Nếu được dùng 3 từ để miêu tả cuốn sách này, cả về nội dung lẫn hình thức, tôi sẽ chọn: Hỗn độn, chưng hửng và cẩu thả. (Rất tiếc khi phải dùng những từ không được tích cực gì để nhận xét về một tác phẩm của một người nào đó.) Cụ thể:
1. Các mẩu truyện trong cuốn sách rời rạc, không có tính liên kết với nhau và với tinh thần chung của tác phẩm, dù rằng mục lục rất rõ ràng.
Thật sự, sau khi đọc xong cuốn sách tôi vẫn không nắm được tinh thần chung ấy là gì, tôi không tài nào tóm tắt được tác phẩm. Tựa đề là Ngày mai bạn sẽ biết ơn nỗi nuồn ngày hôm nay nhưng những câu chuyện trong này không đi theo một đường hướng nhất định nào. Tôi không hề có ấn tượng gì về nội dung biết ơn những đau khổ xuyên suốt trong cuốn sách này, vì các ý tứ cứ lộn xộn hết thảy.
Ví dụ: Phần một có tựa “Tuổi trẻ. Khát vọng. Đắm say. Và lạc lối”, phần hai có tựa “Thấu cảm đời sống. Lớn lên từ nỗi đau. Trưởng thành từ trải nghiệm”, phần ba là “Hạnh phúc giản đơn sau tất cả”, nhưng phần nào cũng thấy kể về khổ đau, phần hai không thấy tập trung vào sự trưởng thành từ đau khổ, còn phần ba đáng lẽ phải là những câu chuyện kết thúc có hậu thì lại chẳng thấy là bao. Chưa kể, “Hạnh phúc giản đơn sau tất cả” lại trùng tên với một mẩu truyện ở chương đó nên tôi lại lật lại xem những chương trước có dùng tên các mẩu truyện con để đặt tựa cho mình không thì không thấy.
2. Các chủ đề được kể trong cuốn sách không có sự thống nhất.
Thà rằng tác giả chỉ nói về tình yêu nam nữ xuyên suốt thì mọi chuyện sẽ dễ dàng theo dõi hơn. Nhưng cuốn sách lúc thì nói chuyện yêu đương đổ vỡ, lúc thì nói chuyện người trẻ hành động, lúc thì nói về ước mơ cuộc sống, mối quan hệ gia đình, các hiện tượng xã hội. Nên thành ra các nhân vật cũng lung tung hết cả, “tôi”, “em”, “anh”, “cô”, Ar, Kel, v.v… Mỗi thứ được đá vào một chút nhưng không thứ nào được tròn vẹn, sâu sắc.
3. Bản thân nội dung các mẩu truyện không chặt chẽ, nhất quán, không triển khai được ý tưởng nằm trong tựa truyện.
Tôi liên tục có cảm giác về một sự lạc đề hoặc sự “treo đầu dê bán thịt chó” nào đó đang diễn ra, có thể tác giả không cố ý. Khi đọc đến giữa chừng, dù ở bất kỳ mẩu truyện nào, tôi luôn phải giở lại những trang trước đó để xem lại tựa đề của nó là gì vì tôi đang không biết tác giả đang thật sự muốn nói gì ở đây và mình đang cần nắm bắt nội dung gì. Đôi lúc, các câu chuyện kết thúc rất gượng ép như để cố gắng khớp được gì đó với cái tựa hoặc là tác giả cố “gắp” một vài từ cuối bài để đưa lên làm tựa truyện.
Tôi không đánh giá cao cách trình bày, triển khai ý tưởng, nội dung của cuốn sách này. Nó rất mơ hồ, thiếu sự logic, độ tập trung, tính kỷ luật. Hầu hết các mẩu truyện có kết thúc rất chưng hửng.
Ví dụ: Câu chuyện tựa đề “Người trẻ làm gì trong thời cuộc này” thì có nội dung luận về tình yêu nước và kết thúc là phép ẩn dụ văn hoa (tôi cho là) về sự đoàn kết.
4. Các câu văn hình thành nên truyện rời rạc, vỡ vụn.
Tác giả thường xuyên viết những câu trống không, không có chủ ngữ khiến tôi không hiểu là đoạn này đang nói về cái gì và ai là người đang thực hiện các hành động. Tôi phải mất thêm thời gian để đọc đi đọc lại câu đó và định hình chuyện gì đang diễn ra.
Chưa kể, những câu văn cũng được chấm ngắt không đúng chỗ tạo nên cảm giác vừa hẫng hụt vừa bối rối. Việc này rải đều khắp cuốn sách, tôi chỉ đưa ra một vài dẫn chứng mình họa:
“Thật ra, trong lòng vẫn là thích cùng một người đàn ông đến Đà Lạt. Ở trong căn phòng có lò sưởi, nhìn ra bên ngoài mưa ướt nhẹp tấm kính.” (Trang 20)
“Dầu miệng nói vô tình, trong lòng không can tâm. Vẫn trách đối phương lạnh nhạt. Kết thúc mọi thứ sao quá dễ dàng.” (Trang 21)
“Hạnh phúc cũng là cô ấy tự cảm nhận. Cho dù thế nào cũng không hề ân hận đã từng vì tình yêu mà cố gắng.” (Trang 34)
“Tất cả đều như nhau trong việc tận hưởng những thi vị của cuộc đời. Khám phá và phiêu lưu.” (Trang 57)
5. Cách đặt tựa truyện rất ngẫu hứng, không theo một cấu trúc nhất định nào.
Các tựa đề không hề có sự liên kết với nhau nên không cộng hưởng được sức mạnh để làm bật lên ý tưởng của tác phẩm. Hoặc có thể, sự cộng hưởng ở đây là tính lan man hỗn độn.
Nói đến đây, tôi không thể không nói đến kiệt tác Momo của tác giả Michael Ende. Ông đã đặt tên 21 phần truyện trong cuốn sách của mình theo một cấu trúc đối xứng vô cùng chặt chẽ.
Ví dụ: “1. Một thành phố lớn và một cô gái nhỏ”, “2. Một cá tính độc đáo và một cuộc cãi vã thường tình”, “3. Một cơn bão tưởng tượng và một trận mưa rào có thật”, “4. Một ông lão kiệm lời và một anh chàng khéo ăn khéo nói”, “5. Chuyện kể cho mọi người và chuyện kể cho một người”, “6. Tính toán lọc lừa mà vẫn trúng mánh”, “7. Momo đi tìm bạn và bị kẻ thù tìm đến”, v.v…
6. Tôi đã không thể xác định được cuốn sách này thuộc thể loại văn học nào.
Tôi có cảm giác như nó là sự trộn lẫn của truyện ngắn, ký, tản văn và thơ. Sau đó tôi được biết nó là tản văn. Thật sự, cuốn sách này rất mơ hồ, tính cả đến thể loại. Trước kia tôi đã từng review một tản văn mang tên Buồn làm sao buông của Anh Khang. Dù nội dung sách không hẳn là tuyệt đỉnh nhưng cách anh ta hành văn và sử dùng con chữ đáng để người ta nể phục. Cuốn sách đó có nội dung lan man nhưng không hỗn độn như Ngày mai bạn sẽ biết ơn nỗi buồn ngày hôm nay, vì nó đó có một chủ đề xuyên suốt là tình yêu đôi lứa. Nên sự lan man đó lại làm nên sắc thái buồn nhớ, vương vấn đặc trưng và ăn khớp hoàn toàn với tựa đề của tác phẩm. Đó là một sự lan man thành công.
7. Cuốn sách mắc rất nhiều lỗi biên tập cơ bản.
- Các nhân vật nói ra một câu gì đó thì không có dấu hai chấm rồi đến câu nói. Nên câu thành ra như thế này:
Vẫn nhớ mắt em ngước lên loang loáng nước “Giờ em chỉ sống vì tiền. Em cảm thấy mình không sống thật…” (Trang 15)
Đáp “Vì thích.” (Trang 15)
Em nói “Em không được mạnh mẽ như chị.” (Trang 24)
- Thậm chí khi giở một trang bất kỳ có lời thoại, tôi cũng gặp ngay lỗi này. Tôi không buồn giở xem lại những trang khác nữa.
Y gân cổ lên tức giận “Thế nó chưa đưa tiền cho mày hả?” (Trang 97)
Tôi nói “Không. Tao nói tao muốn ngồi một mình nên nó bỏ đi rồi” (Trang 97)
- Sau dấu hai chấm quên không viết hoa (Trang 25)
Chung quy chỉ có một: vì-anh-không-thể-lo-cho-người-yêu.
- Cách trình bày lời đối thoại không nhất quán, cả cuốn sách dùng đóng mở ngoặc kép, riêng trang 149 dùng gạch đầu dòng.
- Sau dấu chấm hết câu mà không có dấu cách để bắt đầu câu tiếp theo. (Trang 171)
Nói chung, cuốn Ngày mai bạn sẽ biết ơn nỗi buồn ngày hôm nay không có quá nhiều câu chữ nhưng lại mắc rất nhiều lỗi hình thức. Nếu chỉ một đôi chỗ, người đọc dễ dàng bỏ qua vì có thể là sự sơ suất kỹ thuật nào đó. Nhưng khi lỗi tràn lan như thế này, tôi gọi đây là sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp.
Có một điều tôi lấy làm tiếc cho cuốn sách này, đó là tác giả có rất nhiều trải nghiệm nội tâm nhưng vì không tập trung vào một chủ đề cụ thể, đơn giản, nên dẫn đến việc triển khai ý tưởng gặp nhiều trắc trở. Kết quả là các ý tưởng dù có ý nghĩa nhưng lại được thể hiện một cách hời hợt, nông cạn. Nếu đơn giản, tác giả chỉ tập trung vào một chủ đề duy nhất là tình yêu nam nữ, kể về những đổ vỡ trong chuyện yêu đương, những bài học rút ra từ đó và sự thay đổi bản thân sau những tháng ngày đau khổ thì tác phẩm sẽ sâu sắc và cuốn hút hơn rất nhiều.
Tôi cảm thấy một sự phân tán, mông lung, bất định rất lớn trong tác phẩm này. Thông thường, tác phẩm chính là tấm gương để soi chiếu nội tâm của tác giả. Người sao của chiêm bao là vậy. Nên tôi nghi ngờ về sự “ngộ” hay trưởng thành từ những nỗi đau mà tác giả đã nói. Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi không cảm thấy niềm tin hay sự đồng điệu tâm hồn với tác giả vì cuốn sách khiến người ta mất quá nhiều thời gian để suy đoán, định hình mình đang thật sự đọc cái gì. Việc này tiêu hao khá nhiều năng lượng. Để rồi đến khi xác định tạm được nội dung rồi, ta lại bắt gặp những cái kết, những câu chốt không liên quan.
Chưa kể, tác phẩm này không hề có điểm nhấn nào đáng chú ý, không có sự sáng tạo trong nội dung hay cách thức trình bày. Khi gấp cuốn sách lại, tôi không vương lại ấn tượng về bất kỳ câu chuyện hay câu nói nào ở trong đó. Dù khi đọc, tôi thấy nhiều câu đậm chất triết lý nhưng tổng thể ghép lại thì chúng tự làm lu mờ lẫn nhau. Nếu tôi là giám đốc của một công ty sách, tôi sẽ không lựa chọn một bản thảo như thế này để xuất bản.
Xin phép không cho điểm cuốn sách này.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa