felix-tchverkin-wjdiz_uj8zg-unsplash

Tình yêu và sự hoàn hảo

Thế giới thật kỳ lạ làm sao! Kẹo ngọt lịm bây giờ ăn thấy đắng, kẹo đắng nào giờ cũng có vị ngọt. Một nghịch lý khác thường đã ăn sâu vào suy nghĩ giản đơn của chúng ta về cuộc sống, về tình yêu. Chúng ta thường liên tưởng socola chỉ ngọt, cafe chỉ đắng do bản chất, mà chúng ta chưa nhìn kỹ cách thưởng thức ra sao để thoả mãn nhâm nhi tận hưởng. Hoá ra đâu phải chỉ dựa vào cảm tính hoặc mỗi lý trí để ngậm một ngụm cafe ngon. Cafe ngon cần cả sự kết hợp hài hoà giữa tình và lý, và tình yêu cũng vậy.

Con người hay chọn người yêu theo một tiêu chuẩn: thấy hợp thì phụ thuộc vào cảm xúc, không hợp thì tại lý trí. Để rồi yêu nhau chưa được vài năm thì mau nản nhanh chán, rồi tiếp tục một mối tình hời hợt, và rồi vòng tròn cứ quay đi quay lại luẩn quẩn. Không lạ gì khi con người lạm dụng tình yêu như một chất kích thích ngọt ngào, sử dụng lãng phí như một trò chơi vô bổ. Họ đi tìm những người khác. Mới yêu nhau con người cứ ngỡ mọi thứ thật hoàn hảo, nhưng do chỉ dựa dẫm vào cảm xúc. Đến khi thấy được bản chất của nhau, cảm xúc bỗng dưng bị bốc hơi, rồi không hợp trong mắt người ấy nữa, thế là mối quan hệ tồn tại chỉ trong lý trí mà thôi. Không tìm được người ưng ý với mình là lý do thường được làm cái ngụy biện cho những đau khổ trong tình yêu.

Con người sợ rằng tình yêu thực sự ở xa hơn nửa vòng Trái Đất, hoặc người đó không thể cho mình một sự thỏa hiệp bền vững, nên họ chấp nhận mối quan hệ tạm thời để khoả lấp chỗ trống. Nhu cầu được yêu giống như nhu cầu ăn uống của mỗi người, tuy vậy, họ chỉ chú tâm vào những thứ họ muốn ăn mà quên đi cách ăn chậm rãi như thế nào. Con người quên mất rằng tình yêu không phải là máy bán hàng tự động, không phải cứ muốn gì thì được nấy.

Trước khi nói về quy luật bù trừ của hai thái cực, tôi sẽ tổng quát những điều cần nhớ về hai chữ “hoàn hảo”. Ai ai cũng phát ra câu nói “Không ai hoàn hảo cả”, nhưng chỉ thực sự hiếm người sống đúng với điều này. Bởi vì con người luôn muốn mọi thứ phải đúng như kế hoạch có sẵn họ tạo ra, kể cả loại bỏ những tiêu chuẩn vô lý (phải có xe hơi, phải tươi cười), sự hoàn hảo vẫn không hề mất đi. Khuôn mẫu bóp méo tâm hồn họ, giẫm nát lòng bao dung trong họ, từ đó con người nảy sinh sự ghen ghét đầy tức tối, khó chịu.

Sự hoàn hảo căn bản làm ta quên mất ta là ai. Thật vậy, nó tạo ra cảm giác sợ hãi khi chúng ta không biết làm gì sau khi đánh mất một thứ cho rằng cần thiết với ta. Ta không biết phải làm gì khi ta cố gắng giảm cân nhưng không hiệu quả. Ta không biết cảm thông ra sao khi nhìn thấy một khuôn mặt băng bó vì bị tai nạn. Ta không biết an ủi ra sao khi người khác biệt bị bắt nạt. Quy chung lại, sự hoàn hảo biến ta thành người nghèo cả về tinh thần lẫn đức hạnh. Sự hoàn hảo trói buộc ta làm nô lệ của khuôn mẫu.

Một khi ý chí và tâm hồn bị trói quá chặt, con người sẽ không thể yêu thương trọn vẹn. Họ bắt đầu phòng thủ bản thân trong vỏ bọc. Họ sẵn sàng cào xé nhau để có được thứ họ muốn, kể cả tình yêu, và khi mọi việc diễn ra theo hướng ngược chiều, họ đâm đầu than đời trách phận. Điều cần thiết chúng ta cần nhớ là: HOÀN HẢO GÂY XÓI MÒN NHÂN CÁCH.

Quy luật bù trừ, được coi giống như luật nhân quả, nhưng mang tính chất quy mô hơn. Nhân quả nói rằng cố gắng lao động mua xe thì có xe, nhưng bù trừ chỉ rõ những rủi ro trước và sau khi mua xe (thậm chí có khi không mua được). Bù trừ luôn nói rõ hai mặt của nhân cách con người giống hai mặt đồng xu: bạn thẳng thắn, nhưng người khác sẽ mất lòng nếu bạn làm quá. Mỗi người đều có ít nhất một nhân cách trái ngược với một nhân cách không có. Bạn không thể đòi hỏi mình phải vừa trầm tính vừa vui tính. Cho nên, khi bạn bắt đầu làm quen một ai đó, bạn đừng chú tâm quá nặng xem tính cách người này như nào. Không có tính cách nào gây khó chịu, chỉ có thể là bổ trợ cho nhau qua chúng. Chúng ta đều được ban những thiếu sót để nhìn ra đứa trẻ bên trong ta, để đi tới một quá trình hoàn thiện chân-thiện-mỹ.

Tôi muốn nói với các bạn rằng: từ bỏ tiến tới hoàn hảo đi! Hoàn hảo mãi mãi là một khái niệm không có thật. Tôi nhớ có một câu châm ngôn thế này.

“CUỘC ĐỜI KHÔNG CHO BẠN NHỮNG THỨ BẠN MUỐN, CUỘC ĐỜI CHO BẠN NHỮNG THỨ BẠN CẦN.”

Bạn thử nghĩ xem, bạn có nhà, có xe… bạn có được hầu hết thứ mà người khác mong muốn. Bạn còn có một người yêu mẫu mực đúng lý tưởng. Đời sống của bạn đến đây quá hoàn hảo rồi. Nhưng sớm muộn gì bạn cũng phải trải nếm đắng cay. Danh dự, tiền của, thậm chí mạng sống rồi cũng phải thoái trào. Một khi bạn không nhận ra rằng hoàn hảo chỉ là kết quả, bạn sẽ không nhận ra giá trị bên trong bạn. Sau đó bạn sẽ trở thành một kẻ ăn bám. Bạn nghèo nàn cả vật chất lẫn tinh thần.

Về tình yêu, bạn đã hiểu ra tại sao người yêu bạn không phải là tiêu chuẩn bạn có chưa? Bạn hiểu được tại sao bạn thất vọng với những món quà bạn được ban tặng chưa? Sự thật là, người yêu không nằm trong chuẩn mực thì sẽ kích thích sự tò mò khám phá sâu sắc về con người đối phương. Thậm chí bạn còn có thể học hỏi những điều tốt đẹp từ người ấy và rút ra bài học về chính bản thân bạn. Bạn có thể mua ngay một bộ váy xịn hoặc đồ ăn ngon, nhưng bạn hay quên mất điều bạn cần: bạn cần có nhận thức vững vàng về sự hài hòa.

Yêu một người hoàn hảo khác nhau hoàn toàn với yêu một người thủy chung hài hòa. Hoàn hảo đem lại đau khổ, hài hòa đem lại hạnh phúc. Cũng như chúng ta được sinh ra với một cơ thể tật nguyền, nhưng không vì thế chúng ta mặc định tâm hồn cũng dị dạng như thân thể. Khi ta khiếm khuyết một bộ phận, các bộ phận còn lại được phát huy sức mạnh tối đa hiệu quả hơn để giúp ta bước chân trải qua sóng đời.

Nhắc về chủ đề sự hoàn hảo, tôi lại muốn viết thêm vài dòng trang để minh chứng về mặt trái của nó. Hoàn hảo có thể được coi là đích đến trong quá trình bạn nỗ lực học tập tốt, bạn cố gắng làm việc chăm chỉ để được thăng tiến trong công ty… Nhưng hơn hết, bạn phải nhận ra nỗ lực đạt được kết quả có ý nghĩa bước ngoặt gì cho bạn sau này. Và hãy làm việc để vẽ ra hành trình, không phải để chỉ kết thúc.

Tác giả: Ally Yuu

Biên tập: SUYNGAM.VN

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top