Hôm qua tôi có đăng một câu status lên FB của mình, ghi là:
Có 2 kiểu tri thức tâm linh: “New-Age”, và Hằng Pháp. Người có trí tuệ là người biết phân biệt được 2 loại này. Những người mới chập chững bước chân vào thế giới “tâm linh” sẽ dễ bị thu hút bởi kiểu new-age hơn.
Có nhiều bạn bình luận ở dưới bảo tôi viết một bài giải thích chi tiết hơn. Tôi nghĩ, “Cũng được thôi, sao lại không, thích thì chiều.” Tôi sẽ viết một bài ngắn giải thích đại khái.
“Hằng Pháp” là gì?
“Hằng Pháp” (không phải “hoằng pháp”) là một từ tôi đã nghĩ ra để dịch cho chữ “Sanatana Dharma”, hằng ở đây là thường hằng, bất biến, vĩnh cửu. Nếu bạn google chữ “Hằng Pháp” ở thời điểm hiện tại (24/2/2021) thì sẽ không thấy tài liệu nào liên quan đến nó, chỉ đơn giản là vì tôi chưa publish bài viết chính thức nào về chữ này, nên Google chưa có cái để index. Trong tương lai có thể Google sẽ index bài viết này.
Dịch thuật là công việc thường ngày của tôi. Tôi đã làm công việc này từ 2010, thời còn chưa có trang (1.0), lúc đó chỉ mới có trang “Khai Sáng” thôi, sau này chuyển sang page SUYNGAM.VN thì page KS không còn hoạt động nữa. Một trong những cái khó của việc dịch thuật là rất nhiều khi trong từ điển tiếng Việt không có từ nào để dịch cho một chữ trong tiếng Anh, khi đó bạn phải diễn đạt câu văn theo cách khác, hoặc là bạn phải sáng chế ra một từ mới theo đúng quy tắc ngôn ngữ. Có một chuyện bên lề, một “fun fact” ít người biết về một thuật ngữ ngày nay đã phổ biến: “chất thức thần”. Đây cũng là một thuật ngữ tôi đã nghĩ ra để dịch cho chữ “psychedelics”. Nhiều khi nghĩ tới chuyện này tôi cũng thấy vui, nên mỗi lần có cơ hội tôi đều kể nó ra. Thời đó tôi có thể nói là người đầu tiên phổ biến những thông tin về chất thức thần ra tiếng Việt, tới bây giờ thì đã có nguyên một thị trường ngầm về CTT ở VN, nhưng tôi thì cũng chẳng được ai chia cho phần trăm nào cả, lol.
Hằng Pháp chỉ đơn giản là những đạo lý, chân lý có từ ngàn đời, không phân biệt tôn giáo, bởi mọi tôn giáo suy cho cùng đều hướng về những chân lý chung quan trọng nhất: người bình thường thì gọi là “God”, “Thượng Đế” hay “ông Trời”, Lão Tử thì gọi là “Đạo”, Thích Ca gọi là “Phật Tánh” hay “Chân Tâm”, “Chân Như”, Ramana Maharshi thì dùng chữ “Self”, Self ở đây có nghĩa là True Self, Atman, dịch ra là Chân Ngã, Thiên Chúa giáo thì dùng chữ “Spirit” mà tôi tạm dịch là “Thần Khí”. Ngoài ra còn có đạo lý về Bất Nhị, và Tình Yêu. Tất cả những khái niệm này đều có liên quan tới nhau, thậm chí chính là nhau, cùng là một thứ nhưng được gọi với nhiều cái tên khác nhau.
“Chân lý chỉ có một. Nhưng các vị thánh hiền thì gọi chúng theo nhiều cái tên khác nhau.” – Rig Veda (3000 BC)
Hằng Pháp là trí tuệ có trong mỗi người, nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra. Các thánh nhân, những bậc giác ngộ chỉ là những người đã trực nhận được nó và sau đó họ chia sẻ nó với mọi người.
Hằng Pháp cũng được thể hiện qua đạo đức. Hoặc có thể nói cách khác, những gì Hằng Pháp hướng tới là đạo đức.
“Bậc thượng sĩ nghe Đạo thì gắng sức thi hành; bậc trung sĩ nghe Đạo thì nửa tin nửa ngờ; bậc hạ sĩ nghe Đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì Đạo đâu còn là Đạo nữa” – Lão Tử
⭐ [SUYNGAM.VN Translation™] 32 thông điệp bất hủ hay nhất từ Lão Tử: https://wp.me/p9NLPR-ciR
Tri thức Hằng Pháp có thể được kiểm chứng, tương đối khá dễ dàng: Tu tập, áp dụng thực hành sẽ thấy kết quả, thiền định, hoặc thậm chí sử dụng chất thức thần làm công cụ hỗ trợ.
Khi một người đã thấm nhuần Hằng Pháp, họ sẽ thấy những tri thức new-age không còn cần thiết hay quan trọng nữa.
Tri thức New-Age thì sao?
Đầu tiên tôi cần phải nói, những tri thức New-age không nhất thiết là sai, thậm chí khả năng cao nó là sự thật, nhưng chỉ có điều là nó khó được kiểm chứng, hoặc thậm chí không thể kiểm chứng. Nên đối với những người “bình thường”, những tri thức này nghe có vẻ như “tin dị đoan”, “woo-woo”, ảo tưởng, “thuyết âm mưu”, hay có người còn gọi những thông tin này là “tâm linh lá cải”.
VD như những thông tin về: Linh hồn, Crystals (các loại đá thạch anh), Orgonite, thần thoại, các thông điệp của người ngoài hành tinh (Pleiades…), những dân tộc cổ xưa đã tuyệt chủng (Atlantis, Lemuria…), các thiên thần, thôi miên hồi quy (nhớ lại kiếp trước), “lightworkers”, “starseeds”, channeling, bói ngày tháng, tương lai, không gian đa chiều, vũ trụ song song, các mật độ tâm thức…
(Danh sách này không phải là tất cả.)
Những tri thức New-age này cũng có ý muốn hướng mọi người đến đạo đức, tình yêu, nhiều khi cũng có nói về đạo lý, tuy nhiên chúng được bao bọc bởi những lớp hình thức khác nhau, (chứ không chỉ là triết lý thuần túy, thứ tương đối khó nuốt hơn), dễ thu hút nhiều người mới chập chững bước chân vào thế giới “tâm linh”. Điều này có thể cũng không có gì là sai hay không tốt. Bởi mọi thứ xảy ra đều có lý do cho sự tồn tại của nó.
Không phải ai cũng có một mức độ tâm thức hay trí tuệ tương đương nhau. Một linh hồn cũng phải trải qua những giai đoạn trưởng thành của nó, cũng như quả trên cây cũng cần phải trải qua một giai đoạn mới có thể chín. Không có giai đoạn nào là tốt đẹp hơn giai đoạn nào. Mỗi một giai đoạn đều có cái đẹp riêng của nó. Khi nói về điều này chúng ta không nên có ý so sánh hơn kém. Chỉ có ego mới thích so sánh hơn kém. Có nhiều bài test/quiz miễn phí trên mạng kiểm tra độ tuổi linh hồn bạn có thể làm thử chơi cho vui. Google từ khóa: “How old is your soul”. Hồi đó tôi có làm thử với kết quả không khiến tôi ngạc nhiên: Linh hồn già. lol.
Mỗi giai đoạn nó sẽ bị thu hút bởi những thông tin nhất định. Một linh hồn còn non trẻ sẽ dễ bị thu hút bởi những câu chuyện, bởi những thứ bên ngoài (giống như một đứa bé thì sẽ tò mò thích khám phá thế giới) hơn là quan tâm tới việc tìm về lịch sử của các tôn giáo, thống nhất chúng, hay tìm hiểu đạo lý bất nhị, hay việc giác ngộ chân ngã (nhận ra được bản chất đích thực của mình, ta thật sự là ai, là gì). Cũng như cách giảng đạo của Jesus cũng không giống với cách thuyết pháp của Thích Ca. Đối với mỗi trình độ khác nhau chúng ta có những cách thức làm việc khác nhau.
All is Good.
Tác giả: Huy Nguyen