Bài viết này dành cho những ai muốn hiểu rõ về bản chất của chính mình. Chỉ khi có cái nhìn sâu sắc hơn về chính mình thì bạn mới có thể có được cái nhìn rõ ràng hơn về thế giới. Cái nhìn sáng suốt này sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc, bình an đích thực, viên mãn, vượt thoát vô thường. Khi chưa thông hiểu được tri thức này thì bạn sẽ vẫn còn nằm trong vô thường, và chịu sự chi phối của nó, vẫn sẽ tiếp tục phản ứng, hành động trong vô thức, không khác gì một con robot sinh học, hoàn toàn không có ý chí tự do, vì mọi việc làm của bạn đều đã nằm trong sự lập trình, sự lập trình của Ego.
Nội dung bài viết này được tham khảo từ một pháp thoại vào năm 2010 của Shunyamurti, một trong những đạo sư tâm linh tôi thấy đỉnh nhất hiện nay trên thế giới, mỗi khi channel Youtube của ông ra video mới tôi đều không bỏ sót. Có thể kể qua một vài đạo sư tôi đã từng xem/đọc/nghiên cứu trong nhiều năm qua, và nhận thấy Shunyamurti dường như nổi bật hơn những người như: Osho, Eckhart Tolle, Krishnamurti, Sadhguru, Mukundananda, Moojiji, Rupert Spira, Sarvapriyananda, actualized.org… Một học giả chân chính không thể chỉ dừng lại ở một cái tên, chỉ đọc từ một người. Thước đo của một học giả chân chính nằm ở khả năng tìm hiểu, đối chiếu nhiều nguồn tư tưởng khác nhau và rút ra kết luận.
Ego / Cái tôi cá nhân / Bản ngã là một trong những khái niệm cơ bản quan trọng trong tâm linh, tôn giáo, tâm lý học. Trước khi tôi có thể chia sẻ về những khái niệm khác như ý thức / tâm thức (awareness / consciousness), tâm trí, Chân ngã, Maya (ảo tưởng), giác ngộ, niết bàn, nhị nguyên, bất nhị… (tất cả những điều này đều có liên quan tới nhau) thì Ego là khái niệm nên được tìm hiểu trước. Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng diễn giải những ý tưởng của bài pháp thoại ra tiếng Việt kết hợp với những phân tích của mình. Trong video, Shunyamurti đã dùng hình ảnh so sánh Ego cũng giống một tập tin PDF. Trong đó P là Projections (những phóng chiếu), D là Decisions (những quyết định), và F là Fixations (những định hình). Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng phần.
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta xây dựng cho mình một ego ảo tưởng. Để rồi một khi đã bước vào đạo lộ chúng ta phải nhận ra ảo tưởng đó và vứt bỏ nó đi. Người ta thường ví một đứa trẻ khi mới chào đời giống như một tờ giấy trắng, hoàn toàn chưa có sự hình thành của kinh nghiệm, kiến thức, ký ức, ngôn ngữ, tư duy… Đứa bé là hiện thân của ý thức thuần khiết, pure awareness. Nó trải nghiệm thế giới với một tâm thức tuyệt đối trong sạch. (Thuật ngữ “ý thức” (awareness) và “tâm thức” (consciousness) tôi sẽ sử dụng một cách đồng nghĩa trong bài viết này và những bài sau.) Nó nhìn cuộc đời với qua một lăng kính chưa bị nhuộm màu. Nó nhìn thế giới theo đúng như những gì đang diễn ra, với sự vắng bóng của suy nghĩ, tâm trí, ego.
Trong quá trình lớn lên của một đứa bé, tâm thức trong sạch của nó bắt đầu hấp thụ: ngôn ngữ (cùng bản chất nhị nguyên của nó), những hành vi, thái độ, thói quen, quan điểm, đạo đức, trí tuệ (hoặc không) của cha mẹ, anh chị em, gia đình họ hàng, bạn bè, trường lớp, xã hội…, những sự đồng hóa mà người khác dành cho nó (chẳng hạn: một người anh cả, một đứa con ngoan trò giỏi, cháu đích tôn, niềm tự hào / nỗi thất vọng của gia đình, một người không xứng đáng, một người __ (danh từ/tính từ) __, những bản sắc, những khái niệm xấu/đẹp, giỏi/dở, nhị nguyên, vân vân…) Tất cả những thứ tâm thức một người tiếp nhận, hấp thụ có thể được gọi chung là Projections – Những phóng chiếu trên nền tảng tâm thức, trong “không gian” ý thức. Tâm thức lúc này không còn giữ được trạng thái trong sạch nguyên thủy của nó nữa. Nó đã bị nhuộm màu. Tờ giấy trắng ban đầu của bạn đã được tô vẽ lên.
Bất nhị nguyên (nonduality) là gì?
Sau đó, bạn bắt đầu đưa ra Những quyết định – Decisions, dựa trên những phóng chiếu bạn tin vào. Bạn quyết định chấp nhận, đồng hóa với những phóng chiếu đó. Có thể bạn sẽ thay đổi chỉnh sửa này kia, nhưng điều quan trọng là bạn đã chấp nhận sống với những phóng chiếu này, tin vào nó, và duy trì nó. Những quyết định này sau đó sẽ ăn sâu vào vô thức và trở thành Những định hình – Fixations. Một khi nó đã được định hình trong vô thức, bạn sẽ hầu như không thể thay đổi được nó, bởi vì mọi ý tưởng muốn thay đổi bản thân, nâng cấp bản thân đều bắt nguồn từ những định hình sẵn có. Một khi những ý tưởng, những sự đồng hóa, những sự phóng chiếu đã nằm trong vô thức, bạn sẽ không thể nhìn thấy được cỗ máy vận hành tâm trí đằng sau mọi suy nghĩ, hành động của bạn, trừ khi bạn được người khác chỉ ra và nhìn lại và nếu đủ duyên thì sẽ giác ngộ. Bạn phải đi ra khỏi ma trận như Neo thì mới có thể nhìn thấy được bản chất của ma trận. Định lý bất toàn của Godel (một trong những khám phá đỉnh cao nhất trong toán học, logic học trong thế kỷ 20) thì phát biểu rằng:
“Bất cứ điều gì mà bạn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó sẽ không thể tự giải thích về bản thân nó mà không tham chiếu đến một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn – một cái gì đó bạn phải thừa nhận là đúng nhưng không thể chứng minh.”
Hay nói cách khác, bạn chỉ có thể nhận biết được một hệ thống khi bạn nằm ngoài/tự do khỏi hệ thống đó.
Định lý bất toàn của Kurt Godel và cánh cửa mở ra trí tuệ | Vũ Thanh Hòa – SUYNGAM.VN
19 bài học quan trọng từ Kurt Gödel (tác giả của Định lý Bất Toàn)
Bản ngã hư ngụy / cái tôi cá nhân ảo tưởng của bạn được hình thành, củng cố, và phát triển thông qua tập tin PDF này. Nó hư ngụy ảo tưởng là vì con người đích thực của bạn không phải là một hay nhiều sự đồng hóa bạn vô tình tin vào trong vô thức, bạn không phải là một anh A hay chị B, tách biệt với thế giới như bạn nghĩ mình là. Niềm tin tự tạo sai lầm này là nguồn gốc của mọi bất hạnh đau khổ. Buông bỏ được nó cũng là sự buông bỏ khó nhất trong đời, khó tới mức 99.99% mọi người phải trải qua vô lượng kiếp để nhận ra được bài học này, bài học về sự giác ngộ, trở thành Phật, trở nên một với toàn thể, không còn sự tách biệt, không còn những hàng rào bạn tự dựng lên ngăn cách bạn với thế giới. Bạn từ chối sự vô hạn chỉ để nhốt mình trong sự hữu hạn nhỏ bé ảo tưởng của bản ngã. Bạn sống với niềm tin yếm thế, tư duy nạn nhân, bạn có cảm giác như cả thế giới đang chống lại bạn, bạn vật lộn với nó thay vì biết hiểu ra các nguyên lý và hợp tác với nó. Bạn không biết rằng bạn là người tạo ra thực tại cho chính mình, chứ không phải ngược lại. Không ai khác gây ra đau khổ cho bạn ngoài chính bạn.
Hiểu biết về ego sẽ thay đổi toàn bộ con người bạn từ trong ra ngoài, toàn bộ nhân sinh quan và thế giới quan. Phản ứng đầu tiên của ego một khi bạn bắt đầu tìm hiểu về bản chất của nó là nó sẽ lý sự, chống cự, giãy đạp… Nó sẽ nghĩ rằng toàn bộ hệ thống niềm tin nó đã xây dựng từ trước đến nay sẽ sụp đổ, mang lại một sự mất mát đau đớn tột cùng quá sức chịu đựng của nó. Bản thân nó không còn được làm ông chủ điều khiển cuộc đời bạn nữa. Nó sẽ trở thành một công cụ cho bạn sử dụng, một nhân viên như vị trí xứng đáng của nó. Thậm chí ngay cả sự tồn tại của nó cũng đang bị đe dọa. Nó không thể nghĩ được gì khác ngoài những nội dung trong tập tin PDF nó đã tích lũy. Cho nên người ta mới có câu “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời.” Nhưng tôi nói cho bạn biết, ngày bạn nhận ra được ảo tưởng về ego cũng là ngày cuộc đời bạn bước sang một chương mới, tốt đẹp hơn 100%, chứ không như những gì ego của bạn ảo tưởng. Bản chất của ego là ảo tưởng cho nên mọi thứ nó nghĩ ra cũng không là gì khác ngoài ảo tưởng. Khi ảo tưởng mất đi, cái còn lại không phải đau khổ, mà là sự thật. Chỉ có sự thật mới mang lại tự do, giải thoát, không gì khác.
Để kết thúc bài viết, tôi sẽ trích dẫn bài thơ có tên “Fear” của Kahlil Gibran do tôi tạm dịch, nói về ảo tưởng sợ hãi của ego khi đứng trước sự vô hạn, cái nó chưa từng biết, của bản ngã trước khi tan hòa vào Chân ngã, con người đích thực của bạn.
“Truyện kể lại rằng, có một dòng sông đã run lên vì sợ hãi trước khi nó chảy vào đại dương. Nó nhìn lại con đường nó đã đi qua, từ đỉnh của những ngọn núi, uốn lượn ngoằn ngoèo xuyên qua những khu rừng và làng mạc. Và trước mặt, nó thấy một đại dương quá vĩ đại. Đi vào đó cũng có nghĩa là biến mất mãi mãi. Nhưng không còn đường nào khác. Dòng sông không thể quay lại. Không ai có thể quay lại. Quay lại là không thể. Dòng sông cần phải đánh liều gia nhập vào đại dương. Bởi vì chỉ khi đó sợ hãi mới biến mất. Bởi vì khi đó dòng sông mới biết nó sẽ không biến mất vào đại dương, mà nó sẽ trở thành đại dương.” – Kahlil Gibran, “Fear”
Xem thêm
• 19 bài học trí tuệ từ Khalil Gibran
• Ngôn sứ, Kahlil Gibran (Nguyễn Ước biên dịch, SUYNGAM.VN hiệu đính)
• Cuộc Cách Mạng Tâm Thức – Phỏng Vấn Tiến Sĩ Bruce Lipton
Tác giả: Huy Nguyen