anh-em-nha-karamazov

Anh em nhà Karamazov (Fyodor Dostoyevsky) – Thực trạng xã hội Nga những năm 70

Chắc các bạn mọt sách, nhất là các bạn cuồng tiểu thuyết không còn ai xa lạ với cuốn Tội ác và trừng phạt cùng cái tên Dostoyevsky. Nhưng lại ít ai biết đến Anh em nhà Karamazov mặc dù cũng được coi là cuốn nổi tiếng của tác giả ngang với Tội ác và trừng phạt. Thế mà tình cờ tôi mượn được cuốn Anh em nhà Karamazov trước cuốn Tội ác và trừng phạt đã đặt mua trước đó.

Một người bạn Cater của tôi nói rằng cuốn Anh em nhà Karamazov khó đọc hơn. Thật ra tôi cũng chưa đọc cuốn còn lại nên cũng không biết phải so sánh thế nào. Khi vừa bước vào tác phẩm. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy khó nhằn và thể loại này đối với tôi không được hấp dẫn, hiện đại lắm. Vì trước khi đọc cuốn Anh em nhà Karamazov tôi đọc những tiểu thuyết hiện đại của Dan Brown cùng với cuộc hành trình đầy kịch tính của Robert Langdon và những bí mật của thế giới vô cùng cuốn hút.

Tôi nghĩ có vẻ như văn học của communism và capitalism có sự khác biệt rất lớn hoặc do tôi đọc chưa đủ nhiều. Nhưng rõ ràng những tiểu thuyết tôi đọc về Châu Âu và Mỹ có vẻ có màu sắc sang trọng và sáng sủa hơn.

Câu chuyện Anh em nhà Karamazov kể về một ông bố lăng loàn, nát rượu và có tính vị kỷ. Ông tên Fyodor Karamazov có một con trai cả là Dmitri Karamazov đại diện cho kiểu nói thông thường là ác mồm ác miệng, có cái tâm đối lập muốn giết người nhưng vẫn còn tính người trong đấy. Dmitri Karamazov là kết quả của cuộc hôn nhân đầu tiên giữa vợ cả và ông già Fyodor. Sau đó ông già kết hôn với bà vợ thứ hai và có thêm Ivan một kẻ mở mồm ra là kết nối, là lời hay lẽ phải, là có thể dùng lời lẽ để biện minh một cách thông thái cho chính kiến của mình.

Tôi rất ấn tượng đoạn Ivan nói chuyện với người em Alyosha của mình về đức tin của anh với Chúa. Vì Alyosha là một thiên thần, anh theo nhà thờ, là một thầy tu. Ivan hỏi rằng Alyosha nghĩ sao về những đứa trẻ bị đày đọa bởi cha mẹ, bởi người đời, những người lớn thì có tội vì họ đã ăn trái cấm còn những đứa trẻ thì có tội tình gì? Lúc ấy có vẻ như Alyosha đã bị lung lay những ý nghĩ về Chúa hoặc là tôi mới chính là người bị thuyết phục bởi lời lẽ của Ivan. Ivan tinh khôn, xảo trá và là kẻ đại diện cho bản năng, cho phần con trong từ con người. Một tâm hồn độc ác mặc nhiên không hề ăn thịt như những con thú nhưng còn hơn loài dã thú. Khi Ivan thấy bố và anh Dmitri đánh nhau đến nỗi bố gần chết, Ivan vẫn thản nhiên và nói “rắn ăn rắn”. Chẳng có con vật nào ăn thịt cả bố mình nhưng Ivan là có, là đại diện cho dã tâm man rợ của con người.

Alyosha, một người đại diện cho thánh thiện, là một thiên thần, một vùng ánh sáng tỏa ra trong cả câu chuyện tăm tối này. Tôi thấy ai cũng khen gợi Alyosha vì đôi lúc anh chàng cũng có những dục vọng nhưng anh đều có thể hóa giải thành tình yêu. Nhưng những người thánh thiện này đẹp trong câu chuyện nhưng trong xã hội có vẻ không phổ biến và thực tế. Về phần tôi, tôi vẫn thích Dmitri hơn mặc dù anh không có những lý luận sắc bén, hiểu biết như Ivan hay đáng yêu như Alyosha nhưng anh là một kẻ với tư tưởng hơi mông lung nhưng vẫn còn lương tâm của con người.

Và nhân vật chính cuối cùng là đứa con hoang của ông bố là Xmerdiakov. Trong lần lăng loàn với một người con gái vất vưởng ngoài đường được cả làng yêu mến nhưng chỉ độc mặc một cái áo sơ mi. Đứa con hoang này được Fyodor Karamazov hết mực tin tưởng và là kẻ ở cho Fyodor và cũng chính là thủ phạm giết cha mình.

Tất cả những nhân vật này đều được đại diện cho những phẩm chất nhất định trong mỗi con người: Dục vọng, tà dâm, hám của, ích kỷ, ý nghĩ dơ bẩn, độc ác, đạo đức giả. Có lẽ chúng phản ánh chân thực về xã hội nước Nga thời đó. Tạo sao tôi lại nói cuốn tiểu thuyết này đậm đặc mùi vị của chủ nghĩa cộng sản? Vì tôi liên tưởng đến Chí Phèo của Việt Nam, dù Chí Phèo ở thời phong kiến tôi thấy bối cảnh giống nhau và có màu u tối như nhau. Phiên bản này nâng cấp hơn nhiều lần, nội tâm sâu sắc hơn nhưng nhìn chung vẫn là những vấn đề nhức nhối của xã hội thời xưa, những năm 70 của nước Nga.

Quay lại câu chuyện, câu chuyện là bối cảnh một gia đình nhưng trong vỏ bọc gia đình ấy lại đầy những rắc rối và chẳng hề có bóng dáng tình yêu ngoại trừ tình yêu nhân loại của Alyosha. Với nhiều nhân vật như thế nhưng tác giả lại rất kỹ lưỡng trong việc mô tả nội tâm và khắc họa rõ nét từng hình ảnh một cách chi tiết đến nỗi tôi lúc tôi bị rối trí và đọc đến rất xa rồi nhưng lại phải quay lại gần đầu để đọc lại nhằm hiểu rõ hơn vấn đề. Có những đoạn phải nói thật tôi không thể hiểu nổi và phải bỏ qua, có lẽ đó là những phần hay mà người ta kháo nhau. Nếu có dịp một ngày nào đó tôi sẽ đọc lại để hiểu rõ hơn.

Tôi vô cùng thích đoạn người đàn bà nói chuyện với cha Zoxima ở đoạn đầu về tình yêu nhân loại. Bà yêu nhân loại đến mức có thể bỏ cả đứa con tật nguyền của mình để phục dịch cho nhân loại. Nhưng bà vẫn đến với Cha để than phiền rằng bà căm ghét tình yêu ấy, vì bà thấy trong những người được trợ giúp kia sự vô ơn. Bà có một nỗi đau khổ vì điều ấy và nó làm tôi nhớ đến Catherina trong Suối nguồn, một cô gái chọn công việc thiện nguyện là việc chính trong cuộc đời cô nhưng khi cô ban phát tình yêu ấy cô lại càng trở thành một bà cô khó tính khó nết và căm ghét cuộc đời. Tôi ấn tượng với những người phụ nữ ấy bởi vì tôi cũng muốn trở thành một tình nguyện viên góp một phần nhỏ tất cả những gì mình có cho mọi người, những người không được đầy đủ ấm no như người khác. Nhưng tôi lại sợ mình trở thành người hệt như hai người phụ nữ tôi kể trên.

Bao quát lại câu chuyện, theo tôi, Anh em nhà Karamazov là một cuốn tiểu thuyết không thiên về sinh động, lôi cuốn, không phải cứ đọc lại càng muốn đọc mà đọc mãi không hiểu phải vô cùng kiên nhẫn để đọc đi đọc lại. Nhưng mỗi lời văn của ông đều bổ nghĩa cho toàn bộ câu chuyện, những câu chuyện nhỏ đan xen kết thành một câu chuyện lớn. Tất cả đều có ý nghĩa của riêng nó, nhưng những phần mô tả quá kỹ lưỡng thì tôi hay lướt qua một chút và có những phần cực kỳ khó hiểu thì tôi hẹn một ngày hơi xa để đọc lại.

Cuốn Anh em nhà Karamazov này sẽ hợp với những ai đã đọc nhiều sách nhất là về thể loại tâm linh, triết học vì tính triết lý trong tác phẩm rất cao. Còn những ai mới tìm hiểu về những điều tôi mới kể trên thì không nên đọc vì chính tôi cũng chỉ hiểu được cao nhất là 70% cuốn sách. Và theo cậu bạn Cater của tôi có lẽ nên đọc Tội ác và trừng phạt trước vì nó dễ hiểu hơn. Có rất nhiều phần chi tiết nhỏ tôi vô cùng tâm đắc nhưng nếu kể hết thì rườm rà và dài dòng nên tôi sẽ chỉ dừng ở đây, phần còn lại để các bạn có những cảm nhận riêng khi đọc tác phẩm.

Tác giả: Bà Năm
Biên tập:

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top