Để bắt đầu việc chụp ảnh trên phông nền trắng, bạn sẽ cần một vài thứ cho phòng chụp của mình.
Đèn nền: Ít nhất hai đèn chớp có thể thay đổi công suất với chụp đèn cỡ lớn để làm đèn nền. Ba hoặc bốn cái là phù hợp với không gian hầu hết phòng chụp và sẽ làm cho công việc của bạn dễ dàng hơn. Chụp đèn dạng thùng (softboxes – bên trái) nên được ưu tiên sử dụng bởi ánh sáng tỏa ra đồng đều hơn chụp đèn dạng ô (umbrella – bên phải).
Phông nền sáng màu: Một cái. Màu trắng là tốt nhất, nhưng kỹ thuật này vẫn sẽ dễ dàng triển khai với bất cứ thứ gì có màu từ trắng cho đến xám nhạt. Dù vậy, để tránh các biến đổi màu sắc không đáng có, hãy luôn sử dụng màu trắng để làm phông nền khi có thể.
Không gian: Bạn sẽ cần có đủ chỗ giữa chủ thể của bạn và hậu cảnh để giúp chống tràn ánh sáng từ đèn nền chiếu vào đối tượng của bạn. Đối với ảnh chân dung, thường bạn sẽ cần từ ba đến năm mét cho khoảng cách từ bạn đến từ đối tượng. Đối với các đối tượng nhỏ hơn, không gian là vấn đề ít quan trọng hơn nhiều.
Đồng hồ đo ánh sáng: Một cái. Đây là một tùy chọn, nhưng nó làm cho công việc dễ dàng hơn.
Bước một: Chọn khẩu độ phù hợp
Trước khi bạn làm bất cứ điều gì với đèn hoặc đối tượng của bạn, bạn cần thiết lập khẩu độ máy ảnh phù hợp bởi nó là cơ sở cho các yếu tố khác trong quá trình này. Bạn có thể chọn bất kì giá trị nào bạn thích nhưng các thiết lập từ f/8 đến f/4 là những lựa chọn cho tốt cho hầu hết trường hợp (f/5,6 là khẩu độ được dùng trong trường hợp này). Hạn chế thực sự duy nhất ở đây là cường độ đèn nền mà bạn đang sử dụng trong phòng chụp chân dung.
Nếu bạn chọn khẩu độ f/11, đèn nền của bạn sẽ cần được đặt sáng hơn ít nhất hai stops, sẽ là f/22. Bạn có thể đạt được điều đó với đèn chớp lớn công suất thấp. Trong trường hợp khác, bạn sẽ phải chọn khẩu độ lớn hơn cho hình ảnh cuối cùng của mình.
Bước hai: Làm sáng phông nền hình ảnh
Khi làm sáng phông nền của bạn, hãy dành thời gian để đảm bảo rằng nó được chiếu sáng đều, bởi điều này sẽ đảm bảo không có tông màu tối hơn len vào các cạnh và góc làm mất màu trắng đồng nhất trong phông nền của bạn.
Khi bạn biết khẩu độ của mình, bước tiếp theo là thiết lập (các) đèn nền của bạn. Bạn nên sử dụng các công cụ chuyển hướng ánh sáng như chụp đèn cỡ lớn. Điều này sẽ giúp ngăn chặn ánh sáng tràn vào nơi bạn không muốn. Nó cũng sẽ giúp đảm bảo rằng nền được chiếu sáng đều từ trên xuống dưới, ngăn chặn mọi sự không nhất quán khi phơi sáng trong các hình ảnh cuối cùng của bạn.
Bạn cần đặt đèn của bạn ở hai bên phông nền của bạn, tạo với phông nền một góc 45 độ và cố gắng giữ chúng ở vị trí cố định để có được không gian ánh sáng ổn định tối đa.
Bước ba: Đặt mức phơi sáng cho đèn nền của bạn
Cách dễ nhất để xác định độ phơi sáng cho nền của bạn là sử dụng đồng hồ đo ánh sáng. Hãy chắc rằng không chỉ ở trung tâm mà còn cả ở trên cùng và dưới cùng vẫn đủ sáng. Đừng lo lắng nếu bạn không có, bạn vẫn có thể tinh chỉnh lúc hậu kì để đảm bảo nó không bị cháy sáng.
Khi tất cả các đèn đã được cố định, công việc của bạn lúc này là bật công tắc để máy ảnh ghi lại màu trắng tinh khiết của phông nền. Thông thường, phông nền của bạn cần sáng hơn ít nhất hai hoặc ba stops so với đối tượng. Và với khẩu độ f/5.6 trong trường hợp này, đèn nền phải có độ phơi sáng ít hơn ba stops so với khi sử dụng f/16 làm khẩu độ chụp ảnh
Bước bốn: Đưa đối tượng vào vị trí để kiểm tra
Ở bên trái, đối tượng quá gần phông nền làm cho ánh sáng bao quanh lấy cô và chiếu sáng mặt trước của đối tượng. Bên phải là đối tượng quá gần đèn, đối tượng được hiển thị như một hình bóng.
Để tìm ra nơi mà đối tượng của bạn cần đứng hoặc được đặt, hãy đặt chúng ở phía trước hậu cảnh và chụp thử chỉ với đèn nền. Nếu chúng đủ xa, đối tượng sẽ ở trong hình bóng hoàn hảo, và sẽ không có ánh sáng chiếu vào chúng hoặc quấn quanh chúng theo bất kỳ cách nào.
Khi có ánh sáng chiếu vào đối tượng của bạn, chỉ cần di chuyển chúng ra xa khỏi phông nền cho đến khi bạn đạt được hình bóng hoàn hảo đó. Nếu bạn phơi sáng đúng, sẽ không có chi tiết thừa hoặc thiếu sáng nào ở cả trong phông nền lẫn đối tượng của bạn.
Lý do là vì sự phản xạ ánh sáng của phông nền khiến nó có tác dụng như một nguồn sáng mạnh. Ánh sáng từ phông nền lúc này sẽ giảm dần theo luật bình phương nghịch đảo (inverse square law). Những gì bạn đang làm là đặt đối tượng ở nơi mà mức độ ánh sáng giảm đủ để không làm nhòe đối tượng của bạn ở khẩu độ mong muốn.
Bước bốn (phần 2): Bao bọc đèn nền của bạn
Để đảm bảo ánh sáng sẽ không đến nơi bạn không muốn, hãy bao bọc đèn nền của bạn. Lý do là trên thực tế, bạn có thể không đạt được hình bóng hoàn hảo cho đối tượng của mình do không có đủ không gian để làm việc hoặc phổ biến hơn là do công cụ chuyển hướng làm ánh sáng tỏa ra quá rộng. Và bao bọc đèn nền của bạn là một cách để chống lại điều này.
Bao bọc đèn nền đơn giản là chặn ánh sáng từ nơi bạn không muốn. Bạn có thể làm điều này theo bất kỳ cách nào bạn muốn. Màn chữ V và rèm cửa màu đen phủ kín từ trần đến sàn (như trong hình ảnh) là cách rẻ tiền và hiệu quả để làm giảm ánh sáng thừa phản xạ từ đèn khi chiếu lên phông nền của bạn.
Bước năm: Đặt nguồn sáng chính
Bây giờ phông nền của bạn đã được thắp sáng và bạn biết đối tượng của bạn cần ở đâu, tất cả những gì bạn phải làm lúc này là đặt nguồn sáng chính theo bất kỳ cách nào bạn muốn và đặt công suất tương ứng với khẩu độ mong muốn của bạn. (f/5,6 như thiết lập ở đây)
Không giống như đèn nền, bạn không phải lo lắng về bất kỳ ánh sáng dư thừa nào từ nguồn sáng chính của bạn. Bởi vì bạn ở rất xa phông nền và cường độ ánh sáng từ đèn chính thấp hơn nhiều đèn nền, nên nó sẽ ít ảnh hưởng đến độ phơi sáng cuối cùng của phông nền. Tuy nhiên, hãy chú ý đến ánh sáng đi từ các mặt bên ví dụ một bức tường trắng gần đó hoặc một bề mặt sáng màu khác bởi các bề mặt này sẽ đóng vai trò như một gương phản chiếu làm tăng cường độ sáng một số điểm trong hình ảnh của bạn.
Bước sáu: Bổ sung thêm đèn (tùy chọn)
Trong nhiều trường hợp, do góc chiếu của đèn chính mà có những phần trên bề mặt của đối tượng không được chiếu sáng. Để giảm tác động của hiện tượng đổ bóng này, bạn có thể sử dụng thêm các nguồn sáng bổ sung. Bạn có thể sử dụng một nguồn sáng khác nếu muốn, hoặc một gương phản chiếu như trong bức hình trên. Và để không làm xuất hiện thêm vùng tối mới ở bên đối diện, nguồn sáng bổ sung này phải có công suất thấp ít nhất một stop so với nguồn sáng chính của bạn.
Bước bảy: Kiểm tra độ phơi sáng cuối cùng của bạn
Đây là lúc để bạn chụp thử ở khẩu độ mong muốn. Nếu đèn chính và đèn bổ sung ở đúng vị trí mong muốn, bạn sẽ thu được một bức ảnh với độ phơi sáng hoàn hảo. Khi việc căn chỉnh các thiết lập hoàn thành, công việc của bạn là bấm máy và bạn sẽ có một hình ảnh chân dung trên nền trắng tuyệt vời.