nghe1bb8bch-lc3bd-he1bb8dc-tie1babfng-anh-1

Nghịch lý trong việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam

(4450 chữ, 16 phút đọc)

1. Nghịch lý trong việc dạy và học tiếng Anh

Nếu nói về mức độ đầu tư cho việc học tiếng Anh, Việt Nam có thể nói là đứng hàng top 10 trên thế giới vì ít có nước nào lại có mức độ học tiếng Anh lâu và dày đặc như vậy. Cha mẹ cho con học từ cấp một, trường dạy tăng cường tiếng Anh rồi thì các trung tâm khắp nơi mở ra quảng cáo đủ các phương pháp và đủ thể loại giáo viên bản ngữ. Nhưng với mức đầu tư khủng như vậy, trình độ tiếng Anh của người Việt vẫn lẹt đẹt ở mức độ chào hỏi mấy câu xã giao thông thường với phát âm sai trầm trọng. Công nhân viên chức nhà nước hay cán bộ thì toàn là mua bằng tiếng Anh hoặc nhờ người khác đi thi giùm. Các bạn trẻ thì học qua loa cấp tốc để lấy được một cái bằng toeic hay ielts làm bùa hộ thân rồi thôi. Số người sử dụng được tiếng Anh lưu loát để nói và viết tôi nghĩ chưa chắc được 5% dân số.

Trước tiên phải nói đến cách dạy sai. Tiếng Anh là một ngôn ngữ tương đối dễ học so với những ngôn ngữ châu Âu khác vì tính logic của nó rất cao. Tuy nhiên, tính logic này không có nghĩa là chúng ta có thể công thức hóa được ngôn ngữ như đối với toán lý hóa. Việc công thức hóa tiếng Anh và học thuộc lòng thay vì dạy cho học sinh kỹ năng suy luận logic đã khiến cho biết bao nhiêu thế hệ học thuộc lòng và nhai lại như những con vẹt nhưng đến khi cần động não tư duy kết nối những kiến thức đã học thì không ai làm được. Chỉ cần hỏi một câu hỏi lệch ra bên ngoài một chút là coi như thua. Ngay cả các giáo viên dạy tiếng Anh cũng vậy, họ đơn giản là một cái máy học thuộc bài rồi phát lại trên lớp bắt học trò học thuộc theo và lặp lại.

Thứ hai, việc đặt mục tiêu học CẤP TỐC một ngoại ngữ là sai lầm nghiêm trọng. Trên đời này không có chuyện gì có thể học cấp tốc mà có thể sử dụng thành thạo. Tiếng Anh cũng vậy, đây là một ngôn ngữ có chiều sâu và tính khoa học cao. Những trung tâm hay trường học trong suốt bao nhiêu năm nay đánh vào tâm lý lười động não và muốn đạt được kết quả nhanh nhất của người học mà đưa ra chiêu bài học cấp tốc giao tiếp, cấp tốc để lấy bằng hoặc một phương pháp tốn công sức nhất. Tất cả đều là mánh khóe chiêu trò lừa gạt vì người nào học hành nghiêm túc đều hiểu rằng không có cách nào cấp tốc hoặc những mẹo vặt để thành công mà chỉ có KIÊN NHẪN và KHỔ LUYỆN. Hãy nghĩ tới lúc bé các bạn tập nói tiếng mẹ đẻ như thế nào. Phải mất vài năm nói đớt nói ngọng mới có thể phát âm đúng và 12 năm phổ thông vẫn có người viết một câu tiếng Việt cho ra hồn cũng không xong thì lấy đâu ra chuyện học CẤP TỐC mà THÔNG THẠO một ngôn ngữ mới. Nếu không nằm mơ thì cũng là hoang tưởng.

Thứ ba là tâm lý người học ngại khổ ngại cực, ỷ lại dựa dẫm vào giáo viên và sách giáo khoa, thích được học mẹo nhưng không thích động não suy nghĩ. Thích có bằng cấp nhưng không thích học thực lực để có thể sử dụng được và không có động lực tự học. Chính vì vậy học đâu lại quên đấy, tốn bao nhiêu tiền nhưng bản thân không tự nỗ lực thì cũng bằng thừa.

Những bạn nào không chịu học tiếng Anh cho đàng hoàng thì sau này đừng hối hận khi bị cưỡng bức học tiếng Trung Quốc như quốc ngữ!

2. Những sai lầm và ngụy biện thường gặp đối với những người thất bại trong việc học tiếng Anh

Hôm qua có một bạn comment hỏi tôi rằng nếu một ngày học liên tục 4 tiếng tiếng Anh thì bao lâu sẽ giỏi. Tôi định trả lời câu hỏi này trong phần comment của bạn nhưng nghĩ lại thì tôi muốn viết thành một bài đàng hoàng cho mọi người tham khảo. Hi vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho việc học tiếng Anh của mọi người được hiệu quả.

Những người thất bại trong việc học tiếng Anh sẽ mắc phải những sai lầm và ngụy biện đặc trưng khiến cho việc học của mình không có hiệu quả. Sở dĩ tôi gọi là sai lầm và ngụy biện vì nhiều người không biết cách học nên đổ nhiều công sức vẫn không có kết quả, còn ngụy biện là nhiều người biết cách học đó là sai nhưng vẫn dùng nó để chống chế cho việc thất bại của mình rằng tôi cũng học hành đàng hoàng lắm chứ, đừng trách tôi. Cho dù là ngụy biện hay là sai lầm thì kết quả cũng đều như nhau là thất bại. Chỉ có việc nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi thì mới có sự tiến bộ và thành công.

1. Thời gian là quan trọng nhưng không phải là tất cả

Thứ nhất, học qua loa thì tất nhiên không có kết quả nhưng liệu việc bỏ quá nhiều thời gian để học thì sẽ thành công. Điều này không đúng vì còn tùy thuộc bạn học như thế nào. Nếu ngay từ đầu bạn đã sai nhưng mà bạn cứ nghĩ đó là đúng thì bạn càng tập nhiều bạn càng quen với lỗi sai đó tới khi nó nhập vào tâm thì bạn sẽ rất khó sửa lại.

Thứ hai, nếu bạn chỉ học thụ động là làm những bài tập trắc nghiệm thì có làm hết mấy chục cuốn trắc nghiệm trình độ tiếng Anh của bạn cũng chỉ dừng lại ở chỗ là làm đúng câu hỏi trắc nghiệm chứ không viết hay nói được.

Thứ ba, ai là người sẽ thẩm định sự tiến bộ của bạn, bằng cách nào và sẽ hướng dẫn bạn nâng cao trình độ như thế nào? Ai sẽ cho bạn biết là cách bạn đang học là đúng hay sai, và liệu người đó có sửa đúng cho bạn hay lại chỉ cho bạn một cách sai khác? Nếu không có người hướng dẫn và phương pháp hướng dẫn tốt thì bạn sẽ vẫn dậm chân tại chỗ.

Thứ tư, bạn phân bổ thời gian thế nào? Nếu bạn dồn 4 tiếng một ngày thì chắc chắn hiệu quả không có vì đầu óc chúng ta bị làm việc quá tải khả năng tiếp thu sẽ kém đi. Một tiếng đồng hồ nếu được sử dụng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là 4 tiếng dùng sai.

2. Tự học tiếng Anh như thế nào cho tốt?

Những người hỏi tôi câu này đều có chung một đặc điểm, ngại đến trường, thiếu kiên nhẫn và không thích học bài bản. “Tự học” là một từ dùng sai về nghĩa vì bản thân bạn học bất cứ một điều gì, có thầy dạy hay không bạn vẫn là “tự học” vì không ai có thể học giùm bạn. Trong tiếng Anh, người ta không dùng cụm từ “tự học” mà gọi là “tự dạy cho mình”. Ví dụ: tiếng Việt chúng ta nói “tôi tự học tiếng Anh” hay “tự học đàn” thì tiếng Anh sẽ nói là “I taught myself English” và “I taught myself to play guitar”. Nếu bạn hiểu đúng nghĩa thì vấn đề sáng tỏ hơn rất nhiều. Khi bạn nói bạn tự học, bạn chỉ thấy rằng mình đổ rất nhiều công sức học nhưng không thấy kết quả chính vì thế bạn đâm nản. Khi bạn nói bạn tự dạy cho mình, bạn phải nhận định lại trình độ của mình như thế nào. Nếu trình độ bạn quá thấp và phương pháp sư phạm thích hợp không có thì bạn không thể tự dạy mình được. Đó là lý do tại sao bạn mua sách vở về đọc rồi mày mò nhưng không có kết quả.

Nếu bạn muốn tự học thành công thì lúc đầu hãy tìm một chỗ học tử tế để học cho chắc nền tảng đồng thời chú ý đến cách phân tích giảng giải vấn đề của giáo viên, ghi chép lại những điểm mấu chốt quan trọng rồi từ đó về nhà dựa vào cái nền đó mà học thêm. Còn bạn chưa có gì trong tay mà đòi tự học thì bạn càng học càng tệ. Đừng để những câu chuyện tuyên truyền thiếu logic kiểu một người nào đó cầm cuối từ điển mỗi ngày học bao nhiêu từ thì trong vòng vài tháng có thể đọc viết và nói thông thạo một ngoại ngữ khiến bạn ảo tưởng về khả năng tự học của mình.

3. Học bao lâu thì giỏi?

Nhiều bạn đến học hỏi với tôi với câu hỏi thường trực, học mấy tháng thì có thể nói được, viết được, nghe được hay thi lấy bằng nọ bằng kia được. Tôi thực sự rất dị ứng với những câu hỏi kiểu đó vì nó chứng tỏ tư duy của người học vô cùng ăn xổi ở thì, chỉ muốn chụp giật cho nhanh, bình thường khi có thời gian thì không chịu học hành cho đàng hoàng, đến khi cần thì cuống lên tìm một chỗ nào đó muốn học với thời gian ngắn nhất để đạt kết quả cao nhất. Đó là hoang tưởng.

Tôi học tiếng Anh từ 4 tuổi, từng làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ Anh văn NVHTN từ năm lớp 12, sang Mỹ học 6 năm chuyên ngành sư phạm Anh, dạy tiếng Anh ở Mỹ. Tôi sử dụng tiếng Anh để nói và viết với thời lượng tương đương với tiếng Việt nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thế nào gọi là giỏi vì càng học càng thấy mình còn quá nhiều cái chưa biết. Nếu bạn chỉ dựa vào thời gian 1 tiếng rưỡi một ngày trên lớp và học trong vòng vài tháng mà giỏi thì cũng giống như bạn cầm số tiền mua xe đạp đòi mua xe Mercedes vậy.

4. Học thuộc lòng công thức và rất chuộng mẹo vặt

Trên đời tôi rất ghét những cách học mẹo nhất là những cách học mẹo của người Việt Nam đối với một ngoại ngữ. Vì sao ư? Vì người Việt mình có tính khôn lỏi nhưng rất hời hợt chỉ nhìn bề mặt vấn đề một cách qua loa rồi chế ra những mẹo vặt linh tinh không có tính khoa học nhưng lại cho đó là quy tắc học bắt học sinh học thuộc lòng. Nên nhớ một quy luật chỉ được công nhận khi nó đúng với 100% các ví dụ cụ thể, chỉ cần 1 ví dụ sai thì quy luật đó cũng không được công nhận. Các mẹo vặt về bản chất là không dựa trên phương pháp suy luận khoa học mà chỉ là sự lắp ghép tùy tiện mà bỏ qua rất nhiều yếu tố quan trọng như sự khác biệt ngôn ngữ. Nhưng người học Việt Nam lại cực kì chuộng dạy và học những mánh khỏe kiểu này vì hai lý do: 1. Nó dễ nhớ chỉ cần thuộc lòng không cần động não. 2. Người học không có thói quen phản biện và suy luận logic và luôn nghe lời thầy cô một cách mù quáng nên những gì giáo viên nói mặc nhiên là đúng. Tôi đã từng vạch ra rất nhiều lỗi sai trong các mẹo học tiếng Anh khiến nhiều giáo viên lâu năm té ngửa vì trước giờ mình đã quá khinh suất trong vấn đề giảng dạy.

5. Làm biếng đầu tư suy nghĩ

Điều làm tôi nản nhất khi dạy tiếng Anh là sự hời hợt và tư duy ăn xổi ở thì của người học. Tôi luôn dặn dò các bạn những nguyên tắc bất di bất dịch để đạt hiệu quả cao. Sau khi học xong một buổi học về nhà nên ôn ngay những điểm cốt lõi trong buổi học đó và dùng tư duy logic liên kết nó với những bài học trước. Trước khi làm bài tập hay luyện tập thì lấy lý thuyết xem lại một lần nữa, đừng làm khi chưa hiểu kỹ lí thuyết. Khi làm bài thì chú ý từng chi tiết nhỏ, không cần nhanh không cần nhiều mà cần làm đâu chắc đó, làm đâu đúng đó. Nếu sai thì ghi chú lại lỗi sai của mình để lần sau không tái phạm. Hầu như mỗi lớp tôi đều nhắc đi nhắc lại những nguyên tắc vàng đó, đưa ra rất nhiều ví dụ minh họa nhưng chỉ có khoảng 20-30% các bạn học viên chịu nghe. Còn lại những người khác vẫn sai những lỗi sai cũ, đến khi hỏi sự liên quan giữa hai vấn đề thì ngồi ngớ ra không biết bắt đầu suy luận từ đâu hoặc đưa ra một câu trả lời vội vã cầu may chứ không dựa trên một cơ sở khoa học nào, Khi tôi giảng lại vấn đề thì cắm cúi ghi chép như thể đó là một điều mới mẻ lắm. Tôi biết các bạn đấy ghi chép thế thôi chứ chẳng bao giờ mở ra xem lại dù chỉ một lần vì nếu chịu xem lại các bạn đó chắc chắn sẽ thấy rằng vấn đề đó có thể đã được chép đầy trong vở hàng chục lần.

6. Lười áp dụng thực tế

Có một nghịch lý rất buồn cười là những bạn học giao tiếp đến khi có cơ hội giao tiếp thì lại kiếm hết cớ này cớ khác để thoái thác. Và khi buộc phải nói thì không hề áp dụng một tí gì những quy tắc phát âm ngữ điệu đã được học mà cứ đọc theo kiểu cũ trước khi đi học. Những bạn học viết thì khi giao cho bài viết về nhà làm thường xuất hiện với nụ cười cầu tài mà tôi thường nói thẳng là “nụ cười vô duyên nhất thế giới” bảo rằng em quên viết, em bận hoặc viết một bài hết sức cẩu thả sai những lỗi chính tả và ngữ pháp cơ bản nhất. Tôi hay nói với học trò rằng: “Các bạn có một tài năng mà tôi rất khâm phục là sai đi sai lại những điểm trọng tâm mà tôi đã dạy rất kỹ và nhấn mạnh hàng trăm lần là không được sai nữa.” Tủ sách tiếng Anh tôi chọn lọc với hàng trăm đầu sách đủ thể loại và đủ trình độ rất ít người quan tâm đụng vào nhưng miệng vẫn cứ xin thầy cho thêm bài tập về nhà làm. Tôi nói luôn là đừng mong tôi cho thêm bài tập về nhà làm vì tôi không muốn tạo cho các bạn tính ỷ lại vào giáo viên. Nếu giáo viên cho bài tập thì làm còn không thì tự mình không tìm được trong khi bây giờ các phương tiện học tiếng Anh phải nói là thừa mứa. Chỉ một kênh youtube thôi các bạn học cả đời còn không hết thì tại sao phải chờ tôi cho thêm bài tập về nhà. Tôi chỉ có thể hướng dẫn gợi ý những nguồn cần thiết còn bạn làm gì với nó là chuyện của các bạn.

7. Không chịu hiểu sự khác biệt của hai ngôn ngữ

Để học tiếng Anh giỏi trước tiên bạn phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Điều này không hề vô lý về tiếng Việt hay tiếng Anh gì cũng là một ngôn ngữ có những cách tư duy ngôn ngữ để tiếp thu. Hơn nữa, học ngôn ngữ không chỉ có từ vựng hoặc phát âm mà là học sự khác biệt về cấu trúc câu, ngữ pháp, cách diễn đạt và văn hóa. Nếu ngôn ngữ nào cũng chỉ đơn giản ráp chữ vào thành câu như nhau thì ai cũng có thể giỏi được vài chục ngôn ngữ chứ không chỉ một hai thứ tiếng. Để giỏi tiếng Anh các bạn phải quan tâm tới sự tương quan và sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt đặc biệt là những vấn đề liên quan tới văn hóa. Tách rời ngôn ngữ ra khỏi văn hóa sản sinh ra nó là cách học kém hiệu quả nhất nếu không muốn nói là sai lầm nhất.

Hi vọng các bạn học viên của tôi đọc kĩ bài này và suy nghĩ những gì tôi vẫn thường nói với các bạn trên lớp để học tốt hơn vì tương lai của bản thân mình. Mục đích dạy tiếng Anh lớn nhất của tôi là hướng dẫn cho các bạn cách học đúng để các bạn sau khi học tôi có thể tự học một mình chứ không quay lại học hoặc tốn tiền đi tìm một nơi khác học lại những kiến thức đã cũ lặp đi lặp lại một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát.

3. Cách dạy tiếng Anh, sai ngay từ đầu!

Năm ngoái có ai đó gửi cho tôi một video clip các giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học miền bắc đã dạy các học sinh phát âm tiếng Anh bằng cách kết hợp những tiếng Anh với quan họ Bắc Ninh, tôi thực sự quá sợ với sáng kiến đó.

Tôi có một người dì ruột trong suốt thập niên 80 dạy tiếng Nga ở trường cấp 2. Đùng một phát vào thập niên 90 tiếng Nga bị loại khỏi chương trình học chính quy do sự sụp đổ của Liên Xô cũ và tiếng Anh được đón chào trở lại sau mười mấy năm bị hắt hủi. Dì tôi được chỉ định đào tạo tiếng Anh cấp tốc để chuyển sang dạy tiếng Anh trong vòng sáu tháng. Không phải chỉ một mình dì tôi mà hầu hết các giáo viên tiếng Nga và tiếng Pháp khác cũng phải được đào tạo cấp tốc chuyển qua tiếng Anh nếu không muốn bị mất việc làm. Không cần phải giải thích nhiều các bạn cũng có thể hình dung ra rằng với sự đào tạo mì ăn liền như thế thì chất lượng đàng hoàng làm sao có được. Dì tôi lúc nhỏ học tiếng Pháp sau khi đi làm thì học tiếng Nga nên có thể nói là có năng khiếu về ngôn ngữ và cũng siêng năng nên việc học tiếng Anh cấp tốc để đi dạy cũng có thể gọi là ổn. Nhưng những vấn đề như phát âm thì không thể nào khắc phục được với nhiều lỗi sai trầm trọng. Ở Sài Gòn còn như vậy, thử hỏi các giáo viên ở tỉnh hoặc vùng sâu vùng xa thì trình độ còn như thế nào nữa. Và tất nhiên hậu quả thì học sinh lãnh đủ.

Không phải chỉ có những giáo viên thế hệ trước không được đào tạo bài bản. Thế hệ sinh viên sư phạm và chuyên ngành Anh ngữ sau này cũng hề khá hơn. Tôi đã từng dạy rất nhiều bạn sinh viên khoa sư phạm Anh nhưng tiếng Anh rất tệ và rất lười, những lỗi phát âm hoặc lỗi ngữ pháp cơ bản nhất cũng không buồn sửa mặc dù được nhắc rất nhiều lần. Các bạn không hề hứng thú với tiếng Anh và cũng không thích nghề đi dạy, chẳng qua điểm đủ xét tuyển vào ngành nào thì học ngành đó thôi. Có một bạn sinh viên năm 3 trường đại học khoa học xã hội và nhân văn chuyên khoa Anh khi tôi bảo giới thiệu về bản thân thì đọc như trả bài thuộc lòng và đến khi nói đến tên trường thì không biết nói như thế nào bằng tiếng Anh mặc dù suốt 3 năm trời ngày nào bạn ấy cũng dắt xe đi ra đi vào cái cổng trường to tổ bố có tên trường bằng hai thứ tiếng Anh-Việt. Và bạn ấy đổ lỗi là do cô chưa dạy nên không biết. Nghĩ đến những sinh viên không trình độ, không kiến thức, cả đam mê hay ý thức tự học cũng không chuẩn bị ra trường làm thầy làm cô, tôi không khỏi rùng mình sợ hãi vì đối với tôi làm thầy mà dạy sai dạy tồi là một tội ác khó có thể tha thứ. Bác sĩ tay nghề kém chỉ vài bệnh nhân chết nhưng giáo viên không có kiến thức thì hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh sẽ bị dạy sai. Và trong số những học sinh đó rồi sẽ có người sau này ra làm giáo viên tiếp tục gieo rắc cái sai đó cho những thế hệ tiếp theo. Đó không phải tội ác là gì?

Thiếu kiến thức, thiếu lòng yêu nghề đồng thời phải đối phó với một chương trình dạy với lượng kiến thức kinh khủng (tôi đọc những cuốn sách giáo khoa và đề thi tiếng Anh lớp 8 lớp 9 mà bật ngửa vì quá nhiều kiến thức ngữ pháp phức tạp) để chạy đua với điểm số thành tích, các giáo viên phổ thông sẽ chọn cách một là dạy qua loa cho càng nhiều học sinh không hiểu càng tốt để đến nhà cô học thêm và được cô chỉ mẹo làm bài mà không cần kiến thức. Không khó để tìm thấy những học sinh điểm trung bình môn tiếng Anh ở trường 8.0 đến 9.0 nhưng mất căn bản trầm trọng. Đó là chưa kể nhiều giáo viên bày cho các học sinh những mẹo nhớ vô cùng ẩu tả phản khoa học để làm sao cho thật nhanh các bài trắc nghiệm. Những thứ ấy một khi vào đầu thì rất khó tẩy ra vì các bạn đã quá quen với chúng đến mức khó có thể nhập cái mới vào được.

Chất lượng kém trong việc giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông cộng với đòi hỏi không tương xứng với chất lượng giảng dạy của chương trình học khiến cha mẹ tìm đủ mọi cách cho con học tăng cường tiếng Anh nếu có điều kiện. Nếu không tin tưởng vào năng lực của các thầy cô trong trường thì họ sẽ mang con đến các trung tâm Anh ngữ. Sinh viên sau một thời gian bỏ rơi tiếng Anh giật mình khi yêu cầu ra trường đòi hỏi bằng TOEIC hoặc IELTS cũng tìm đến cách trung tâm ngoại ngữ để học cấp tốc với hi vọng lấy được cái bằng nộp cho đủ thủ tục. Và những gia đình khá giả có con muốn cho đi du học cũng chọn một trung tâm ngoại ngữ nào đấy để gửi con vào học để thi lấy bằng làm hồ sơ. Nói chung là cấp tốc được thì càng tốt. Các trung tâm ngoại ngữ thường hút học viên bằng hai chiêu trò luôn hiệu quả là có giáo viên nước ngoài và các khóa học cấp tốc. Giáo viên nước ngoài cũng năm bảy loại nhưng bảo đảm những giáo viên bản ngữ Anh, Mỹ, Úc có trình độ sư phạm ở Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có một thời gian các trung tâm ngoại ngữ không danh không tiếng thuê dân Nga, Pháp thậm chí Nam Tư ba lô sang dạy tiếng Anh bất chấp trình độ miễn sao mắt xanh tóc vàng được. Tôi đã làm việc với rất nhiều giáo viên nước ngoài vừa không có trình độ vừa rất kém về tư cách thậm chí có thể nói là biến thái bệnh hoạn. Một lão già người Mỹ có thói quen tiểu tiện vào bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh của các giáo viên khác đến khi dùng camera ghi hình quay lại thì đập bàn văng tục hăm dọa đòi đánh. Một lão khác thì cứ đưa bài cho học viên làm còn mình thì ngồi đọc sách cho tới hết giờ, bài vở không bao giờ chịu chuẩn bị trước khi lên lớp. Còn các lớp luyện cấp tốc thì sao? Bất cứ ai hiểu chuyện cũng đều hiểu rằng không có cách gì để biến không thành có trong một thời gian cực ngắn nhất là kiến thức. Nhưng trên đời này có cầu thì ắt sẽ có cung. Ngày nào vẫn còn những kẻ lười biếng thích ăn xổi ở thì đến lớp để mong được chỉ mánh khóe thi đậu thì những chương trình cấp tốc như vậy vẫn ăn nên làm ra.

Đừng tưởng giáo viên Việt Nam dạy trung tâm sẽ khá hơn giáo viên dạy trường nhà nước. Tôi không vơ đũa cả nắm vì tôi biết có rất nhiều giáo viên lớn tuổi dạy trung tâm rất tận tâm và yêu nghề với kiến thức sư phạm tốt được học trò yêu thích. Nhưng phần lớn họ vẫn mắc phải hai lỗi chính là phát âm và cách giảng bài quá thiên về công thức. Còn các giáo viên trẻ thì chất lượng khó nói được. Rất nhiều bạn trẻ nghĩ đơn giản nếu mình không giỏi làm những chuyện khác nói thẳng ra là học xong đại học thất nghiệp thì đi học một khóa đào tạo giáo viên cấp tốc TESOL ra đi xin dạy tiếng Anh ở trung tâm là an toàn nhất, vừa có lương cao, vừa đỡ phải cạnh tranh còn mang cái mác giáo viên ngoại ngữ khá oai. Trong giai đoạn 2008-2011, tôi đào tạo hơn một nửa số giáo viên trẻ dạy ở các trường Không gian và dạy TESOL và được mệnh danh là sát thủ vì tôi đánh rớt không thương tiếc những bạn không đủ tiêu chuẩn và không đủ tư cách. Vì điều này mà tôi gặp khá nhiều rắc rối với bộ phận hành chính và marketing vì thử hỏi nếu rớt nhiều như thế ai dám đăng kí học. Nhưng tôi thà làm vậy còn hơn là kí bằng cho một người không đủ trình độ ra đi dạy biết chắc rằng họ không hề có ý thức tự học và lòng yêu nghề.

Tác giả: Vien Huynh

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top