời tác giả, bạn đọc sẽ thấy được hai nguồn vốn quan trọng khi khởi sự buôn bán: Vốn tài chính phù hợp và Vốn kinh nghiệm bản thân tích lũy được.

Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm; Bật được nắp chai, mở được quán nhậu

Chuỗi quán nhậu của Uno Takashi đặc biệt luôn khuyến khích nhân viên tới học nghề, tốt nghiệp, sau đó xây dựng thương hiệu riêng. Không trường lớp, không lý thuyết, bao thế hệ đã thành công nhờ phong cách giảng dạy kèm thực hành tại chỗ của “bố”. Như chính cách tác giả tạo động lực cho “các con” của mình, hai chương tiếp theo của cuốn sách là những kinh nghiệm chọn địa điểm và lên thực đơn cho quán. Đối với hai chương kế tiếp, hẳn bạn đọc sẽ bị cuốn hút bởi tiêu đề “Hãy mở quán ở những nơi vắng người qua lại”“Không nấu ăn ngon vẫn có thể xây dựng thực đơn đắt khách”.

Trước tiên, cùng nhìn lại điểm khởi đầu của Takashi cũng như các học trò của ông: tất cả đều bắt đầu kinh doanh từ những quán ăn quy mô nhỏ. Đây có thể là bất lợi cạnh tranh so với các thương hiệu lớn, nhưng cũng mang không ít lợi thế – về Vốn tài chính và Vốn kinh nghiệm như đã nêu trên. Rõ ràng, quán nhỏ nghĩa là chi phí ít hơn, nguyên liệu không cần phải lưu trữ nhiều nên sẽ tươi ngon hơn, và cũng dễ quản lí hơn. Nếu như nguồn vốn không cho phép bạn chọn địa điểm ở con phố trung tâm sầm uất thì cũng không phải là vấn đề lớn. Đương nhiên, tác giả không đồng tình với việc mở quán ở bất kỳ địa điểm nào theo kiểu nhắm mắt chọn đại bởi đã có một số địa điểm tối kị được liệt kê trong chương. Nhưng đối với ông, một quán nhậu ở nơi vắng người qua lại sẽ là động lực để người chủ luôn sáng tạo ra chiến lược bán hàng hút khách. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, dù quán lớn hay nhỏ, vị trí hấp dẫn hay không, chất lượng dịch vụ và cách đối xử với khách hàng chân thành như với “bản thân mình” vẫn là tối quan trọng. Như thế, chủ quán có thể tận dụng bất lợi của quán mình để quảng cáo, khách hàng nếu hài lòng với dịch vụ có thể giới thiệu với bạn bè rằng “Ở nơi thế này mà có cái quán thế này này…” Ngoài ra, bên cạnh dẫn chứng kinh nghiệm tiếp đãi khách hàng,Takashi cũng không ngại chia sẻ một số hướng dẫn nho nhỏ khi làm việc với văn phòng bất động sản để tìm địa điểm kinh doanh.

Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm; Bật được nắp chai, mở được quán nhậu

Vậy còn thực đơn thì sao? “Bố già” không từ chối ứng viên nào muốn học việc tại chuỗi quán nhậu của mình, dù họ có khả năng nấu nướng tốt hay không. Kể cả khi họ đã làm riêng, ông vẫn ghé qua làm khách để thử cảm nhận và chân thành góp ý cho quán. Đối với tác giả, quán nhậu bình dân thành công không phải ở danh tiếng đầu bếp xuất sắc mà cách viết thực đơn sao cho thu hút, tạo “món ăn thương hiệu” riêng của quán và cả cách bạn mang thực đơn cho khách mới là điều cần chú ý. Trong suốt cuộc đời kinh doanh, hiển nhiên Takashi đã có lúc bỡ ngỡ và thất bại, học trò của ông mở quán riêng cũng vậy. Tiếp tục dẫn các ví dụ từ cuộc sống cũng như mô hình kinh doanh của một số nhân viên cũ, cuốn sách lại chỉ ra những cách thức làm hài lòng khách hàng, dù cho quán chỉ phục vụ vài món ăn cơ bản.

“Làm hài lòng khách hàng là chuyện nhỏ”; “Nếu muốn “bán hàng”, hàng hóa sẽ bán chạy”.

Hai chương cuối sách là những phân tích sâu hơn về chiến lược bán hàng, cũng vẫn dựa trên các tình huống thực tế của Uno Takashi. Những kinh nghiệm sắp xếp trang trí quán, cách gợi ý món để bán được đắt khách hay làm gì trong thời kỳ kinh tế khó khăn đều được “bố già” tóm tắt lại. Đặc biệt, ông không dành riêng những lời khuyên này cho các chủ quán tương lai, mà cho cả những nhân viên phục vụ.  Suy rộng ra, các kiến thức về “Nâng cao năng lực bán hàng”, “Cách để khách trở thành khách quen” hay “Bí quyết nói chuyện tiếp khách dành cho người ngại giao tiếp” được “bố” nhiệt tình hướng dẫn sẽ hỗ trợ rất nhiều để nhân viên phát triển kỹ năng, không riêng ngành ẩm thực mà có thể ứng dụng cho bất kể ngành nghề kinh doanh, dịch vụ nào.

Bổ cà chua, bật nắp chai là những việc đơn giản. Uno Takashi cũng luôn mong muốn các thế hệ nhân viên trong hệ thống và tất cả những ai yêu thích kinh doanh ẩm thực đều sẽ thành công mở quán cơm của riêng mình. Và như rất nhiều lần ông nhắc đến, suy nghĩ xem quán như thế nào thì mình cảm thấy vui vẻ, mở quán ở nơi mình hạnh phúc, có như vậy mới khiến cho khách hàng vui vẻ được. Cuốn sách cũng có vài nhược điểm nhỏ như lặp lại một số dẫn chứng; hay nội dung xuất phát từ kinh nghiệm sống của tác giả nên có thể thấy vài tình huống chỉ phù hợp với văn hóa quán nhậu Nhật Bản. Tuy vậy, tổng thể cuốn sách vẫn mang lại nhiều giá trị, không chỉ triết lí kinh doanh mà còn là cách đối nhân xử thế có thể áp dụng trong cuộc sống.

Review sách Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm; Bật được nắp chai, mở được quán nhậu

Những trang cuối sách, bên cạnh giới thiệu về tác giả, bạn đọc còn có thể cảm nhận thêm về “vị thần quán nhậu” thông qua vài lời cảm ơn của chính học trò cũ của ông, nay cũng rất thành công với nhà hàng của riêng mình.

Review bởi Thanh Loan

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top