le-petit-soldat

Jean-Luc Godard – Người Thay Đổi Diện Mạo Điện Ảnh Pháp

Trải qua hai cuộc Thế chiến binh biến cùng những cuộc khủng hoảng và cải tổ, tới cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, điện ảnh Pháp đã xoay dời cấu trúc điện ảnh thế giới bằng trào lưu Làn Sóng Mới (La nouvelle vague). Cùng với Francois Truffaut, Éric Rohmer, Claude Chabrol…, nhà làm phim kì tài Jean Luc Godard đã viết lại ngôn ngữ điện ảnh không chỉ trong khu vực nội địa mà còn ở tầm quốc tế. Trong Đợt Sóng Mới này, mỗi đạo diễn mang lại một phong cách mới, một lối tư duy mới, phá vỡ những rào cản, lối mòn đã tồn tại quá lâu trong đời sống phim ảnh. Tuy nhiên, khi nhắc đến cuộc đổi ngôi mang tính cách mạng này, người ta nhớ nhiều đến Jean-Luc Godard, một đứa trẻ với những cơn nổi loạn thông minh, đã gián tiếp thay đổi cục diện của điện ảnh Pháp vốn nề nếp trong sự tẻ nhạt.

Không thể kể hết về vị đạo diễn tài năng này trong khuôn khổ một bài viết. Một lát cắt lịch sử thú vị của điện ảnh Pháp cần nhiều thì giờ để hiểu sâu và thấu đạt. Với vốn kiến thức hạn hẹp cùng lòng yêu mến vị đạo diễn kì lạ này, người viết chỉ dám bày tỏ một số khía cạnh trong phong cách làm phim cùng nàng thơ một thuở Anna Karena trong cuộc đời điện ảnh của Jean-Luc Godard.

Một trong những cha đẻ của trào lưu Làn Sóng Mới

Hai cuộc Thế chiến I và II đã ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc tới xu hướng phát triển của điện ảnh. Những bộ phim cách mạng mang tinh thần tuyên truyền lên ngôi nhằm xốc dậy tinh thần của người lính nơi chiến tuyến. Chiến tranh, chết chóc, sinh ly tử biệt tràn ngập màn ảnh khiến điện ảnh dậm chân tại chỗ. Hậu chiến, trào lưu La Nouvelle Vague khởi xướng tại Pháp đã mở bừng ra một thời kì tươi mới, hưng thịnh và khép lại thời kì ảm đạm của 2 cuộc khủng hoảng cùng sự trỗi dậy của Hitler. Jean-Luc Godard của Làn sóng mới liên tục tìm cách bày tỏ nhịp điệu của thời kì ông đang sống bằng vẻ tươi tắn hoàn toàn.

Jean-Luc Godard, Jean-Paul Belmondo và Jean Seberg trong khi quay Breathless
Jean-Luc Godard, Jean-Paul Belmondo và Jean Seberg trong khi quay Breathless

Thời hậu chiến, điện ảnh Mỹ trỗi dậy mang đến một thứ “quyền lực mềm” mà bất kỳ nền điện ảnh nào cũng mơ ước: sự ra đời của những tác phẩm vừa mang tính nghệ thuật lại đáp ứng tốt yếu tố thương mại. Ở châu Âu, quyền lực ấy nằm vào tay những đạo diễn của Làn sóng mới. Nếu Calude Chabrol và Francois Truffaut là hai đạo diễn đầu tiên thử nghiệm phong cách điện ảnh mới mẻ này, thì Jean-Luc Godard là người đưa phong trào này lan rộng toàn thế giới và để lại ảnh hưởng sâu sắc đối với nền điện ảnh về sau. Breathless/ A bout de Souffle (1960), bộ phim đầu tay của ông là đại diện kinh điển cho trào lưu mới. Ngay cả những đạo diễn nổi tiếng của xứ sở hữu “quyền lực mềm” về sau như Martin Scorsese, Quentin Tarantino đều mang ảnh hưởng sâu đậm từ ông. Đạo diễn quái dị Quentin Tarantino thậm chí còn mở một công ty riêng lấy tên A Band Apart films, lấy cảm hứng từ tên một bộ phim của Jean-Luc là Bande a part (1964).

Về hình thức, Jean-Luc Godard từ chối quay phim trong studio được setup sẵn với máy móc khủng, không cần một kịch bản rõ ràng chính xác, cũng không cần lực lượng diễn viên hùng hậu cùng kinh phí cao, ông đề cao triệt để những máy quay gọn nhẹ. Những ý tưởng độc đáo của vị đạo diễn được hỗ trợ rất nhiều nhờ những chiếc máy quay cầm tay nhỏ gọn dễ dàng mang vác, khiến việc quay phim trở nên cơ động hơn khi quay thực cảnh (location shooting).

Những bộ phim của Jean-Luc Godard thoát li khỏi những đường lối chỉ đạo và những nguyên tắc mĩ học vốn được định rõ trong quá khứ của điện ảnh Pháp. Ông liên tục sử dụng những kĩ thuật như jump cut (nhảy cảnh), tracking shot (cú máy tập trung vào nhân vật), fast pan, handheld camera… và phớt lờ đi tất cả những chuẩn tắc của cách làm phim thương mại trong studio.

Những thay đổi trong cách quay và dựng phim mang theo nó ngôn ngữ hình ảnh ám chỉ cho khán giả. Jean-Luc còn đóng góp vào sự phát triển này bằng những cú máy đảo góc (shot reverse) điêu luyện nhằm củng cố sự thấu hiểu nhân vật đối với người xem. Nhiều bộ phim trên thế giới và các nhà làm phim Hollywood lúc này thường dựng theo công thức cố định, có sẵn. Làm sóng mới Pháp đã phá vỡ những hàng rào luật lệ này và để những cảnh jump cut làm thay đổi hoàn toàn thời lượng của phim và mang đến một thứ năng lượng mới cho phim.

French film director Jean-Luc Godard during the filming of 'Sympathy For the Devil' (aka 'One Plus One'), featuring the Rolling Stones.  Original Publication: People Disc - HF0546   (Photo by Larry Ellis/Getty Images)

Một cuộc cách mạng về quay và dựng phim thật sự bùng nổ. Cách dùng máy quay theo kiểu tự do, ngẫu hứng, là đặc điểm điển hình của phong cách Jean-Luc Godard. Trong một bộ phim Mỹ, khán giả sẽ thấy nhân vật tuần tự thực hiện các hành động: mở cửa bước vào, đóng cửa, châm điếu thuốc, ngồi xuống, nhâm nhi li rượu. Còn trong phim của Jean-Luc Godard, nhân vật làm toàn bộ các động tác đó cùng một lúc, thỉnh thoảng nhân vật còn chẳng đóng cửa mà nhảy tọt vào phòng, khoa tay múa chân như thể sợ khoảnh khắc sẽ qua mất. Nhân vật luôn chuyển động từ cảnh này qua cảnh khác một cách sinh động, không nhường khoảnh khắc nào cho một bối cảnh tĩnh.

Ngày ấy, người ta thường thấy một cô đào trẻ trung tên Anna Karina chạy tung tăng trên con phố, thỉnh thoảng nấp sau gốc cây để tranh thủ makeup, theo sau là một anh chàng vác trên tay chiếc Éclair nhẹ cân, dễ dàng cầm tay, ghi lại nhất cử nhất động của cô diễn viên đầy sức sống nọ, liên tục, không ngơi nghỉ.

Trong những cảnh quay đơn lẻ, cách dùng có hệ thống những đoạn nhảy cảnh và sự mô tả về những đoạn hội thoại dông dài, lặp đi lặp lại chính là cách để thử thách những giới hạn của phong cách phim trần thuật của Jean-Luc Godard. Phim của ông không phải lúc nào cũng mạch lạc và dễ hiểu, nhưng những lời thoại sử dụng trong phim thì rất đắt giá và thường kéo khán giả xuống một tầng sâu ngữ nghĩa sau những cảnh phim sáng sủa, vui tươi. “Cuộc sống có thể buồn, nhưng nó rất đẹp.” (Pierrot le fou, 1965), “Yêu à? Điều đó có nghĩa là gì? (Alphaville, 1965), “Em có nghĩ chúng ta còn có thể tin tưởng vào tình yêu trong cái thời đại này không?” ( Breathless/ À bout de souffle,1960). Những câu thoại trong phim của ông đều rất nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng lại trì níu, khơi gợi người xem bằng những câu hỏi tu từ vô cùng hiện sinh. Phong cách phim riêng biệt này là minh chứng cụ thể cho câu phát biểu của ông trong một cuộc phỏng vấn: “Những nhà làm phim Mỹ muốn khán giả của họ hiểu cặn kẽ mọi thứ về bộ phim họ làm. Nhưng điều này là không khả thi. Khi bạn ăn một củ khoai tây, bạn không thể hiểu hết, biết hết những nguyên tố bên trong của nó. Vì vậy phim là để cảm, chứ không để hiểu.”

Về nội dung, Jean-Luc đặc tả nhiều nội tâm bên trong của cá thể. Thế giới nội tâm của con người không có gì bí ẩn, chỉ quá ngổn ngan. Jean-Luc Godard đã lột tả thế giới ấy bằng con mắt điện ảnh trong sáng, tươi vui nhưng cũng mang nhiều triết lý.

Trong vòng tròn điện ảnh của thập niên 60, mỗi một bộ phim ra mắt của đạo diễn người Pháp Godard được xem như một sự kiện. Những tác phẩm điện ảnh của Jean –Luc Godard được xem như những kiệt tác của Làn sóng mới và là thành quả nổi bật của phong trào này. Những Breathless/ A bout de Souffle, Contempt, My Life to Live, A Woman Is A Woman…, làm cả thế giới kinh ngạc bằng sự mới mẻ, tươi trẻ và nhiệt huyết tưởng chừng đã phai nhạt theo năm tháng. Như một dòng đối lưu trong dòng chảy của điện ảnh truyền thống, Godard đã tái định nghĩa lại toàn bộ ngôn ngữ điện ảnh Pháp. Những bộ phim của ông tràn đầy sinh lực, chững chạc và đáng ngạc nhiên. Chất liệu trong sáng, phong phú kèm theo lời thoại đơn giản nhưng nhiều chiêm nghiệm đã khiến những bộ phim của ông không phai nhạt dần dù luôn là đối tượng của giới phê bình lẫn khán giả.

Người tình điện ảnh

Nhà làm phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp Jean-Luc Godard từng tuyên bố chỉ cần một khẩu súng và một cô gái đẹp là có được một bộ phim hấp dẫn.

Khẩu súng của ông hẳn là chiếc máy quay cầm tay Éclair huyền thoại, còn cô gái đẹp thì không ai khác chính là nàng thơ có đôi mắt mèo mơ mộng Anna Karina.

Lần đầu gặp gỡ, nàng chỉ mới 19 tuổi và đang có bạn trai, Jean-Luc Godard thì 27 và bị hút hồn bởi vẻ trẻ trung của cô người mẫu. Chỉ vài ngày sau đó, nàng đứng trước cửa quán Café dela Prez nơi Godard đang ngồi đọc báo, cười mỉm bảo rằng nàng vừa chia tay bạn trai và sẵn sàng theo vị đạo diễn. Thế là một cuộc hôn phối đẹp nhất, li kỳ nhất của làng điện ảnh Pháp diễn ra, theo sau là nhiều tác phẩm kinh điển sống mãi với thời gian. Vị đạo diễn và cô đào đáng yêu đã có một năm đầu say sưa trong ái tình. Tại thời điểm đó, cặp đôi vàng của điện ảnh Pháp khiến khán giả ngây ngất bằng những thước phim vô cùng lãng mạn. Nhắc tới Pháp, người ta thường nghĩ tới những gì hào hoa nhất, thơ mộng nhất, du dương nhất, thì trong những bộ phim của Jean-Luc Godard và người tình, những hào hoa đó được nhân lên gấp bội. Gần nửa thế kỷ sau, người mộ điệu điện ảnh vẫn không thể nào quên điệu nhảy đáng yêu của cô gái Pháp trong bộ phim Vivre sa vie (1962) hay cô nàng vận đồ sặc sỡ hát vang bằng giọng mũi đặc trưng kiểu Pháp trong Roller Girl (1967).

Một cảnh trong bộ phim Vivre Sa Vie của Anna Karina
Một cảnh trong bộ phim Vivre Sa Vie của Anna Karina

Có thể nói, Jean-Luc Godard là người đã nhào nặn ra một trong những nhan sắc kinh điển nhất của điện ảnh thế giới. Ông dạy cô mọi thứ về điện ảnh. Nhưng cũng cùng số phận với những kết thúc trong phim của ông, câu chuyện tình giữa họ không có cái kết hậu. Nếu có thể so sánh câu chuyện tình yêu giữa Karina và Godard với chính tác phẩm điện ảnh của họ, thì đó chính là phim Pierrot le Fou; nàng (Marianne Renoir) thì trẻ trung lạc quan yêu đời, chàng (Ferdinand Griffon) thì tiêu cực và đầy hoài nghi. Cuộc tình dang dở của hai người để lại nhiều tiếc nuối cho khán giả, nhưng đồng thời cũng là cuộc tình được nhắc nhớ nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới, có thể nói là kinh điển.

Kết

Khi phong trào Làn Sóng Mới bắt đầu lan toả, nhiều người nhìn Francois Truffaut, Claude Chabrol, Jaccques Rivette, Jean-Luc Godard như một đám trẻ tham vọng và hiếu thắng cố ý đâm vào các bận đàn anh hòng chiếm chỗ để định vị bản thân. Tuy nhiên, gần nửa thế kỉ sau, khi nhìn lại những đóng góp mang tính xoay chuyển từ Làn Sóng Mới, người ta mới thấy hết được những giá trị mà “đám trẻ” đó mang lại. Làn Sóng Mới nói chung và đạo diễn Jena-Luc Godard nói riêng đã đưa ra một cái nhìn khác biệt và mới mẻ về lịch sử và nghệ thuật điện ảnh, không phải cố gắng chiếm chỗ đàn anh mà chính là phục hồi lại vị thế của những tài năng điện ảnh bấy giờ tại Pháp như Abel Gance, Jean Cocteau, Max Ophuls…
Có thể nói, Jean-Luc là một nhà điện ảnh toàn diện, một người có sức mạnh biểu thị tư tưởng của mình thông qua nghệ thuật điện ảnh, luôn muốn chứng minh rằng ông làm phim không chỉ trên danh nghĩ yêu mến điện ảnh mà còn vì sự nghiệp điện ảnh, và vì chính cuộc sống. Jean-Luc Godard cùng các bằng hữu của mình đã thữ sự khuấy động nền điện ảnh Pháp trở nên sôi nổi và khởi sắc hơn.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top