(1669 chữ, 7 phút đọc)
Bộ phim kỳ ảo chính kịch The Shape of Water của đạo diễn Guillermo del Toro kể về câu chuyện tình yêu giữa một cô gái câm Elisa – người được người bạn hàng xóm già mô tả lại trong lời kể của mình là “nàng công chúa không tiếng nói”, với một thủy quái được tìm thấy ở Nam Mỹ, bị bắt mang về trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ – nơi Elisa làm lao công.
Chàng thủy quái kia trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa Nga và Mỹ khi câu chuyện được đặt trong bối cảnh chiến tranh lạnh năm 1962. Cả hai bên đều muốn giết sinh vật này nhưng với hai mục đích hoàn toàn trái ngược. Bằng tình yêu dành cho thủy quái nảy sinh trong những ngày dọn dẹp ở khu giam giữ, cô lao công Elisa quyết định giải cứu người tri kỷ của mình bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng – cùng với sự trợ giúp của người hàng xóm và người bạn đồng nghiệp thân thiết.
Có lẽ, nội dung nổi bật nhất của bộ phim đó là tình yêu, được thể hiện giữa Elisa và sinh vật kỳ lạ kia. Tình yêu ấy là thứ khiến mọi khiếm khuyết của cô gái và sự khác biệt về thù hình của thủy quái so với loài người được chấp nhận. Cái tên The Shape of Water và cảnh tượng hai nhân vật ôm ấp nhau ở trong biển nước như muốn khẳng định sự bao dung lớn lao nhất một người có thể dành cho một người, hay tình yêu của Thượng Đế dành cho mọi sinh mệnh. Nó vượt lên mọi khuyết tật, mọi thiếu sót, mọi dáng hình bên ngoài để ôm trọn lấy tất cả trong sự mềm mại và dịu êm của mình. Nước chính là biểu tượng cho xúc cảm, yêu thương được thể hiện trong sự hòa quyện không ranh giới, không đường nét của nó.
Xem The Shape of Water tôi không thể không nhớ tới phim Cướp biển vùng Caribbean 4: Dòng chảy lạ. Ở đó diễn ra chuyện tình giữa nàng tiên cá Syrena và nhà truyền giáo Philip Swift. Cả hai bộ phim này có nét tương đồng nhau được thể hiện ở khả năng trực giác mạnh mẽ của tiên cá và thủy quái, đó là họ có thể nhận ra và cứu rỗi những con người có tâm hồn trong sáng. Nước và người cá đều là những biểu tượng của tâm linh, trực giác và trí tưởng tượng. Câu chuyện về sự gặp gỡ giữa cô lao công Elisa và thủy quái hàm ngụ ý tưởng về sự phát triển nhận thức của một người có thể đạt tới những tầng sâu lắng hơn khi họ mang trong mình trái tim pha lê thuần khiết.
“When he looks at me, the way he looks at me. He does not know, what I lack or how I am incomplete. He sees me for what I am, as I am. He’s happy to see me. Every time. Every day. Now, I can either save him… or let him die.” – Elisa
Hẳn rằng đạo diễn có chủ ý khi xây dựng hai nhân vật chính đều là những kẻ không thể cất lên tiếng nói của con người và chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể hay ký hiệu. Chính những xúc cảm mãnh liệt, dù là đau đớn hay yêu thương khi không được giải phóng ra bằng lời nói thì càng khiến nó day dứt và dữ dội hơn trong lòng hai kẻ si tình. Điều này càng khiến người xem muốn căng thêm các giác quan khác để đón nhận các rung động của họ. Và hơn cả, sự vô ngôn giữa Elisa và thủy quái như một điều nhắn nhủ rằng tình yêu là một thứ vượt ra ngoài mọi sự diễn đạt của tâm trí, của tư duy, của ngôn từ.
Sự tương phản của hai nhân vật chính còn thể hiện ở đẳng cấp của họ trong thế giới của mỗi người. Khi nhìn vào câu chuyện, ta có thể hình dung họ như hình với bóng, như hình ảnh phản chiếu của nhau trong một tấm gương vậy. Elisa mang giới tính nữ, sống trong vị trí thấp hèn của xã hội – lao công dọn dẹp nhà vệ sinh, bị bạo hành và bỏ rơi từ nhỏ và cũng không hề xinh đẹp. Còn thủy quái mang giới tính nam, được thổ dân Nam Mỹ tôn thờ như thánh thần (God) và cũng bị bạo hành vì hình thù chẳng giống con người của mình khi bị bắt lên bờ.
Hai người họ như hai thái cực đối lập và bị hút về với nhau như một lẽ hiển nhiên. Cùng với sự cô đơn đồng điệu trong tâm hồn và cách thức giao tiếp không dùng tiếng nói mà họ càng thêm gắn bó với nhau sâu sắc.
Ngoài ra, bộ phim còn xây dựng rất nhiều những hình ảnh tương phản giữa Elisa và Đại tá Richard Strickland – kẻ đã bắt thủy quái về trung tâm nghiên cứu. Elisa dịu dàng và tinh tế bao nhiêu thì gã kia lại thô lỗ và tàn độc bấy nhiêu. Một bên ngập tràn tình yêu, còn một bên phủ đầy sự giận dữ ngạo ngược. Một bên là con người thấp hèn bé nhỏ làm chuyện phi thường, một bên là kẻ quyền cao chức trọng làm việc bỉ ổi. The Shape of Water là câu chuyện giằng co giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự vị tha và vị kỷ, giữa yêu thương và hận thù.
Lời thoại trong phim không nhiều, của Elisa (khi được phiên dịch ra) và những người bạn đều là những lời trực tiếp, nghĩa đen, nói thẳng vào những gì họ đang thực sự nhìn thấy và cảm thấy. Còn lời thoại của Đại tá Richard và những nhân vật chính trị phản diện khác thì đều mang nghĩa bóng, họ sử dụng các hình ảnh ẩn dụ để nói chuyện với nhau. Lại một lần nữa, đạo diễn Guillermo del Toro thành công trong việc thể hiện bức tranh đối nghịch trong thế giới con người, một bên là sự trung thực, trong sáng, chân thành, còn một bên là dối gian, ngụy tạo, hiểm ác.
Còn rất nhiều những chi tiết tương phản nữa xuất hiện trong bộ phim mà tôi còn chưa kể ra hết, có lẽ việc này nên để nhường lại cho mỗi người tìm kiếm. Lúc ban đầu khi xem phim, tôi thấy một số phần có sự thừa thãi, không ăn nhập gì với cốt truyện nhưng sau đó nhận ra những cảnh phim đó xuất hiện đều có lý do của nó, và đều nhằm mục đích làm bật lên sự đối lập sâu sắc trong thế giới The Shape of Water.
Diễn xuất của Sally Hawkins trong vai Elisa được đánh giá rất cao. Bản thân tôi cũng phải công nhận tài năng của cô ấy khi vào vai một nhân vật với thế giới nội tâm phức tạp, cảm xúc bị kìm nén lại bởi sự khuyết tật trong khả năng nói của mình. Mỗi cử chỉ gương mặt hay ánh mắt của cô đều rất sinh động và chúng làm thay toàn bộ những gì tiếng nói của cô không làm được.
Có thể đây là một bộ phim mang thiên hướng kịch nghệ nên nó tập trung vào phần hàm ý nghệ thuật hơn là tính logic của cốt truyện. Cá nhân tôi thấy cấu trúc của bộ phim hơi lỏng lẻo và còn những kẽ hở. Tạm lấy một ví dụ như việc mang một sinh vật kỳ dị ngang với người ngoài hành tinh về trung tâm nghiên cứu mà lại để hớ hênh cho lao công quét dọn nhìn thấy và dễ dàng tiếp xúc trực tiếp mỗi ngày, không hề có một đặc khu ngăn cách, bảo mật gì là một chuyện hơi vô lý.
Diễn biến phim không khó đoán trước nên không mang lại nhiều điều bất ngờ, hay cảm giác gay cấn nghẹt thở. Có lẽ, những gì ấn tượng nhất mà bộ phim để lại chính là những ý tứ sâu xa ẩn giấu trong các hình ảnh biểu tượng.
The Shape of Water có những góc quay và âm nhạc rất lãng mạn, yên bình, giản dị khiến người xem lắng lòng lại để nghe thấu được những cảm xúc tinh tế của những nhân vật. Cảnh Elisa bỗng cất tiếng hát tưởng tượng trong phim khiến tôi nhớ đến một đoạn tương tự của phim La La Land khi Mia (Emma Stone) nhập tâm rất sâu vào vở diễn thử của mình và toàn bộ cảnh trí xung quanh cô thay đổi.
Bộ phim The Shape of Water cũng hàm chứa những khát vọng của con người vượt lên trên thực tại giới hạn và khổ đau của chính mình bằng ước mơ và trí tưởng tượng. Chỉ khi ấy, một cô gái câm mới có thể trở thành một nàng ca sĩ và những lời tỏ tình tha thiết không thể nói ra mới có thể bung tỏa đầy say mê và nồng nhiệt.
Trong lễ trao giải Oscar lần thứ 90, bộ phim của đạo diễn tài năng Guillermo del Toro đã chiến thắng được nhiều hạng mục quan trọng là Phim truyện xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nhạc nền trong phim xuất sắc và Thiết kế sản xuất xuất sắc.
Tóm lại, The Shape of Water là một bộ phim đáng xem với nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu lắng. Cá nhân tôi rất thỏa mãn với các biểu tượng được dựng lên trong bộ phim này, chúng vừa tinh tế mà vừa thơ mộng. 8.5/10 là điểm dành cho Dáng hình của Nước.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Featured Image: Sadie Pices
📌 Ủng hộ tác giả và ➡️
📌 Tham gia viết bài cùng ➡️