ellen-qin-ylewmbd6miw-unsplash

Nâng cấp suy nghĩ, nâng cấp cuộc đời

Mình rất thích nấu ăn. Đôi khi may mắn, mình hoàn thành được một món ngon xuất sắc. Nhưng có khi, mình lại chế tác ra một món dở tệ thảm hại, vừa ăn vừa phải động viên chính mình là “Hãy cố lên để có thể nuốt chúng.” Chuyện nấu ăn thì có nhiều cung bậc vui buồn và những khám phá thú vị khác nhau. Nhưng có một trong số những sự nhận ra của mình khi vào bếp đó là khi có đủ công cụ, việc nấu được một món ngon là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Còn nếu công cụ nghèo nàn thô sơ, mình sẽ phải thao tác rất vất vả thì mới có được kết quả như ý, thậm chí cũng không thể thành công được. Ví dụ như việc nấu một nồi cơm. Nếu có nồi điện thì chỉ cần đổ gạo và nước vào, cắm điện, bật nút là xong. Còn khi dùng một cái nồi luộc rau bình thường thì không được như vậy, mình phải canh cho nước cơm sôi khỏi trào, phải kiểm tra hạt gạo mấy lần, phải đảo cơm cho khỏi khê, phải điều chỉnh các cỡ lửa và phải chờ đợi lâu hơn.

Mình thấy ý tưởng về công cụ này không chỉ đúng với chuyện làm bếp nấu nướng, mà còn đúng với chuyện một người sử dụng những suy nghĩ của anh ta để phục vụ đời sống. Nếu có nhiều những suy nghĩ tiêu cực hay tự giới hạn bản thân, anh ta sẽ vật vã bế tắc khi đối diện với nghịch cảnh hay những tình huống bất ngờ. Còn nếu có những suy nghĩ tích cực và chúng khuyến khích sự phát triển nhận thức, anh ta sẽ dễ dàng học hỏi từ đời sống và có những trải nghiệm đầy thoáng đạt từ nó. Như Đức Krishna đã nói trong Chí Tôn Ca rằng:

“Con người cần sử dụng tâm trí để giải thoát chính mình, chứ không phải để thoái hóa. Tâm trí vừa là bạn vừa là thù của linh hồn.” (6:5)

Mình lấy một ví dụ đơn giản như sau: Khi bạn đối diện với những người đồng nghiệp tiêu cực, nhiệm vụ bạn cần giải quyết đó là dùng công cụ của “nhà bếp” tâm trí (các suy nghĩ mà bạn có), để chế biến những tính chất tiêu cực xung quanh thành một món ăn. Và bạn phải ăn món ăn đó để trưởng thành.

Nếu công cụ của bạn nghèo nàn và yếm thế thì sao, như “họ là lũ bẩn thỉu xấu xa”, “ta cần tránh xa những kẻ như vậy vì họ sẽ làm bẩn tần số của ta”, “ta không thích nói chuyện với họ và ta sẽ thể hiện sự khó chịu”, “về nhà, ta sẽ xả stress vào con cái và người chồng yêu quý.” Bạn sẽ trải nghiệm những sự bất an, bực bội, mâu thuẫn, ghét bỏ, mệt mỏi và sợ hãi khi áp dụng những suy nghĩ đó. Đó là những tần số bạn sẽ “ăn” để hủy hoại tâm hồn của chính mình.

Nhưng nếu công cụ của bạn cao cấp và tiên tiến hơn thì sao, như: “có vẻ họ đang đau khổ ở bên trong và cần được giúp đỡ”, “ta có thể rèn luyện kiên nhẫn khi ở xung quanh những người này”, “ta không nhất thiết phải khó chịu với họ”, hay “đây là môi trường lý tưởng để ta thực hành sự quy phục.” Bạn sẽ được trải nghiệm sự điềm nhiên, tĩnh tâm và từ ái với những người đồng nghiệp, đồng thời làm mạnh thêm nội lực của chính mình. Bạn không mất kiên nhẫn hay đổ lỗi cho họ, mà có sự thấu hiểu về các trạng thái tiêu cực của con người, và biết đón nhận các ân sủng cuộc đời đang ngụy trang đằng sau sóng gió bất định. Đây chính là món ăn bạn nấu được. Từ nó, bạn sẽ thẩm thấu trí tuệ, định lực và lòng bao dung. Với những suy nghĩ tích cực có lối thoát, những trải nghiệm của bạn cũng hiện ra đầy thông thoáng và cởi mở.

Khi so sánh hai ví dụ về việc sử dụng suy nghĩ, bạn có nhận ra được tầm quan trọng của một tâm trí tích cực và tươi sáng không? Nếu có thì tại sao bạn không tích lũy nhiều hơn những cách tư duy ấy?

Mình để ý thấy một nguyên nhân dẫn tới việc một người không có được những suy nghĩ tích cực, đó là người đó ít tiếp xúc với những tình huống tươi sáng mỗi ngày, ít đọc những câu văn có tính chất khai phóng tư duy, ít nói những lời ái ngữ. Những gì người đó tích lũy hàng ngày qua các phương tiện truyền thông, sách vở, hay trong việc giao tiếp với người khác không có chứa những từ khóa của sự hào sảng, hay các tần số năng lượng tốt lành. Vậy nên, tất cả những gì người đó có là các gợi ý tiêu cực, các góc nhìn một chiều, cố định và tự chặn lối của chính mình. “Tôi là người kém cỏi và tội lỗi”, “Tôi không có đủ tiền sống”, “Tôi ghét cảm giác cô đơn”, “Tôi không được xinh đẹp”, “Tôi không được yêu thương”, “Tôi không tin rằng kế hoạch của cuộc đời sẽ tốt hơn kế hoạch của tôi”, “Tôi thấy những giai đoạn buồn khổ chẳng hề có giá trị nào cả”, “Tôi không thể bình an nổi,” “Quy phục là chuyện quá khó để thực hiện”, v.v…

Mình để ý thấy rằng những nghịch cảnh và bất an xảy ra trong cuộc sống chính là dấu hiệu thông báo rằng hệ thống niềm tin và tư tưởng của một người đang chạm vào ngõ cụt. Chúng cần được biến đổi, chỉnh sửa, hay nâng cấp thành một hệ thống mới cởi mở và linh động hơn. Nhưng đa phần con người thì sợ hãi sự thay đổi và tìm đủ mọi cách để duy trì cấu trúc thói quen cũ đã hết hạn sử dụng, trong khi chính việc cố gắng níu giữ đó làm họ tổn thương, kiệt quệ và bị đầu độc.

Cách đây khoảng 5 năm, trước khi bước vào con đường tâm linh, mình không hề biết đến hay có thể thấu hiểu các khái niệm như: tâm trí, đức tin, Thượng Đế, vũ trụ, tần số, năng lượng, thực tại, vô thường, tĩnh lặng, tâm hồn, quy phục, kỷ luật, xả ly, v.v… Và cuộc sống của mình lúc đó rất tăm tối, cứng nhắc, gặp nhiều những chuyện bế tắc khổ sở. Nhưng kể từ khi đoạn tuyệt với truyền thông, báo đài giật gân tiêu cực, âm nhạc và tiểu thuyết ngôn tình u ám; đồng thời đọc nhiều hơn những thông điệp khai phóng trí tuệ, nghe nhiều hơn những âm thanh tươi sáng, mình đã dần tìm tới được những ý tưởng thoáng đạt về cuộc đời. Từ đó, mình thay đổi hệ tư tưởng nghèo nàn tối tăm cũ để sống với các tư tưởng có tính tiến bộ và cầu thị hơn. Kết quả là mình được lột xác hoàn toàn, trở thành một con người mới, vô tư hơn, hạnh phúc hơn và điềm tĩnh hơn. Và tất cả những gì mình viết trong các bài viết từ trước đến giờ là để giúp bản thân thường xuyên được gắn kết với những tư tưởng tích cực, học cách sử dụng ngôn từ một cách hữu ích, và đồng thời cũng là để chia sẻ với mọi người những công cụ linh động hơn của “nhà bếp” tâm trí. Bạn có thể sử dụng những ý tưởng này ngay lập tức và khiến cuộc sống của chính mình trở nên tươi đẹp.

Nói tóm lại, bạn sẽ tiếp tục phải sống trong những thực tại tiêu cực và khổ đau nếu không nâng cấp suy nghĩ (và lời nói) của chính mình, không uốn nắn nó trở nên linh động mềm dẻo hơn thông qua việc đọc, học những tư tưởng tiến bộ từ người khác, qua việc dấn thân trải nghiệm nhiều mặt của đời sống, và qua việc tĩnh lặng tâm tưởng. Vì

“Một kẻ không bao giờ cải tiến quan điểm của mình thì chẳng khác gì một vũng nước tù, sẽ sản sinh ra những loài bò sát của tâm tưởng.”

Đó là nói theo cách của William Blake. Còn nói theo cách của Terence McKenna thì:

“Bản chất có tính cú pháp của thực tại, bí mật đích thực của phép màu, là thế giới được tạo ra bởi từ ngữ. Và nếu bạn biết được điều đó, bạn có thể tạo được bất cứ thứ gì bạn muốn. Nếu thế giới được tạo ra bởi ngôn ngữ, thì bạn có thể hack nó như bạn hack một đoạn mã lập trình.”

Tác giả: Hòa Taro
Ảnh: Ellen Qin | Unplash

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top