277560477_3206105679623100_6042047155328870179_n

Review sách Đi tìm lẽ sống – Victor Frankl

“Mình tồn tại để làm gì?”, “Sự hiện diện của bản thân mình có ý nghĩa gì trên cuộc đời này?”, “Lẽ sống của mình là gì?”, nếu bạn đã từng hỏi bản thân những câu hỏi tương tự đối với sự hiện diện của chính mình, có lẽ đây là cuốn sách ít nhất bạn nên đọc một lần trong đời. Cơ duyên mình biết tới cuốn sách này khá đặc biệt, một người bạn đã tặng mình trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, mình để ý trong những tranh sách của hàng tá đầu sách nổi tiếng, tác giả Victor Frankl và liệu pháp ý nghĩa của ông được mang ra làm ví dụ kinh điển rất nhiều lần, bạn biết đấy, phần đông tất cả chúng ta đều cần thời gian đối mặt và chiêm nghiệm bóng tối của linh hồn mình như một cách chữa lành, tựa như con chim đã bay mỏi cánh đến lúc phải nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hướng liệng tiếp theo trong chặng hành trình đi tìm mảnh đất màu mỡ của chúng. Không ai nói trước được điều gì với những điều điên rồ đang xảy ra với thế giới ngày nay, một chủng bệnh mới, một cuộc đảo kích mới ở những quốc gia bành trướng và suy cho cùng, thứ cần chăm sóc nhất là chính mảnh vườn thân tâm của bạn mà thôi.

Không chỉ ấn tượng bởi cái tên rất kêu và sắc nhẹm, hình ảnh chú chim đậu trên cành gai kẽm ở bìa sách sẽ để lại cho bạn nhiều suy nghĩ và trải nghiệm liên đới với cuộc sống. Cánh chim đại diện cho tự do ý chí và bản năng tự nhiên của một giống loài, những sợi dây kẽm gai góc ngay dưới chân loài lông vũ trí khôn này tượng trưng cho những đau đớn và kìm hãm của kiếp nhân sinh.

Mỗi lần bạn cảm thấy rằng vạch mức cuộc đời mình được hạ tới sự đớn hèn và thống khổ, thì hãy nhớ rằng gần một thế kỷ trước có một con người đường đường là một bác sĩ tâm thần học đã sống sót và vượt qua những cùng cực của tàn bạo và sự hủy diệt nhân tính trong trại tập trung của Đức Quốc Xã sau Chiến Tranh Thế Giới thứ hai. Trong Tiếng Anh có một cụm từ rất hay là “in someone’s shoes= ở trong hoàn cảnh và tình thế của một ai đó”, thật khó mà tưởng tượng nổi nếu bạn cũng ở trong đôi giày ủ dột và chật chội của tác giả, để thuật lại rằng “Tôi nhớ lại trải nghiệm của chính mình. Gần như chảy nước mắt vì đau (bàn chân đau buốt vì những vết thương trong đôi giày rách nát), tôi lết đi nhiều cây số trong hàng người dài từ trại đến công trường. Những cơn gió lạnh buốt đập vào chúng tôi tê cóng.” Đương nhiên, làm một con người không ai chọn cho mình đau khổ và bất hạnh nhưng khi tạo hóa đột ngột đổ xuống cho bạn những bi kịch không thể lường trước thì tác giả đã ở đây và nhắc nhở rằng: “Con người có thể giữ vững sự tự do về tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất.”

Những cảm xúc từ chạnh lòng, nghẹn ngào bỗng chốc trở nên khôi hài và khách quan khi bạn đọc một chuỗi những sự kiện xuyên suốt tiểu luận kể về “địa ngục trần gian” của ông, nỗi ám ảnh từ miếng ăn, giấc ngủ đến sự sỉ nhục nhân cách và phẩm hạnh, “sự hài hước là một loại vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh duy trì sự sống. Nó có sức mạnh hơn bất cứ phẩm chất nào khác, có thể đưa con người vượt lên bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù chỉ là trong phút chốc.” Lúc này những nghịch cảnh sẽ trở thành một phép thử, một cơ hội để nghệ thuật sống lỗi lạc và dũng cảm của một con người được hiển lộ giữa điểm giao sinh tồn và chết chóc.

Một điểm hút và sáng giá của tác phẩm này chắc chắn sẽ làm bạn đọc khắc khoải và suy niệm về những con chữ và sự thật được phơi bày trần trụi, bởi con người vốn bất toàn và khó lường về bản chất, nó là sự pha trộn phức tạp giữa thiên thần và ác quỷ, phần nào sẽ được hiện thực hóa không phục thuộc vào hoàn cảnh, môi trường sống mà do sự tự trọng và phẩm tính của mỗi cá nhân, “rốt cuộc, con người chính là kẻ đã tạo ra phòng hơi ngạt ở Auschwitz, đồng thời cũng chính là những sinh thể đã hiên ngang vào phòng hơi ngạt với kinh Lạy Cha hoặc câu kinh Shema Yisrael trên môi.”

Trải qua bao đớn cùng của những tháng ngày “tù nhân”, tác giả đã ví cuộc đời như những cuốn phim. Nếu một bộ phim “bao gồm hàng nghìn bức ảnh riêng lẻ nối tiếp nhau, mỗi hình đều có nghĩa và chuyển tải một thông điệp nào đó” và “ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của bộ phim trước khi xem đến cảnh cuối cùng” thì cuộc đời mỗi con người cũng vậy: “Chẳng phải ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống, nó chỉ xuất hiện vào thời khắc kết thúc, lúc cận kề cái chết hay sao?”. Chúng ta tuy không rơi vào hoàn cảnh phải từ bỏ toàn-bộ-những-vật-ngoại-thân, cạo sạch lông tóc, định danh bằng những con số vô hồn, bị đối xử như những con vật nhớp nhúa và chăn dắt bởi những Capo tàn ác và không biết ngày mai có ngẫu nhiên trở thành ‘ống khói đen’ hay không nhưng một điều biết chắc chắn rằng cảm giác hư vô, lạc lõng, mất kết nối và vô định với ý nghĩa cuộc đời của bản thân cũng trống rỗng và tuyệt vọng như “cái chết tâm hồn” vậy.

Kết lời, mong bạn, mỗi khi vô tình lạc vào “trạng thái tồn tại chân không”, hãy nhận diện và đối mặt với điểm khuyết đó nhằm khôi phục sức mạnh nội tại và thắp sáng lên ý nghĩa cuộc sống trong bản thể cao đẹp và vĩ đại của chính mình, như Victor Frankl đã viết, ông cảm thấy trái tim mình ấm nóng và rung động hẳn lên khi nhớ về hình ảnh người vợ yêu dấu của mình.

“Tình yêu không chỉ gắn liền với sự hiện hữu của thể xác. Tình yêu tìm thấy ý nghĩa sâu sắc nhất trong tâm trí, trong chính nội tâm của con người. Cho dù người ấy có thực sự tồn tại, có còn sống hay không cũng không quan trọng.”

Tác giả: Cừ Phương

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top