Bản thân là một người yêu thích thể loại sách kĩ năng sống và hay tìm tòi những tác phẩm mới của Việt Nam và thế giới, mình đã từng nghe qua một số ý kiến trái chiều về dòng sách này, chẳng hạn: “Tại sao mình phải nghe người khác hướng dẫn mình phải làm thế này, làm thế kia chứ? Để bản thân tự trải nghiệm không phải tốt hơn sao?”
- Review Sách: Sống Hết Mình Cho Ngày Hôm Nay
- Review sách: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi – Andrew Matthews
- Review sách: Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Mình đồng ý là việc bạn trải nghiệm sẽ giúp bạn tự rút ra những bài học cho bản thân và ghi nhớ chúng tốt hơn, TUY NHIÊN, sao bạn không thử lắng nghe những người khác trải qua những tình huống đó và rút ra cách xử lý riêng của bản thân mình để giảm bớt rủi ro? Hơn nữa, những người từng trải này hầu như đều là những người thành công hiện nay, trong lĩnh vực kinh doanh hoặc trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Thế nên, có lý do gì mà chúng ta không thử nhìn nhận cách những người thành công phân tích và giải quyết tình huống cơ chứ. Sự lựa chọn nằm ở bạn nên mình nghĩ cũng không cần phải nói thêm nhiều.
Mở đầu có vẻ khá dài dòng phải không ạ? Nhưng mình tin nó là cần thiết để các bạn tự đặt ra cho mình câu hỏi: Tại sao mình nên đọc loại sách này mà không phải các loại sách ngắn gọn hơn và giải trí, thoải mái đầu óc hơn?
Hai quyển sách thuộc thể loại sách này mình xin được mạn phép đề xuất cho các bạn gồm có: “Café cùng Tony” của tác giả Tony Buổi Sáng và “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của tác giả Rosie Nguyen. Đây đều là những tác phẩm không quá dài nhưng có cách trình bày mạch lạc và hệ thống. Xét về tổng thể, phong cách trình bày của hai tác giả này hoàn toàn khác nhau, điều đó sẽ giúp bạn đối chiếu nền tảng chuyên môn và cuộc sống của họ qua đó rút ra cách thức áp dụng riêng cho bản thân mình.
Quyển 1 – Đắng nhưng thật như những giọt café
Nếu bạn là một người hứng thú với những câu chuyện dí dỏm, những tản mạn rất đời của một người có kinh nghiệm thương trường thì mình khuyên bạn nên đọc “Café cùng Tony”. Tác phẩm này được chia thành nhiều chương và bắt đầu bằng những câu chuyện nho nhỏ, vui vui của tác giả như một người “Dượng” đáng yêu, gần gũi, răn dạy con cháu mình từ những gì mà mình đã trải qua. Bạn có thể tưởng tượng ra những tản văn của chú Nguyễn Nhật Ánh nhưng với một lăng kính khác, lăng kính của một người làm kinh tế không ngại khó, ngại khổ, lăn xả và sẵn sàng dấn thân để khi về già có thể tự hào rằng mình đã không phí hoài tuổi trẻ.
Khác với các tác giả viết sách khác, “Dượng Tony” ngoài việc truyền cảm hứng lao động, học tập cho các bạn trẻ còn là người sẵn sàng nâng đỡ các bạn ứng dụng những bài học đó trong cuộc sống. Dượng khuyến khích công tác thiện nguyện, khởi đầu của một doanh nhân chân chính. Lĩnh vực mà Dượng lựa chọn đó là tìm ra giải pháp cho các sản phẩm nông nghiệp của nước nhà. Từ khắp mọi nơi của Tổ quốc, các bạn trẻ với tinh thần dám nghĩ, dám làm tập hợp lại và tình nguyện hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp bị mất mùa hoặc được mùa nhưng khó tìm ra nguồn tiêu thụ. Hệ quả này là do bà con đổ xô trồng và thu hoạch một loại nông sản có giá trị rất cao của mùa trước mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng là không đổi, khiến nguồn cung nông sản bấp bênh vì thương lái ép giá. Chính từ những câu lạc bộ như thế, các bạn trẻ được rèn luyện “street smart” – sự nhanh nhẹn và nhạy bén với thị trường cùng với tình yêu và sự trân trọng những nông sản của quê nhà, từ đó cho ra đời những sản phẩm rất sáng tạo. Những mặt hàng này gồm có: trà khổ qua, dấm vải rồi café Arabica chế biến “Made in Vietnam” thay vì trước đây, hạt café chỉ xuất khẩu nguyên hạt sang các nước phát triển. Những trang sách của Dượng đã phần nào lý giải cho mình tại sao Việt Nam vốn là một nước xuất khẩu café top đầu thế giới nhưng thặng dư xuất khẩu của chúng ta chỉ bằng một phần nhỏ giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Khoảng cách về giá trị lớn như vậy đến từ đâu và làm cách nào để cách doanh nghiệp Việt Nam có thể ngày càng thu hẹp khoảng cách đó?
Với các bạn trẻ có hoài bão “ra biển lớn”, tác giả cũng thúc đẩy các bạn nỗ lực hơn để tìm kiếm những cơ hội học tập tại Mỹ, Israel, v.v sánh vai với các cường quốc năm châu và để khi trở về có thể chung tay giải quyết những thách thức của địa phương, mở ra những cơ hội mới. Xây dựng và nuôi dưỡng một cộng đồng những người trẻ hỗ trợ lẫn nhau và cùng chung chí hướng “làm chủ” để Việt Nam sớm sánh vai cùng ba cường quốc khác cũng sử dụng đũa trong các bữa ăn ở khu vực Châu Á, có thể nói, tác phẩm “Café cùng Tony” là một quyển sách đáng đọc rồi chứ?
Quyển 2 – Quan sát người trẻ từ nhiều lăng kính và rất nhân văn
Nếu bạn là một người không quan tâm lắm đến vấn đề kinh doanh hay làm giàu, có lẽ bạn thích hợp hơn với phong cách viết của tác giả Rosie Nguyen. Ra đời năm 2016, tác phẩm “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” được đánh giá rất cao trên các cộng đồng yêu sách cũng như các trang thương mại điện tử về sách. Mãi đến gần đây, mình mới có cơ hội được cầm trên tay tác phẩm này, một cách rất tình cờ. Và mình khá giận bản thân vì tại sao đến giờ mới tìm đọc nó. Có lẽ, quyển sách tìm đến với mình vào thời điểm này cũng có cái hay của nó, vì với những bài học về kinh doanh rồi tổ chức, quản lý, những điều mà tác giả muốn truyền đạt qua những trang sách mới thấm hơn đối với bản thân mình hiện tại chăng.
Để mình nói rõ hơn một chút, đây không phải là một quyển sách dành cho những bạn học kinh tế đâu. Nhưng những kiến thức về quản trị lại khá hữu ích khi bạn biết cách ứng dụng nó trong cuộc sống, quản lý công việc và thời gian cũng như phát triển bản thân. Mình đặc biệt khuyến khích các bạn đang ở trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi tìm đọc quyển sách này, bởi vì đây là một giai đoạn cực kỳ quan trọng của đời người mà có nhiều điều nếu chúng ta bỏ lỡ trong giai đoạn này sẽ khó mà làm được ở những độ tuổi lớn hơn. Các bạn biết rồi đấy, khi chúng ta ngày càng “trưởng thành”, chúng ta có xu hướng ổn định công việc, bắt đầu tạo lập gia đình riêng và sức ỳ theo đó sẽ ngày càng cao.
Thêm vào đó, cách trình bày của tác giả với trích dẫn và minh họa những lập luận bằng những câu chuyện thực tế là một ví dụ rất tốt cho các bạn sinh viên muốn theo đuổi con đường nghiên cứu sinh. Cách thức các bạn nên dẫn dắt quan điểm của mình từ minh họa trong thực tế đến học thuyết như thế nào, phân tích ra sao có thể được nhìn nhận qua những trang sách của tác giả, không cần phải học từ đâu xa.
Một điều hấp dẫn nữa của tác phẩm này chính là chúng ta sẽ thu thập được rất nhiều tựa sách hay cũng như cách thức rèn luyện bản thân khá thực tế từ những câu chuyện “khủng hoảng” của những nhân vật được tác giả đề cập trong suốt những chương sách. Bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của chính mình trong những nhân vật đó và rồi bị tác giả lôi kéo để có cảm hứng tìm đọc những quyển sách “kinh điển” mà chị ấy giới thiệu. Nếu bạn đã từng nghe qua, hoặc đọc quyển “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần thì bạn sẽ được hướng dẫn những cách thức tự học gần gũi hơn và ít triết lý trong tác phẩm này.
Một điểm sáng nữa của tác phẩm kĩ năng sống này là tác giả nhấn mạnh đến sức khỏe tinh thần, một điều mà mình tìm kiếm từ những tác phẩm “self-help”. Bạn biết đấy, trong cuộc sống, đôi lúc, tiền bạc hay vật chất cũng không khiến mình hạnh phúc mà trở thành gánh nặng khiến chúng ta bị áp lực, căng thẳng trong công việc. Chính những khích lệ nho nhỏ từ sếp, những câu chuyện phiếm với các đồng nghiệp lại vực chúng ta dậy khi phải theo đuổi những dự án khó nhằn và dai dẳng mà mãi vẫn chưa thấy phương án giải quyết. Do đó, việc luyện tập và trau dồi sức khỏe trí tuệ là một điều cực kỳ quan trọng ngay từ những tháng ngày chúng ta còn trẻ và tràn đầy năng lượng, dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới và không ngại thay đổi. Từ đây, bạn dừng lại một chút, hít thở sâu hơn, cảm nhận những giá trị mà mình đang theo đuổi, tự hỏi bản thân điều gì là quan trọng đối với cuộc đời mình. Lúc đó bạn sẽ được tiếp thêm năng lượng để giải quyết những khúc mắc và tiếp tục chiến đấu với những thách thức trong công việc và cuộc sống. Những chia sẻ của tác giả khiến mình thật sự đồng cảm và tin chắc những ai đã từng hoặc đang trải qua những “cơn sóng” nho nhỏ như vậy trên con đường “tìm kiếm cái tôi” đều nhận thấy tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
Điểm chung của hai tác giả này chính là họ đã đi rất nhiều nơi và trải nghiệm rất nhiều điều thú vị với tâm trí của một người chủ động “là một phần của giải pháp” chứ không phải “tạo ra vấn đề”. Do đó, mình sẽ dễ cảm thấy tò mò rồi thích thú và muốn thử làm theo những giải pháp đó. Hai tác giả cũng đều khuyến khích chúng ta tăng cường khả năng ngoại ngữ và tích cực đọc sách để tiếp thu những kiến thức mới và mở ra những cánh cửa cho những chặng đường thú vị tiếp theo.
Chặng đường biến những con chữ của họ trở thành kiến thức của chính chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi. Mình hi vọng những bài học nho nhỏ, đáng yêu mà hai tác giả này truyền đạt sẽ mang lại nguồn cảm hứng cho các bạn để bắt đầu những thay đổi. Đó có thể là việc chăm chỉ rèn luyện, tăng cường thể chất hàng ngày; hoặc bắt đầu đăng ký một lớp học ngoại ngữ và cam kết sẽ sử dụng thông thạo ngoại ngữ đó trong vòng một năm. Cho dù đó là thay đổi ngoại hình hay thay đổi về tư duy, mình tin chắc hai tác giả trên đều cảm thấy hài lòng vì bạn đã giúp cho tác phẩm của họ trở nên hữu ích trong đời sống. Đây cũng là hai tác phẩm mà mình cảm thấy nó xứng đáng được đặt ở một vị trí trang trọng trên kệ sách, không phải để trang trí mà nên là tác phẩm dùng để tham khảo trong một thời gian dài. Nếu bạn cảm thấy hai quyển sách này hữu ích thì đừng quên chia sẻ chúng với bạn bè và người thân nhé; để những giá trị mà chúng mang lại không chỉ gói gọn trong sự hiểu biết cá nhân mà là sự sẻ chia, cùng phát triển của cộng đồng chúng ta.
Chúc các bạn vui đủ, đam mê đủ, dấn thân đủ và hài lòng đủ!
Xin được dừng bài viết bằng lời chào “namaste” của người Ấn với ý nghĩa “điều thiêng liêng nhất trong tôi xin cúi chào điều thiêng liêng nhất trong bạn”.