xps-dpbxgth0lac-unsplash

Bạn là người kiến tạo thực tại của chính mình

Chúng ta đã quen với niềm tin rằng thực tại ta đang trải nghiệm phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài, rằng chúng ta là nạn nhân của ngoại cảnh. Niềm tin này dẫn đến hành động chạy đuổi theo các yếu tố ngoại tác như vật chất, quyền lực hay địa vị nhằm đạt được hạnh phúc viên mãn. Đây là điển hình của tư tưởng duy vật. Những ai bước trên con đường này biết rằng cho dù đạt được những gì mình mong ước, nhưng họ vẫn luôn cảm thấy thiếu một thứ gì đó để có thể hạnh phúc trọn vẹn hay thực sự hài lòng mãn nguyện. Điều này thúc đẩy họ tiếp tục chạy đuổi theo các nấc thang của vật chất, hòng đạt được cảm giác đó, nhưng thường là thất bại. Bởi vì họ đang theo đuổi cái bề nổi chứ chưa thực sự đi vào bản chất của thực tại.

Thực tại được tạo ra từ những phản ứng của tâm trí

Thực tại mà chúng ta đang trải nghiệm thực ra là tổng hợp những phản ứng của tâm trí. Đây là một ví dụ về cách cảm nhận thực tại mà tôi đã trải qua:

Trong suốt quãng thời gian còn ở nhà với bố mẹ, mặc dù được chăm lo đầy đủ về mặt vật chất, học hành, nhưng tôi luôn có cảm giác gì đó thiếu thốn và luôn muốn đòi hỏi gì đó tốt hơn. Tôi luôn thích nhàn hạ và lười biếng, và mỗi lần bố mẹ yêu cầu tôi phụ giúp công việc gì trên nương rẫy thì luôn là một cơn ác mộng đối với tôi.

Sau này lớn lên, tôi xa nhà để lên thành phố học. Vì với số tiền trợ cấp có giới hạn của gia đình, tôi bắt đầu phải tự kiếm tiền thêm để đáp ứng nhu cầu của bản thân: từ ăn uống đến việc đi lại, tá túc, giải trí,… Tôi bắt đầu quen dần với cái bụng đói vì muốn tiết kiệm tiền nên không thể ăn vặt vô tội vạ như ở nhà, hay những giờ làm lụng vất vả đổi lấy những món tiền ít ỏi. Sau một thời gian dài, tôi trở về nhà với một tâm trạng hoàn toàn mới, dường như đó là một nơi tiện nghi và đầy đủ nhất quả đất. Tôi thầm biết ơn cha mẹ vì những điều đó. Và những lần đi làm phụ giúp gia đình như là một niềm vui phần vì được làm một việc giúp ích cho những người mình yêu thương phần vì tôi đã quen với vất vả của công việc. Thái độ của tôi đã đổi khác hoàn toàn.

Điều này chứng tỏ điều gì. Tất cả chỉ là những phản ứng của tâm trí. Khi còn ở nhà, tâm trí luôn luôn trong trạng thái bất mãn và đòi hỏi. Nhưng sau một một quá trình va chạm, nhận thức và chuyển hóa, thì tâm trí bắt đầu phản ứng khác đi, theo chiều hướng tích cực hơn. Thay vào cảm giác đòi hỏi bằng lòng biết ơn, thay vào sự khó chịu bằng sự nhiệt tình và niềm vui. Từ đó thực tại cũng biến đổi uyển chuyển theo sự thay đổi các khuôn mẫu phản ứng của tâm trí.

Tâm trí thường thiên lệch và thiếu khách quan

Tâm trí của chúng ta được cấu tạo bằng những quan điểm, niềm tin, thiên kiến. Những thứ cấu tạo nên tâm trí này rất kiên cố và không phải lúc nào cũng đúng và khách quan đối với thực tại. Cụ thể, tâm trí thường vẽ ra các câu chuyện không có thật, phóng chiếu nó vào tương lai và tạo ra các phản ứng tiêu cực không cần thiết như lo lắng, bồi hồi, bất an, kích thích. Trong Phật giáo, mọi khổ đau của con người bắt nguồn từ Tham-Sân-Si. Tham-Sân-Si chính là kết quả của một tâm trí thiên lệch này.

Trong cuộc sống đời thường cũng không thiếu những thiên lệch của tâm trí như là ảo tưởng về những chuyện không có thật, hiểu lầm về một tình huống nào đó, tự tạo đau khổ cho chính mình, tức giận bởi những chuyện nhỏ nhặt,… Cách giao tiếp trên mạng xã hội cũng là một điển hình cho sự thiên lệch này. Ví dụ như những chuyện tình trên mạng xã hội, mọi người thả thính, tỏ tình với nhau, tưởng tượng về nhau như một nửa hoàn hảo. Nhưng sau khi gặp mặt trực tiếp họ lại cảm nhận người kia khác xa với tưởng tượng của tâm trí vì lúc này họ phải tiếp chạm trực tiếp với năng lượng, lối hành xử của người kia.

Sự thiên lệch này như một lăng kính, ánh sáng đi vào sẽ bị khúc xạ và biến đổi thành nhiều tia sáng khác nhau chứ không còn nguyên bản chất của chúng nữa. Điều này khiến ta nhìn thực tại không đúng bản chất mà theo thành kiến cá nhân hay tầm nhìn hạn hẹp ích kỷ của bản ngã (ego) dẫn đến đau khổ và xa rời sự thật.

“Chúng ta không nhìn mọi thứ như bản chất của chúng. Chúng ta nhìn mọi thứ thông qua lăng kính nhận thức của chính mình.” – Anais Nin

Có nhiều tầng thực tại khác nhau tồn tại song song

David Hakwin đã chia các tần số rung động thành các mức độ tâm thức / năng lượng khác nhau. Các tần số năng lượng thấp ở mức 20~200, đại diện bởi các cảm xúc tiêu cực như xấu hổ (20), Tội lỗi (30), Sợ hãi (100), Ham muốn (125), Tức giận (150), Kiêu ngạo (175). Các tần số năng lượng cao ở mức 200~1000 đại diện bởi các cảm xúc tích cực và trạng thái phúc lạc như Can đảm (200), Tình yêu (500), Bình an (600), Giác ngộ (700-1000). (Nguồn tham khảo từ https://triethocduongpho.net/2020/06/30/thdp-translation-david-hawkins-cac-muc-do-tam-thuc/ )

Hằng ngày tâm thức chúng ta dao động liên tục giữa các ngưỡng này, trong khi tâm thức thì quyết định thực tại. Điều đó giải thích cho việc tại sao có ngày bạn vui vẻ và tràn đầy, có ngày bạn lại tiêu cực và khổ sở. Khi bạn rung động ở tần số thấp của lo sợ, tức giận, căng thẳng,… thì thực tại của bạn đầy tiêu cực và đau khổ. Khi bạn rung động ở tần số cao của bình an, hài lòng, tình yêu, thì thực tại của bạn đầy màu sắc và đẹp đẽ. Hay như Nguyễn Du trong truyện Kiều đã nói : “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Mấu chốt không nằm ở ngoại cảnh, mấu chốt nằm ở cấp độ tâm thức của bạn. Có vô vàn thực tại song song, ứng với các mức độ tâm thức, việc của bạn là di chuyển qua thực tại bạn muốn, bằng cách buông bỏ những thứ thuộc mức độ tâm thức thấp và tiêu cực, tiến lên các mức độ tâm thức cao hơn, nói cách khác chính là hãy thay đổi tần số rung động của chính mình. Khi sống trong mức độ tâm thức nhất định, hành động và suy nghĩ thay đổi theo, kiến tạo theo thực tại bên ngoài tương ứng với tâm thức đó. Thực tại không là gì ngoài kết quả, tâm thức là nguyên nhân.

“Bề ngoài là sự kết trái từ bên trong.” – DSK

“Tâm thức là thực tại duy nhất, không phải theo nghĩa bóng mà thật sự là như vậy. Thực tại này có thể được mô tả giống như một dòng suối được chia thành hai phần: ý thức và tiềm thức. Để có thể vận hành được luật tâm thức thì bạn cần phải hiểu được mối quan hệ giữa ý thức và tiềm thức. Ý thức thì có tính cá nhân và chọn lọc; tiềm thức thì phi cá nhân và không chọn lọc. Ý thức là mảnh đất của quả; tiềm thức là mảnh đất của nhân. Hai khía cạnh này là hai phần âm dương của tâm thức. Ý thức là dương; tiềm thức là âm. Ý thức tạo ra ý tưởng và khắc ghi những ý tưởng này lên tiềm thức; tiềm thức tiếp nhận những ý tưởng và tạo hình, bộc lộ chúng ra. Theo luật này—đầu tiên là hình dung ra một ý tưởng rồi sau đó khắc ghi ý tưởng đó lên tiềm thức—mọi thứ đều tiến hóa ra từ tâm thức.” – Neville Goddard

Điều mà các bậc thánh đã làm

Nắm được những bí mật của thực tại, các bậc thánh không chạy đi kiếm thật nhiều tiền, hay kết giao thật nhiều mối quan hệ. Họ nhận ra rằng những điều kia chỉ là bề nổi hình tướng, tạm thời. Điều họ làm chính là chuyển hóa tâm thức, đại diện cho những thứ vô tướng nhưng nắm phần bản chất, những biểu hiện bên ngoài chỉ là hệ quả.

Tâm trí chính là rào cản cho quá trình chuyển hóa này vì thời đại ngày nay, phần đông con người luôn ở trong trạng thái rung động thấp, hỗn loạn và bất an. Muốn bước lên tầng thực tại cao hơn thì phải làm chủ được “con ngựa bất kham” (tâm trí) này.

Chúng ta là người kiến tạo thực tại của chính mình

Tất cả những điều này đều hướng đến một sự thật rằng chúng ta là người nắm giữ chìa khóa thực tại của chính mình. Bạn là người quyết định bản thân trở thành người như thế nào, sống cuộc sống ra sao. Bạn không phải là nạn nhân, bạn là người sáng tạo. Định mệnh có chăng chỉ là một cách gọi của tổng hòa phản lực những hành động (nghiệp quả) mà bạn đã làm trong quá khứ (nghiệp nhân), và nó cũng nằm trong tự do ý chí của chính bạn. Việc cần làm chính là vượt lên trên mọi thành kiến hẹp hòi, tìm lại chính mình, ý thức từng hành động của bản thân, nâng cao mức độ tâm thức, và kiến tạo nên một cuộc đời mà bạn muốn.

Tác giả: Bá Kỳ

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top