Tôi khá đắn đo với chủ đề này, vì không biết tiếp cận ở góc độ nào sẽ phù hợp. Bởi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một hiện tượng thiêng liêng. Nếu chọn góc nhìn logic thuần túy và cũ kỹ, tôi biết chắc sẽ chẳng thể nào đi sâu hơn vào những rắc rối mà mỗi gia đình đều đang gặp phải. Nhìn chung, rắc rối lớn nhất ở một gia đình thường là hiểu lầm, cụ thể là hiểu lầm về điều mà ta gọi là YÊU THƯƠNG.
Descartes từng bảo: “Không có gì xưa hơn sự thật.” Tôi nghĩ nó cũng phù hợp với điều tôi đang nói: “Không có gì cũ hơn chủ đề về gia đình.” Tuy nhiên, ở sự thật và gia đình có một điểm chung đó là chúng ta đều hời hợt với chúng. Khi tôi bảo hời hợt, nghĩa là tôi đang nhấn mạnh về cách mà ta đang bỏ qua những góc khuất thật sự của chúng. Vì bỏ qua nên ta mới mãi khổ sở về nhau.
Ý niệm sự thật cũng như gia đình thật ra khá mờ nhạt. Tại sao mờ nhạt? Chỉ cần quán chiếu lại một chút thôi, bạn sẽ hiểu:
Tại sao bạn cứ phải đau đầu vì chuyện con cái?
Tại sao con cái lại ái ngại về những áp đặt của bạn?
Tại sao bạn và con bạn không thật sự thoải mái về nhau mặc dù yêu thương nhau?
Tại sao đi xa là ta nhớ nhưng ở gần với nhau bao giờ cũng xảy ra những tranh cãi?
Bạn có thể tước đoạt sự tự do vui chơi của chúng nhưng khi chúng quấy nhiễu bạn, bạn lại chửi mắng chúng?
Rốt cuộc ta đã và đang làm gì với nhau thông qua hai từ “Gia đình”? Có phải:
Cha mẹ luôn muốn con cái phải có những lựa chọn hợp ý muốn mình. Trong khi, con cái muốn cha mẹ đừng can thiệp vào lựa chọn của chúng.
Chiều kích mâu thuẫn này khởi phát từ việc chẳng ai chịu nhường ai, chẳng ai muốn hiểu ai hay đơn giản bạn không thật sự hiểu chính mình, bạn không thật sự yêu chính mình? Vì không tự biết mình nên bạn hiếm khi biết con cái bạn đang nghĩ gì?
Ngay cả tình yêu của một người bố dành cho người mẹ cũng có ẩn khuất. Phải làm rõ điều này. Họ đã không yêu một tình yêu vô điều kiện. Họ luôn muốn sở hữu nhau và không thường cho nhau sự tự do tuyệt đối. Bạn luôn muốn ràng buộc trách nhiệm với đối phương. Điều đó có nghĩa tình yêu mà người cha và người mẹ đang có với nhau thật là tình yêu dựa trên sự trói buộc.
Vậy nên, khi có con, bạn cũng sẽ vô thức trói buộc con bạn cùng một loại yêu thương như thế.
Bạn đã từng là con trẻ mà. Đúng không?
Thời điểm bạn là con trẻ, bạn đã không thật sự hiểu về điều người lớn muốn bạn hiểu. Bạn thường sống trong vô ý nghĩ. Bạn chỉ tập trung làm điều bạn thích thú. Và đó là phúc lành của việc là con trẻ. Khi cơ hội trong vai trò là phụ huynh đến, bạn thường quên đi bạn đã từng là trẻ con. Bạn muốn con bạn phải hiểu về điều bạn muốn chúng phải hiểu. Nhưng mà bạn có thật sự đang hiểu điều bạn muốn chúng phải hiểu không?
Hay đơn thuần, bạn nghĩ mình là người lớn, bạn có nhiều sự lựa chọn đúng đắn hơn con trẻ, và bạn thường quyết định thay chúng.
Bạn nói bạn yêu con bạn nhưng bạn hiếm khi tôn trọng ý kiến của nó. Thật nghịch lý nhưng chúng ta nói quá nhiều về đạo làm con nhưng ít khi đề cập đến đạo làm cha làm mẹ.
Rõ ràng, cha mẹ có rất nhiều lựa chọn trong cách dạy con nhưng hiếm ai nghĩ đến việc tự dạy mình trước khi răn dạy một đứa bé.
Cha mẹ hoàn toàn tự thân trong lĩnh vực này. Mọi thứ tự thân đều cần đến bản năng, vậy nên khó tránh khỏi tác động từ bản ngã (ảo tưởng).
Nếu bạn vẫn còn ảo tưởng, làm sao bạn dành cho con bạn một tình yêu trong sáng và thuần khiết?
Nếu bạn chưa tỉnh thức, làm sao bạn trao cho con bạn một nhận thức tuyệt đối về cuộc đời, hay một bầu trời trong xanh vô tận?
Nếu bạn vẫn còn ngập chìm trong bóng tối, làm sao con bạn có thể lớn lên cùng ánh sáng đây?
Nếu bạn còn đang khổ, bằng cách nào bạn nghĩ bạn có khả năng làm con bạn hạnh phúc?
Vì bạn quá ảo tưởng, nên bạn nghĩ minh ưu việt hơn trẻ nhỏ, lời bạn nói ra thường phải có sức nặng. Bạn luôn muốn chứng minh bản thân thật hoàn hảo trong mắt con trẻ. Bạn gồng mình lên để thể hiện sự thông thái mà một người lớn cần phải có.
Bạn là Đấng sinh thành hay bạn là diễn viên kịch nghệ?
Lẽ ra chúng ta phải biết rằng, lời của trẻ con thường khởi phát từ tâm hồn thuần khiết, chưa có cái tôi, chưa biết phân biệt đúng sai, nên thường có ánh sáng ẩn đằng sau mỗi lời nói của chúng. Tâm hồn trẻ con là thứ mà mọi thiền sư khi tu tập đều muốn đạt đến, phật giáo gọi đó là “tự tánh niết bàn”. Vì thế khi được hỏi ai mới có thể vào nước trời, Chúa Jesus bảo rằng chỉ có trẻ con.
Có thể bạn cũng thấy được nguồn năng lượng bí ẩn nào đó ở trẻ nhỏ, nên bạn mới phải e ngại chúng đến thế. Nếu không thì tại sao bạn phải liên tục lảng tránh ánh nhìn hoặc câu hỏi của chúng nếu chúng khiến bạn trông thật ngốc nghếch.
Bạn phải nói dối trước mọi điều bạn chưa hiểu. Bạn phải hứa hẹn thứ mà bạn không chắc mình thực hiện được chỉ để tránh đi sự phiền phức. Chết được. Bạn còn hù dọa nó bằng những thứ vô hình nữa.
Trực giác của trẻ con rất nhạy bén, chúng khá nhạy cảm trước mọi bối rối từ người lớn, thế nên bạn mới không cởi mở và không sẵn sàng nhận lấy cảm giác xuẩn ngốc trước mặt một đứa trẻ.
Ảo tưởng luôn khiến người lớn hành xử như một tên côn đồ, cả về lời nói của bạn đều ẩn chứa sự uy hiếp về thể chất lẫn vật chất đối với con trẻ.
Nhìn xem, bạn đang làm gì với những sinh thể sở hữu trí tuệ thuần khiết kia?
Cái tôi của bạn không cho phép bạn đi sâu vào tâm hồn – phẩm hạnh thuần khiết của một đứa bé, bởi nó buộc bạn phải mặc lấy sự đúng đắn và khôn ngoan. Bạn tự đặt mình ở vị trí thượng nguồn, bạn coi thường ý kiến và cách hành xử của các con mình. Bạn thích thao túng và cai trị kẻ khác nhưng lại không thực hiện được điều đó với xã hội, bạn lại nhẫn tâm làm điều đó với chính con cái của bạn. Bạn ra sức uốn nắn, buộc chúng phải có những lựa chọn hợp ý muốn bạn, bạn sẵn sàng gạt phăng đi phẩm hạnh tốt lành sẵn có ở một đứa bé, để nó làm điều mà bạn lệnh cho nó phải làm.
Bạn nghĩ bạn tốt lành, bạn nghĩ bạn luôn đúng đắn, bạn nghĩ mình thật xuất chúng, thế nên con bạn phải như bạn, vì bạn đẻ ra chúng, và chúng thuộc quyền sở hữu của bạn. Bạn cho chúng ăn, cho chúng mặc, thế là bạn nghĩ bạn toàn quyền quyết định đối với đứa bé của bạn. Bạn đối xử với con bạn chẳng khác nào với nhân viên hoặc đối tác làm ăn của bạn. Bạn bỏ ra và thế bạn phải thu lại, chí ít là sự vâng lời từ chúng. Đấy là cách bạn yêu thương chúng. Đúng không?
Bạn nói bạn muốn tốt cho con bạn nhưng thế nào là tốt? Ngay cả bạn còn vật vã và khổ sở để học hỏi về điều đó kia mà.
Thật ra, niềm kiêu hãnh ở bạn là đang muốn cho cả thế giới biết rằng bạn đã nuôi dạy một đứa trẻ tuyệt vời đến thế nào. Bạn muốn đứa bé của bạn phải giỏi giang ngay từ nhỏ để khi lớn lên chúng trở thành người mà bạn ao ước trở thành, có như vậy bạn mới thấy cuộc sống có ý nghĩa. Bạn có đang sử dụng con bạn như một phương tiện để bạn đạt được mục đích sống của mình không? Bạn dành toàn bộ tinh lực của bản thân, đầu tư vào con bạn, bạn gọi nó là hy sinh. Nếu lỡ may đứa bé lớn lên không đáp ứng kỳ vọng của bạn, bạn trách mắng nó là đứa vô ơn, bất hiếu.
Bạn đang làm gì thế? Sao bạn nỡ tổn thương con bạn bằng hai từ hy sinh đó. Bạn hy sinh vì điều gì?
Đừng, đừng tìm cách trả lời câu hỏi này. Cho dù đó là hy sinh vì hạnh phúc của của con bạn đi nữa. Vì sao? Vì khi con bạn hạnh phúc, bạn cũng sẽ hạnh phúc. Đó là khát vọng chính đáng. Dẫu đáng nhưng bạn vẫn có điều kiện. Mà điều kiện chính là thứ bạn ràng buộc con cái mình. Bạn muốn chúng luôn là của bạn. Vì bạn tin rằng, bạn yêu chúng rồi chúng sẽ yêu lại bạn, một tình yêu có điều kiện. Mà tình yêu có điều kiện không phải là tình yêu. Nếu thật sự yêu thương con trẻ, bạn đã đặt chúng ở vị trí ngang bằng với mình. Bạn đã không để cái tôi của bạn xen vào câu chuyện tình yêu của bạn và con trẻ.
Nếu bạn hiểu rằng bạn sinh ra chúng nhưng không có nghĩa chúng thuộc quyền sở hữu của bạn, và những đấng sinh thành luôn dành những điều tốt đẹp bằng một tâm hồn không kỳ vọng, không điều kiện lên những sinh thể bé nhỏ mà Thượng Đế ban tặng cho bạn, thì bạn đã không căng thẳng và bế tắc trong việc giáo dục con mình đến vậy. Sự hy sinh mà bạn đang có, nó chỉ là cách gọi khác của một thương vụ đầu tư sinh lời mà thôi.
Nghe có vẻ tổn thương nhưng ngay cả với con bạn, bạn cũng không thật sự yêu thương chúng bằng một tình yêu của lòng khoan dung và không mong đợi. Sâu thẳm trong lòng bạn, bạn chỉ xem con bạn như một vật sở hữu chứ không phải là một sự hiện hữu.
Nếu bạn đối mặt với vấn đề này, một cách khiêm nhường, bạn sẽ nhận ra: Bạn cũng như con bạn, cùng tồn tại ở dạng vật chất đơn thuần, sự phân chia thứ bậc chỉ tồn tại trong tâm thức mỗi người. Nếu bạn không mang vác ảo tưởng từ bản ngã, bạn sẽ yêu thương con trẻ bằng tình yêu tự do tuyệt đối. Yêu trong tự do là tình yêu không điều kiện. Và để không áp đặt bất cứ điều kiện nào vào nhau, hai cá thể ấy đã nhận thức được mối tương qua giữa mình và đồng loại.
Bạn phải hiểu rất rõ về chính bạn, về bản thể của bạn trước khi bạn dùng hiểu biết đó mà soi chiếu đối phương. Bạn phải yêu chính bạn đủ nhiều, có thế bạn mới biết yêu người khác. Khi hai cá thể tự do, độc lập yêu nhau, hợp tác cùng nhau nuôi dạy một đứa trẻ, bạn cũng sẽ trao sự tự do ấy cho đứa bé đang hiện hữu thông qua cuộc phối ngẫu tuyệt vời này. Bạn sẽ biết ơn rằng linh hồn đứa bé ấy đã đồng ý làm con cái bạn chứ không chỉ mỗi đứa bé ấy được dạy rằng nó phải biết ơn vì bạn đã sinh ra nó.
Hãy cố hiểu điều này trước khi bạn yêu ai đó và phối ngẫu cùng họ. Chỉ như vậy bạn mới trả lời được rằng bạn có thật sự yêu thương con bạn hay không?
Thật may khi đang nghiền ngẫm vấn đề này, một cách ngẫu nhiên, tôi được biết đến cuốn sách “Cha mẹ đọc, con thành tài” của tác giả Nguyễn Phùng Phong – Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới, ít nhiều khiến tôi có thêm động lực để nghiên cứu sâu hơn về giải pháp giúp cha mẹ trở nên thấu hiểu con cái cũng như làm thế nào để bố mẹ có thể trao cho con mình một tình yêu thuần khiết ngập tràn những điều phúc lành hơn trong cuộc sống.
Nếu bạn thật sự trưởng thành, bạn đừng hời hợt trước lựa chọn của mình, khi duyên đến, đừng để ảo tưởng chi phối tình yêu và mối quan hệ thiêng liêng mà ta hay gọi là gia đình này.
Tác giả: Lê Duyên
Biên tập: SUYNGAM.VN