austin-distel-tlzhfrlj6ny-unsplash

Mạng xã hội và những mặt tối của con người

Phải chăng mạng xã hội (MXH) đang góp phần tạo ra tâm lý nịnh đầm với người sử dụng nó. Mạng lưới kết nối con người và thông tin ban đầu không kéo dài quá lâu khi tâm lý người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang sự tự ca ngợi hoặc tán thưởng bản thân. Ngày nay, nếu một cá nhân nào đó không tương tác qua hình thức trực tuyến này sẽ dễ dàng bị liệt vào hàng ngũ những kẻ lạc hậu, lỗi thời và mù thông tin.

MXH là nơi con người có thể trở nên khác biệt theo cách họ muốn, thực chất lại là nơi đám đông khai thác cùng một công thức. Một xã hội ai ai cũng cố tạo cho mình một vẻ ngoài đặc biệt giống nhau thì chẳng còn gì đặc biệt nữa. Kiểu như khi hơn 7 tỉ người đều được công nhận là thiên tài toàn năng thì khái niệm thiên tài giờ đây cũng chỉ như một danh từ dùng để phân loại giữa con người và động vật có vú.

Chúng ta có quyền làm theo cách mình muốn. Nhưng khốn khổ ở chỗ, cái mà ta đang muốn là làm những gì mà nhiều người khác muốn, để nhận được sự đồng thuận và tán dương. Chúng ta có đang nhầm lẫn sự muốn với sự kỳ vọng không?

Có không ít người đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi cảnh nghiện ngập MXH. Tuy nhiên, hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO: Fear of Missing Out) đã tra tấn tâm lý con người, buộc ta phải kiểm tra tất cả những thứ ta cho rằng nó tuyệt vời hơn những gì ta đang có. Mà bạn biết đấy, việc sợ hãi mất đi những thứ mà ta chưa hề có xuất phát từ ham muốn có những thứ mà người khác đang có, hoặc sở hữu những thứ người khác mong muốn. Chuyện này để chắc chắn mình không bỏ lỡ bất kỳ thứ gì hoàn hảo trên cuộc đời.

Chúng ta điên cuồng kết bạn trên facebook với hy vọng rằng ta sẽ tìm được nhiều tri kỷ đồng hành cùng ta trong cuộc sống hay thể hiện rằng ta có mối quan hệ ngoại giao rộng rãi. Kết quả là ta luôn than phiền rằng chẳng ai trong số bạn bè trên MXH thực sự tốt và thấu hiểu. 

Chúng ta thấy bạn bè đăng ảnh du lịch sang chảnh khắp nơi, ăn những bữa ăn ngon, mua sắm nhiều đồ hiệu đắt tiền, dù ta không thực sự cần và không có sẵn điều kiện nhưng ta vẫn muốn trải nghiệm tất cả những điều đó cho giống với họ.

Bạn đang nghĩ gì thế?

Um…có lẽ các bạn đang bận trả lời câu hỏi này trên FB rồi. Tôi biết mà, không sao cả.

Với tốc độ nắm bắt thông tin được tính bằng giây như hiện nay thì việc dừng lại vài phút để đọc lướt qua bài blog, một vài trang sách hay viết vài trang nhật ký là chuyện quá xa xỉ. Hơn ai hết, tôi cũng sợ bị bỏ lỡ những tin tức hay ho hơn nằm ở phía trước nên phải chắt lọc lắm tôi mới dành ra vài phút quý báu để nghiền ngẫm thông điệp trong bài viết của những trang web uy tín mà tôi yêu thích. Mặc dù thời gian còn lại tôi sử dụng vào những việc cũng chẳng quan trọng là mấy, chủ yếu là lướt thông tin một cách vô thức.  Ấy thế mà tôi vẫn cứ ảo tưởng rằng quỹ thời gian của mình hạn hẹp, phải tranh thủ, mình còn rất nhiều thứ chưa giải quyết, đầu xù tóc rối than vãn về sự bận rộn của mình.

“Sao mà nhiều việc thế, tớ chưa làm xong đâu vào đâu cả” là câu cửa miệng của hàng ngàn các bạn trẻ. Chúng ta ý thức được việc lướt MXH là tốn thời gian nhưng vẫn cố phủ nhận sự vô bổ của chúng bằng những câu đại loại như: “Nguồn thu nhập của tôi hiện giờ phụ thuộc vào MXH.” Thay vì đọc những bài báo chính thống về thông tin đáng chú ý ta lại cho rằng cập nhật chúng trên FB tiện lợi và nhanh chóng hơn nhiều. 

Giờ đây, MXH như một cái siêu thị thông tin, gì cũng có chỉ có sự thật là khan hiếm. 

Sự thật là gì chứ? Vâng, các bạn cứ đồng tình với các nhà tư tưởng rằng sự thật chỉ là cái mà con người muốn tin. Tin cái gì thì các thuật toán sẽ chiều lòng bạn. Chúng không tiếc tặng cho bạn hàng loạt liên kết dẫn đến câu chuyện mà bạn quan tâm. Chỉ bằng cái chạm nhẹ lên màn hình bạn đã đến với tình tiết của sự thật trong câu chuyện giật gân nào đó.

Bản chất của những thuật toán này là kéo dài thời gian chú ý của mọi người, những điều còn lại được coi là yếu tố gây phân tâm. Cựu kỹ sư của Google, Guilaume Chaslot cũng nhấn mạnh rằng:

“Ở trên Youtube, những thứ viễn tưởng được xem nhiều hơn những gì thực tế.”

Tuy nhiên, tôi không thể trách cứ và than vãn những kết quả thao túng tinh thần mà MXH này mang lại. Vì tôi không thể phủ nhận công lao của hàng loạt các nhân viên cũng như nhà sáng lập đã đặt hết tâm huyết vào đây. Khởi nguồn của mọi sáng tạo đều có sẵn thiện chí. Cách chúng ta sử dụng chúng mới là điều đáng phải bàn cãi. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi người chúng ta cần tự dò xét lại hành vi, mục đích sử dụng của mình.

Có qua có lại mới toại lòng nhau, đây là cách MXH và khách hàng tương tác và duy trì nền tảng ngày một lớn mạnh. Tôi mang lại cho bạn một tiện ích thông minh vượt trội giúp các bạn dễ dàng đạt được mục đích, lợi ích cá nhân nhiều như thế, thì điều tôi nhận lại được phải là lợi ích nào đó giúp chúng tôi tiếp tục nâng cấp và đổi mới theo tốc độ phát triển của nhân loại chứ? 

Chưa kể hàng ngàn nhân viên trên khắp thế giới của họ đang làm việc vất vả, hy sinh sức khoẻ thể chất tinh thần để mang đến những dịch vụ tiện lợi nhất, thậm chí những nhân viên kiểm duyệt hết mình đã loại bỏ nội dung xấu, chắt lọc tối đa những video phù hợp đến cho cộng đồng.

Dẫu vậy dù gắt gao đến đâu vẫn không thể bịt kín những khe hở của các vấn nạn xã hội. 

Không ít những bài viết lên án về tác hại của việc sử dụng MXH. Và trong số đó, nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đều xuất phát từ những bất lực của bản thân trước những hiện tượng trên MXH. Các căn bệnh liên quan về tâm thần ngày càng phát triển không chỉ ở những người thường sử dụng FB mà nó đe doạ tính mạng của cả hàng ngàn nhân viên làm kiểm duyệt nội dung cho FB. Trước những video mang tính bạo lực, kinh dị, phân biệt chủng tộc, giết người…gần như ám ảnh tâm trí của họ mỗi ngày, mỗi giờ. 

Và rồi đến cuối cùng, những gì bản thân chúng ta gánh chịu đều phải tự ta giải quyết.

Làm sao có thể tăng cường đội ngũ tư vấn viên về trí não theo sát ta 24/24 mỗi khi tâm lý bị hoảng loạn trước một vấn đề nào đó xảy ra. Chúng chỉ có thể xảy ra với những ai có khả năng chi trả. 

Giờ đây MXH là vật chủ, chúng ta là loài ký sinh. Tình thế hoàn toàn bị thay đổi. Chúng ta có hàng ngàn lý do để biện minh cho cái tôi tổn thương, yếu đuối nhưng đầy kiêu hãnh. Vậy mà chưa bao giờ nghiêm túc một lần phê bình bản thân đã lợi dụng và tham vọng như thế nào khi ký sinh vào MXH.

Rõ ràng những người sáng lập và các cộng sự của họ không đến tận ngưỡng cửa nhà bạn để năn nỉ ỉ ôi bạn tham gia. Bạn tự nguyện. Bạn đến với chúng là vì bạn tò mò. Bạn muốn giống với những người khác. Bạn muốn chứng minh mình vượt trội hơn. Bạn muốn kiếm nhiều tiền nhờ việc PR thương hiệu cá nhân hoặc doanh nghiệp của bạn rồi vô tình bị cuốn vào vòng xoáy niềm tin của Dữ liệu giáo – một thứ tôn giáo mới trong tương lai mà Yuval Noah Harari đã đề cập trong cuốn Homo Deus

Tác giả: VRSP

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top