andrei-lasc-5dhm3q5ulik-unsplash

Chí Tôn Ca – Đi theo ánh mặt trời

Đã bao giờ bạn tự hỏi chính mình sự thật về cái chết, về ý nghĩa của kiếp sinh, về những gì thiêng liêng thuộc ngoài tầm với, và về rất nhiều điều kì diệu trong đời sống này?

Có lẽ với một người trẻ như tôi, cũng như đa số các bạn, thì đó là một điều vô cùng xa xỉ, thậm chí cảm thấy không đáng lưu tâm. Vậy thì bao giờ, và khi nào đây? Khi tôi có dịp tình cờ quan sát, và chuyện trò cùng những người lớn tuổi, người về hưu nhiều năm, người sắp đến ngày gần đất xa trời, thì mối quan tâm của họ dường như hướng về tâm linh, tinh thần nhiều hơn. Còn gì quan trọng hơn việc biết mình sẽ ra sao trong những ngày tháng cuối cùng và tự chuẩn bị cho mình một cái kết hoàn thiện.

Hẳn bạn cũng là người trong cuộc như tôi. Hỡi người đồng chí, ta cùng nghiền ngẫm Chí Tôn Ca nào…

Từ xa xưa đến nay, văn hóa cổ đại Ấn Độ có lưu truyền tập sử thi thiên anh hùng ca Mahabharata vô cùng đặc sắc, kể về cuộc chiến sóng gió giữa các chiến binh của hai gia tộc Pandava và Kaurava. Trong đó, “Chí Tôn Ca” là phần trích đoạn thánh thần bậc nhất, là cuộc nói chuyện thiêng liêng giữa hoàng tử Arjuna và thần Krishna. Arjuna là chiến binh vĩ đại nhất chiến đấu cho nhà Pandavas, nổi tiếng với tài bắn cung. Trong tiếng Hindi, Arjuna còn có nghĩa là người tiên phong. Trước khi cuộc chiến bắt đầu, chàng đã được quyền lựa chọn Krishna làm người đánh xe cho mình đồng thời hỗ trợ nhưng không tham chiến trực tiếp.

Từ đây, chúng ta có những lời phán truyền của Đức Thượng đế Tối cao dành cho Arjuna về phẩm chất của chiến binh, về linh hồn và vũ trụ, về trách nhiệm phục vụ và niềm tin với trí tuệ. Arjuna, đã vô cùng đau buồn và không muốn giao chiến khi đứng trước tình thế một bên là đồng loại, một bên là bổn phận với vương quốc. Cuối cùng, nhờ có chỉ dẫn của Krishna, chàng đã vượt qua và chinh phục được kẻ thù.

Thấu rõ tri thức huyền diệu, không chỉ ở trong chiến trường hay đường đời, đời ta như được tái sinh. Bởi sẽ chẳng còn cái chết đáng sợ nào đe dọa nữa. Linh hồn là vĩnh cửu, là bất diệt. Chỉ có cơ thể này là tạm bợ, là cái chẳng lâu bền. Cho nên khi cơ thể này ra đi, ta sẽ nhận một bộ quần áo mới.

Albert Einstein từng nói:

“Người nào tự cho mình là quan tòa của Sự Thật và Kiến Thức đều bị nhấn chìm bởi tiếng cười của các vị Thần Linh.”

Vậy thì, khi một người rời bỏ thế giới này, ta nên khóc hay nên cười?!

Hãy chúc cho người đó nhận được một cơ thể mới tốt đẹp hơn.

Cơ thể suy cho cùng là những yếu tố vật chất cấu thành nên. Kể cả mọi vật trong thế giới tự nhiên, cũng là tổ hợp của năm đại nguyên tố vật chất. Vì vậy, với một người đang thực hành tâm linh như tôi, việc nhìn nhận tất cả mọi người như nhau, bất kể trai, gái, già, trẻ, giàu, nghèo… là một điều nên làm.

Tìm đến sự mãn nguyện trong “chân ngã” (the self) khác với việc thỏa mãn “cái tôi” (ego). Tôi đã không còn đặt niềm tin hoàn toàn tuyệt đối vào bản thân nữa, nó chỉ ở mức cao hơn so với tất thảy những người khác. Bởi chừng nào còn sống trong thế giới vật lí này, chừng nào còn chịu tác động của các giác quan, tôi còn bị ảo ảnh của chúng đánh lừa. Nhiều người trong chúng ta bị lừa mà vẫn không biết đấy thôi.

Chúng ta không biết những gì ta không biết.

Như con diều đung đưa bay lượn trong gió, nhưng vẫn được níu lại bởi bàn tay người cầm chỉ. Đó là sự tự do, và cũng là mối liên kết. Đứng trước những sóng gió của cuộc đời, tôi nhận thấy cần thiết phải tìm cho mình một chỗ dựa vững chắc. Một thứ gì đó như là mỏ neo giúp định hình lại chính tôi, giúp tôi nhớ rõ bản chất nguyên thủy của mình, để có thể tung bay mãnh liệt hơn. Niềm tin vào những điều thiêng liêng cao quý sẽ giúp mỗi người bay xa và thoát khỏi những ràng buộc, vướng mắc phù phiếm trong đời sống này.

Chí Tôn Ca đem đến nhiều cái nhìn cả cũ và mới, thấp thoáng đâu đó bóng hình của Phật, của Chúa, của Allah xuyên suốt tác phẩm.

“Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là lòng tốt.” – Đức Dalai Lama.

Thật vậy, mỗi tôn giáo, kinh sách đều có mục tiêu hướng nhân loại đến sự hoàn thiện. Ở Chí Tôn Ca, tôi lại càng được củng cố thêm sức mạnh về con đường mình đang đi là đúng đắn. Với việc từng bước làm tốt bổn phận bản thân, mặc cho những lời nói bên ngoài, tôi từng bước tiến đến sự tự do làm chủ mảnh đất tôi đang gieo trồng.

“Khi con người có được tri thức, ánh sáng của nó sẽ xua tan bóng tối vô minh
và hé lộ bản chất thực sự của vạn vật, tựa ánh dương soi rọi muôn loài buổi bình minh.”

“Trên đời này chẳng có gì cao quý và thanh khiết hơn trí tuệ tâm linh. Nó là sự hoàn
hảo đạt được qua thời gian thông qua con đường yoga, con đường dẫn tới Chân ngã nội tâm.”

“Thà làm tròn bổn phận của mình dù có sai sót còn hơn là hoàn thành bổn phận của kẻ khác một cách hoàn hảo. Thà chết khi làm tròn phận sự của mình còn hơn là thực thi nhiệm vụ của kẻ khác, vì đi theo con đường của kẻ khác là nguy hiểm.”

Tri thức chính là cội nguồn của ánh sáng, là nấc thang dẫn đến sự giải thoát khỏi tù ngục của tâm trí. Vì vô minh thì tăm tối. Càng tiến tới ý thức hướng thượng, ta càng tránh xa những lầm đường lạc lối bởi bóng tối bủa vây. Trong khu rừng tăm tối, chỉ một ánh sáng le lói cũng khiến ta an lòng. Đi theo ánh mặt trời, là đi theo tiếng gọi của trái tim linh thiêng. Họ vẫn ở đó, dõi theo, và nâng đỡ ta từng ngày.

Bằng việc liên tục thực hành yoga, người này đang đi trên con đường kết nối lại với Chân ngã nội tâm – Chân ngã nguyên thủy. Hành động với ý thức linh hồn thánh thiện, tự chủ trước các giác quan vật chất, ta sẽ thấy được niềm vui và sảng khoái ngay trong nội tại. Một yogi chân chính là người luôn có ý thức cao quý và mang lại may mắn cho mọi sinh linh. Hãy thực hành mọi lúc mọi nơi ngay khi có thể, trong khi đi lại và hoạt động… để nhắc nhớ chính mình. Hãy gửi những làn sóng rung động tích cực và cầu chúc cho cả thế giới.

Tìm về với chính mình để đi theo con đường mình thực sự mong muốn, vì đi theo kẻ khác thì thật nguy hiểm. Nhờ có ánh sáng chân lý, mọi trở ngại sẽ được phá bỏ, mọi hành động phục vụ không màng thành quả sẽ chạm đến Linh hồn Tối cao. Như câu chuyện về chàng Rama tiêu diệt quỷ dữ, mũi tên ở trong sự bảo trợ của Thần linh sẽ tuyệt đối trúng đích. Chàng hướng định mệnh của mình theo chính nghĩa, kiên định với bổn phận và nỗ lực đến cùng. Đây cũng là lời chỉ dẫn cho những ai can đảm hướng về cội nguồn, thoát khỏi nhị nguyên và mạnh mẽ chiến thắng vô số ảo tưởng tầm thường thế giới vật lý mang lại.

“Gió se sắt thôỉ
Cỏ cao cúi đầu
Gió sắc như tên
Cỏ cao phải chịu
Cho gươm chặt đầu.”

Những câu thơ trên chấm dứt bản Anh Hùng Ca vang dội một thời. Cho đến phút cuối, tôi vẫn cảm thấy có gì đó dữ dội nhen nhóm trong lòng. Tưởng như cơn gió nhẹ nhàng yếu mềm chỉ biết vuốt ve vạt cỏ, nhưng khi cần có thể dứt khoát cắt đứt chúng bằng một lưỡi gươm sắc bén. Tinh thần của gió cũng thể hiện tinh thần chiến binh, kiên quyết và uyển chuyển. Hướng cuộc đời theo những cơn gió để về với ánh dương, tôi là một chiến binh quả cảm.

Tác giả: Ngọc Shiro (Cao Thị Hồng Ngọc)

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top