samsara_image_01-10004

Samsara – Luân Hồi

Đa phần chúng ta thường ngại xem phim tài liệu, vì phim tài liệu truyền tải thực tế, truyền tải một câu chuyện thật, không có diễn xuất, không có sự giả tạo trong từng khuôn hình. Nghĩ đến một bộ phim tài liệu người ta nghĩ ngay đến một người kể chuyện, một câu chuyện phản ánh đời sống xã hội, thiên nhiên… nên thực sự không thường gây được hiệu ứng cuốn hút khán giả bỏ ra gần 2 tiếng ngồi xem. Nhưng Samsara là một bộ phim tài liệu khác biệt. Nó không có thoại, các bạn không phải mất công đi tìm phụ đề, hoặc mỏi mắt đọc phụ đề. Samsara là một chuỗi các khung hình được quay hơn 5 năm ở khắp 5 châu lục trên thế giới để kể cho chúng ta câu chuyện về con người, câu chuyện về xã hội mà trong đó chúng ta đang sống nhưng không phải lúc nào cũng nhận thức rõ ràng được tính chất của nó, nét đẹp, sự kì vĩ của cuộc sống, cũng như mặt trái của xã hội văn minh loài người.

Nếu như Home sản xuất năm 2009 của đạo diễn Yann Arthus-Bertrand kể câu chuyện về trái đất từ khi hình thành cho đến khi con người xuất hiện, và với khả năng tư duy bậc cao, con người đã biến trái đất thành xã hội văn minh, và cái sự văn minh đó đang ngày càng tàn phá một cách mãnh liệt chính đất mẹ của mình – Trái Đất, thì Samsara đưa ra một góc nhìn trung lập về xã hội loài người. Đạo diễn Ron Fricke với sự kì công trong việc đi khắp nơi trên thế giới để ghi lại cuộc sống, xã hội, ông đã tạo nên một cuốn album ảnh khổng lồ, tuyệt mĩ. Nếu bạn pause lại bất cứ lúc nào bạn đều sẽ được một bức ảnh tuyệt đẹp, sự chỉn chu về bố cục, và ý nghĩa sâu xa đằng sau câu chuyện của bức ảnh đó. Có lẽ vì thế mà không cần phải có người dẫn chuyện, Ron Fricke chỉ tạo dựng một chuỗi các hình với nhạc nền phù hợp để người xem tự cảm nhận, tự đưa ra đánh giá của mình. Và cũng qua đó Ron cũng tặng chúng ta những hiểu biết thêm về thế giới tuyệt vời này.

Samsara_53

Samsara nghĩa là Luân Hồi với sự tuần hoàn của sinh và diệt, mọi thứ trên đời đều có sinh có diệt, với chủ đề mang nặng ý nghĩa tôn giáo, Ron Fricke đã xây dựng nên một bộ phim tài liệu, mà qua đó, ta có những cảm nhận riêng về cuộc sống, cái chết, về vẻ đẹp và sự hủy hoại, về bản năng và những hệ lụy tàn bạo của cuộc sống.

Xã hội loài người luôn tồn tại 2 mặt tốt và xấu, đạo đức và phi đạo đức tồn tại trong xã hội cũng đồng điệu với sự tồn tại trong mỗi cá thể người. Hãy nói đến mặt tốt, ta nhìn thấy những khung cảnh kì vĩ của Mông Cổ nơi những nhà sư, những chú tiểu sống một cuộc sống an nhiên tự tại hòa lẫn với tự nhiên, ta thấy những nét văn hóa đặc sắc của các nước châu Á vẫn còn được lưu giữ và phát triển, những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp từ bình minh đến hoàng hôn ở châu Phi, khung cảnh vô cùng hoành tráng tại nhà thờ Hồi Giáo khi số lượng người cầu nguyện khổng lồ, cùng hoà chung một nhịp điệu, đấy thực sự là một hình ảnh rất đẹp thể hiện phẩm chất cao quý của tâm hồn con người trong việc dành niềm tin cho tôn giáo, tôn cao vẻ đẹp của thế giới tâm linh, và những điều kì bí.

Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều hình ảnh khiến chúng ta phải suy nghĩ, khiến chúng ta ưu tư về một nền văn minh vẫn được nhắc đến với sự vĩ đại của khoa học. Tôi đặc biệt ấn tượng với cảnh gà được nuôi công nghiệp, hàng nghìn con gà trên chúc nhau trong một cái chuồng lớn, đứng chật cứng, và một cái máy, giống như cái máy gặp lúa, lùa theo đúng cách gặt lúa từ trái qua phải từng hàng một để lùa những con gà lên bàn mổ tiêu thụ, con gà ở đây không còn là một loài vật để mà thương xót như chó, mèo nữa, gà chỉ là một mòn hàng, một cái gì đó cảm giác như đầy vô tri, không có gì đáng để nhắc tới. Chúng chỉ là sản phẩm tiêu thụ cho một xã hội tiêu thụ mà thôi. Hay hình ảnh con lợn nái to béo bị gim trong những thanh cố định, không thể cựa quậy, không thể đứng dậy, chỉ có nằm đúng tư thế đó cho đàn lợn con bú mớm… Hình ảnh công nhân trong các đại công trường Trung Quốc, đôi tay thoăn thoắt làm cho kịp những phần máy móc để lắp ráp sắp đến, nó khiến tôi liên tượng đến bộ phim Modern Times của danh dài Charles Chaplin trong guồng quay của công nghiệp hoá. Chaplin thật đã thấu suốt được sự biến con người thành máy móc của quá trình công nghiệp hiện đại là như thế nào bằng sự tinh tế đầy hài hước của mình.

samsara-2

Những hình ảnh khiến ta hoang mang về cuộc sống hiện đại không dừng lại ở đó. Sự tương phản của một bên là khu ổ chuột, một bên là những tòa nhà chọc trời cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo, sự bấp bênh, những điểm mềm của sự ổn định xã hội, sự bình đẳng và công bằng mà các chính phủ vẫn luôn luôn hướng tới. Và còn rất nhiều hình ảnh đắt giá nữa mà Ron Fricke đã mang đến cho chúng ta. Để rồi sau mỗi câu chuyện, gần như đạo diễn đặc tả một khuôn mặt, một đôi mắt của câu chuyện đấy, đó là những frame hình đắt giá, đôi mắt, khuôn mặt đó dù có hồn hay vô hồn đều mang đến nhiều cảm xúc và khiến ta rùng mình trăn trở cho chính xã hội xung quanh nơi ta đang tồn tại và sống.

Có thể thông điệp của bộ phim không mới, chúng ta vốn vẫn thấy và nghe đầy trên báo đài, nhưng với những hình ảnh vô cùng ấn tượng, những cảnh quay tuyệt đẹp, những khung hình được chắt lọc một cách tinh tế, những đoạn phim timelapse rất giàu ý nghĩa, tác giả đã tạo nên một bộ phim với hiệu ứng thị giác mãnh liệt giúp chúng ta khám phá sâu hơn về những thông điệp mà cuộc sống này mang đến. Thông điệp về tình người, về sự sẻ chia, về những nét đẹp văn hóa, của tất cả các châu lục, những thông điệp không bao giờ lỗi thời, nhưng đang mai một vì sự chấp nhận như thể nó là điều hiển nhiên của đa số chúng ta, và nếu một ngày chúng ta không tự mình kìm hãm cái bản năng của mình lại, thì tất cả những hình ảnh đẹp này sẽ biến mất, 21/12/2012 không phải là ngày tận thế, nhưng rồi sớm muộn gì loài người cũng sẽ bị diệt vong bởi bản tính hung tàn của mình.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top