Khi tôi nói về sáng tạo, tôi sẽ nói về cái gì đó mơ hồ và điên khùng hơn thế. Nó phải là thứ gì đó không không dựa trên những chất liệu có sẵn – thứ mà từ hàng thiên niên kỷ nay, con người luân phiên tái sử dụng, dưới nhiều nhánh tri thức khác nhau. Thứ sáng tạo mà tôi đề cập, nó ẩn chứa trong mọi hành động dù là nhỏ nhặt nhất của mỗi người.
Nếu chịu khó quan sát, bản thân sự sáng tạo đều có liên hệ mật thiết với ý nghĩa của cuộc sống. Bạn muốn sáng tạo nghĩa là bạn muốn cuộc đời mình thật sự có ý nghĩa. Để cuộc đời có nghĩa, bạn phải tạo ra nó. Nó không có sẵn. Thứ có sẵn là thứ được thu nhận, thứ đã được phát hiện. Nhưng ý nghĩa có sẵn tuyệt nhiên không phải là ý nghĩa của chính bạn. Đó là thành phẩm của thế hệ đi trước; ý nghĩa cuộc đời của ai đó chứ không phải của riêng bạn. Bạn chỉ đang góp phần vận hành và duy trì nó mà thôi.
Nếu vô tình kết luận một ý nghĩa dựa trên ý tưởng sẵn có đó, bạn sẽ bị định kiến – thành kiến phải là điều này chứ không thể là điều khác. Bạn phải là bác sĩ hay kỹ sư, hay một Elon Musk, một Bill Gate, một Steve Jobs, một minh tinh tài tử nào đó thì cuộc đời bạn mới có nghĩa. Còn nếu là người làm vườn, hay người chăn nuôi gia súc, một tài xế xích lô,… cuộc đời bạn hoàn toàn thảm hại và chẳng có ý nghĩa gì cả.
Tư duy theo chiều kích này là bất lợi, là cuộc truy tầm ý nghĩa bị bủa vây bởi những ý tưởng cũ kỹ và lạc hậu. Khoa học duy lý, triết luận, học thuyết, kinh sách, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc…là những nguồn sáng tạo dồi dào của con người. Chúng đã khiến con người ý thức được đức hạnh cá nhân, sự huyền nhiệm và niềm tin mãnh liệt vào một đấng sáng tạo tối cao – người đang cai quản cả bầu trời vô tận. Chúng ta phải biết ơn vì điều đó.
Chỉ phiền nỗi chúng đã được thế hệ trước tạo ra. Nghĩa là mọi ý nghĩa đó đều đã có sẵn. Khả năng cao là nó không còn phù hợp. Dù nó có diễn đạt bằng ngôn ngữ khác – ngôn ngữ hiện đại hơn, nó cũng chẳng có nghĩa gì khi bạn chỉ tiếp thu nó một cách máy móc mà không thông qua trải nghiệm của riêng mình. Tiến trình sáng tạo phải diễn ra thật tự nhiên, nó len lỏi trong mọi thao tác, mọi hành động, dù là nhỏ nhặt nhất.
Nó là thế này, để tận hưởng cảm giác no nê, tôi phải ăn thật nhiều. Tôi không chỉ nhìn người khác ăn mà tôi thấy no được. Ăn xong tôi phải rửa chén, nếu trong lúc tẩy rửa, tôi rửa bằng niềm yêu thích, tôi sẽ không thấy việc rửa chén là tốn thời gian. Thế thì việc rửa chén là một hành động sáng tạo. Ngoài ra, khi đi sâu vào thao tác rửa chén với một trạng thái hân hoan, nghĩa là tôi đang thiền.
Việc thiền này diễn ra thật tự nhiên. Trong khoảnh khắc, mọi giọng nói trong đầu tôi bỗng nhiên im lặng, tôi không còn căng thẳng nữa. Cái hay nằm ở chỗ khi căng thẳng biến mất, áp lực tiêu tan, tự nhiên cảm hứng lại tiếp tục dâng trào, ý tưởng được nhen nhóm, sáng tạo theo đó mà xảy ra. Nghĩa là bạn phải thật yêu thích việc bạn đang làm. Bạn càng yêu nhiều thứ, bạn càng gần hơn với Thượng Đế – Đấng sáng tạo tối cao. Đó là lý do Vincent Van Gogh khuyên rằng: “Cách duy nhất để nhận biết Thượng Đế là yêu thật nhiều thứ.” Chỉ khi yêu mọi điều bạn làm, bạn mới ý thức được tính sáng tạo bên trong mình.
Cũng thế, để hiểu điều bạn đang viết hoặc nói, bạn phải viết và nói bằng tất cả những kinh nghiệm của mình. Khi nói bằng tất cả kinh nghiệm, bạn không bị lệ thuộc và lời lẽ bên ngoài. Bạn khởi phát từ bên trong. Cả Vũ trụ luôn hiện hữu bên trong một tâm hồn tràn đầy. Thế thì bạn luôn có sẵn mọi ý tưởng. Bạn không cần soạn thảo kịch bản mới biết mình nên nói gì, bạn không cần tập dượt mới diễn thuyết trôi chảy. Bạn luôn có thể nói ra bất kỳ điều gì mới mẻ, một cách ngẫu nhiên mà không bị lệ thuộc vào quy tắc và nguyên lý nào khác từ xã hội. Bạn đang chơi một trò chơi sáng tạo đúng nghĩa chứ không phải bạn đang bị thúc ép bởi cái gọi là tạo ra một sản phẩm vĩ đại, vượt trội nào đó cho nhân loại.
Tác giả: Lê Duyên
Biên tập: SUYNGAM.VN