40911507_2107973856133263_3176636474447626240_o

Kinh nghiệm dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ nhất

(1070 chữ, 4 phút đọc)

Phạm vi bài viết này, không đi vào tranh luận từ chuyên môn đến không chuyên môn một chủ đề được xã hội quan tâm, cải cách cách đánh vần (của ông Đại) và cải cách chữ viết (của ông Hiền). Chỉ xin đưa ra kinh nghiệm của riêng mình về việc dạy chữ quốc ngữ cho con trai mà tôi đỡ đầu cách đây nhiều năm.

Ở ngôn ngữ thứ nhất, hay tiếng mẹ đẻ, tự thân nó là ngôn ngữ mà chúng ta biết nghe và nói trước khi biết đọc và viết. Nên học phát âm hay đánh vần, không thể thay đổi phương ngữ hay đặc trưng vùng miền, từ năm 1975, bằng quyền lực chính trị, sách giáo khoa đã buộc mọi đứa trẻ bất chấp vùng miền và phương ngữ mà chúng có để học theo thứ phương ngữ mà nhà cầm quyền xem là chuẩn mực quốc gia: Giọng Hà Nội; mà đến giờ, chúng ta chưa hề thấy điều đó thành công, bởi sức sống mãnh liệt của phương ngữ là sinh ngữ đời thường, người ta sử dụng nó mỗi ngày để giao tiếp trong cộng đồng của mình.

Mọi tham vọng cải cách ngôn ngữ, thường bắt đầu bằng chữ viết, bởi nó… dễ nhất. Lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam, rất ít người có tham vọng nghiên cứu từ ngữ âm, ngữ nghĩa, cú pháp, biểu tượng học trong ngôn ngữ v.v. bởi… nó khó. Khó thật sự. Không riêng Việt Nam, ngôn ngữ học thế giới cũng vậy, bước chân vào lĩnh vực này thường là những tài năng lớn và phẩm chất tư duy của họ gần với triết gia. Ở Việt Nam, trừ giáo sư Cao Xuân Hạo, thú thật tôi vẫn chưa đọc được nghiên cứu nào về tiếng Việt ở mức độ sâu sắc và tinh tế.

Mọi cải cách chữ viết đều ngộ nhận một điều, chữ quốc ngữ là thứ chữ ký âm. Ban đầu, đúng là chữ quốc ngữ là thứ chữ ký âm, nhưng với thời gian nó không còn như vậy nữa vì âm tiết luôn thay đổi theo thời gian còn chữ viết thì chết trên văn bản. Trong mọi ngôn ngữ cũng vậy, dần dần viết một đường đọc một nẻo, điều này không quá khó nhận ra nếu ai học tiếng Anh hay tiếng Pháp. Không ai dám yêu cầu sửa cách viết chữ cho đúng với cách đọc hiện nay, nếu làm vậy, người ta sẽ sửa liên tục không có điểm dừng và đến lúc nào đó, người ta tự cắt rời với ký ức tổ tiên không qua văn tự. Thêm nữa, với nhiều người làm giáo dục hiện nay ngộ nhận, viết sai chính tả vì… không phát âm “chuẩn”. Không một vùng miền nào có phát âm đúng với chính tả, điều đó là bất khả bởi, mỗi vùng đều có hiện tượng lẫn âm hoặc dấu; miền Bắc thường lẫn phụ âm môi-lưỡi; miền Trung thường lẫn về dấu thanh; miền Nam thường lẫn về nguyên âm. Cách sửa chính tả không khó, miễn người ta đừng tin vào bất kỳ luật chính tả nào, họ chỉ cần tin vào từ điển là đủ. Tập tra từ điển, như cách thức chúng ta học ngoại ngữ.

Khi dạy tiếng Việt cho con trai của mình, tôi đưa ra ba mục tiêu: Một, bé biết đọc nhanh nhất, vì tôi không có thời gian nhiều ở bên cạnh bé; hai, vốn từ phải ở mức độ trung cấp, nghĩa là hiểu được những từ trừu tượng thường gặp; và ba, phân biệt nguyên âm và phụ âm. Vậy là đủ với một đứa trẻ năm tuổi.

Trái với suy nghĩ nhiều người, tôi dạy con mình đọc-viết như học tiếng Anh, nghĩa là không cần học đánh vần. Chỉ thẳng mặt chữ và đọc nó. Khi đọc quen và thạo, bé tự quen mặt chữ, mỗi chữ gắn liền với hình ảnh cụ thể. Để giúp con mình phân biệt nguyên âm và phụ âm, để bé có thể tự đọc chữ chưa được học, tôi chỉ cần làm việc tách những chữ bé được học ra thành những thành tố nhỏ hơn để bé tự so sánh, như:

BÀ -> B À
BÁC -> B ÁC
BỐ -> B Ố
MÀ -> M À
MẸ -> M Ẹ

Sau đó, tôi ghép ngẫu nhiên phụ âm và nguyên âm lại, như: B-Ẹ, con tôi có thể tự đọc thành BẸ. Từ đó, tôi viết lên bảng những từ có liên quan đến bẹ như: bẹ chuối. Tôi vẽ hình bẹ chuối hoặc dạy con mình gõ từ bẹ chuối lên iPad để bé tự tìm hình ảnh cho nó.

Sau ba tháng hè, con tôi tự đọc hoàn toàn tiếng Việt ở mức độ học sinh tiểu học, vốn liếng từ vừa đa dạng vừa gần gũi. Sau đó, tôi dạy tiếp bảng chữ cái như cách đọc của nhiều thế hệ trước theo vần an-pha-bê, như trách nhiệm với tổ tiên đã sáng tạo nên chữ quốc ngữ. Còn lại, tôi thường xuyên đọc cùng con trai mình những tác phẩm văn học mà tôi tin rằng nó rèn luyện được nhân cách và phẩm hạnh con người. Đến khi bé đủ tuổi vào tiểu học, con tôi biết đọc biết viết như học sinh lớp năm. Về chính tả, tôi vẫn dạy con mình cách tra từ điển hơn là bắt nó phải nghe theo phát âm của mình để viết, vừa nhọc nhằn lỗ tai nó vừa phiền tôi phải uốn éo phát âm của mình.

Dạy tiếng Việt thật ra không quá khó, không cần nhiều đầu óc giáo sư tham gia vào nó như vậy. Muốn biết hiệu quả từng phương pháp, không cần mang học sinh ra thí nghiệm nhiều quá, chỉ cần tách đôi hai lớp, mỗi lớp chừng hai mươi em, mỗi lớp thử nghiệm cách tập đọc và viết theo lối cũ hoặc mới, sau một tháng tôi nghĩ đủ để đánh giá hiệu quả về phương pháp rồi. Mất đến cả chục năm thử nghiệm mà không thể đánh giá về một phương pháp giáo dục thì… tôi nghi ngờ khả năng nghiên cứu khoa học lẫn phương pháp luận của người triển khai chương trình thực nghiệm.

Tác giả: ICiệt Phùng

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top