Nó là một mớ bùi nhùi, một chiếc khăn len được đan hai đầu, rồi vứt xó, rồi lại tiếp tục đan nhưng không hề có một chút hình thù gì của chiếc khăn len. Nhưng đến cuối cùng nó vẫn là một chiếc khăn len đặc biệt. 1Q84 – Q tức là Question, đúng vậy, question với cả những nhân vật trong truyện lẫn người đọc cho đến phút cuối cùng.
Câu chuyện kể về 2 nhân vật, 2 môi trường sống, 2 lối sống hoàn toàn khác nhau nếu không muốn nói là trái ngược.
Tôi chần chừ do dự đọc quyển sách này đã bao lâu, có lần mở ra đọc vài trang lại gấp vào và vứt xó. Rồi một ngày ngẫu nhiên tôi đột nhiên rút nó ra khỏi kệ sách và đọc ngấu nghiến. Cuốn đầu tiên, khi chưa nhập vào mạch truyện tôi đã phải nhai nó cả tuần liền. Tôi tự nhủ, “Ừ thì đoạn của Aomame cũng hấp dẫn đấy, nhưng rồi sau đó đoạn của Tengo cũng hấp dẫn không kém. Cuốn thứ 2 trong vòng 5 ngày và cuốn thứ 3 thì tôi như bị rơi vào một vòng xoáy. Chỉ trong vòng 2 ngày, tôi nghỉ làm 2 ngày là ngốn cái cuốn sách bìa màu tím ấy từ sáng đến tối, cả trong mơ tôi cũng mơ thấy Nhộng không khí, Fukaeri, và cái hình ảnh xám xịt mà Murakami phác hoạ nên. Thế giới song song? Khái niệm chắc hẳn tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến. Nhưng khi đọc 1Q84 tôi như bị hút trọn vào thế giới ấy. Những tình tiết ly kì, không hẳn là trinh thám hay ma quỷ, nhưng nó cứ gợi lên cho tôi một nỗi sợ tiềm tàng. Sự huyền bí của Người Tí Hon, họ là những kẻ man rợ hay thế nào? Nó giống như nỗi sợ những con búp bê mỗi đêm tỉnh dậy của các bé gái phải không?
Tuy vậy, trong câu chuyện vẫn còn nhiều lỗ hổng bởi vì có quá nhiều tình tiết xảy ra. Tôi rất hụt hẫng với đoạn kết, Tengo và Aomame đã gặp nhau nhưng sao vẫn thấy nó chưa phải một cái kết hoàn hảo tôi mong chờ? Hay bởi vì nó còn quá nhiều câu hỏi? Những con người ở thế giới có hai mặt trăng rồi sẽ ra sao? Fukaeri? Cô gái ấy là Mẫu thể hay Tử thể? Bà già trong biệt thự Cây liễu và Tamaru? Và cả những Người Tí Hon chui ra từ cái xác của Ushikawa? Tại sao phải giao hợp? Rất nhiều câu hỏi không được giải đáp đến nỗi tôi phải lên google để tìm xem có còn một bản kết nào khác nữa không. Và sự thất vọng lớn nữa là đoạn kết chỉ toàn những lời tự nhủ trong lòng của Aomame mà chẳng hề nhắc đến cảm xúc của Tengo là mấy. Kiểu như mình rất bất mãn với việc 2 người này gặp nhau là có cái kết như thế. Bởi vì trước đó mình đã quá mong chờ họ gặp nhau rồi sẽ thế nào, và nghĩ ra đủ mọi tình huống giả tưởng.
Murakami rất tài giỏi trong cách dùng ngôn ngữ và lối kể chuyện cuốn hút nhưng về logic thì không có một chút logic nào cả. Có lẽ đó cũng là cái chính tạo nên sự huyền bí trong những cuốn sách của ông.
Đến giờ tôi vẫn mù mờ về sự tồn tại của Người Tí Hon để làm gì? Nó có đại diện hay là sự ẩn dụ về Thiện – Ác trong mỗi con người hay không? Và tình yêu của Aomame và Tengo có thật sự như họ nghĩ? Bởi nếu ngoài đời thực sẽ chẳng ai có thể yêu lại một người đã quá khác xa người ấy của 20 năm trước. Lúc đầu có thể sẽ rất yêu nhưng rồi sau này họ có nhận ra mọi sự tưởng tượng của mình về đối phương đều không phải sự thực? Nếu vậy, tình yêu trong câu chuyện này có còn ý nghĩa gì nữa không? Tôi không biết, nhưng sau tất cả tôi vẫn nghĩ đây là một cuốn sách hay. Nó không hay ở phần kết, không hay nếu ta lôi nó ra thành những triết lý hay chủ đề cố định. Nó chỉ hay khi ta bước vào dòng chảy câu chuyện mà không phán xét đúng sai. Cũng giống như đời người, ông A, B, C nào đấy vừa chết hôm nọ, ừ thì cũng chia buồn đấy rồi thôi. Nhưng nếu ta trải qua từng giây phút cuộc đời họ chắc chắn nó cũng sống động không kém bất kỳ cuộc đời nào.
Tác giả: Bà Năm