Với ý tưởng Less is more – Ít hơn là nhiều hơn, càng ít càng tốt, không quá ngạc nhiên khi có nhiều nhiếp ảnh gia thích thú với các đường đơn, họa tiết hình học, bóng đổ, màu sắc và các đối tượng bị cô lập. Đôi khi các yếu tố này đã có sẵn trong môi trường xung quanh chúng ta. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, bạn cần thực hiện trước một số thao tác phân tách và loại bỏ các yếu tố khác ra khỏi khung. Và điều quan trọng nhất lúc này là bạn cần học cách đánh giá những gì là cần thiết nhất để khiến câu chuyện mạnh mẽ hơn.
1. Sắp đặt hợp lý
Một trong những khái niệm chính của chủ nghĩa tối giản là ý tưởng Less is more – Ít hơn là nhiều hơn: Giữ cho nó đơn giản, nhẹ nhàng và súc tích. Tuy nhiên, giữ cho nó đơn giản không có nghĩa là giữ cho nó nhàm chán. Trái với suy nghĩ của nhiều người, để áp dụng cách tiếp cận tối giản đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo. Việc sắp đặt các chủ thể và phần tử chính sao cho có thể truyền đạt câu chuyện tới mọi đối tượng thực sự là một thử thách. Bạn cần phải thực hành rất nhiều để biến những gì bạn nghĩ trở thành thực tế ở trước mắt của mình.
Bạn cần tự hỏi bản thân mình muốn bức ảnh này hàm chứa điều gì trước khi đưa máy lên để chụp. Hãy dành thời gian cho việc sắp đặt và không cần vội vàng để bấm máy rồi rời đi, Điều này giúp việc đặt một số dụng ý vào trong bức ảnh trở nên dễ dàng hơn. Đôi khi, nếu không có gì rõ ràng, hãy nhìn qua khung ngắm và chọn cảnh ưng ý nhất thay vì tốn thời gian cắt đi những không mong muốn trong xử lý hậu kỳ.
Trong trường hợp không thể loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng khỏi khung hình, bạn hãy sử dụng độ sâu trường ảnh để cách ly đối tượng trung tâm khỏi hình nền bằng cách chụp với khẩu độ rộng nhất (số nhỏ nhất) mà ống kính cho phép. Điều này sẽ làm mờ hình nền, xóa các yếu tố gây mất tập trung để mang lại cảm giác tối giản. Được gọi là hiệu ứng bokeh, một ống kính chuyên dụng là cần thiết cho hiệu ứng này.
2. Các màu sắc và họa tiết
Màu sắc tươi sáng hoặc các cặp màu tương phản giúp hiện thực hóa cách tiếp cận tối giản bằng cách bổ sung mức tương phản phù hợp. Chìa khóa ở đây không phải là tạo ra các cực đại mà là lựa chọn một hoặc hai màu có thể hoạt động tốt với nhau và sử dụng chúng để tạo ra điểm nổi bật. Đôi khi, việc thêm một chút họa tiết cũng có thể giúp tăng sự hấp dẫn thị giác như các đường cát trong bức ảnh trên đây.
3. Các đường định hướng và hình mẫu
Các đường định hướng và hình mẫu, nếu được sử dụng chính xác, có thể hỗ trợ cách tiếp cận tối giản rất tốt khi chúng có thể tạo ra phông nền tuyệt vời cho hình ảnh tối giản. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều yếu tố trong khung hình, nó có thể làm cho hình ảnh có vẻ hỗn loạn và rối rắm và đó không phải là cách tiếp cận tối giản. Vì vậy, để giữ mọi thứ thật đơn giản, chỉ nên sử dụng một vài yếu tố làm cơ sở mà thôi.
Đôi khi tất cả công việc của bạn là tìm một góc nhìn sáng tạo để chụp ảnh. Bạn cần thử nghiệm với các góc nhìn khác nhau: trực diện, cao, thấp, chéo cho đến khi có một bức ảnh thể hiện tầm nhìn của mình.
4. Không gian âm
Biết cách sử dụng không gian âm là một lợi thế rất lớn khi tham gia phong trào tối giản. Không gian âm cho phép đối tượng chính được thoải mái và tự do trong khi truyền tải cảm giác nhẹ nhàng tới cả mặt đất và không gian xung quanh. Đồng thời đây cũng là một cách tuyệt vời để xác định chủ đề của bạn, từ đó giúp người xem có thể dễ dàng diễn giải câu chuyện mà bạn đang cố gắng truyền tải thông qua bức hình.
Hãy nhớ không gian âm không phải lúc nào cũng có nghĩa là chỉ có một chủ thể duy nhất và cũng không có nghĩa là bạn cần phải chụp ảnh theo quy tắc một phần ba. Nó có nghĩa là bạn cần ít sự lộn xộn trong khung. Không gian âm, cùng với việc tạo dáng, có thể thêm rất nhiều kịch tính vào một bức chân dung.
5. Kể chuyện súc tích
Một trong những cách tốt nhất để hiện thực hóa chủ nghĩa tối giản là biến hình ảnh thành một câu chuyện. Hãy luôn tự hỏi xem các yếu tố trong khung hình đang giúp đưa diễn biến câu chuyện tiến về phía trước hay là đang làm cản trở nó. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cần yếu tố con người để câu chuyện phát triển và trong nhiều trường hợp khác thì không. Những lúc như vậy, bạn cần chú ý các yếu tố khác như sự đối xứng, đường nét, hình mẫu và bóng đổ bởi chúng sẽ đảm nhận vai trò quan trọng này.
Ở hình ảnh trên, việc thiếu chủ thế là con người được khắc phục bằng cách sử dụng dải phân cách màu vàng và các bờ cong của con đường để truyền tải cảm giác về sự chuyển động. Câu chuyện về chuyến hành trình và môi trường xung quanh đã được kết hợp với nhau một cách rất tự nhiên. Lúc này, quan sát và phản hồi nhanh chóng sẽ giúp bạn có được những bức ảnh tuyệt vời. Những lần khác, bạn cần một chút kiên nhẫn và khéo tay để căn đúng thời điểm đối tượng đi qua khung hình.
Điều tốt ở đây là bạn có thể áp dụng cách tiếp cận tối giản cho cả môi trường tự nhiên và đô thị. Vì vậy hãy ra khỏi phòng và mở ra cho mình một cách nhìn khác với máy ảnh của bạn – bất kể thể loại nào.
6. Xử lý hậu kỳ
Việc chụp ảnh tối giản không kết thúc ngay khi bạn bấm máy. Bạn có thể mở rộng này khái niệm này vào trong xử lý hậu kỳ. Cách dễ nhất để tiếp cận nhiếp ảnh tối giản trong xử lý hậu kỳ là giữ cho việc xử lý ảnh thật đơn giản. Bạn cần tránh việc sử dụng độ bão hòa màu cao, thay đổi độ tương phản lớn và các chỉnh sửa màu sắc mạnh mẽ, đặc biệt là với ảnh chân dung. Lúc này, bạn không cần sửa tất cả các khiếm khuyết về da và tông màu. Hãy để vẻ đẹp tự nhiên của nhân vật tạo nên giá trị của bức hình, ví dụ như bức hình trên đây.