Dưới góc nhìn của Nevada Wier – nhiếp ảnh gia du lịch, nhà viết sách, “khả năng cảm nhận tính chất và mối quan hệ giữa màu sắc là một nghệ thuật cần được mài giũa thường xuyên thông qua luyện tập.”
Bài viết này sẽ chỉ ra một số phương pháp để đọc giả có thể luyện tập cải thiện khả năng sắp xếp màu sắc trong bố cục một tấm ảnh, đồng thời giúp người đọc hiểu rõ hơn về cách các màu sắc tương tác với nhau để từ đó có thể truyền tải cảm xúc một cách hiệu quả vào sản phẩm của mình.
Kết hợp lý thuyết màu sắc với các bài tập nhiếp ảnh thực tiễn
Hiểu rõ về màu sắc và cách sử dụng chúng là một kĩ năng hữu dụng đáng để học, song điều này cũng đòi hỏi nhiều thời gian luyện tập và học hỏi. Đồng thời, mỗi người cũng cần biết cách kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm có được từ quá trình luyện tập và thực hành để có thể cho ra những tác phẩm ưng ý nhất.
Những bài tập được nêu ra dưới đây được thiết kế để cải thiện khả năng cảm nhận màu sắc, cũng như sự chính xác khi phối màu trong một bức hình.
Vòng tròn màu
Khái niệm vòng tròn màu hay bánh xe màu đã xuất hiện từ rất lâu bởi các họa sĩ và các nhà khoa học kể từ thời điểm được ra mắt bởi nhà vật lý Isaac Newton vào năm 1666. Cho tới nay, đã có rất nhiều biến thể khác phát triển từ vòng tròn màu nguyên bản. Tuy vậy, đây vẫn sẽ là công cụ chính yếu trong việc phối màu. Vòng tròn màu cơ bản chia màu sắc ra thành ba nhóm như sau:
– Màu sơ cấp
– Màu thứ cấp
– Màu tam cấp
Ba màu cơ bản: vàng, đỏ và xanh dương là những màu sắc cơ bản nhất, hay còn được gọi là màu sơ cấp. Những màu này không thể được tạo ra bởi sự pha trộn giữa các màu khác nhau, song tất cả các màu khác đều được sinh ra bởi sự pha trộn của bộ màu cơ bản này.
Bộ màu thứ cấp bao gồm ba màu xanh lá, cam và tím, chúng được tạo ra bởi sự pha trộn giữa hai trong ba màu sơ cấp.
Các màu trong bộ màu tam cấp được tạo ra từ sự kết hợp giữa một màu sơ cấp và một màu thứ cấp, tên của chúng sẽ dựa theo các màu tạo nên:
+ Vàng – Cam
+ Đỏ – Cam
+ Đỏ – Tím
+ Xanh dương – tím
+ Xanh dương – xanh lá
+ Vàng – xanh lá
Luyện phối màu tương phản trong nhiếp ảnh
– Màu tương phản là những màu đối diện nhau trong bánh xe màu (Color Wheel). Khi được phối với nhau, chúng sẽ tạo ra sự tương phản và tác động lớn tới bức ảnh.
Những cặp màu tương phản là:
+ Đỏ – Xanh lá
+ Vàng – tím
+ Xanh dương – Cam
Biết cách sử dụng các cặp màu tương phản sẽ khiến cho bức ảnh của bạn trở nên ấn tượng và táo bạo hơn. Bạn có thể chụp một bông hoa đỏ trên nền lá xanh, hay một miếng cam hoặc xoài trước nền xanh dương để khiến chúng trở nên nổi bật hơn. Hay bạn cũng có thể chọn hai vật thể chính với màu sắc tương phản, đặt chúng cạnh nhau và chụp trên nền trắng. Xung quanh bạn có vô số những cảnh vật với màu sắc tương phản để có thể mặc sức trải nghiệm.
Luyện phối màu liền kề trong nhiếp ảnh
Màu sắc liền kề là bộ ba màu có vị trí cạnh nhau trong vòng tròn màu.
Sự kết hợp sử dụng giữa ba màu liền kề sẽ mang lại cho bức ảnh của bạn một cảm giác hài hòa, cân đối. Đây là những màu sắc thường thấy ngoài thiên nhiên, chúng mang lại cho đôi mắt người xem cảm giác dễ chịu và thư thái. Chọn một màu chủ đạo và sử dụng hai màu còn lại để bổ trợ sẽ khiến cho bức ảnh của bạn trở nên hài hòa hơn.
Bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong khi luyện tập phối màu liền kề, bởi không dễ gì để có thể tìm thấy những sự vật hoặc khung cảnh có màu sắc gần nhau trên vòng tròn màu. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá khắt khe và máy móc trong khi luyện tập mà chỉ cần tìm ra những gam màu càng gần nhau càng tốt.
Một ví dụ mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy để luyện tập, đó là bộ màu xanh liền kề, với màu xanh dương làm chủ đạo cùng hai màu bổ trợ là xanh lá và xanh lục lam. Cách phối màu bối cảnh này sẽ tạo ra một bức ảnh chứa đầy cảm giác hài hòa, dễ chịu cho người nhìn. Ngược lại, nếu bạn muốn tạo cảm giác năng động và mạnh mẽ hơn, hãy sử dụng những gam màu ấm như đỏ vàng và cam cho bức ảnh của mình.
Luyện phối màu bộ ba (hay còn gọi là phối màu tam giác đều)
Phương pháp phối màu bộ ba được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa ba màu cách đều nhau trên vòng tròn màu. Đỏ, vàng và xanh dương được coi là một bộ ba, hoặc cam, xanh lá và tím cũng vậy.
Trong phương pháp phối màu này, hãy sử dụng một màu làm chủ đạo, và hai màu còn lại với vai trò bổ trợ để giúp cho bức ảnh trở nên hài hòa và cân đối hơn. Lấy ví dụ, bạn có thể đặt hai cây bút, một màu đỏ và một màu xanh dương trong phông nền vàng để đạt được cách phối này, hay một quả táo xanh và một quả cam trong nền tím để tạo ra hiệu ứng tương tự.
Hãy thử sử dụng nhiều cách sắp xếp và bài trí bối cảnh bức ảnh để biến một màu thành chủ đạo, hoặc bạn cũng có thể lựa chọn các góc máy khác nhau, hay hoán đổi vị trí các vật thể để có thể tạo ra một bức hình vừa ý nhất.
Luyện phối màu đơn sắc
Kết hợp sử dụng màu nhạt và màu bóng của một tông màu có thể tạo ra những bức hình với màu sắc rất thú vị và ấn tượng. Về khái niệm, khi pha thêm màu đen vào một màu gốc, ta sẽ có được màu bóng. Ngược lại, khi pha thêm màu trắng vào màu gốc, ta sẽ có được màu nhạt.
Hãy thử nhìn quanh căn phòng hoặc khu vườn để tìm ra những sự vật có thể được sử dụng để sắp xếp tạo bối cảnh đơn sắc. Về bản chất, những vật được chụp sẽ có màu sắc gần như giống nhau hoàn toàn, điểm nhấn của bức hình sẽ được tạo nên chủ yếu bởi độ nhạt hoặc độ bóng mà bạn thêm vào cho bối cảnh của vật thể.
Xanh lá là gam màu đơn sắc phổ biến nhất trong tự nhiên. Tuy nhiên, tùy thuộc vào khí hậu và mùa trong năm, đó cũng có thể là gam màu nâu.
Luyện tập trí tưởng tượng phong phú và cái nhìn sáng tạo
Trong lúc tìm kiếm sự vật hay cảnh vật để chụp, hãy cố gắng nhìn chúng qua lăng kính sáng tạo và giàu trí tượng tượng nhất có thể để tạo ra các cách phối màu độc đáo, thú vị, từ đó làm cho tấm hình của bạn trở nên nổi bật hơn, phá cách hơn. Mục đích chính vẫn là để giúp cho bạn có thể hiểu được mối quan hệ tương hỗ của màu sắc trong một bức ảnh.
Tuy rằng trong quá trình thực hiện những bài luyện tập này, ban đầu bạn sẽ không có được những bức ảnh đẹp để làm động lực thúc đẩy bản thân. Song, những bài tập này sẽ là công cụ đắc lực để bạn mài giũa khả năng cảm thụ màu sắc trong nhiếp ảnh. Khi đã trở nên thuần thục, bạn sẽ có thể sử dụng màu sắc chính xác hơn, đồng thời biết cảnh cảm nhận và phối màu tự nhiên hơn.