Mọi đau khổ và muộn phiền đều bắt nguồn từ việc tự nghĩ rằng ta đặc biệt, ta là cái rốn của vũ trụ, mọi thứ đều phải theo ý muốn của ta hay không nên xảy ra như nó đang xảy ra, hoặc rằng ta là nạn nhân của hoàn cảnh. Đây là biểu hiện của cái tôi giả tạo, thứ dính liền với chúng ta như một căn bệnh bẩm sinh tự phát, ai cũng mắc phải, và nó như một giai đoạn tất yếu của cuộc hành trình, nếu muốn tiến hóa, ta phải vượt qua nó.
Cái tôi này tự phóng chiếu ra hình ảnh của chính nó. Nó duy trì sự tồn tại của hình ảnh này bằng cách cho rằng mình đặc biệt, nổi bật, hơn người. Biểu hiện là đồng hóa vào các giá trị vật chất như tiền bạc, danh tiếng, đó là lý do tại sao mỗi người chúng ta lại có ham muốn “thành công” hay đạt được thành tựu mãnh liệt đến thế. Khi tự xem mình là đặc biệt, cái tôi này muốn mọi người phải đối xử tốt với nó, mọi việc phải xảy ra phải thuận theo thứ nó đã mong cầu. Và rồi khi mọi việc diễn ra theo cái nó phải diễn ra, thì nó quẫy đạp, chống cự, và tự đưa mình vào vị trí nạn nhân. Ngoài ra, cái tôi này thường cảm thấy cô đơn khi không ai để ý đến mình, buồn đau với những ký ức, tự giam mình vào ngục tù của tâm trí dù cho ngoài kia mọi thứ vẫn đang biến đổi, thay mới với cái đẹp của hiện hữu trong từng khoảnh khắc. Cái tôi này luôn sợ phải thay đổi, nó bám víu vào một trạng thái vật chất và hình ảnh cố định (như sợ nghèo đi khi đang giàu có, phai tàn danh tiếng khi đang nổi bật), trong khi mọi thứ là vô thường, khi không thực chứng được quy luật này, tất yếu sẽ nảy sinh quyến luyến và sau đó là sợ hãi.
Trong triết lý của Lão tử có nói về Đạo, tức mọi thứ xảy ra theo luật tự nhiên và đều là Thiên ý, chúng ta chỉ có thể xuôi theo mà không nên phản kháng gì. Cái tôi thì đi ngược lại điều này, nó muốn một kết quả nhất định, một kịch bản nhất định, nó phân biệt ra thứ “tôi muốn” và thứ “tôi không muốn”. Những ý muốn này đều là một sự phóng chiếu vào tương lai, đều là ảo tưởng, trong khi thứ diễn ra bây giờ, mới là sự thật. Khi phát sinh ra ý muốn đó, nó đã tự xung đột với chính mình, tự xung đột với Đạo. Điều này khiến mỗi người bị bản ngã chi phối sống trong mâu thuẫn hằng ngày, hằng giờ, thậm chí từng giây phút.
Tôi không có ý khuyên bạn sống trong một trạng thái không có khao khát và động lực phát triển. Tôi cũng không khuyên bạn thụ động, buông thả lười biếng, mặc cho mọi thứ diễn ra. Tôi chỉ muốn bạn nhận thức được thực ra bạn đang hành động vì điều gì, động cơ nào sâu thẳm bên trong tâm trí bạn, nếu là để củng cố cho cái tôi thì sớm muộn bạn cũng vùi đầu vào mâu thuẫn và đau khổ. Thay vào đó, hãy làm mọi thứ có khả năng trong hiện tại, và để chúng chảy cùng với dòng chảy của tự nhiên, kết quả xảy ra đều có lý do, khi đó bạn mới hòa nhập với Đạo, mượn sức mạnh đó để khiến mọi thứ tịnh tiến một cách tốt đẹp và trơn tru.
Chúng ta không đặc biệt, về bản chất chúng ta đều như nhau, đều là một cá thể của Đời sống, một cơn sóng ý thức của Đại dương bao la. Nhưng có một điều rằng, chúng ta độc nhất và khác biệt. Mỗi người đều có một hành trình trải nghiệm “chẳng giống ai”. Được sống đã là một đặc ân, hãy làm cho sự sống này có ý nghĩa. Dùng trải nghiệm này để học hỏi và tiến hóa chính linh hồn mình, để hòa nhập vào Đại dương – mục đích chung của chúng ta, của mọi con sóng.
Tác giả: Bá Kỳ