“Mày dạo này sao rồi, ổn không?”
“Em ổn”
“Ổn cứt. Nhìn mặt là tao biết đang vật vã rồi.”
“Em nói là em ổn.”
“Thế để dành được bao nhiêu rồi?”
“Chưa có ý định đó mà.”
“Thế thì ổn thế quái nào được đây?”
“Nhưng em thấy mình ổn.”
“Bỏ đi. Kiếm việc nào nhiều tiền, có tương lai mà làm.”
…
Trong toàn bộ những lần đối thoại với các thành viên gia đình mình. Tựu chung lại, nội dung cuộc đối thoại mà tôi nhận được đều như trên.
“Thế có đang hạnh phúc với công việc hiện tại không?” Với tôi, câu hỏi này là quá xa xỉ. Tôi chưa nhận được từ ai cả. Bởi không một ai đặt câu hỏi mà tự thân không có sẵn một câu trả lời theo cách của riêng họ.
Tôi cũng thắc mắc là sao tôi phải đợi ai đó hỏi mình? Sao tôi không tự thấy hạnh phúc? Đợi ai đó hỏi mình có đang hạnh phúc không, chẳng khác nào tôi đợi ai đó phải hài lòng với lựa chọn của mình. Dẫu cho tôi may mắn có ai hiểu được điều tôi đang làm nhưng nếu tôi không làm với một tâm hồn mãn nguyện thì đó cũng chỉ là cái cớ để tôi thanh minh cho những thiếu sót của mình.
Có thể lúc này đây, bạn muốn trở thành một nghệ sĩ lang thang nhưng gia đình sẽ hãnh diện hơn nếu bạn trở thành một chính trị gia, chí ít cũng là công chức nhà nước; bạn muốn trở thành game thủ, nhưng ba mẹ lại muốn bạn trở thành một bác sĩ… Mong muốn đối lập ấy khiến bạn cứ giằng co giữa hai lựa chọn.
Rủi ro cho quyết định hợp ý muốn của bạn là bạn không có ai để đỗ lỗi khi thất bại. Nếu không may cuộc sống khiến bạn rơi vào cảnh đói ăn, đói mặc, bạn mang một nỗi hổ thẹn khi quay về với gia đình. Tuy nhiên, bạn biết đấy, gia đình luôn sẵn sàng dang tay chào đón bạn. Nhưng hãy nhớ, cũng bởi vì tình thương yêu họ dành cho bạn là quá lớn, gia đình vẫn thôi thúc bạn làm điều mà họ cho là tốt lành. Chẳng đâu bằng nhà mình. Chẳng ai kiên nhẫn bằng cha mẹ và anh chị em của bạn cả. Và họ luôn có đủ sức thuyết phục để khiến bạn phải hành động theo mong muốn của họ.
Bạn phải đáp trả lại tình yêu mà gia đình đã dành cho mình, cách duy nhất là làm theo ý họ muốn. Nhưng đó không phải là vì bạn yêu họ thật sự. Bạn chỉ đang không muốn cảm giác tội lỗi đè nặng đấy thôi. Bạn không muốn bị xem là đứa ích kỷ. Bạn đang tô vẽ một hình mẫu của một người con ngoan ngoãn. Rồi khi bạn phải đối diện với tính vô nghĩa trong công việc đang làm, trong bạn lại nhói lên một ý muốn từ bỏ. Bạn không đủ can đảm từ bỏ, bạn lại quay ngược lại trách cứ người thân. Vòng lặp của sự từ bỏ và tiếp tục cứ thế luân phiên diễn biến trong suốt cuộc đời bạn. Cảm giác bất lực cứ tồn tại mãi. Nhưng nếu đủ yêu thương, bạn sẽ hiểu một điều, thế hệ của cha mẹ chúng ta thật ra cũng không nằm ngoài định kiến về cách hành xử vì mình và vì người. Họ cũng sinh ra đã được định sẵn bởi những kỳ vọng lớn lao từ xã hội.
Vậy nên, mọi thứ cứ tái diễn theo cách mà nó vốn là. Và bằng tất cả tình yêu, chúng ta không thể trông đợi bất cứ điều gì về nhau, mà chỉ có thể trông đợi vào chính bản thân mình.
Chúng ta đang sống để chuẩn bị cho một cuộc sống khác. Tất nhiên rồi, sống vì ngày mai không có gì là sai cả. Nhưng sống vì ngày mai lại khiến ta bỏ lỡ toàn bộ ngày hôm nay. Giây phút này, mới là giây phút ta tồn tại.
Vài phút trước, tức khoảnh khắc bạn nhấp vào bài viết này đã trôi qua, nó không tồn tại nữa. Khoảnh khắc bạn đọc dòng chữ này, dòng chữ tiếp theo mới tồn tại. Xa hơn nữa cũng chưa tồn tại. Tôi sẽ không biết tôi viết gì khi tôi không đang viết.
Làm sao bạn biết chắc khoảnh khắc kế tiếp chuyện gì sẽ xảy ra với bạn? Bạn có thể bị phân tâm bởi dòng tin nhắn mới, bạn có thể bỏ ngang bài viết này để quay lại với công việc còn dang dở; bạn có thể chào đón một người bạn không mời mà đến, hoặc bạn sẽ ngủ…ai mà biết. Không thể biết được. Làm sao biết chắc bạn sẽ làm gì khi bạn chưa làm gì?
Chỉ khi bạn quyết tâm đặt tay vào làm bạn mới biết mình đang làm gì. Trước đó, mọi lời nói đều là sáo rỗng. Và chỉ khi làm điều mà bạn thích, thật sự thích, bạn mới cảm giác như mình đang hiện hữu. Để thoải mái làm điều bạn thích, bạn phải hy sinh hình ảnh tròn trịa trong mắt người khác. Bạn phải độc lập trong mọi hành động. Tính độc lập thì luôn có hai mặt, nó sẽ làm bạn trông sáng láng và kiêu hãnh đồng thời cũng khiến bạn phải đối mặt với khả năng trở thành thấp kém. Phải thoải mái với cả hai, bạn mới hài lòng với lựa chọn của mình. Bản thân cảm giác hài lòng đã là một dạng hạnh phúc rồi. Và hạnh phúc cũng chính là bản chất đích thực của bạn. Bạn đã nhận ra điều đó chưa?
>>> Tat Tvam Asi: BẠN chính là NÓ – BẠN cũng chính là điều bạn đang tìm kiếm: https://bit.ly/38OCrTO
Tác giả: Lê Duyên
Biên tập: SUYNGAM.VN