289745974_3265192877047713_4848043633805424835_n

Em và Trịnh – Xứng đáng được nhận nhiều lời động viên

Đã có nhiều review bày tỏ sự không hài lòng với phim Em và Trịnh, nhưng riêng với cá nhân mình, trong bài cảm nhận ngắn này, mình xin dành nhiều hơn những lời khen tặng, động viên và cảm kích dành cho đội ngũ làm phim. Vì người xưa có câu, “đặng ý quên lời”, một khi cái hồn của nghệ thuật hay ít nhất là những rung động yêu thương, trữ tình và trắc ẩn của người nghệ sĩ đã được nhận ra rồi thì những chi tiết kỹ thuật chưa được hoàn hảo (theo nhiều kỳ vọng khác nhau của nhiều người), từ diễn viên, lời thoại, cốt truyện,… đều có thể cảm thông được. Những đánh giá và nhìn nhận trong bài viết này đến từ một người không phải là fan của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng là một người hâm mộ sự thơ mộng và kỳ diệu của cuộc đời.

Em và Trịnh là một bộ phim điện ảnh về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn. Phim mô tả dòng đời của Trịnh Công Sơn từ thời thanh niên trai trẻ cho tới lúc trung niên trong khoảng giữa những năm 1960-1990. Ông đã trải qua những cung bậc lên xuống của tình yêu lãng mạn bên những nàng thơ kiều diễm, đồng thời ông cũng đã chứng kiến những ngày tháng thăng trầm khốc liệt của lịch sử dân tộc. Để rồi từ đó những khúc ca bất hủ được chào đời, đi vào mọi ngóc ngách của đất nước Việt Nam và trái tim người Việt.

Dù trọng tâm nói về tình yêu lãng mạn, nhưng bộ phim đã cho ta một cái nhìn thoáng qua về vũ trụ Trịnh Công Sơn. Rồi nhờ đó, mỗi người có thể tự mình lần theo dấu vết ấy để thấy được nhiều hơn tâm hồn ông, không chỉ ở trong những câu chuyện tình, trong chiến tranh, mà còn trong đời sống thường ngày, trong tình cảm của ông với gia đình, bè bạn và thế hệ trẻ Việt Nam. Huyền thoại trong cộng đồng psychedelics Terence McKenna từng nói rằng:

“Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là giải cứu linh hồn loài người. Nếu nghệ sĩ không thể tìm ra được con đường thì con đường không thể được tìm thấy.”

⭐ Tổng hợp những thông điệp đỉnh cao nhất từ huyền thoại Terence McKenna về chất thức thần và mọi thứ khác: https://wp.me/p9NLPR-ccb

Mình tin rằng Trịnh Công Sơn chính là một trong số rất nhiều những người nghệ sĩ đã thực hiện được nhiệm vụ của mình. Bộ phim được dựng nên không chỉ để làm sống lại tinh thần một con người có tầm ảnh hưởng to lớn trong lịch sử và văn hóa dân tộc, để đưa thi ca, tình yêu và những khoảng lặng vào đời sống thường ngày, mà quan trọng không kém, để “giải cứu linh hồn” chúng ta đang chới với trong thời đại với nhiều nỗi khổ đau giáng xuống. Đó là môi trường sống bị hủy hoại, sức khỏe con người bị xuống cấp, nghệ thuật bị thoái hóa, và tâm linh thì bị biến tướng.

Trong hơn 2 tiếng, Em và Trịnh đã làm rung lên những cảm xúc bên trong mình. Cụ thể là mình vừa xem vừa rơm rớm nước mắt mấy lần, khi đến cảnh Trịnh chia tay với Khánh Ly để về lại Huế, khi ngôi nhà nhỏ của ông còn sáng đèn nằm heo hút giữa núi rừng, khi ông cất lên bài hát “Huyền thoại mẹ” và khi một người mẹ già đau đớn khóc than cho người thân vừa chết dưới làn bom đạn. Có người bảo phim hơn 2 tiếng là dài, còn mình thì không để ý đến thời gian vì đang mải mê tận hưởng những thước phim đẹp.

Không chỉ bị lay động bởi những đau đớn, cô đơn và thương nhớ trong phim, hai vợ chồng mình cũng được làm vui bởi những những chi tiết hài hước nữa. Nó chỉ nho nhỏ thôi, nhưng vừa đủ để mang đến một nụ cười. Có lúc, chúng mình đã cười vang cả một góc rạp khi nghe nhân vật Trịnh Công Sơn phản biện về chuyện ông viết nhạc phản chiến trong đồn cảnh sát.

Khi làm phim về nghệ sĩ Trịnh Công Sơn hay bất kỳ một nhân vật nào, mình cho rằng mục tiêu lớn nhất là lột tả được tinh thần của người đó qua màn ảnh. Việc thể hiện tinh thần nhân vật không nhất thiết chỉ thông qua vai diễn của nhân vật, mà còn thông qua mọi thứ xuất hiện trong thế giới quan của người đó. Tất cả những nàng thơ, những cơn mưa xứ Huế, những đêm buồn Đà Lạt, những làn bom rơi, những giọt nước mắt đau thương, hay những trang thư đầy nhạc và những tâm tình,… chúng hòa quyện giao thoa với nhau để cùng làm nên một con người hiện diện nơi đó – Trịnh Công Sơn.

Cá nhân mình trước đây không phải là người yêu thích nhạc Trịnh, cụ thể là nhạc tình, và nhạc về thân phận con người của ông. Một phần bởi mình chưa đủ trải nghiệm để nghe, một phần vì vướng vào định kiến rằng nhạc Trịnh sầu bi, rên rỉ, não nề. Ấy vậy mà khi xem phim xong, mình đã được truyền cảm hứng để nhận ra sự lãng mạn đầy chất thơ trong âm nhạc của ông, điều trước kia mình đã không thấy. Bây giờ, một buổi chiều Đà Lạt lại càng Đà Lạt hơn khi mình được lắng nghe tiếng mưa hòa với giai điệu những bài hát “Tuổi đá buồn”, “Hạ trắng” hay “Mưa hồng”.

Dạo gần đây, mình vô tình phát hiện ra bản thân đã từng có những ký ức đẹp với nhạc Trịnh thiếu nhi mà không hề hay biết. Cụ thể bài đầu tiên mình đi múa ở trường mẫu giáo lúc 5 tuổi là bài “Em là bông hồng nhỏ”. Từ đó đến nay đã là 25 năm rồi. Một thời tuổi thơ và học sinh của mình được ùa về khi nghe lại những tác phẩm của Trịnh Công Sơn, như “Mẹ đi vắng” hay “Tuổi đời mênh mông”. Hiệu ứng “nhìn lại” là những gì mà bộ phim Em và Trịnh đã mang đến cho người xem. Nhìn lại lịch sử, ký ức, tuổi thơ và phát hiện ra thêm những điều thú vị.

Còn có một điều đặc biệt nữa đó là âm nhạc và góc quay của phim Em và Trịnh khiến mình nhớ nhung một người chưa từng tồn tại, và khắc khoải về một thời chưa từng trải qua. Cái cảm giác này rất lạ, như thể ở một kiếp đời nào đó, mình đã từng yêu như thế, từng đấu tranh như thế, và từng thiết tha với nghệ thuật như thế, như những con người đã xuất hiện trong phim.

Khi từ rạp ra về, như mọi lần khác, mình hỏi chồng là anh chấm phim này mấy điểm. Anh đáp 9 điểm làm mình vui như được mở tấm lòng. Mình đã dè dặt hơn nên chỉ chấm 8.5. Anh còn tóm gọn bộ phim trong một chữ, “breathtaking”, theo nghĩa đen, và giải thích rằng bộ phim đã nhiều lần khiến anh nghẹn ngào, hơi thở như bị đánh cắp. Trước đây, chồng mình vốn thích nhạc Phạm Duy và thường hát bài “Đưa em đi tìm động hoa vàng”, vậy mà khi mình đang ốm sốt và mất ngủ mấy ngày vừa rồi, anh lại hát cho mình nghe bài “Nắng thủy tinh” của Trịnh Công Sơn. Để rồi trong một phút giây, mọi sự khó chịu mệt mỏi trong mình bỗng biến thành sự mãn nguyện khi được thưởng thức Cái Đẹp. Tagore, nhà thơ, triết gia, nhạc sĩ Ấn Độ, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel, từng nói rằng,

“Cái đẹp chỉ đơn giản là thực tại được nhìn bằng đôi mắt của tình yêu.”

Chắc chắn đã có những tình tiết chưa hoàn hảo, chưa hợp lý hay có thể tốt hơn được nữa trong phim Em và Trịnh. Nhưng khi tập trung nhìn vào nỗ lực của đoàn làm phim, nhìn vào nguồn cảm hứng mà bộ phim mang lại, cùng những câu hát bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì chúng ta có thể hy vọng nhiều hơn vào những điều đẹp đẽ đã, đang và sẽ tới, không chỉ trong nền điện ảnh nước nhà, trong thi ca nghệ thuật, mà còn trong chính tâm hồn mỗi người.

Bởi vì “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ,” và cũng vì “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Biên tập: Prana

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top