134423533_450543262994992_1446592888110296482_o

Làm sao để phân biệt trực giác với tiếng nói của bản ngã?

Trực giác và bản ngã có thiết kế và bản chất khác nhau nên biểu hiện của chúng cũng khác nhau, thậm chí đối nghịch. Tuy nhiên, chúng là hai thái cực khác nhau của nhận thức, như nóng và lạnh là hai thái cực khác nhau của nhiệt độ, nên chúng không thể tách rời nhau, mập mờ dễ lẫn lộn. Để phân biệt được trực giác với tiếng nói của bản ngã, chúng ta có thể linh động sử dụng 4 cách sau, tùy khả năng, hoàn cảnh cụ thể của mỗi người:

1. IM LẶNG VÀ CẢM NHẬN

Đối với trực giác

• Bạn cảm thấy sự bình an, nhẹ nhõm và sáng suốt bên trong. Bạn cảm thấy mình được an toàn và được dẫn dắt. Đôi khi, bạn còn cảm thấy rất nhiều niềm vui và sự tỏa sáng tươi mát dâng trào, hay còn gọi là sự “thăng hoa”. (Các nghệ sĩ hay các nhà phát minh vĩ đại là người luôn tìm kiếm và đi theo sự dẫn dắt của dòng năng lượng này.)
• Bạn BIẾT đây chính là nó mà không cần bất kỳ điều gì để chứng minh. Trực giác mang đến cho bạn một cảm giác đúng đắn, không cần bàn cãi, không thể giải thích được bằng lời.
• Trực giác KHÔNG phải là tiếng nói hay âm thanh, nó là là năng lượng tần số cao, là sự tĩnh lặng, dịu dàng, hân hoan. Từ năng lượng này, bạn có thể hiểu thông điệp của nó trực tiếp không thông cần qua diễn giải tâm trí.
• Thông thường, câu trả lời đến từ trực giác thường gây bất ngờ. Sau khi mọi chuyện diễn ra, bạn nhìn lại thì mới giải thích được tại sao đó là lựa chọn tốt nhất.
• Nhiều người kết nối với trực giác đã từng khẳng định rằng các ý tưởng sáng tạo không xuất phát từ cá nhân họ, mà từ một “nguồn” nào đó siêu việt hơn. Trực giác là thứ dẫn họ đến “nguồn” đó.

Đối với tiếng nói bản ngã

• Bạn cảm thấy sự căng thẳng, mâu thuẫn, giằng xé, lo sợ bên trong. Những câu từ toan tính trồi lên, là các câu nói bên trong đầu phân tích cân đong đủ thứ. Chúng thường thể hiện một năng lượng tiêu cực, chia rẽ, xung đột, bất an, không hài lòng, không kiên nhẫn, có tính hủy hoại và xáo động mạnh.
• Ngược lại với trực giác, bản ngã có tính cá nhân, hay nó cho cảm giác thuộc về cá nhân.
• Khi bản ngã trỗi dậy, một người không còn bình an trong lòng và không thể thấy được câu trả lời hay lối đi sáng suốt, đầu óc họ rối bời như có làn sương mù bao phủ. Lúc này, việc đầu tiên người đó cần làm im lặng, ngưng suy nghĩ, hoặc từ chối lắng nghe hay thỏa hiệp với những âm thanh ồn ào bên trong đầu.

Cách im lặng và cảm nhận này có ưu điểm là chủ động, nhanh chóng, tiện lợi, dùng trong mọi tình huống cần dẫn dắt. Nó thường được dùng để làm dịu tâm trí và kết nối với trực giác, hay là cách “dò” một tần số cao hơn. Nhược điểm của nó là dễ bị nhầm lẫn, bối rối khi tâm trí chưa hoàn toàn tĩnh lặng.

2. QUAN SÁT SỰ ĐỒNG NHỊP TRONG CUỘC SỐNG

Khi không cảm nhận được rõ trong hiện tại để phân biệt trực giác và bản ngã, chúng ta có thể lựa chọn một cách khác đó là quan sát những sự kiện đồng nhịp trong cuộc sống. Giống như công chúa bị bắt cóc và thả lông ngỗng để nhà vua truy tìm dấu vết, thì việc quan sát, tìm kiếm sự đồng nhịp cũng là cách chúng ta nhận biết các thông điệp mà vũ trụ để lại. Đó là các dấu hiệu chỉ đường, dẫn dắt chúng ta đi đến hành động và quyết định đúng đắn. Khi bắt gặp các sự đồng nhịp, trực giác sẽ được thúc lên rõ thấy. Đồng nhịp và trực giác luôn đi song hành với nhau, vì chúng cùng một tần số. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần cảm nhận để xác minh lần 2.

>>> Sự đồng nhịp (synchronicity) là gì và ý nghĩa của nó

Cách này có phạm vi rộng, hầu như trong mọi tình huống. Có ưu điểm là trực quan và rõ thấy. Nhưng nhược điểm là không phải ai cũng biết cách quan sát thế giới và chúng ta không chủ động để thấy được các sự đồng nhịp. Nó là các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát.

3. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CỦA HÀNH ĐỘNG

Nếu không cảm nhận tốt, không quan sát các sự đồng nhịp, có một cách khác bạn có thể nhận biết được đâu là tiếng nói bản ngã và đâu là tiếng nói trực giác. Đó là đánh giá hệ quả của ý tưởng bất kỳ mà bạn thực hiện. Nếu nó mang đến một sự hài hòa, một hoàn cảnh tích cực, một thực tại phát triển và hạnh phúc, thì trước đó, bạn đã làm theo trực giác. Còn nếu kết quả là một thực tại tiêu cực, đau khổ, suy sụp, mâu thuẫn thì trước đó, bạn đã làm theo bản ngã. Lúc này, bạn cần một chút thay đổi, bẻ lái.

Với cách này, bạn cần hành động và quan sát liên tục. Sau nhiều trải nghiệm, cảm nhận và định hướng sẽ tốt hơn, tỷ lệ bạn đi đến quyết định đúng đắn sẽ gia tăng. Con người luôn biết tự điều chỉnh bản thân để học được một kỹ năng ở mức độ cao nhất. Trực giác sẽ dần được gọt giũa và nảy nở.

Cách này có ưu điểm là chắc chắn, thực tế, rõ ràng, ít sai lệch. Nhưng nhược điểm là bị động và có rủi ro cao phải học thông qua đau khổ, thất bại. Bài học đến chậm hoặc chúng ta phải chờ đợi rất lâu mới biết được hệ quả của một quyết định hay một hành động trong quá khứ. Cách này thường không nên áp dụng với những sự kiện lớn, cấp bách, quan trọng.

4. ĐỐI CHIẾU VỚI ĐẠO LÝ

Một cách rất chắc chắn, dễ thực hiện đó là đối chiếu các ý tưởng xuất hiện bên trong với Đạo lý. Tất cả những gì trực giác mang tới đều tương đồng và ăn khớp với Đạo lý. Còn ngược lại, bản ngã sẽ chống đối và mâu thuẫn với các thông điệp đó.

Cách này có ưu điểm là hoàn toàn chủ động, độ chính xác cao. Nhưng nhược điểm là chúng ta không nhớ hoặc không biết Đạo lý để đối chiếu, bản thân chúng ta cũng không quy phục Đạo để có một tấm bảng chỉ đường. Ngoài ra, cách đối chiếu này chỉ dùng trong các tình huống chúng ta đang cần học các bài học tinh thần. Nó không phát huy được khả năng mạnh mẽ đối với việc lựa chọn nơi chốn, công việc, nhà cửa,… Ví dụ bạn phân vân lựa chọn 1 trong 2 lớp học mình sắp tham gia thì bạn khó có thể dùng cách này được.

Trên đây, mình đã trình bày 4 cách để phân biệt trực giác với tiếng nói bản ngã. Nếu các bạn còn cách nào khác thì có thể chia sẻ ở phần comment để mình và mọi người cùng tham khảo nhé. Cảm ơn các bạn.

Tác giả: Hòa Taro

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top