fear-and-loathing-in-las-vegas-1200-1200-675-675-crop-000000

Fear and Loathing in Las Vegas – Chống chỉ định cho những ai chưa từng sử dụng chất kích thích

thđp review

Fear and Loathing in Las Vegas là một bộ phim với sự tham gia diễn xuất của tài tử điện ảnh Johnny Depp, người được biết đến rộng rãi trong hình ảnh thuyền trưởng quái dị Jack Sparrow của loạt phim Cướp biển vùng Caribbean. Có thể nói, Raoul Duke là một trong những màn trình diễn khéo léo và xuất sắc nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Depp. Cùng với Benicio del Toro vào vai tiến sĩ Gonzo (người bạn đồng hành của Duke), hai người họ đã làm nên hình tượng kinh điển về những người sử dụng chất kích thích.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Hunter S. Thompson với nội dung chính xoay quanh chuyến công tác đến Las Vegas của Raoul Duke và tiến sĩ Gonzo với mục đích báo chí. Nhưng thực ra, đó lại là cuộc du ngoạn của hai kẻ phê pha ngật ngưỡng từ đầu chí cuối với đủ các loại chất được dùng chồng chéo, liên tục và (có vẻ như) luôn quá liều.

Ngay từ mở màn bộ phim, cỏ, mescaline, LSD, ether, cocaine, rượu và tá lả các loại chất khác chứa đầy trong vali cùng với lời kể chuyện không rõ là tỉnh hay mê đã lôi cuốn sự tò mò của người xem.

“Chỗ này không phải là tất cả những gì bọn tao cần cho chuyến đi, nhưng một khi mày mắc kẹt với một bộ sưu tập ‘khủng’ các loại ma túy thì mày sẽ có xu hướng dùng nhiều hết mức có thể.”

Nghe như thể một cú chơi trội, nói khoác cho ấn tượng nhưng sự thật là hai cha nội đó chơi thật, chơi đến mức mà càng xem ta càng sợ rằng: Không hiểu hai gã này sẽ làm những trò gì đây? Liệu có sống nổi không? Đến giới hạn chưa? Mà giới hạn nằm ở đâu vậy hả trời?

Có một điều đặc biệt ở Fear and Loathing in Las Vegas đó là nó chia người xem ra thành hai phe: Một bên ca ngợi bộ phim hết lời bởi sự hài hước cùng các tầng ý nghĩa sâu sắc, một bên chê bai thậm tệ bởi sự vô nghĩa, hỗn độn, không mục đích, không cấu trúc của nó. Lần đầu tiên xem, tôi cũng rơi vào trạng thái bối rối, nhũn não không phải vì sự phức tạp trong nội dung mà bởi vì sự định hình trong tâm trí về một diễn biến nào đó của một tác phẩm nay bị sụp đổ. Nếu chửi rằng đây là một bộ phim khốn nạn cướp mất của tao gần hai tiếng đồng hồ ngồi xem trong sự ngớ ngẩn, đần độn thì quả thực mình đúng là ngu thật. Vì đơn giản, phim được kể lại bởi chính ông Duke hói phê thuốc lòi kèn vậy thì lấy đâu ra logic, rõ ràng với ý nghĩa? Hay cứ cho là khi kể lại chuyện Duke tỉnh táo thì toàn bộ chuyến trip ở Las Vegas vốn dĩ cũng là một mớ hỗn độn. Và dĩ nhiên, kể lại một mớ hỗn độn không gì xuất sắc hơn là để mặc nó hỗn độn.

Cannabis-und-LSD

>>> Trải nghiệm thức thần là phải có duyên rất lớn

Điều trùng khớp ở đây đó là sự thiếu logic và nham nhở trong cấu trúc phim tương đồng với trạng thái trip của một người khi sử dụng psychedelics. Những gì được diễn đạt trong phim chính xác là những gì đang xảy ra trong tâm trí của hai nhân vật chính. Fear and Loathing in Las Vegas chống chỉ định cho những ai chưa từng sử dụng drug vì khi không có trải nghiệm thì sẽ không thể đồng cảm được với hai kẻ điên khùng Duke và Dr. Gonzo.

Ban đầu người ta có thể nhầm tưởng bộ phim đang cổ xúy cho việc sử dụng chất kích thích khi diễn đạt nó một cách khá tự do và hài hước. Nhưng đến kết thúc phim, rõ ràng rằng việc đi vào tận cùng của sự bê bối, quá đà của người sử dụng, tác phẩm điện ảnh này là một lời cảnh tỉnh, một sự phê phán khắc nghiệt dành cho một thế hệ vô ý thức và trách nhiệm trước cuộc sống của chính mình. Điều đáng giá ở đây đó là sự nhận định đến từ một người có trải nghiệm trực tiếp (Raoul Duke), có sự dấn thân trực tiếp vào vũng lầy ma túy để thấy được bản chất thực sự của nó. Trái ngược hoàn toàn với những phán xét của những kẻ đứng bên lề thời cuộc, nhìn vào dăm ba nhân vật hút hít từ bên ngoài để đưa ra lời buộc tội.

Nếu đi sâu phân tích ý tưởng sử dụng chất kích thích ở trong phim, những người dùng cho rằng họ sẽ giải phóng được tâm trí (free the mind) nhưng sự thật thì, con người sử dụng drug để trốn tránh thực tại chán chường, mỏi mệt, đau khổ trong phút chốc. Và khi overdose, drug có thể trở thành thứ hủy hoại tâm trí thay vì giải phóng nó. Fear and Loathing in Las Vegas đã đề cập đến mặt trái của việc sử dụng psychedelics như một loại thuốc trị liệu tâm lý hoặc mở rộng tâm thức mà quên đi việc thực sự sống hiện tại đang diễn ra. Người ta có thể dùng một chút tiền để mua được cảm giác bình an và thấu hiểu, dùng các chất kích thích như một sản phẩm cứu cánh. Và ý tưởng rằng có một thứ gì đó ở tận cùng cú trip sẽ cứu giúp họ đã tạo ra một thế hệ què quặt, phụ thuộc và nghiện ngập.

fear and loathing
Phim hoạt hình Rick and Morty lấy cảm hứng từ Fear and Loathing in Las Vegas

Nếu phim Forrest Gump diễn đạt mặt tối của nước Mỹ khi giới trẻ sa đà nghiện ngập trong hình tượng Jenny đau khổ, lạc lối thì Fear and Loathing in Las Vegas thể hiện điều đó thông qua sự mất kiểm soát, vụn vỡ, trống rỗng và bất cần của hai gã nhà báo. Sự hỗn độn, ngớ ngẩn, điên khùng là chỉ điểm cho sự khủng hoảng của con người khi ở trong những khuôn phép giới hạn. Drug chỉ là cái cớ làm lộ diện ra đâu mới là mặt tối thật sự đang diễn ra. Bản thân bộ phim đã là một sản phẩm nổi loạn, bất thường và hai nhân vật chính trong đó thì phá vỡ hàng đống những luật lệ trong cuộc hành trình ở Las Vegas.

Fear and Loathing in Las Vegas tạm dịch là “Sợ hãi và ghê tởm ở Las Vegas” có thể hiểu là Duke và Gonzo rơi vào bad trip khi ngậm, uống, hút, hít cả tá chất kích thích liên tục bất chấp liều lượng, hoặc cũng có thể hiểu rằng Las Vegas là nơi chứa chất sự sợ hãi và ghê tởm của những kẻ đang điên cuồng chạy theo giấc mơ Mỹ, ôm trong mình mộng tưởng sẽ được phất lên cảnh sang giàu trong một vài canh bạc. Nếu sợ hãi và ghê tởm của Duke và Dr.Gonzo được lộ hẳn ra bên ngoài với những cảnh mất kiểm soát, căng thẳng, run rẩy, điên cuồng cuối cùng là tan nát, tuyệt vọng, vô hướng thì sự sợ hãi và ghê tởm của những kẻ bốn rưỡi sáng còn ngồi bên ván bài được ẩn giấu bên trong, chỉ khẽ tỏa ra nơi những ánh mắt đờ đẫn ngây dại. Vậy đâu mới là những kẻ hoang tưởng của thời đại – hai gã nhà báo phê lòi kèn hay những người điên cuồng vì tiền của? Đâu mới là chất kích thích nguy hiểm khiến con người thật sự sa đọa – LSD hay những đồng bạc?

Trong phim, hình ảnh Duke mang/treo/ôm/choàng lá cờ Mỹ được xuất hiện nhiều lần. Đặc biệt nhất một lần gã nhà báo gục xuống vì quá giới hạn chịu đựng, lá cờ Mỹ rơi xuống trùm lên thân mình trông chẳng khác nào đắp chiếu cho người chết. Hình ảnh đó thể hiện cái chết trong tâm hồn của con người trên đất Mỹ khi lún quá sâu vào một ý tưởng hoang đường về đồng tiền.

Những hiệu ứng hình ảnh được sử dụng trong phim được thể hiện tương đồng với trải nghiệm psychedelics: sự thay đổi, méo mó, biến dạng hình ảnh, các hoa văn, họa tiết chuyển động cùng sự xuất hiện các ảo giác. Những khán giả chưa từng dùng chất kích thích thì cũng có thể hình dung sơ sơ phe phẩy được những gì người đã dùng có thể nhìn thấy. Bộ phim là trip trong trip vì hai nhân vật chính sử dụng drug (trip) trong chuyến đi (trip) đến Las Vegas.

Có thể nói Johnny Depp và Benicio del Toro trình diễn quá xuất sắc. Depp thì đã cạo đầu mình để phù hợp với vai diễn bị hói, Benicio del Toro thì ăn 16 cái bánh vòng mỗi ngày để tăng cân. Sự điên khùng của hai kẻ chơi thuốc quá liều được đẩy lên đến đỉnh điểm với một gã thì nổi cơn hoảng loạn mất kiểm soát muốn giết ai đó, còn một kẻ thì điềm tĩnh có vẻ tỉnh táo, cool ngầu nhưng thỉnh thoảng lại cắn cắn hai hàm răng, kêu “é é” đầy ngẫu hứng cùng bước đi dặt dẹo khuềnh khoàng. Những điệu bộ hài hước của cả hai là thứ khiến cơn bad trip thay vì là bi kịch thì nó trở thành một thứ lố bịch hoặc là một kỷ niệm ngọt ngào đáng nhớ.

Fear and Loathing in Las Vegas không phải một bộ phim dễ nuốt vì tính dị hợm, phi trật tự nếu không nói là hỗn độn, hổ lốn, bát nháo. Chưa kể, những lời thoại trong đó hoặc là thô tục ngớ ngẩn, hoặc là văn chương triết lý đến mức đau não. Ban đầu người ta sẽ ghét nó, thấy nó kinh tởm, rồi mỗi lần xem lại thì sự ghét kia được chuyển đổi dần sự yêu mến đến kinh ngạc.

Nếu Đại gia Gatsby là tác phẩm cũng thể hiện sự vô vị, tẻ nhạt, trống rỗng của thế hệ chạy theo sự phù phiếm của bạc tiền nhưng với sắc thái trầm tư, dửng dưng thì Fear and Loathing in Las Vegas lại mang vẻ ngông cuồng và châm biếm. Nhưng cả hai cuối cùng đều để lại trong lòng người xem những khoảng trầm lắng (không hề nhỏ) để có thể thấu hiểu những tầng lớp ý nghĩa mà tác phẩm truyền đạt. Và bây giờ, tôi đang xem lại nó lần thứ tư. Xin được miễn phần chấm điểm.

“He who makes a beast of himself gets rid of the pain of being a man.” – DR. Johnson

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top