Mỗi lần ra với thiên nhiên là tôi như được trở về nhà, được ôm ấp và xoa dịu những náo động xô bồ bên trong tâm hồn. Có những ngày sống ở đô thị chật chội và ngột ngạt, cảm giác thèm một luồng không khí trong lành dâng lên cuồn cuộn bên trong tôi. Tôi chỉ ước gì được hít một hơi thật sâu những ngọt ngào và thanh mát vào cơ thể, một hương vỏ cây, một mùi không gian khi cơn mưa vừa tạnh. Lúc đó, tôi thấy như thể mình đã thiếu thốn thiên nhiên biết nhường nào.
Kể từ khi có nhiều hơn những chuyến đi dã ngoại ở những vùng tràn ngập đồi núi, sông hồ, hoa lá và chim chóc, tôi như được kết nối nhiều hơn với cái chúng ta vẫn gọi là thiên nhiên. Rồi đến một ngày trong khoảnh khắc rất sâu lắng, tôi đã bắt gặp được tinh thần vĩ đại đầy khiêm nhường ấy. Trong tôi bỗng trỗi dậy một niềm khao khát được chia sẻ những thông điệp của sự kiện kết nối diệu kỳ này với mọi người. Vì rằng sẽ là trái lương tâm nếu như tôi không thực hiện điều đó.
Thứ con người đang nhìn thấy bằng mắt thường chưa phải là thiên nhiên. Nó không chỉ bao gồm cây cối, động vật hay khí hậu. Đây chỉ là những phần diễn đạt gần gũi nhất tính chất của thiên nhiên. Thiên nhiên bao gồm tất cả mọi thứ đang tồn tại, chúng tương tác và kết nối với nhau trong một trật tự hoàn hảo và trong một tinh thần đồng nhất.
Con người chỉ là một phần của thiên nhiên, như một cánh tay là bộ phận của cơ thể, như con sóng là bộ phận của đại dương. Nhưng bởi nhận thức cao ngạo ồn ào và vô minh, chúng ta đã tự chia rẽ mình với người thầy vĩ đại nhất. Ở đó ẩn chứa tất cả những giá trị tinh thần cao quý mà con người đang thiếu thốn và vật lộn kiếm tìm. Nó là đức khiêm nhường, trí thông minh, sự tự chủ, và khả năng tận hưởng.
Tôi nhận thấy một điều đáng buồn đó là đa phần con người hiện đại có sự đánh giá thấp thiên nhiên – nhìn nó như một thứ gì đó để lợi dụng, bòn rút và gây thương tổn. Có mấy ai đi qua một bông hoa mà nghiêng mình cúi chào, có mấy ai nhìn thấy một chú ong mà mỉm cười cảm tạ, và có mấy ai bắt gặp một cái cây và vòng ôm âu yếm? Chúng ta rất hiếm khi, nếu như không nói là chẳng bao giờ làm những việc đó. Chúng ta gọi đó là điên khùng, thần kinh, là đáng khinh thường. Để là một con người hiện đại, ta phải “làm chủ thiên nhiên” hay “sử dụng thiên nhiên.”
Nhưng có một thực tế là hiện đại không đồng nghĩa với văn minh. Bạn không thể dùng được thiên nhiên vì nó quá đỉnh cao để bạn có thể sử dụng. “Dùng thiên nhiên” là một cụm từ được phát ra từ sự kiêu ngạo, tự phụ và ngu dốt của con người. Nếu bạn có thể làm một điều gì đó với thiên nhiên, thì nó chỉ có thể là hợp tác hoặc chống đối. So với thiên nhiên bạn chỉ bé nhỏ như một hạt cát. Và hạt cát ấy có được hạnh phúc hay không là nhờ thái độ và ý thức của nó về cội nguồn sa mạc. Alan Watts đã từng có câu rằng:
“Trái đất không phải là một hòn đá lớn, bị lây nhiễm bởi các loài sinh vật sống, không khác gì khung xương của bạn là những chiếc xương bị lây nhiễm bởi các tế bào. Trái đất là một sinh thể, vâng, nhưng sinh thể này tạo ra con người.”
Còn Terence McKenna thì nói:
“Chúng ta nên biết tôn kính và tin tưởng vào thiên nhiên và các phương pháp của thiên nhiên vì không có phương pháp nào khác cho phép chúng ta thoát khỏi mớ hỗn độn hiện tại mà chúng ta bị đang mắc kẹt. Thiên nhiên đã đạt tới một trình độ “công nghệ” siêu việt nhiều tỉ năm tiến hóa mà loài người có thể nghiên cứu học hỏi lâu dài. Điều đó đòi hỏi một sự khiêm tốn không nhỏ.”
Thiên nhiên là một dạng trí tuệ bậc cao mà loài người vẫn chưa nắm bắt được toàn bộ. Tất cả những ngành khoa học như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thậm chí Triết học đang cùng nhau khám phá về đặc tính vĩ đại ấy. Có bao giờ các bạn tự hỏi tại sao các bông hoa có cấu trúc thế này? Tại sao những con chim có màu sắc thế kia? Tại sao bạn có thể nói được? Tại sao bạn có thể hỏi tại sao? Cái gì khiến bạn có thể nhìn được và gọi đó là nhìn? Cái gì khiến bạn là chính bạn? Vào khoảnh khắc bạn đặt câu hỏi tìm về bản chất của vạn vật, bạn đang được dẫn lối đến thiên nhiên huyền diệu.
“Ngụm nước đầu tiên của khoa học tự nhiên sẽ khiến bạn thành một người vô thần, nhưng ở dưới đáy ly, God đang chờ đợi bạn.” – Werner Heisenberg (Cha đẻ ngành vật lý lượng tử)
Con người chỉ có thể bắt chước thiên nhiên, nhưng dường như chuyện đó vẫn còn là một sự khó khăn. Chúng ta chưa chế tạo được cái máy bay lên thẳng nào có sức mạnh như một con chuồn chuồn. Một chiếc máy bay có thể cất cánh trong tích tắc và di chuyển ngẫu nhiên theo bất kỳ hướng nào vẫn là một niềm mơ ước cao xa của con người. Hay đơn giản như việc chế tạo một thiết bị có khả năng quang hợp như một chiếc lá, trình độ của con người chỉ ở mức làm ra được một cỗ máy to khổng lồ, bằng hai ba ngôi nhà cộng lại. Nếu xét về độ tinh vi, tinh xảo của trí thông minh thì con người nằm cách xa thiên nhiên rất nhiều.
Thiên nhiên chính là tương lai con người hướng đến, và cũng là cội nguồn quá khứ sâu xa của con người. Nhìn vào cách con người đối xử với thiên nhiên là ta có thể biết được tầm nhận thức của họ và định mệnh của họ sẽ đi về đâu, vì đó cũng là cách họ đối xử với những tiềm năng giá trị nhất ở bên trong chính mình.
Dường như, con người thua kém thiên nhiên về mọi mặt, không chỉ ở trí thông minh mà còn ở đức khiêm tốn, khả năng lắng nghe, sự vô tư, và đặc biệt là lòng điềm tĩnh. Họ không thể ngồi im một chỗ trong một khoảng thời gian kéo dài. Họ không thể bầu bạn được với sự nhàm chán nên có xu hướng nháo nhác chuyển động. Còn một cái cây thì sao? Khi đứng sừng sững giữa trời, nó như muốn nói rằng: mọi thứ đều ổn thỏa, và tôi đang thư giãn. Lão Tử cũng có câu rằng:
“Thiên nhiên không vội mà việc gì cũng thành.”
Khi thư giãn, chúng ta mới có khả năng được chứng kiến điều vĩ đại xảy ra. Lúc đấy sự ích kỷ, ngã mạn của con người được thu nhỏ, trao cơ hội mở rộng cho trái tim và khối óc để đón những khả năng tốt đẹp nhất, để có thể cảm thấu thiên nhiên thật sự là gì và mình thật sự là ai. Không cần phải đi đâu xa tìm một vị thiền sư, bạn chỉ cần nhìn ngắm một cái cây hay một con ong đang mê mải hút mật. Chúng sẽ bật mí cho bạn biết những điều màu nhiệm mà bạn không nghĩ rằng nó có tồn tại.
🐝Tôi muốn làm một con ong
Thiên nhiên chính là sự hồn nhiên, tự nhiên. Nó vĩ đại đến mức có thể cởi mở và dâng hiến toàn bộ để cho bạn ngắm nhìn, xúc chạm, bình phẩm, để cho bạn được tự do là chính bạn. Nó là hiện thân cho một đẳng cấp cần học tập, không phải để lợi dụng.
Vì mất kết nối với những điều tự nhiên, hồn nhiên ấy nên con người không tự tin để cho những hệ giá trị cao cấp lên ngôi, nắm quyền hướng dẫn đời sống của mình – đó là tình yêu, sự chân thành, lòng kính trọng, sự dũng cảm, niềm tin, trí tuệ, sự bình an, v.v… (Thậm chí, có người còn chưa bao giờ có một hình dung rằng mình cần có giá trị gì khi sống.) Trong khi thiên nhiên là thứ thông minh nhất, uy lực nhất. Còn con người thì sao? Chúng ta không đủ khiêm nhường để nhìn ra.
“Thiên nhiên không câm, chỉ có con người là điếc.” – Terence McKenna
Theo tiếng lòng sâu thẳm nhất của tôi, con người cần có một góc nhìn khác về thiên nhiên để có thể chạm tới điều chân thực giá trị. Bằng cách thẩm thấu nó vào trong chính mình, chăm sóc một cái cây, ngắm nhìn một bông hoa, hay quan sát đường đi của một chú kiến, mỗi người chúng ta sẽ nhận ra rằng bản thân mình và sự vĩ đại chưa từng chia cách, và rằng phẩm hạnh cao quý nhất của con người ở sâu thẳm tâm hồn chính là thiên nhiên.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa