Một ai đó đã từng nói với mình rằng: “Tại những ngày ánh mặt trời rực rỡ chói chang nhất chúng tôi biết có nhiều thứ đã hoặc sẽ kết thúc. Sau này trên đường đời đông đúc, đứa hào quang sáng chói, đứa ảm đạm chán chường, cũng đừng quên rằng đã từng ngồi chung trong một giảng đường, từng cùng đau đầu vì một kì thi”. Có lẽ, những câu chuyện tuổi học trò, những kí ức tuổi hồn nhiên mới lớn sẽ luôn luôn là những mảnh ghép rực rỡ và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chúng ta. Tuổi thanh xuân thật đẹp, cũng thật ngắn ngủi và chứa đầy tiếc nuối mỗi khi ta ngoảnh đầu nhìn lại. Ở đó có bạn bè, có thầy cô, có tình yêu non nớt nhưng nhiều hơn vẫn là tình bạn trong sáng… Nếu có một cơ hội, bạn có bằng lòng quay trở về quãng thời gian ngây thơ nhất ấy một lần nữa hay không?
Cuốn sách mà mình sắp sửa giới thiệu với các bạn dưới đây có tên gọi là “Thằng quỷ nhỏ” – được viết bởi tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Chắc hẳn, cái tên Nguyễn Nhật Ánh đã chẳng còn xa lạ với nhiều bạn đọc yêu văn chương Việt Nam. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài tuổi mới lớn. Các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng, thậm chí nhiều câu chuyện đã được chuyển thể thành những bộ phim nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh có thể kể đến như: “Mắt Biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”,… và “Thằng quỷ nhỏ”.
Về cuốn “Thằng quỷ nhỏ“, tác phẩm được viết năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện gồm có 21 chương, đề là truyện dài, nhưng thực ra khi đọc xong, mình vẫn luôn cảm thấy không đủ, vẫn còn muốn đọc thêm nữa! Những câu từ trong chuyện mang đậm dấu ấn của con người miền Nam, đặc biệt là trong ngôn ngữ trò chuyện, vô cùng mộc mạc, bình dị và thân thuộc. Hầu hết các bìa truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều được in những hình ảnh với nét vẽ đơn giản mà tự nhiên, không hề cầu kỳ, mang lại cho người đọc cảm nhận gần gũi vô cùng!
Cuốn sách này mình được chị gái tặng vào dịp sinh nhật năm 2014, từ đó tới nay lâu lâu có thời gian mình vẫn đọc lại, dù đã ghi nhớ gần hết những tình tiết trong chuyện, song mình vẫn thấy thật thích thú khi được nhấm nháp từng ý nghĩa nhỏ nhặt trong câu chữ của Nguyễn Nhật Ánh. Ấn tượng đầu tiên của mình khi cầm vào cuốn sách này là cái tên nhan đề của truyện. “Thằng quỷ nhỏ” là ai? Đó là một cậu học sinh với cái tên khá nữ tính – Quỳnh. Cậu ấy mang hình dung có vẻ kỳ dị. Anh có hai vành tai to khác thường và cái mũi cũng to không kém. Cái mũi đã to lại còn đỏ ửng, mồ hôi lấm tấm…
Câu chuyện xoay quanh các nhân vật chính là Nga, Quỳnh và Khải,… Nga là một học sinh mới chuyển trường, ngay từ buổi học đầu tiên, cô đã được Hạnh – lớp trưởng thông báo về chỗ ngồi đặc biệt bên cạnh “thằng quỷ nhỏ”. Điều ấy không khỏi khiến Nga vừa lo lắng, vừa hồi hộp. Nhưng sự mong chờ của cô không được đáp lại bởi hôm ấy “thằng quỷ nhỏ” đã nghỉ học. Nga còn nhầm tưởng “thằng quỷ nhỏ” ấy là Luận – một cậu học sinh ranh ma, nghịch ngợm, nhưng hóa ra lại không phải. Cô càng tò mò tợn. Thế rồi ngày thứ hai đi học, cô đã gặp Quỳnh – thằng quỷ nhỏ bị đám bạn trêu chọc như chú hề ngay từ khi bước vào lớp. Sự xuất hiện của Nga không khỏi làm cho anh ngỡ ngàng, bởi anh vốn đã quen cô độc một mình trong góc lớp, nay lại có một bạn gái mới ngồi ngay sát bên cạnh. Tuy ngồi cùng bàn nhưng vẻ ngượng ngùng cùng đôi tai kì dị của Quỳnh khiến cả Nga và anh đều chả nói năng với nhau câu nào.
Cho tới một ngày, trên đường đi học về, tà áo dài trắng của Nga bị cuốn vào xe đạp, may là có Quỳnh kịp thời chạy tới giữ lấy xe, không thì cô đã ngã rồi. Cô vội cảm ơn anh rồi lại phóng xe đi, để mặc Quỳnh đứng thơ thẩn nhìn theo. Sau chuyện ấy, hai người có trò chuyện chút chút và cũng dần dần trở nên thân thiết hơn.
Đối với Nga, Quỳnh cảm thấy rất khác. Anh biết Nga coi anh như một người bạn ngay từ hôm đầu tiên gặp Nga, anh bắt gặp ánh mắt “ngỡ ngàng” có vẻ gì đó như trắc ẩn của Nga khi xem anh “trổ tài”. Chứ không giống như những người khác, họ xem anh như trò tiêu khiển. Anh giúp họ giải buồn hoặc thỏa mãn tính hiếu kỳ hoặc lấp đầy những giây phút nhàn rỗi. Những lúc ấy, họ cười với anh, họ vỗ tay, thậm chí hò reo tán thưởng anh nhưng chẳng bao giờ họ trò chuyện tử tế với anh. Khi những trò khỉ của anh chấm dứt, họ vội lảng đi chỗ khác như những khán giả nôn nóng về nhà. Họ nhanh chóng quên mất anh. Và anh, anh hiểu tất cả điều đó.
Hai người họ thân thiết chưa được bao lâu thì đã liên tục gặp phải những trò đùa ác ý của tụi Luận – đám bạn nam nghịch ngợm trong lớp. Cả hai đều ngượng ngùng tới nỗi tránh né nhau, chỉ biết cúi đầu chịu trận chứ đâu thể làm gì hơn. Cũng may, có một lần Khải đã đứng ra giúp đỡ Nga.
Khải là lớp phó trật tự của lớp, vừa hay lại là hàng xóm gần nhà mới của Nga. Trong lớp, ngoài Hạnh và Quỳnh, thi thoảng Nga cũng trò chuyện với Khải. Khải đã “để ý” Nga ngay từ khi Nga mới về. Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần nhìn Nga, bắt gặp ánh mắt long lanh của Nga, Khải bỗng thấy lòng mình man mác như vừa có một làn gió thổi qua. Nga biết điều ấy, nhưng Nga không thích Khải. Dù Khải rất thường xuyên sang nhà Nga ngồi chơi, còn tặng quà rồi mua vé xem ca nhạc cho chị em Nga, nhưng Nga vẫn không thích. Khải càng làm vậy, Nga lại càng tỏ thái độ hơn.
Rồi bỗng có một đợt, Luận bớt trêu chọc Nga và Quỳnh hẳn. Đó là vì vô tình cậu ta đã biết được hoàn cảnh khó khăn của nhà Quỳnh, trước giờ cậu cứ tưởng ai cũng nhàn rỗi, không phải lo nghĩ gì về cuộc sống như cậu, cậu bỗng thấy có lỗi, thấy thương cho người bạn học hay bị mình bắt nạt. Tuy nhiên đó chỉ là bí mật của hai người.
Một thời gian sau, nhờ có Ngoạn – em trai của mình, Nga cũng biết được nhà Quỳnh và tới chơi nhà anh những hai lần. Lần thứ nhất, cô đã hoàn toàn cảm thán trước thái độ mà những đứa trẻ xung quanh dành cho anh, dường như ở trong không gian của chính mình, Quỳnh đã bước ra khỏi chiếc vỏ ốc mà tỏa ra sự tự tin hiếm có. Còn lần thứ hai, cô tới khi anh không có nhà. Đây cũng là nguồn cơn của sự xa cách và tiếc nuối khôn nguôi sau này.
Lần thứ hai tới nhà Quỳnh, anh không có nhà. Nga đi dạo quanh quanh rồi vô tình dừng lại trước bàn học của anh. Cô bàng hoàng phát hiện ra cuốn tập ghi chép những vần thơ của Quỳnh, bàng hoàng nhận ra anh yêu cô. Một tình yêu thầm lặng, thảo nào anh lại quan tâm cô nhiều đến thế.
Đối mặt với tình cảm ấy, Nga chẳng biết phải làm sao. Cô vốn luôn chỉ coi cả Quỳnh và Khải là bạn. Có điều, Khải là một người bạn khó ưa, còn Quỳnh là một người bạn dễ mến. Cô đành chọn cách tránh mặt Quỳnh, Nga không biết sẽ phải tiếp nhận hay từ chối tình cảm của anh ra sao nữa.
Đương nhiên, Quỳnh cũng nhận ra điều ấy. Đúng, Nga chỉ coi anh là bạn. Và anh cũng chẳng mong mỏi gì hơn. Có một người bạn quý mến và chân thành, đối với Quỳnh, đó là một niềm vui sướng tột cùng. Còn nếu như anh có yêu Nga thì đó là chuyện của riêng anh. Anh ấp ủ và nuôi dưỡng nó một mình dù biết sẽ chẳng đi tới đâu…
Những ngày sau đó với Quỳnh là một chuỗi ngày thật nặng nề. Năm học sắp kết thúc mà người bạn gái duy nhất của anh chừng như mỗi ngày một vuột khỏi cuộc đời anh.
Và rồi, một tia sét đánh ngang trời, tai họa ập đến với Quỳnh. Mẹ anh bị ngã tới liệt cả người. Anh cũng ông chú đưa mẹ về quê để cùng các dì chăm sóc. Không một lời từ biệt với Nga. Một hôm tình cờ gặp Luận, Nga mới biết những gì xảy ra với Quỳnh, biết cả hoàn cảnh gia đình của anh mà trước nay cô chả để tâm tới. Câu chuyện Luận kể làm Nga thẫn thờ, hóa ra Nga chẳng bằng Luận.
Bị Nga phớt lờ như thế mà trước khi đi xa, Quỳnh vẫn gửi lại cho Nga một món quà, đó là lời hứa của anh. Nga sẽ giữ nó, giữ thật kỹ để làm kỉ niệm…
Ôi, một cái kết thật quá buồn! Quỳnh hẳn sẽ mãi nhớ về Nga, như một người bạn gái anh đã thầm yêu thương, chăm sóc. Còn Nga cũng sẽ nhớ về Quỳnh, như một người bạn dễ mến! Tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã thật khéo léo bộc lộ cho bạn đọc thấy được cả những suy nghĩ nội tâm bên trong của các nhân vật, cho ta cảm nhận rõ nét về niềm vui, về nỗi buồn, về cái khổ mà họ phải trải qua. Câu chuyện không chỉ có tình yêu tuổi mới lớn, mà còn có cả tình bạn, tình người, cả những suy ngẫm sâu xa, tái hiện rất chân thực những suy nghĩ hành động của lứa tuổi học sinh mới lớn, đứa thì ngây ngô hồn nhiên, đứa lại phải trưởng thành để lo toan cuộc sống… Thật không khỏi làm con người ta cảm động!
Một số trích dẫn hay trong truyện
“Chuông reo, cả lớp xếp hàng. Nga bước ra khỏi lớp và trước khi đứng vào hàng sau lưng Hạnh, nó khẽ đưa mắt nhìn lướt qua đám con trai đang xếp hàng kế bên, kín đáo dò xem nhân vật nào là thằng quỷ nhỏ, nhưng nó không thể đoán định được. Những khuôn mặt vui nhộn và rạng rỡ kia chẳng có gì khả nghi. Hay “hắn” mang biệt danh đó do “hắn” phá phách không ai chịu nổi? Nga thầm nghĩ và lại liếc sang dãy con trai, tò mò quan sát. “
“Ở trang 18, Nga tìm thấy phần nói về ý nghĩa của các loài hoa. Trong đó, người ta nói hoa thạch thảo tượng trưng cho sự lưu luyến lúc chia tay…
Như vậy, hẳn là Quỳnh muốn nói với Nga là dù xa Nga, dù Nga có đối xử với Quỳnh như thế nào chăng nữa, lúc nào Quỳnh cũng nhớ tới Nga, lúc nào cũng nhớ. Còn lúc này, ở nơi xa xôi, Quỳnh đâu có biết rằng giữa Nga và Quỳnh, không phải chỉ có một mình Quỳnh biết nhớ…”
Lời kết
Tóm lại, đây là một câu chuyện thật nhẹ nhàng nhưng cũng thật thân thuộc và để lại nhiều xúc cảm phải không? Mời các bạn cũng tìm đọc cuốn “Thằng quỷ nhỏ” cũng như các tác phẩm quen thuộc khác của tác giả Nguyễn Nhật Ánh nhé!
Review chi tiết bởi Bùi Ngọc