picsart_10-21-05

Kỳ thư Kybalion (Three Initiates) – Soi rọi đêm tối vô minh của loài người

thđp review

Điều đầu tiên mình muốn nói là mình thấy rất may mắn và vinh dự khi được viết review cho quyển sách Kỳ thư Kybalion. Tất cả những gì ấn tượng nhất với mình khi thưởng thức cuốn sách nhỏ bé chưa tới 200 trang này đó là nó tạo ra cảm giác giao thoa khi đọc hai kiệt tác trước đó là Cộng Hòa (Plato) và Chí Tôn Ca. Nó vừa thấm đẫm những triết lý bí truyền huyền nhiệm của tâm linh tôn giáo vừa dồi dào những kiến giải logic chặt chẽ với các hiện tượng tự nhiên hay sự nghiên cứu của các ngành khoa học hiện đại. Có thể nói, Kỳ thư Kybalion là một tuyệt phẩm mà chúng ta sẽ bỏ lỡ nếu không đủ tư duy và trí tuệ để đón nhận.

(Download Chí Tôn Ca – SUYNGAM.VN version)

Nếu đọc triết phẩm Cộng Hòa, người ta bị xoắn não bởi việc phải huy động hết các liên kết thần kinh để thấu hiểu những lý luận logic; đọc Chí Tôn Ca, người ta bị nhức óc bởi những gì họ có thể lý giải đều quá bé nhỏ so với kết luận Đấng Chí Tôn Krishna, thì khi đọc Kỳ thư Kybalion, họ sẽ cảm thấy “bó tay toàn tập” vì chẳng hiểu gì cả. Nhưng nếu họ có khả năng nuốt trôi được hai kiệt tác kia thì cuốn sách này lại là sự cộng hưởng may mắn khi độc giả có thể giao tiếp với trí tuệ thần linh bằng một tư duy nhạy bén nhất của con người. Tức là bằng sự tập trung cao độ, lòng khiêm nhường sùng kính và tất cả những trải nghiệm thế giới sâu sắc nhất từng có, bạn có thể nắm bắt được những sự diễn giải chân lý từ những người khai ngộ – ba đệ tử của nhà huyền môn vĩ đại Hermes Trismegistus.

“Nếu ngươi không làm cho bản thân ngang bằng Thượng Đế, ngươi không thể nắm bắt được Thượng Đế; bởi hai cái giống nhau thì mới biết nhau. Bay qua tất cả những gì vật chất, và phát triển bản thân trở nên vĩ đại vượt mọi thước đo; vượt mọi thời gian và trở nên vĩnh cửu; thì lúc đó ngươi sẽ nắm bắt được Thượng Đế. Hãy nghĩ rằng không có gì là không thể đối với ngươi; nghĩ rằng chính bản thân ngươi cũng bất tử, và ngươi có thể thấu suốt mọi thứ, biết hết mọi môn khoa học; tìm thấy nhà mình trong nhà của mọi sinh linh; bay cao hơn mọi độ cao và chìm sâu hơn mọi độ sâu; mang vào trong mình mọi sự đối lập, nóng và lạnh, khô và ướt; nghĩ rằng ngươi đang ở khắp mọi nơi cùng một lúc, trên cạn, dưới biển, trên thiên đàng; nghĩ rằng ngươi chưa được sinh ra, rằng ngươi đang ở trong bụng mẹ, rằng ngươi còn trẻ, rằng ngươi đã già, rằng ngươi đã chết, rằng ngươi đang sống trong cõi giới bên kia ngôi mộ; hiểu rõ tất cả những thứ này cũng một lúc, mọi lúc mọi nơi, mọi liệu chất và phẩm chất và mức độ; thì lúc đó ngươi có thể nắm bắt được Thượng Đế. Nhưng nếu ngươi khép lại linh hồn trong cơ thể mình, rồi tự hạ thấp chính mình và nói ‘Tôi không biết gì, tôi không thể làm gì; tôi sợ đất sợ biển, tôi không thể lên được thiên đàng; tôi không biết tôi đã là gì, hay tôi sẽ là gì,’ vậy thì ngươi có dính dáng gì với Thượng Đế?”

— Hermes Trisgemistus, Hermetica (Nguyễn Hoàng Huy dịch)

Cá nhân mình thấy rất vui sướng khi được tiếp cận với cuốn kỳ thư này vì trong quá trình tìm hiểu về chân lý và thực hành tu tập mình vẫn gặp những vướng mắc nhất định trong tư tưởng mà không sao vượt qua được. Chúng để lại những khoảng tối trong nhận thức và những e sợ nghi ngờ nhe nhóm về con đường Đạo mình đang bước đi. Sự thật tối hậu có bất khả tri không? Tình yêu vô điều kiện có thể đạt tới? Âm dương bên trong mỗi con người được biểu lộ như thế nào? Đạo lý của cha ông về bổn phận của nam nữ có phải đúng đắn? Tất cả những nghi vấn đó đều được gỡ giải một cách ngoạn mục và dễ dàng bởi sự diễn đạt tường minh và mạch lạc của những tác giả. Trong vài giờ đọc cuốn sách này, mình liên tiếp có cảm giác như tâm trí được giải phóng và sáng bừng lên vui sướng. Mình chỉ muốn được chia sẻ ngay những điều mình đã hiểu ra với thế giới, muốn được loan tin mừng với mọi người, rằng đây chính là con đường chân lý, không còn nghi ngờ gì nữa.

Cuốn sách này rất mỏng, không tốn quá nhiều thời gian để đọc, nhưng bù lại, nó tốn nhiều thời gian để nghiền ngẫm, trải nghiệm mà thấu hiểu. Nội dung xoay quanh 7 nguyên lý thần thánh, đúng trên mọi tầng mức nhận thức, và là những quy luật tối cao của thực tại.

  1. Nguyên lý tâm thức
  2. Nguyên lý tương ứng
  3. Nguyên lý dao động
  4. Nguyên lý đối cực
  5. Nguyên lý tiết nhịp
  6. Nguyên lý nhân quả
  7. Nguyên lý giới tính

7 nguyên lý này đều được đúc rút trong những lời ngắn gọn và mang tính đối xứng cao, tương tự như cách viết của Chí Tôn Ca. Cùng với sự diễn giải của ba người khai ngộ thì những nguyên lý đó được phơi bày một cách thân thiện và dễ hiểu hơn bao giờ hết. Nếu có một sự tưởng tượng về ba người đệ tử này, ta không biết họ là những nhà khoa học hay những bậc tu tế hay những triết gia, hay cả ba. Các tác giả có sự liên kết nội dung của các nguyên lý thần thánh với những hiện tượng tự nhiên gần gũi như chuyện yêu ghét của con người, chuyện quả lắc hoạt động, chuyện khúc gỗ trôi dọc theo dòng hay chuyện các nguyên tử hoạt động, v.v… Tất cả mọi thứ được kết nối và được nhìn ra cùng với nguyên lý thiêng liêng chứ không còn là những sự kiện hững nhờ nhàm chán. Nhờ những mối liên kết minh họa ấy mà các tác giả khiến người đọc phải chú ý nhiều hơn đến những gì xảy ra xung quanh mình, biết đâu chuyện ngồi ngõ bàn phím máy tính cũng là một phép màu và chuyện vặn nước rửa rau cũng hàm chứa sự thần diệu.

Tưởng chừng như 7 nguyên lý đó là cao siêu phi thực, nhưng không hề. Chúng là thứ có thể mang ra áp dụng ngay trong đời sống thường ngày, trong việc cân bằng cảm xúc tư tưởng, làm chủ chính mình, thăng tiến trong Đạo lộ và góp phần cải thiện thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống. Các nguyên lý này hỗ trợ mình rất mạnh trong việc thực hành thiền và cân bằng nhận thức, thậm chí nó giúp mình kết nối và tương tác với những người xung quanh tốt hơn, khai mở tâm trí và trái tim mạnh mẽ hơn. Nó như là những mảnh ghép để hoàn thiện những điều mình còn yếu kém, những điều mà tự thân trải nghiệm chưa đạt tới tầng sâu sắc ấy.

Khi đọc mỗi nguyên lý này, mình đều có những liên hệ tới những lời trí tuệ từ những bậc khả kính khác (Rumi, Terence McKenna, Đức Phật, Dalai Laima, Soyal Rinpoche, Lão Tử, Khổng Tử, v.v…) và thấy có rất nhiều điểm trùng khớp tương đồng. Họ đều đang cùng nói về một thứ dưới nhiều cách diễn giải khác nhau. Như thể tất cả họ là những sứ giả đến từ tương lai và đang góp phần nâng cao rung động của nhân loại bằng việc truyền tải những tầng nhận thức tiến hóa vượt trội – thứ đa số con người ở trong vùng tăm tối u mê luôn phản kháng điên cuồng trước khi có thể đón nhận. Nhân loại phải bỏ ra hàng ngàn triệu năm trải nghiệm học hỏi để có thể tường thông được những chân lý ấy.

Kỳ thư Kybalilon không chỉ là ngọn đèn soi rọi đêm tối vô minh của con người, mà còn là gáo nước lạnh dội thẳng vào nhận thức khoa học duy vật bảo thủ. Ngay từ nguyên lý đầu tiên đã khẳng định “Vạn hữu là tâm trí, vũ trụ là tâm thức” và xuyên suốt cuốn sách là sự chứng minh nguyên lý ấy. Tất nhiên, các tác giả đủ thông thái để dẫn dắt minh chứng tiến bộ của khoa học lượng tử hiện đại trong việc khám phá dần tới bản chất tinh thần của vạn vật. Độc giả càng nhiều bám chấp thì Kỳ thư Kybalion càng tung ra nhiều cái tát nổ đom đóm mắt.

“Khoa học đang di chuyển dần tới vị trí Hermetic bằng sự dò dẫm trong bóng tối để tìm lối ra khỏi mê cung mà nó đang lang thang trong cuộc tìm kiếm Thực tại.”

Cuối cùng, một điều mình thấy rất tuyệt vời ở tác phẩm này đó là nó giải quyết được tư duy nửa vời phiến diện của người bước đi trên con đường tu tập, bằng cách chỉ ra hai mặt của một vấn đề và sự vướng mắc của môn sinh do thiếu nhận biết đối cực còn lại. Điều quan trọng hơn cả là nó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hành đạo lý, nâng cấp chính mình trong đời sống, và tập trung sống một cuộc đời dồi dào ý nghĩa. Đây chính là những gì vẫn kiên trì truyền đạt tới mọi người trong suốt quãng thời gian qua.

“Công việc của chúng ta trong Vũ trụ không phải là để phủ nhận sự tồn tại của nó mà là để ‘sống’, để sử dụng những Luật để vượt từ thấp hơn lên cao hơn – tiếp tục sống, làm điều tốt đẹp nhất có thể, dưới mọi tình huống nảy sinh mỗi ngày, và sống ở mức độ khả thi nhất bằng những tư tưởng và những lý tưởng cao nhất.”

Tóm lại, Kỳ thư Kybalion là một kiệt tác của nhân loại và sẽ là cứu cánh kịp thời cho sự thoái hóa nhận thức của con người thời đại ngày nay. Nó sẽ luôn là ánh sáng bập bùng trong màn đêm u mê của thế giới. Nên ai muốn đen thì cứ gần mực, còn ai muốn rạng ngời thì hãy tiến lại gần đèn.

Một số câu trích dẫn yêu thích của mình từ cuốn sách (không kể tới 7 trích dẫn nguyên lý):

  1. Hãy nhìn vào nhiệt kế và xem liệu bạn có thấy được đâu là cái “nóng” chấm dứt và đâu là cái “lạnh” bắt đầu. (Câu này tương tự với câu nói của đại thi hào Rumi: “I don’t know where I end and you begin.”)
  2. Sự Làm chủ bao gồm không phải những giấc mơ khác thường, những thị kiến và những tưởng tượng hoặc cách sống kỳ quái, mà dùng những lực lượng cao hơn chống lại cái thấp hơn – thoát khỏi đau khổ của những tầng thấp hơn bằng sự dao động ở tầng cao hơn. Sự Chuyển hóa, không phải là sự phủ nhận trong tự đắc, là khí giới chính của bậc Đạo Sư.
  3. Tất cả đều ở trên Đạo lộ mà cùng đích là Vạn hữu. Mọi tiến bộ là một cuộc Trở về nhà.
  4. Làm sao có thể miêu tả ánh sáng cho người mù bẩm sinh, miêu tả chất đường cho kẻ chưa từng nếm thứ gì có vị ngọt, làm sao miêu tả hòa âm cho người điếc?
  5. Phải chăng đại đa số con người chỉ là những cái bóng và những tiếng vang của người khác vốn có ý chí và tâm trí mạnh hơn bản thân họ?
  6. Vạn hữu ở trong con giun đất, nhưng con giun đất không bao giờ là Vạn hữu.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top