zhuo-cheng-you-hdzlwe_g-rm-unsplash

Về nỗi sợ chết – Sâu thẳm của sự thấu ngộ là một cái tôi hành động trong ý thức

Dù chúng ta là ai, đến từ đâu, ngôn ngữ, màu da và chủng tộc khác nhau như thế nào, chúng ta đều có chung một nỗi sợ – sợ cái ta chưa biết.

Vậy làm sao để từ một cái chung ấy ta có thể gắn kết sâu sắc hơn với nhau? Có lẽ sợi dây kết tinh từ nỗi sợ cái chưa biết, chính là điều chúng ta đang cần. Trong tất cả những thứ ta chưa biết, cái chết luôn là hiện tượng ám ảnh mọi người. Ngoại trừ Phật, Jesus Christ, Krishna, thần Shiva, hoặc các bậc huyền môn thấu ngộ như Osho, Krisnamurti, Rumi…, thì hầu như ai cũng ít nhiều đều tìm cách lãng tránh cái chết.

Một điều chắc chắn rằng là chúng ta thường làm mọi thứ để tránh đi cái ta sợ hơn là cái ta muốn. Quả vậy, cái chết luôn là thứ khiến cho con người ta trở nên uỷ mị và sợ hãi.

Với góc nhìn ấy, ta biết rằng, mọi rắc rối mà ta đang đối mặt đều phát sinh từ nỗi sợ của bên kia sự sống. Ta sợ thứ không hiện hữu, và thế là ta dành thời gian hiện hữu để tìm bản chất thật của thứ không hiện hữu. Và khi ta có một câu trả lời khả dĩ, ta không biết làm gì tiếp theo với câu trả lời ấy, ta đâm ra hoảng loạn. 

Trong tâm thái lơ lửng ấy, bản ngã của ta cần một điểm tựa. Nếu may mắn tìm đúng điểm Trung Tâm, ta sẽ có cảm thức an toàn vĩnh viễn. Hiện tượng tìm về trọng tâm, cội nguồn gốc rễ của sự sống này được các bậc thầy tâm linh như Osho gọi là “điểm hội tụ”. Trong thế giới của Tantra, việc tìm về điểm Trung Tâm là một trong những phương pháp thiền hiệu quả dành cho một ai đó muốn trở nên thấu ngộ và tìm thấy Chân Ngã. Chúng ta sinh ra với một điểm hội tụ nhưng thường không biết về nó, do đó luôn cần đến rất nhiều con đường dẫn ta đến cánh cửa mở ra ánh sáng soi rọi nhận thức ấy.

Nếu không may tìm sai điểm Trung Tâm, ta sẽ trở nên điên loạn – kiểu điên mà các thiên tài thường hay gặp phải, chúng là cái điên của một tâm trí thông minh nhưng bị dồn nén quá nhiều nỗi sợ. Phân tâm học của phương Tây gọi đây là hiện tượng “tri thức hoá”. Trong mô hình định vị tính cách của Freud, bạn cần nhìn nhận bản ngã như là một phần đối mặt với thực tế. Nó rất yêu sách. Nó luôn đòi hỏi ta đáp ứng các nhu cầu bốc đồng, nổi loạn, trong khi siêu ngã (super-ego) muốn ta hướng đến đạo đức và lý tưởng. 

Lo âu, sợ hãi là tín hiệu cảnh báo cho bản ngã nhận diện được thực tế đang bất ổn theo cách nó không mong muốn. Vậy nên, tri thức hoá là một chiến thuật phòng vệ tâm lý do bản ngã sản sinh nhằm xoa dịu cảm giác lo âu, sợ hãi. Có thể hiểu, nếu bạn nhận thức được rằng con người ai rồi cũng phải chết, cơ chế phòng vệ trên buộc bạn phải ra sức tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến cái chết.

Theo cùng cái chết luôn là sự sống. Vậy nên, con người muốn lĩnh hội hết mọi tri thức về sự sống nhằm sáng tạo ra sự sống với mục đích là hạn chế đối mặt với cái chết. Nỗi sợ cái chưa biết khiến ta nhìn nhận bản chất thật của thế giới theo hướng rất chi li và bi quan. 

• • •

Có thể thấy, để giúp con người không rơi vào tình huống mộng mị ấy, các triết gia khắc kỷ đã đưa ra vài phương pháp giúp ta trở nên bình tĩnh hơn khi họ diễn tập về cái chết. Họ thoải mái bàn luận với chúng ta về một kết thúc êm đẹp cho một cuộc đời viên mãn, bằng một hệ thống lập luận chặt chẽ về thứ ta nên có ở đời này, thay vì theo đuổi những thứ phù vân. Họ nỗ lực giúp ta không cảm thấy bị số phận lừa phỉnh. Trên hết là vì họ là những cá nhân có hiểu biết sâu sắc ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tâm lý học. 

Họ hiểu rằng một cá nhân phiền não với cái chết là vì họ sợ những điều diễn ra sau cái chết, một số cá nhân khác thì sợ đã sống một đời sai lầm khi chưa đạt được những thứ có giá trị trong đời, nếu cái chết đến, nó sẽ chấm dứt tham vọng đạt được và sở hữu những thứ giá trị đó của họ. 

Vì chúng ta sợ cái chết nên chúng ta sợ luôn việc sống. Ta không thật sự Sống. Ta chỉ tồn tại trong trạng thái sợ hãi mọi thứ ta chưa biết và, ta quên luôn cả việc ta có thể học cách nhận biết về bản chất thật của Sự Sống, ta quên luôn việc nhận biết trạng thái hiện hữu nguyên thuỷ của chúng ta là tại điểm Trung Tâm. Ta quên mất điểm Trung Tâm này như cách một chiếc lá quên việc mình là một phần của nhánh, của cành, của thân, của rễ cây.

Các triết gia khắc kỷ còn thường khuyên bạn rằng, đừng trông mong gì về việc hưởng thụ thành quả khi thực hiện bất cứ hành động nào. Khi không trong mong gì vào đó bạn không còn bị trói buộc vào thế giới bên ngoài, bạn thoải mái bước vào thế giới bên trong. Thế giới chứa đựng điểm hội tụ – sợi dây kết nối nhân loại với sự sống. Nó chính là cội rễ. 

Đức Krishna trong Chí Tôn Ca đảm bảo rằng:

“Sau khi từ bỏ mọi tham luyến với thành quả lao động của mình, lúc nào cũng mãn nguyện và độc lập, anh ta sẽ không còn thực hiện hành động vì thành quả, dù luôn làm đủ mọi công việc. Người nào hành động chẳng toan tính việc hưởng thụ thành quả lao động, người đó là bậc trí huệ.”

Người trí huệ luôn là người ý thức rõ được điểm hội tụ của con người. Thế nên, Krishna mới bảo rằng nếu hành động với hiểu biết về bản chất siêu việt của Đấng Tối Cao, linh hồn ta sẽ được giải thoát.

Sống để thưởng thức Sự Sống mới là điều loài người chúng ta đáng được hưởng. Chúng ta hiện hữu trên hành tinh này là để thưởng thức cái đẹp, cái tinh khôi của vạn vật. Thông qua đó, ta sẽ thấu ngộ được sự thuần khiết nguyên thuỷ của chính giống loài chúng ta. Bên trong tâm thức của một người thấu ngộ luôn là tình yêu và lòng trắc ẩn với đồng loại. Khi ta yêu, ta mới có thể hoà quyện và tan chảy vào nhau. Đại dương rồi sẽ tan vào giọt nước như cách mà Vũ trụ sẽ tràn ngập trong ta khi linh hồn ta tự do.

“Bạn không phải là một giọt nước trong đại dương. Bạn là cả đại dương trong một giọt nước.” – Rumi

 Vậy nên, sâu thẳm của sự thấu ngộ là một cái tôi hành động trong ý thức.

Tác giả: VRSP

Biên tập: SUYNGAM.VN

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top