Áo Nghĩa Thư Katha (Katha Upanishad) mở đầu bằng câu chuyện về Vajasravasa, người đã cho đi tất cả của cải trần thế của mình với hy vọng nhận lại thiên ân từ các vị thần. Tuy nhiên, ông có một người con trai tên là Nachiketa, anh đã nhìn thấy những tế phẩm này và nghi ngờ những gì cha anh hy vọng nhận lại từ họ, bởi vì mọi thứ ông dâng lên các vị thần đều đã bị sử dụng đến cùng kiệt và không còn giá trị với người nhận. Chẳng hạn như những con bò, chúng đã già đến mức không còn có thể cho sữa được nữa. Và nếu cha anh đã thề sẽ cho đi tất cả tài sản của mình, thì ông cũng phải hiến tặng cả đứa con trai của mình, nếu không sự hiến tế của ông sẽ không trọn vẹn. Để giúp cha mình hiểu được điều đó, Nachiketa đã hỏi ông:
“Thưa cha. Cha định hiến con cho ai?”
Anh hỏi đi hỏi lại nhiều lần.
“Tao sẽ hiến mày cho Thần Chết!” Cha anh giận dữ đáp lại.
Nachiketa đã chấp nhận rằng cha anh sẽ hiến tặng anh cho Thần Chết. Anh đi đến chỗ ở của Yama (Tử Thần), nhưng ông ta không ở đó. Nachiketa đợi Yama trong 3 đêm liền với tư cách là một vị khách, không ăn, không uống (Đoạn 9, Chương 1, Áo Nghĩa Thư Katha). Và khi Yama trở về, ông xin lỗi vì sự thiếu tôn trọng đối với vị khách của mình, vì vậy ông đã ban cho Nachiketa ba điều ước. Một trong những điều ước đó, Nachiketa đã hỏi xin bí mật của cái chết:
“Khi một người chết, sẽ xuất hiện sự hoài nghi này:
Một số người nói, ‘Y vẫn tồn tại.’ Người khác lại nói, ‘Y không còn tồn tại.’
Tôi muốn ngài chỉ dạy cho tôi sự thật.”
Yama cố gắng đánh lạc hướng câu hỏi và yêu cầu Nachiketa chọn một điều ước khác nhưng anh từ chối, vì không có điều ước nào lớn hơn sự thật về cái chết. Yama đã nài nỉ Nachiketa cầu xin sự giàu có, nữ sắc hay cả vương quốc, tất cả những thú vui của cuộc sống – bất cứ điều gì khác ngoài sự thật về cái chết. Tuy nhiên Nachiketa đã từ chối. Những thú vui thì nhất thời và chúng làm hao mòn sức sống. Ta không thể sống hạnh phúc với sự giàu có khi biết rằng sau cùng mình sẽ già yếu và chết đi, rồi một ngày nào đó mọi thứ chúng ta yêu thích sẽ tan biến. Nachiketa khăng khăng muốn biết bản chất của Chân ngã (Atman) và cương quyết với câu hỏi của mình:
“Xin hãy xóa tan nghi hoặc này của tôi, hỡi Thần Chết: Một người có còn sống sau khi chết đi hay không?”
Biết rằng Nachiketa đã từ bỏ thế giới vật chất và đang tìm kiếm sự thật, lúc này Yama mới bắt đầu dạy về bản chất của Chân ngã. Đầu tiên, ông giải thích mỗi chúng ta đều có sự lựa chọn giữa niềm hân hoan vĩnh hằng và vui thú nhất thời như thế nào – “Một cái dẫn đến cõi tâm linh bất diệt; cái còn lại dẫn đến cõi trần gian tạm bợ.” Và nếu ta chọn đắm chìm trong khoái lạc của các giác quan, chúng ta sẽ quên đi mục tiêu thực sự của cuộc sống, đó là nhận ra và thấu hiểu về Brahman (Thượng Đế), Chân ngã phổ quát (được gọi là Atman khi nói về một cá nhân).
Brahman là căn nguyên đầu tiên cũng là cuối cùng và là cội nguồn khiến mọi thứ vận động; nó bao chứa tất cả, có giá trị cao nhất, thẩm thấu qua mọi sinh vật, và không thể diễn tả được, như Paul Deussen từng viết, là “nguyên lý sáng tạo, được hiện thực hóa trên toàn thế giới.” Những người biết về Chân ngã (có rất ít người biết) không sợ đau đớn, phiền muộn hay thậm chí là cái chết, bởi vì bản chất thực sự của con người, hay Atman, thì tồn tại ngoài vòng sinh tử:
“Nếu kẻ sát nhân tin rằng anh ta có thể giết người. Hoặc nạn nhân tin rằng anh ta có thể bị giết. Cả hai đều không biết sự thật. Chân ngã vĩnh cửu không giết và cũng không bao giờ bị giết.” – Katha Upanishad 1.2.19
Bây giờ ở phần này, Áo Nghĩa Thư Katha sử dụng câu chuyện ngụ ngôn về cỗ xe để giải thích mối quan hệ giữa Chân Ngã và cái tôi. Đây là một câu chuyện ngụ ngôn phổ biến và đã được nhiều nền văn hóa du nhập, nổi tiếng nhất bởi người Hy Lạp như trong quyển Parmenides, lời mở đầu về Prodicus của Xenophon, và trong quyển sách đối thoại Phaedrus của Plato. CHÂN NGÃ LÀ CHỦ XE, CƠ THỂ LÀ CỖ XE, TRÍ TUỆ LÀ NGƯỜI ĐÁNH XE, TÂM TRÍ LÀ DÂY CƯƠNG, GIÁC QUAN LÀ NGỰA KÉO VÀ NHỮNG HAM MUỐN ÍCH KỶ LÀ CON ĐƯỜNG TA ĐI. (Top Highlight) Khi chúng ta nhầm lẫn Chân ngã với các giác quan của mình, chúng ta đánh mất chính mình trong ảo tưởng của Maya, có nghĩa là những thứ tồn tại nhưng liên tục thay đổi và do đó chỉ là hư ảo tâm linh. Có những người trong chúng ta thiếu sự kiểm soát đối với suy nghĩ và các giác quan của mình, dành cả cuộc đời để đi lang thang từ cái chết này đến cái chết khác, từ thái cực này đến thái cực khác, từ thoáng chốc này đến thoáng chốc khác, liên tục tìm kiếm niềm hạnh phúc và tự do vĩnh cửu trong tương lai. Vì ta vẫn đang chơi trò chơi giả vờ không biết rằng mình chính là Chân ngã Phổ quát, và vì vậy ta lăn lộn từ kiếp này sang kiếp khác cho đến khi cuối cùng ta thức tỉnh và nhận ra rằng mình là Brahman vĩnh cửu. Những người sống có đạo đức, giữ một tâm trí vững vàng và bình an, có thể làm chủ trí tuệ và chế ngự các giác quan, và những người nhận ra mình không phải là thân xác này và rằng họ thuộc về một thứ vĩ đại hơn, chỉ những người cao quý này mới hiệp thông được với Brahman toàn tri.
Tâm trí và các giác quan phải hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của bản thể cao quý, chỉ khi tất cả các sức mạnh của ta cùng làm việc một cách hoà hợp thì ta mới có thể hy vọng đạt được sự giải thoát. Theo Áo Nghĩa Thư Katha, trạng thái cao nhất của con người là khi mọi giác quan nhận thức trở nên tĩnh lặng, cùng với tâm trí và trí tuệ không bị xáo trộn. Việc làm chủ các giác quan này giờ đây được gọi là Yoga, vì theo nghĩa đen Yoga là sự kết nối hay hợp nhất giữa tục ngã (lower self) với Thượng Ngã (Higher Self), nam tính với nữ tính, kẻ tôn thờ với Thượng Đế. Tuy nhiên, để đạt được sự hợp nhất này, trước tiên, người đó phải tuyệt giao với mọi sự hỗn loạn trong sức mạnh trí năng, tâm lý và vật chất của con người; vì vậy người đó phải tách rời với thế giới bên ngoài và giữ các giác quan của mình tránh xa những ham muốn. Khi điều này được thực hiện qua một sự thực tập thiền định liên tục, sự hợp nhất của các giác quan, trí tuệ và Chân ngã sẽ xảy ra một cách tự nhiên và không cần thúc ép.
“Từ trái tim tỏa ra một trăm lẻ một ngả. Một trong số đó dẫn đến vương miện trên đỉnh đầu. Ngả này dẫn tới sự bất tử, những ngả khác dẫn đến cái chết.” – Katha Upanishad 1.3.16
Trong những câu cuối cùng của Chương (Valli) thứ hai, Áo Nghĩa Thư Katha tuyên bố rằng một người không thể thấu đạt tri thức về Atman thông qua lý luận hay chỉ dẫn, cũng không phải từ việc nghiên cứu kinh sách cổ, bởi vì Chân ngã không thể tự biểu lộ thông qua ngôn từ của người khác, thay vào đó nó được lĩnh hội bởi chính người đó thông qua thiền định và sự hướng nội. Vì thiền định mang ta thoát khỏi thế giới của ngôn từ và ý nghĩ, đến một sự ý thức sâu sắc hơn, và dẫn ta tới trí tuệ của Chân ngã.
Những người có tâm trí tĩnh lặng và trái tim thuần khiết, đạt được nhờ thiền định có kỷ luật và lối sống có đạo đức, sẽ không bao giờ rơi vào nanh vuốt tử thần, bởi vì họ biết mình là God. Họ theo đuổi cuộc sống tự do, của sự Giải Thoát (Moksha), và ngự ở nơi cao nhất của Đấng bảo hộ Vishnu. Và vì vậy, bậc Trí Huệ là người rút các giác quan của mình ra khỏi thế giới vạn biến, nhìn vào sâu thẳm bên trong và quan sát Chân ngã bất tử. Người đó tìm kiếm sự bất biến, thứ sẽ không rời bỏ chúng ta trong thế giới của sự đổi thay và chết chóc, trong khi những người non nớt chạy theo thú vui của các giác quan và rơi vào cái bẫy chết chóc.
“Chỉ khi Manas (tâm trí) với những suy nghĩ và năm giác quan đứng yên, và khi Buddhi (trí tuệ, sức mạnh lý trí) không dao động, thì đó được gọi là đạo cao nhất. Người ta gọi đó là Yoga, sự tĩnh lặng của các giác quan, sự tập trung của tâm trí, nó không phải là sự chậm chạp bất cẩn vô tâm, Yoga là sự tạo tác và huỷ diệt.” – Katha Upanishad 2.6.13
Yama đã giải thích rằng, nếu một người trong cuộc đời này không thấu hiểu Chân ngã, sau khi chết người đó sẽ quay trở lại thế giới của tạo vật vô thường, nhưng nếu họ thấu hiểu được Brahman (Thượng Đế) thì người đó sẽ được tự do và giải thoát, bởi vì người đó sẽ vượt lên ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’ và thấy mình ở trong tất cả và tất cả ở trong mình, và vì vậy người đó vượt thoát khỏi cái chết, những thứ phù du và nhất thời.
Áo Nghĩa Thư tin rằng Moksha là trải nghiệm thực sự đáng giá duy nhất trong cuộc sống, và sau cùng người ta nên hướng đến mục đích nhận ra Chân ngã như một phương tiện và đích đến cuối cùng, thay vì hướng tới kiến thức hay “sự sống đời đời”. Do đó, sau khi thấu đạt trí tuệ này do Thần Chết chỉ dạy, cùng với tất cả các quy tắc thiền định, Nachiketa đã thoát khỏi ảo tưởng về cái chết và đạt được Brahman.
Tác giả: Harry J. Stead
Biên dịch: Trần Đình Quân
Hiệu đính: Hoài Thanh, Prana