jordan-whitt-kqcxf_zvdau-unsplash

Đừng bỏ rơi em bé tâm hồn

Có bao giờ bạn cảm thấy chán nản? Có bao giờ bạn cảm thấy bực tức trong lòng? Có bao giờ bạn cảm thấy nhớ mong? Có bao giờ bạn cảm thấy đau khổ dâng lên đến cùng cực? Có bao giờ bạn cảm thấy cô đơn? Cảm thấy lạc lõng? Cảm thấy xấu hổ, nuối tiếc, bồn chồn và hờn ghen? Có bao giờ bạn cảm thấy uể oải? Cảm thấy mông lung, lo âu và bất định?

Những lúc như thế, bạn thường làm gì?

Bạn đè nén những cảm xúc ấy? Bạn vùi lấp chúng bằng những hoạt động giải trí? Bạn tự phán xét chính mình hoặc đổi lỗi cho người xung quanh? Hay bạn chống cự chúng trong một sự gắng gồng đầy đau khổ?

Tại sao tôi lại đưa ra một loạt những câu hỏi như vậy? Hãy cùng đọc tiếp câu chuyện dưới đây.

Bình thường, khi một em bé òa lên khóc, người mẹ đang làm lụng ở ngoài vườn cũng phải vội vã chạy vào. Bà mẹ có la rầy em không? Có quát mắng em không? Có bịt miệng em lại để không nghe thấy tiếng khóc ấy không? Hay là người mẹ xót xa đứa con thơ nhỏ mà ấp ôm vào lòng, đồng thời quan sát xem em bé có đang đói, có đang bị giật mình bởi tiếng động, hay có đang cần được thay tã. Khi mẹ tới và ôm em vào lòng, em bé cảm thấy được an toàn và dần nín khóc. Sau đó khi tinh thần hoàn toàn yên ổn, em nhoẻn miệng cười và u ơ trò chuyện với người mẹ hiền. Đối với em, khi có sự hiện diện của mẹ, bao nhiêu giông bão cũng đều tan biến.

Tâm hồn mỗi người chúng ta cũng như một em bé – thuần khiết, sáng trong và vô cùng nhạy cảm. Mỗi khi bị mất cân bằng, dao động, hay không được cảm nhận sự hiện hữu của ý thức, em bé tâm hồn sẽ kêu khóc. Đó là lúc bạn và tôi sẽ cảm thấy tiêu cực và bất ổn (với bất kỳ hoàn cảnh nào hợp lý với cảm xúc đó.) Tất cả những cảm xúc tiêu cực mà con người cảm thấy có khác gì đâu những tiếng kêu khóc của một đứa trẻ sơ sinh. Khi mang trong mình một đứa trẻ tinh thần nhạy cảm và thuần khiết, chúng ta cũng đang vào vị trí của một người mẹ. Vậy đứng trước những đau khóc của đứa con tâm hồn, bạn nên làm gì?

Câu trả lời đó là dành sự chú ý và quan tâm dịu dàng cho nó. Đây chính là cách thực tập chánh niệm mà những bậc thiền sư hay nói tới. Bất kỳ khi nào nội tâm sa ngã khỏi điểm cân bằng, bất kỳ khi nào tâm trí ồn ào náo động, việc đầu tiên người đó cần làm không phải là trách mắng và đổ lỗi cho thế giới bên ngoài đã gây nên những điều tiêu cực, mà là thu rút sự chú ý vào bên trong chính mình, đồng thời neo đậu vào hơi thở.

“Người nào có khả năng rút các giác quan của mình khỏi các đối tượng của giác quan như con rùa rụt tứ chi vào mai, người đó có ý thức toàn thiện.” — Sri Krishna, Chí Tôn Ca (2:58)

“Trong chánh niệm, người ta không chỉ thư thái và hạnh phúc, mà còn minh mẫn và tỉnh táo. Thiền không phải là trốn tránh, đó là cuộc gặp gỡ thanh thản với thực tại.” – Thích Nhất Hạnh

Đa số mọi người không biết được giá trị của việc thực tập chánh niệm là do chúng ta vẫn còn coi thế giới vật chất bên ngoài là thứ giá trị hơn. Không những vậy, một khi không có thói quen hiện diện với nội tâm của chính mình, một người sẽ dễ có xu hướng làm những chuyện không quan trọng khác khi những căng thẳng xảy đến, đó là tranh đấu với những tác nhân gián tiếp đến từ bên ngoài. Lúc này, chúng ta giống như một bà mẹ khi thấy con kêu khóc thì vội vàng chạy ra ngoài đường đuổi theo cái xe tải và la rầy ông tài xế, bảo rằng ông ta nên thay một cái còi xe khác có âm lượng nhỏ hơn để các em bé không bị giật mình. Trong khi người mẹ mải cãi cọ hơn thua với người lạ ở ngoài đường, thì thật tội nghiệp biết bao, em bé ở trong nhà đã khóc đến tím tái mặt mày mà vẫn không có mẹ ở bên dỗ dành.

Chạy theo những hoàn cảnh bên ngoài và cố gắng kiểm soát chúng là một cách chữa chạy rất hao tổn năng lượng và thời gian. Đồng thời hiệu quả nó đem lại cực kỳ thấp, thậm chí nó còn khiến chuyện bé xé ra to, chữa lợn lành thành lợn què, hay đổ thêm dầu vào lửa. Trong khi chỉ với một vài hơi thở đều đặn cùng sự chú ý được bám rễ dần vào bên trong nội tâm, bạn đã giải quyết được hầu hết vấn đề trong hiện tại. Thậm chí nếu thực tập chánh niệm chuyên cần tinh tấn, bạn sẽ càng tỉnh thức và sẽ không làm phát sinh thêm các vấn đề mới.

“Chánh niệm là như vậy – đó là phép màu có thể gọi lại trong nháy mắt tâm trí đang bị phân tán của chúng ta và khôi phục nó trở lại vẹn toàn để chúng ta có thể sống từng phút giây cuộc đời.” — Thích Nhất Hạnh

⭐ Bạn có đang chú ý tới những điều bạn đang chú ý tới?

Có bao giờ bạn để ý thấy rằng sự điềm tĩnh, tận hưởng và hài lòng từ đâu mà ra, nếu không phải từ tâm hồn mỗi người? Nếu tâm hồn không được thường xuyên thăm nom và soi sáng thì chúng ta làm sao có được sự bình an trong đời sống hàng ngày? Một người mẹ luôn bỏ bê vắng mặt với đứa con thơ trong những lúc nó cần nhất thì làm sao nó có thể hạnh phúc?
Chúng ta kiếm thật nhiều tiền để cảm thấy an toàn ư? Chúng ta có được nhiều danh tiếng để cảm thấy mãn nguyện ư? Chúng ta có nhiều thú vui chơi để cảm thấy sung sướng ư? Chuyện này có khác gì một bà mẹ đặt một em bé sơ sinh vào trong chiếc giường dát vàng để mong em bé khỏi khóc? Trưng đầy ảnh em bé ngoài đường để em bé thấy được an tâm? Và tống thật nhiều đồ chơi phát ra tiếng nhạc vào trong chiếc nôi để em bé được thấy thích thú? Không, những lúc bất an nhất, em bé chỉ cần mẹ, cần sự ngọt ngào yêu thương của người gần gũi với em mà thôi. Chỉ khi nào đã có mẹ và cảm thấy hoàn toàn bình an, em bé mới nảy sinh sự khám phá và tò mò với thế giới xung quanh. Còn khi không có mẹ, tất cả những thứ kia chỉ là những mối đe dọa.

Khép lại bài viết này, tôi hy vọng rằng các bạn có thể nhớ lại em bé tâm hồn và thực tập quay về hiện diện với nó, đặc biệt với những góc phần tổn thương, tiêu cực. Vì bóng tối và khổ đau được tạo nên là do sự vắng mặt của bạn. Còn ánh sáng và hạnh phúc xuất hiện là nhờ sự hiện hữu của bạn.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top