p-c491e1babd-khoe-ra

Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại

Chắc hẳn phần đa trong số các bạn ở đây đã đều được nghe đến câu nói:

“Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại.”

Trước kia, tôi không đánh giá cao câu nói này vì nhìn nó như thể một lời xúi giục khoe khoang sống ảo. Trước khi ăn thì ta phải cúng thần facebook thì mới cảm thấy yên lòng; ra đường có một cái mụn bé xíu trên mặt cũng nhức nhối không yên phải trang điểm mười lớp phấn lấp đi mới hết tự ti xấu hổ; người khác đối xử tệ bạc với mình nhưng chẳng dám lên tiếng bảo vệ bản thân mà ngồi co rút một xó nhà và khoác lên mặt nạ “hoa hậu thân thiện” vì sợ không còn ai chơi cùng mình nữa, sợ phải cô đơn giữa màn đêm tối đen tịch liêu của cuộc đời.

Nhưng dạo gần đây, khi thay đổi góc độ của đôi mắt mình, tôi chợt nhận thấy “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại” là một lời vàng ngọc đã bị mình xem thường quá mức.

Trong cách nhìn hiện tại của tôi, đời sống của một con người như một cái cây, gốc rễ cắm sâu xuống lòng đất tối tăm, còn hoa trái thì vươn ra bung nở ngoài ánh sáng. Hoa trái ấy chính là những điều đẹp đẽ tốt lành như niềm vui, tình yêu và sự hạnh phúc. Còn những tối tăm nơi gốc rễ kia chính là những khó khăn của cuộc đời, những góc khuất trong tâm hồn mà một người phải đối diện như sự tiêu cực, yếu đuối, sợ hãi, v.v…

Tôi cho rằng mọi thứ sẽ được chuyển hoá, biến đổi bằng sự chú ý của cá nhân; và được bành trướng, nảy nở bởi sự chú ý của tập thể. Nên cái xấu xa tiêu cực nếu để lộ ra ngoài thì chúng sẽ nhân lên to lớn gấp bội phần, còn khi được giữ lại trong lòng mà quán sát, chiêm nghiệm, lắng nghe thì sẽ được biến đổi thành trí tuệ bạc vàng – chính là hoa trái của cuộc đời vậy.

Sự chú ý cá nhân tôi đang nói tới kia là việc quay trở về với chính mình, như một sự thức tỉnh nội tâm và nhìn thế giới từ sâu bên trong bản thân. Chỉ ở nơi bí ẩn, sâu thẳm đó thì tia sáng của sự chú ý, của nhận thức mới rực rỡ hơn tất thảy. Và chỉ với năng lực mãnh liệt của nó thì những viên ngọc bị phủ vùi bởi tạp bụi đường đời mới được thanh tẩy triệt để.

Còn thứ ánh sáng bên trên bìa vực mà nhân loại vung vẩy tứ phía kia không có đủ sự tập trung để khoan thủng những tấm màn sợ hãi và hèn yếu. Ngược lại, nó mang chức năng lan tỏa, nhân rộng, chảy tràn như sóng nước. Nên trí tuệ của người xưa được thể hiện trong việc “đẹp khoe, xấu che” là vậy. Bằng cách nhận biết, phân loại và đặt mọi thứ đúng vị trí của nó thì những điều đen tối sẽ được chuyển hóa thành những sự rạng ngời, và những điều rạng ngời được bay tới muôn nơi rồi trút xuống như những cơn mưa mát lành.

Trong phim Vào trong hoang dã (Into the wild) có câu nói rất nổi tiếng rằng:

“Happiness is only real when shared.” (Hạnh phúc chỉ đích thực khi được sẻ chia.)

Cái “happiness” mà giữ bo bo bên trong người thì nó sẽ phá huỷ kẻ đó từ trong ra ngoài vì đó không phải là nơi hạnh phúc thuộc về. Nó phải được lan toả, được giải phóng ra ngoài ánh sáng thế gian, được bung bở như hoa xuân ngào ngạt. Tôi tin rằng một người vĩ đại là người thấu hiểu và thực hiện được điều đó trong đời sống của mình. Nếu nhìn lại xuyên suốt trong lịch sử loài người thì các nhân vật tầm cỡ được thế gian tôn sùng, trọng vọng và mến yêu đều là những người biết chia sẻ những giá trị tốt lành, cống hiến vàng ngọc cho đời (từ vật chất đến tình cảm, trí tuệ).

Bụt hay Jesus dành gần hết cuộc đời để rao giảng chân lý, tình yêu; Mẹ Teresa cứu trợ, giúp đỡ bao nhiêu người nghèo khổ bệnh tật, Ellen DeGeneres thường xuyên give away quà tặng cho cá nhân hay tập thể nghèo túng, họa nạn hoặc làm được những việc tốt cho cộng đồng, Keanu Reeves âm thầm quyên góp tài chính cho những trẻ em trong bệnh viện suốt hàng chục năm, v.v…

Đó mới chỉ là những người nổi tiếng, ở ngoài kia còn vô vàn những người lặng lẽ lan truyền những điều tốt đẹp ra thế giới, cứu vớt lại những góc phần lầm lạc, làm ngược của thế gian – những kẻ nuôi dưỡng, dành sự chú ý cho những điều tệ hại.

Để đối xử với những sự tiêu cực, người đời cũng đã biết răn dạy con cháu rằng “vợ chồng đóng cửa bảo nhau” là vậy. Những chuyện căng thẳng mù mịt thì chớ để nó đẻ trứng ra ngoài, nó sẽ lan tràn như độc tố vào môi trường xung quanh theo cấp số nhân. Dọn dẹp một núi phân sẽ khổ sở và khó khăn hơn rất nhiều so với việc ngay từ ban đầu đừng đi ỉa bậy.

Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản thôi ở việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Một người ném rác ra vỉa hè thì có thể kéo theo những người khác nhìn theo bắt chước. Từ sáng đến tối là có được một đống rác. Từ tháng này qua tháng khác là có mười năm đống rác. Nó không chỉ làm bẩn môi trường, mà còn có khả năng làm bẩn tư duy, hành vi của những người chưa từng ném rác ra đường. Họ sẽ nhìn đó là một việc bình thường, hiển nhiên và dễ dàng – họ sẽ đi về phía bóng tối.

Khi sự vô kỷ luật, vô ý thức đó được hiển lộ ra ngoài đời sống, nó trở thành một nỗi cám dỗ tệ hại dành cho mọi người, khiến họ có ý muốn được sa ngã, được buông thả, được xả rác bừa bãi (vì việc đó không cần nỗ lực, không mất sức.) Các bạn thấy không, chỉ một hành vi tồi tệ rất nhỏ thôi cũng có thể nhân lên thành những đống phân bẩn thỉu to đùng. Đừng, đừng để chúng có cơ hội được phát triển, nếu bạn thật sự là người có trí khôn.

Với cá nhân tôi, để thực hiện việc “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, tôi đã unfollow tất cả những ai chia sẻ/nói chuyện mang nội dung tiêu cực, dù họ ở trên mạng xã hội hay trong đời sống. Bẩn ít hay nhiều gì không cần biết, vì đối với tôi, người đó là một cái cây lộn ngược, hoa trái của những người này là đắng cay, hủy hoại. Nếu định hướng của người đó không tốt, tôi sẽ không đầu tư sự chú ý vào họ nữa.

Ngoài ra, trong cuộc sống, tôi cũng tập cách chia sẻ nhiều hơn những niềm vui và sự tích cực. Còn nước mắt khổ đau, sự than vãn, bất mãn, tôi sẽ giữ lại ở mức nhiều nhất có thể. Nó sẽ là nhiên liệu để ngọn lửa ý thức bên trong được bùng cháy, được khẳng định chính mình.

Tôi cho rằng nước mắt là một thứ quý giá của con người, chỉ nên được trào ra với động lực là lòng trắc ẩn hay hạnh phúc với cuộc đời, không nên tiết ra bởi đau khổ. Nếu có thể giữ nó lại khi gặp khó khăn, những giọt nước mắt ấy sẽ trở thành phép lạ như nước mắt của những nàng tiên cá. Nếu xuất hiện hater thấy tôi vui vẻ cả ngày thì ghen tỵ, khó chịu, thậm chí dị ứng, thù ghét thì tôi cũng dek quan tâm và unfollow họ luôn. Vì sự thật là một người ăn nấm bị bad trip thì là do anh ta có vấn đề chứ không phải do cây nấm.

Trong việc “xấu xa đậy lại” này, tôi nhận thấy rằng nó không hề có ý giấu dốt, đậy ngu, mà nó có ý nghĩa rằng đức tin phải được lên ngôi, ta cần bác bỏ mọi sự nghi ngờ bên trong lòng. Chúa Jesus đã có câu:

“Phúc cho ai không thấy mà tin.”

Khi cảm thấy bối rối lo sợ về chuyện gì đó, tôi học cách quên câu hỏi đi, vì sống trong sự nghi ngờ sẽ càng khiến mọi thứ trở nên tăm tối. Chỉ khi tin tưởng rằng Trời Đất sẽ mang đến câu trả lời, thì mỗi người mới có thể nhận được lời giải đáp ở đâu đó mà trong lòng vẫn luôn an bình lúc chờ đợi.

Sẽ còn rất nhiều ý nghĩa nữa mà bạn có thể tìm thấy ở câu nói “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại.” Nhưng vấn đề quan trọng nhất là bạn cần có đủ khả năng để phân biệt đẹp và xấu. Đây chính là bước đầu tiên – nhận thức đúng. Rồi sau đó, những điều bạn làm mới có thể đúng đắn được.

Tôi vẫn đang gìn giữ một tầm nhìn rằng bản thân cần thiết nuôi dưỡng cái cây của chính mình, làm sao để nó vừa cắm rễ sâu vào lòng đất, vừa bung tỏa nhiều hoa trái cho đời. Và các bạn biết không, ẩn trong những thứ quả thơm thảo kia lại là vô vàn những hạt giống.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top