Tôi: “Nói thật với cậu tớ chỉ nể phục những người trưởng thành. Còn những người lớn tuổi, tớ tôn trọng họ, nhưng nó chỉ nằm ở nghi thức lễ nghĩa kính trên nhường dưới.”
Bạn tôi: “Có gì khác biệt giữa hai loại người đó?”
Tôi: “Này nhé, người lớn tuổi là người chỉ già đi về mặt sinh học, họ tích góp nâng cao tuổi tác. Người trưởng thành là người sở hữu nội tâm đã già, họ có thể ít tuổi, nhưng tâm hồn lại rất phong phú.”
Bạn tôi: “Tớ thì nghĩ những người già bao giờ cũng là người trải qua nhiều sóng gió cuộc đời.”
Tôi: “Đúng. Nhưng trải qua rồi thì sao, họ có nhận biết được gì không? Vấn đề là có kinh nghiệm nào được rút ra từ những sóng gió? Tớ đã thấy nhiều những người lớn tuổi ăn nói và hành động rỗng tuếch.”
Bạn tôi: “Tớ chưa hiểu ý cậu.”
Tôi: “Ý tớ là họ đi qua sự việc đó như một tên mù, một thằng điếc, như một kẻ thiểu não đã đánh mất khả năng nhận thức vấn đề. Sự việc đã qua không để lại trong họ một chút dấu hiệu. Có thể họ sẽ nhớ nó như một phần ký ức, bởi nó đã từng xuất hiện trong cuộc đời họ. Người ta bảo rằng không ai tắm hai lần trên một dòng sông, tớ nghĩ những người trưởng thành, cách hiểu của họ về lần thứ hai sẽ hoàn toàn khác biệt cách hiểu của những người chỉ đơn thuần già đi. Ở lần thứ hai, người trưởng thành sẽ tránh mắc phải những lỗi lầm đã có trong lần đầu. Nhưng người già đi, dù có lần thứ mười thì mọi thứ xảy ra vẫn rập khuôn y hệt nhau.”
Bạn tôi: “Nói như cậu thì người trưởng thành là người tích góp được nhiều kinh nghiệm.”
Tôi: “Phải. Nhiều kinh nghiệm và có khả năng nhận biết số kinh nghiệm đó. Tớ có một người bạn, cô ấy luôn tìm đến tớ mỗi lúc khó khăn để chia sẻ. Lần đầu, lần thứ hai, tớ rất vui vẻ ngồi lắng nghe, nhưng đến lần thứ mười cô ấy vẫn cứ nói mãi về vấn đề ấy. Cô ấy chỉ có một vấn đề duy nhất thôi, và cô ấy cứ kéo lê lết nó từ ngày này sang ngày khác. Cô ấy đau khổ hôm nay, đau khổ hôm qua, hôm kia, và tớ biết cô ấy sẽ vẫn tiếp tục đau khổ vào ngày mai. Mỗi lần tìm đến, cô ấy cứ nói với tớ về những quyết tâm, những kiên định, nhưng rồi khi vấn đề muôn thưở xuất hiện, cô ấy lại phải khóc lóc vì nó.
Nếu tớ thất bại một lần trong một vấn đề, tớ sẽ nghĩ đó là bài học. Tớ sẽ nghĩ thất bại là mẹ thành công. Nhưng nếu những lần thứ hai thứ ba vẫn thất bại vì cậu cứ tiếp cận vấn đề đó bằng một cách giống nhau, không chịu suy nghĩ để rút ra kinh nghiệm thì tớ cho rằng đó là ngu xuẩn. Cuộc sống của những lần thất bại rập khuôn, chuyển từ khoảnh khắc ngu ngốc này sang khoảnh khắc ngu ngốc khác y hệt, đó chỉ là một cái chết chậm chạp kéo dài. Có những người tớ từng quen, vắng đi một thời gian gặp lại, tớ chẳng thấy có sự khác biệt nào trong họ. Họ vẫn cứ thế, nói những chuyện đã từng nói cách đây mấy năm, những quan điểm lỗi thời. Vậy đấy, họ chỉ già đi chứ đâu trưởng thành.”
Bạn tôi: “Vậy làm sao để nhận biết và chuyển hóa thành kinh nghiệm.”
Tôi: “Tớ đã nói rồi đấy. Cậu đừng cố đóng vai tên mù kẻ điếc. Đừng nhìn vào nó trong bộ dạng người vừa ngủ dậy. Tỉnh táo, quan sát và lưu tâm. Tớ nghĩ đó là những yếu tố cần thiết.”
Bạn tôi: “Nhưng nếu người đó hài lòng về con người đang già đi của họ?”
Tôi: “Với một điều kiện, họ đừng gây ảnh hưởng đến người khác. Nếu cô ấy hài lòng với con người đó, cớ gì phải tìm đến để tuyên bố với tớ rằng không bao giờ để bản thân mắc phải sai lầm đó nữa. Cô ấy không cần phải tìm đến tớ, không cần phải chứng tỏ với bất kỳ ai rằng cô ấy sẽ học cách trưởng thành. Bản thân người trưởng thành, họ không cần phải lo lắng về việc mình có cần phải trưởng thành hay không, bởi bản thân sự trưởng thành sẽ nói lên tất cả. Còn người già đi, họ lúc nào cũng lo cuống cả lên, nhưng ngày mai của họ vẫn chỉ là sự lặp lại của ngày hôm qua.”
Tác giả: Ni Chi