198244504_2841329049464522_5052217191759400327_n

Cỏ dại là gì? Là một loài cây mà đức hạnh của nó vẫn còn chưa được khám phá

“Cỏ dại là gì? Là một loài cây mà đức hạnh của nó vẫn còn chưa được khám phá.” – Ralph Waldo Emerson

Vào tiết trời đông lạnh giá, cách mà cỏ hồng nhuận sắc cả triền đồi rộng thênh thang ở Đà Lạt đã buộc tôi phải suy tư, phải chiêm nghiệm đến một thái độ sống rực rỡ dưới một hoàn cảnh khắc nghiệt và lạnh lùng.

Quả thực, nếu chịu khó quan sát, ta sẽ thấy kiểu mẫu sống ấy chỉ đến từ cỏ dại – một giống loài mà chúng ta ít nhiều đều muốn đem lòng vứt bỏ.

Sở dĩ ta không ưa cỏ dại là vì bởi chúng không mấy hữu dụng cho lợi ích về kinh tế. Sức sống mãnh liệt của chúng luôn có nguy cơ lấn át năng suất các giống cây trồng khác. Thế nên, khi đặt cỏ dại vào vị trí canh tác, sự hiện diện của chúng luôn khiến ta phải khó chịu.

Nếu chẳng may cỏ hồng hoặc cỏ lau hồng không được sương và nắng góp phần trao bao cho một màu hồng thơ mộng, ắt hẳn, chẳng ai trong chúng ta chịu khó dành thời gian để chiêm ngưỡng. Thậm chí, khả năng cao chúng phải luôn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Giờ đây, khi ai nấy đều tỏ ra quan tâm đến cỏ hồng, tôi lại hoài nghi về niềm hạnh phúc mà loài cỏ dại này đang sở hữu. Nghĩa là, cỏ hồng có vui sướng không khi được nhắc đến như là một nhân tố tô điểm cho những bức ảnh lung linh huyền ảo mà những người mơ mộng thường luôn ao ước? Chúng chỉ xuất hiện khi con người cần một bức ảnh đẹp thôi hay sao? Hay đơn thuần tính thơ mộng của chúng góp phần thanh tẩy những mảnh vụn khô cằn của một tâm hồn vô cảm?

Dẫu cho không đơn thuần như thế, tôi phải thừa nhận một điều, cỏ hồng không bao giờ khiến ai đó thất vọng khi ghé thăm. Vẻ đẹp hoang dại ấy sẽ khiến tim bạn bừng lên vẻ hoang ca mà cất tiếng hát. Những cặp đôi đang yêu sẽ được chìm đắm dưới khoảng trời lãng mạn tựa phim ngôn tình.

Tuy nhiên, nếu chúng chỉ hạnh phúc với ý nghĩa mà các lữ khách trao cho, vào lúc màu cỏ phai nhạt, chúng sẽ ra sao? Chúng có buồn không? Có cô đơn không khi mọi người sẽ thôi không còn nhớ đến chúng nữa. Thậm chí một ngày nào đó, sự hiện hữu của cỏ hồng phải nhường bước cho sự hiện hữu của những giống cây trồng khác, năng suất hơn, hữu dụng hơn?

Nếu ướm mình vào vị thế của cỏ hồng, hẳn tôi sẽ khổ đau, sẽ thôi không còn khát vọng sống nữa, tôi cứ để mặc cho bão táp, phong ba quật ngã mình.

Với ý nghĩ tiêu cực như: Ai cũng ghét mình, ai cũng muốn hạ thấp mình, bài trừ sự sống của một kẻ yếu ớt vô dụng như mình thì cố vùng vẫy trên mặt đất này có ích chi? Khi ấy tôi không đang sống, mà chỉ đang đấu tranh để chống lại yếu tố khắc nghiệt của sự sống mà thôi.

Không riêng gì tôi, sẽ có nhiều hơn một người như thế có cùng kiểu suy nghĩ ấy. Vậy mới nói, hạnh phúc với lúc ai đó cần ta đã khó, hạnh phúc ngay cả lúc người ta ghét bỏ ta sẽ càng khó hơn gấp trăm lần. Ấy vậy mà loài cỏ hoang dại này đã làm điều ấy rất tốt. Chúng luôn sống trong sự trung dung vô cùng.

Tôi dám chắc, bản thân loài cỏ này chưa bao giờ phải nỗ lực để có được sắc hồng quyến rũ ấy. Nó có và nó hưởng thụ. Cỏ hồng luôn hạnh phúc với cả những khoảnh khắc bị lãng quên, bị ruồng bỏ. Chỉ cần lắng nghe, chỉ cần quan sát, ta sẽ thấy tính hữu dụng trong cái vô dụng của cỏ dại. Chúng được gọi là cỏ dại nhưng lại không thực sự mọc dại.

Bạn biết đấy! Chúng xuất hiện là để làm đất trở nên màu mỡ hơn. Nếu đất bị nén quá chặt, một số loài cỏ dại trỗi dậy với mục đích làm đất tơi xốp; và khi đất quá tơi xốp, một số loài cỏ dại khác sẽ sản sinh ra đặc tính làm đất được kết dính. Đấy là vẻ duyên dáng của cỏ dại. Dù hiện hữu trong dáng vẻ mong manh dễ vỡ, nhưng cỏ dại lại sở hữu khả năng chống chịu vô cực. Dù là mưa lũ hay hạn hán, cái lạnh âm 40 độ C hay cái nóng đến 70 độ C cũng không tổn hại gì nhiều đến cỏ dại. Tuy có hơn hàng trăm, hàng nghìn loài cỏ dại, nhưng không phải cứ hễ có đất là sẽ có cỏ dại. Chúng hiện diện ở những nơi cần sự hiện diện của chúng. Vấn đề ở đây không phải là loài người chúng ta cần chúng mà là  Đất cần đến chúng. Một Khi Đất tốt, con người cũng từ đó mà sống tốt theo.

Thế nên, dù ta có cố gắng tiêu diệt, chúng vẫn cứ nảy nở. Chúng sẽ không vì một ai đó nguyền rủa mà than trách cho số phận của mình. Chúng biết chúng hiện hữu là có lý do. Thay vì đi tìm cái lý do cho vĩ đại, chúng cứ lặng lẽ trao mình cho đất, cho trời. Không điên cuồng tích lũy sức mạnh để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt, cũng chẳng cần chiêu trò để chứng minh tính hữu dụng. Vậy nên, một cơn bão đi qua, những góc cây to có thể bị quật ngã, nhưng với cỏ dại, chúng cứ như được tưới tắm cho sạch sẽ, cho mát mẻ và cho tràn đầy hơn nữa.

Không hoài nghi thêm nữa, đấy cũng chính là thông điệp mà loài cỏ dại này đang cố gây ấn tượng với tôi, với các bạn, với những ai đã từng đặt chân lên mảnh đất đầy kiêu hãnh này.

Nếu trót yêu đồi cỏ hồng, các bạn hãy thử một lần đi sâu vào chúng,  hưởng thụ sự hiện diện của một biểu tượng sống trung dung vô cùng này. Và rồi đến cuối cùng, bạn sẽ đồng ý với tôi cũng như các bậc thiền sư như Osho rằng:

“Chiến đấu với nghịch cảnh chưa bao giờ là một lựa chọn khôn ngoan. Thay vì cố tìm lấy sức mạnh bảo vệ bản thân trước rủi ro của nghịch cảnh, ta nên thích nghi và linh hoạt. Phải đón mừng ngay cả đó là khó khăn, là thách thức. Chỉ khi đi vào cuộc sống bằng không ý nghĩa, ta mới đạt được trọn vẹn tầm vóc của những Ý nghĩa.

Đây là bài mình viết vào lúc cỏ hồng đang nhuận sắc cả khung trời Đà Lạt tháng cuối đông. Mà phải sau khi đọc được lời của Ralph Waldo Emerson, như một sự đồng nhịp, mình mới nhớ ra và chia sẻ bài này.

Tác giả: Lê Duyên
Biên tập: SUYNGAM.VN

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top