picsart_08-07-03

Tạng thư sống chết (Sogyal Rinpoche) – Chết có phải là hết?

thđp review

“Chúng ta sợ phải nhìn vào trong, vì văn hoá của chúng ta không cho chúng ta biết chút gì về những thứ ta sẽ tìm gặp. Chúng ta còn nghĩ nếu nhìn vào trong, ta sẽ có nguy cơ bị điên loạn. Điều này là một trong những mánh khoé cuối cùng, hiệu lực nhất của bản ngã ngăn cản ta khám phá bản chất chân thực của mình.”

Đã bao giờ các bạn bị người khác nói rằng mình điên, hay chính bản thân bạn khi trải qua một phút giây nhận thức đảo lộn, khác biệt hoàn toàn so với ngày thường và tự nảy ra ý nghĩ rằng mình bị thần kinh chưa? Tôi hỏi như vậy vì khi đọc cuốn Tạng thư sống chết (The Tibetan Book Of Living And Dying) của bậc hiền giả Tây Tạng, Sogyal Rinpoche, nếu bạn còn mang trong mình tư tưởng vững chãi về việc con người chỉ có duy nhất một đời sống hiện tại thì có thể bạn sẽ bảo rằng ông tu sĩ này bị điên, hoặc bạn sẽ thảng thốt nhận ra rằng mình đang trong một cơn điên loạn so với góc nhìn của tác giả. Toàn bộ nội dung cuốn sách này khẳng định rằng “Chết chưa phải là hết!”

Thay vì bối rối hoảng sợ vì điều mình chưa từng biết hay chưa từng được chứng kiến, bạn có thể từ từ đón nhận nó bằng việc mở rộng hết tấm lòng. Bởi lẽ ở ngoài kia, mọi khả năng đều có thể xảy ra, và quan trọng rằng chúng ta nên lựa chọn khả năng nào để mang lại sự phát triển nhận thức của chính mình. Đó là tiền đề để đời sống (bạn cho rằng là duy nhất này) có thể chạm tới cột mốc bình an cao nhất.

Tôi cho rằng không phải nhiều người hứng thú với chủ đề cái chết. Nó đã được tiêm nhiễm vào đầu óc ta rằng đây là một trải nghiệm kinh hoàng đáng sợ, là điều kiêng kỵ cần né tránh, là vận xui của con người. Nhưng ngay trong lời giới thiệu của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở mở đầu cuốn sách này, ngài đã nói:

“Lúc chết thực sự cũng là lúc mà những kinh nghiệm nội tâm lợi lạc sâu xa nhất có thể xảy ra.”

Cuốn Tạng thư sống chết đào sâu vào tiến trình một người chết đi như thế nào, họ nên làm gì để tận dụng thời khắc này để vươn tới giác ngộ, gia đình thân quyến nên đối xử với người chết ra sao, hàng loạt các ví dụ thực tế về trải nghiệm cận tử của con người mà khoa học ngày nay vẫn đang cất công tìm hiểu, v.v…

Cá nhân tôi, khi đọc những trang đầu tiên, có thể cảm nhận được sự bình yên và lòng bi mẫn lớn lao của Sogyal Rinpoche khi ngài viết về chủ đề này. Dường như trong ngài có một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi về việc phải mang góc nhìn thật sự về cái chết đến đại đồng – thế hệ khổ đau lạc lối đánh rơi linh hồn mà tôn thờ vật chất.

Với tình yêu thương dạt dào, những con chữ tác giả viết ra rất tường minh và sắc bén. Chính Sogyal Rinpoche cũng khẳng định trong tác phẩm rằng sự bức thiết của việc khai ngộ cộng đồng về tầm quan trọng của cái chết, và ông đã được những vị thầy, những vị Phật gia ân trí tuệ và sức mạnh trong quá trình hoàn thành nội dung cuốn sách.

Tạng thư sống chết là một tiếng sét đánh vào tòa lâu đài của sự thiển cận và gò bó của con người. Dường như con người càng về sau càng trải nghiệm ít hơn và hời hợt hơn so với những thế hệ trước. Dù công nghệ phát triển, mọi thứ trong đời sống diễn ra với tốc độ chóng mặt và sôi nổi. Nhưng phải chăng chính vì thế mà thế hệ ngày nay càng xa rời cảm giác bình an và sự tương thông với các chiều kích tâm linh – nơi cần một sự nhạy bén và tinh tế nhất định trong nhận thức để chạm tới?

“Nhưng trong một thế giới dành trọn cho những trò giải trí, thì sự im lặng và yên lặng khiến ta sợ hãi; ta tự bảo vệ để tránh né chúng bằng sự huyên náo và những công việc rộn ràng. Nhìn vào bản chất của tâm là chuyện cuối cùng mà ta dám làm.”

Hay trong phim Nhà tù Shawshank (1994) có câu nói kinh điển:

“It comes down to a simple choice, really. Get busy living or get busy dying.”

(Tạm dịch: Cuối cùng ta đi tới một sự lựa chọn giản đơn, bận rộn sống hay bận rộn chết.)

📌 Tôi đã học được gì từ Blaise Pascal về sức mạnh của sự tĩnh lặng

Đọc cuốn Tạng thư sống chết, ta sẽ có cơ hội để tiếp cận, thấu hiểu và nếu đủ căn cơ thì có thể trải nghiệm trạng thái chết – thứ ta luôn mơ hồ như một bóng ma trong đêm tối. Và chỉ bằng cách đào sâu vào cái chết, ta mới không sợ hãi nó. Và khi không sợ chết, ta cũng tạm biệt những run rẩy trước sự sống, trước cuộc đời. Đây chẳng phải là điều mà con người khao khát – một cuộc đời sâu sắc và an lạc?

Các bạn có thể xem phim khoa học viễn tưởng với rất nhiều những giả thuyết đời là một sự lập trình, một giấc mơ, một cú trip, hay một màn kịch, v.v… Bạn có thể nói về nó một cách rất thuyết phục và logic, nhưng điều quan trọng ở đây, bất kể giả thuyết đó có đúng hay không, là nhận thức của bạn có trở nên cởi mở hơn, bạn có bình an hơn hay hướng thiện hơn trong cuộc đời của chính mình nhờ việc tiếp cận với chúng?

📌 The Fountain – Điều gì nằm phía sau cái chết?

Ở đây cũng vậy, cuốn sách nói về luân hồi, về đủ ngõ ngách của cái chết và của đời sống. Bạn có thể thẩm thấu nó ở bất kỳ mức độ nào tùy thuộc vào sự hào sảng, linh động trong nhận thức của bạn. Vấn đề là bạn có trải nghiệm được chính những con chữ trong này không, có liên kết chúng với những góc phần cuộc sống của bạn không, chúng khiến bạn thức tỉnh bao nhiêu trong hiện tại, nâng cao tâm hồn bạn lên đến nhường nào? Đôi khi, những tinh hoa không phải nằm trong cuốn sách của một bậc hiền giả, mà nó nằm trong chính sự cởi mở của bạn về việc đón nhận những điều bạn chưa chắc có phải là tinh hoa.

Trong cuốn sách này, Sogyal Rinpoche đã sử dụng những kiến thức của dòng tu mật Tây Tạng để truyền đạt, như sự chuyển di tâm thức, việc trì tụng mantra, việc quán tưởng ánh sáng, v.v… Có thể đây chưa phải là tất cả, nhưng ít nhất việc này cũng khiến cho người đọc có một góc nhìn mới về các khả năng tồn tại trong việc tu tập. Và hơn cả, sự cụ thể này khuyến khích những người hữu duyên bắt tay vào thực hành. Không chỉ Sogyal Rinpoche, mà rất nhiều những bậc hiền nhân trong lịch sử đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bền bỉ luyện tập trong tâm linh. Chính sự không thối chí của hành giả là cây cầu đưa họ đến sự toàn giác, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi đau khổ.

Tôi thấy cái hay của cuốn sách không chỉ nằm trong chính những nội dung huyền bí được diễn đạt giản dị, chân thật mà còn nằm trong sự linh động của tác giả ở những ý tứ dẫn dắt nhằm phá tan cái bám chấp của người đọc: lúc thì mềm mại dịu dàng, lúc thì cương quyết cứng rắn, lúc thì hài hước châm chọc. Cái đức và cái tài của tác giả được thấy rõ ràng trong sự uyên thâm và bén nhạy của ông.

“Tôi lại muốn người ta hãy tự hỏi mình: Tại sao bạn thấy tất cả các tôn giáo lớn đều tin có đời sau, tại sao hàng trăm triệu người suốt lịch sử, kể cả những triết gia lỗi lạc nhất, thánh hiền và những thiên tài của Á Châu, đều sống với niềm tin này như một phần cốt yếu của cuộc đời họ? Phải chăng họ đều ngu cả?”

Chưa hết, sự xuất sắc của Tạng thư sống chết là nó diễn đạt điểm nút giao thoa giữa Phật Giáo Tây Tạng và khoa học tân tiến. Có lẽ nối bước Chí Tôn Ca (download miễn phí-SUYNGAM.VN Version), thì Tạng thư sống chết là tác phẩm quan trọng thứ hai mà tôi khuyến khích các bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời nếu muốn đi vào cốt tủy tâm linh và muốn có một nhận thức tối ưu nhất cho một đời sống an lạc. Biết đâu đấy, vào một ngày đẹp trời, bạn bất chợt nhận ra rằng toàn bộ cuộc đời mình chỉ là màn sửa soạn cho cái chết.

“Nhưng đấy là kiểu sống của phần đông chúng ta, chúng ta sống theo một kế hoạch đã định. Nhỏ thì được giáo dục, lớn lên kiếm việc làm, rồi gặp một người nào đó, rồi kết hôn, rồi có con,… Cuộc đời ta thật đơn điệu, tầm thường, lặp đi lặp lại; ta phí một đời để theo đuổi những chuyện nhỏ nhen, bởi vì dường như ta không biết có cái gì hơn thế.”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: SUYNGAM.VN

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top