Cứ mở lòng chấp nhận, dù chuyện gì đang diễn ra và nó có vẻ tiêu cực đến thế nào: mất việc, bồ đá, sếp la mắng, bố mẹ không vừa lòng, hay một ngày bạn đột nhiên không cảm thấy gì với những điều bạn vẫn thường cảm thấy,… Bạn chẳng cần cáu gắt, cứ âm thầm chấp nhận. Chẳng cần hoảng sợ, cứ âm thầm chấp nhận. Chẳng cần khóc lóc, cứ âm thầm chấp nhận. Và cũng chẳng cần phải gồng lên và thêm bớt gì, sự chấp nhận tự nó sẽ xảy đến.
Xuống đáy tưởng là tồi tệ nhưng không hề. Ở dưới đáy rất bình an, như đáy đại dương thì luôn tĩnh lặng. Nếu bạn còn chưa thấy bình an tức là bạn còn chưa đi xuống tận cùng của vấn đề.
“Cái hang bạn sợ bước vào đang cất giữ kho báu mà bạn kiếm tìm.” – Joseph Campbell
Khi bạn ngưng quẫy đạp, xuống đáy sẽ trở nên là một hành trình thênh thang biết nhường nào. Và cuộc hành trình ấy sẽ dẫn bạn tới điều trọn vẹn. Vì phần đa ai cũng sợ những cái đáy nên khi bạn chạm tới đó, bạn hoàn toàn riêng tư với sự tĩnh lặng. Không ai tranh với bạn, không ai làm phiền bạn, và không ai đo lường được bạn.
Bình thường, không ít người trong số chúng ta vẫn còn ở trong những nỗi sợ rất cơ bản như: sợ sai, sợ thua, sợ mất mát, sợ tổn thương, sợ thiệt thòi, và sau cùng là sợ chết. Chúng ta cố gắng chống cự lại các trạng thái tiêu cực và làm mọi việc theo lực thúc đẩy của nỗi sợ. Nhưng điều đó không giúp chúng ta chạm tới sự tích cực là những điều đúng đắn, thành công, sung túc, chữa lành, ơn huệ hay sự sống. Để tìm kiếm ánh sáng và sự trưởng thành, chúng ta lại chọn cách trốn chạy phần bóng tối đang cần được soi rọi và tìm đủ mọi cách để không phải đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình. Trong sự phản kháng, chúng ta đang ngăn chặn cả những điều tích cực, thứ mà bản thân hằng khao khát, có thể tràn vào.
Ngoài kia, một cái cây trở nên khỏe mạnh cứng cáp hơn khi nó được tiếp xúc với nắng mưa, bão gió, thậm chí sâu bệnh. Còn một con người, trở nên khỏe mạnh cứng cáp hơn khi trải qua những lần ốm đau, cơ thể sẽ tự biết cách tăng cường thêm sức đề kháng. Những trạng thái tiêu cực là một sự rèn luyện cần thiết để đi tới sự tích cực. Nhưng những người nông dân đang làm những cái cây trở nên yếu đuối hơn bằng cách cho nó vào nhà kính và phun lên thật nhiều thuốc trừ sâu. Và không ít người chúng ta ngày nay, mỗi khi vừa bắt đầu hắt hơi sổ mũi là không để cho cơ thể đối mặt với bệnh tật. Chúng ta sốt sắng uống đủ các loại thuốc để không phải sốt hay ho nữa, dù đó là các phản ứng mà cơ thể tiêu diệt và đào thải các yếu tố lạ xâm nhập. Càng cố gắng chống cự và sợ hãi, chúng ta càng trở nên tiêu cực, yếu đuối và xa rời sức mạnh cổ xưa bên trong mình.
Cũng là bởi chống cự và sợ hãi nên có những người nghèo khó muốn giàu lên bằng cách tích lũy thêm từng đồng mỗi ngày, chứ không phải bằng cách sống rộng lượng với những người xung quanh. Những người tự ti sợ hãi muốn hết sợ thì lại càng tăng cường thêm những sự đề phòng và toan tính, chứ không hề bắt đầu tập sống dấn thân vô tư. Và một người mất ngủ muốn ngủ được thì lại càng lăn lộn trằn trọc ép mình phải thiếp đi, chứ không tự làm mình bình yên bằng cách thoải mái với việc mình vẫn đang còn thức vào giữa đêm hôm khuya khoắt.
>>> Những điều tốt đẹp nhất trong đời đều trái ngược: https://wp.me/p9NLPR-9XT
Ở đây, con đường hạnh phúc ắt phải là sự cho phép. Khi tâm trạng chùng xuống, hãy để cho nó được chùng xuống, đừng cố thay đổi nó hay tìm cách để kích nó lên. Khi bạn đứng trước trải nghiệm mới, hãy để cho bản thân được phép sai. Đứng trước một cuộc tranh tài, hãy để cho bản thân không phiền gì chuyện thua cuộc. Tương tự như vậy tới việc bị tổn thương, hãy cho phép cả điều đó. Thậm chí nếu tới ngày Chúa gọi bạn ra đi, thì cũng đừng chống trả. Tại sao bạn cần phải đeo thêm nhiều chiếc mặt nạ trong khi bạn hoàn toàn có thể sống là chính mình? Tại sao bạn cần phải cố gắng làm thêm đủ thứ việc cực nhọc trong khi bạn có thể hiện diện thảnh thơi ngay tại phút giây này?
“Quy phục hoàn toàn là không thể ngay từ đầu. Tất cả đều có thể quy phục một phần. Dần dần nó sẽ dẫn đến quy phục hoàn toàn. Nếu quy phục là không thể, thì có thể làm gì? Không có tâm trí bình an. Bạn bất lực không thể có nó được. Nó chỉ có thể được thực hiện bằng cách quy phục.” – Ramana Maharshi
Chấp nhận trải nghiệm tiêu cực chính là cách bạn khẳng định sự tích cực và khẳng định cái tổng thể. Ngược lại, chối bỏ trải nghiệm tiêu cực là bạn chối bỏ khả năng có thể trở nên tích cực và chối bỏ cái tổng thể. Tiêu cực và tích cực là những điều không thể tách rời nhau như hai mặt một đồng xu, nhờ cái này mà cái kia tồn tại. Nên cách duy nhất để đi lên tới đỉnh đó là đi xuống đáy tận cùng. Và cách để thoát ra đó chính là đi vào.
Có một hiện trạng dễ thấy đó là con người ngày nay bị ám ảnh với niềm vui bề mặt, cố kích thích bản thân để có thể cảm thấy vui vẻ tích cực trong ngày. Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mô tả:
“Nhiều người cho rằng sự phấn khích là hạnh phúc. Nhưng khi bạn phấn khích, bạn không bình an. Hạnh phúc chân thực lại dựa trên sự bình an.”
Chúng ta kinh sợ và bối rối trước nỗi buồn hay những trạng thái tiêu cực. Chúng ta được dạy rằng chúng là những thứ đáng ghét, chúng không làm nên thành công, chúng không giúp ta thu hút và chinh phục người khác. Hay chúng chẳng có giá trị gì ngoài sự hủy hoại. Nên chúng ta đã cố gắng tạo ra sự lạc quan giả tạo, như làm ra những đồng xu chỉ có một mặt và tin rằng đồng xu đó có tồn tại.
Có bao nhiêu người đã rơi vào trầm cảm nhưng vẫn cố gắng cười đùa như thể họ đang dồi dào sinh lực. Họ không biết rằng việc cố gắng ấy sẽ càng khiến họ trầm cảm nặng hơn. Có bao nhiêu người giận dữ nhưng vẫn cố gắng đè nén như không hề có chuyện gì khiến họ khó chịu. Họ không biết rằng việc phủ nhận những cảm xúc bên trong lại càng khiến họ dễ nổ tung hơn sau này.
“Mong muốn một trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực, chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực.” – Mark Manson, Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm
Bạn hãy thử nghĩ mà xem, những bức ảnh tươi cười trên mạng xã hội được tung hô, nhưng những khoảnh khắc đối mặt với tiếng khóc liệu có đáng được ngợi ca? Người giàu có được đám đông cúi chào, nhưng những người nghèo với lòng tự trọng, đói cho sạch rách cho thơm thì liệu được mấy ai nhìn thấy mà tỏ lòng ngưỡng mộ? Những tính toán suy nghĩ rạch ròi được đề cao, nhưng còn những sự ngẫu hứng sáng tạo thường được thấy trong những chiều kích hỗn độn thì có lúc nào được chúng ta yêu mến?
Không, chúng ta cố gắng cắt đôi những thứ vốn dĩ đã đi với nhau thành cặp thống nhất để chỉ lấy một nửa mà mình thích hơn. Chúng ta muốn có niềm vui mà không cần phải nếm trải sự chán chường, muốn có thành công mà không cần kinh qua thất bại, muốn có kỷ luật mà không cần phải thả lỏng lắng nghe, và muốn tận hưởng sự huy hoàng mà không cần phải đối mặt với những gian lao vất vả. Hay theo cách nói thi vị của đại thi hào Mỹ Henry Thoreau thì
“Như thể bạn có thể giết chết thời gian mà không làm chấn thương vĩnh hằng.”
Nếu bạn thật sự muốn hạnh phúc, thì đừng phá vỡ tổng thể cân xứng, đừng chối bỏ quy luật của Tự Nhiên, nơi hai thái cực đối lập đã được gắn kết thuận hòa. Chúc bạn đủ can đảm để có thể tận hưởng những trải nghiệm mà bạn còn đang chống trả.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa