Mình không phải một người theo Đạo Thiên Chúa, nhưng một phần nào đó bên trong mình say mê với Kinh Thánh. Những ẩn dụ luôn lôi cuốn sự tò mò khám phá của mình. Cách đây tầm 5-6 năm, rất khó khăn cho mình để tìm được một cuốn Kinh, khi mình còn sống ở vùng quê ngoài Bắc. Ngày đó may mắn lắm mới có một người theo Đạo cho mình một cuốn Tân Ước cũ kích cỡ khoảng bằng bàn tay đã bị mối mọt đục khoét và mực in đã nhòe. Mình vô cùng biết ơn và ráng đọc những gì còn đọc được. Mãi sau này khi tới Đà Lạt, cả hai cuốn Tân Ước và Cựu Ước mới tinh đã đến với mình thật dễ dàng.
Theo thời gian, mình cứ đọc sách khi có cơ hội. Thỉnh thoảng khi viết các bài viết khác nhau hay quan sát cuộc sống, mình lại nhớ về một câu trích dẫn nào đó liên quan. Những lúc như vậy, mình được hiểu nó theo một góc độ mới và càng thấy bị cuốn hút hơn với những thông điệp này.
Rõ ràng rằng hai cuốn Kinh thì rất nhiều những lời răn dạy và nhắn nhủ. Nhưng bản thân mình cho tới thời điểm này thì mới trải nghiệm được một vài câu ít ỏi. Dù vậy, chúng cũng mang đến những thay đổi tuyệt vời cho cuộc sống của mình.
Những gì mình sắp chia sẻ dưới đây chỉ là những chiêm nghiệm và góc nhìn cá nhân. Mình tin rằng những câu nói này còn có thể được nhận ra trong nhiều bối cảnh khác nữa, tùy vào con mắt của mỗi người.
1. “Của Xê -da, trả cho Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22:21)
Đây là câu mà Chúa Jesus đã đáp lại những người Pha-ri-sêu muốn gài bẫy Ngài khi họ hỏi Ngài rằng chúng ta có nên nộp thuế cho Xê-da không.
Mình thấy câu nói này của Chúa Jesus tạo ra hiệu ứng giống như câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã“, “Gió tầng nào gặp mây tầng đó”, “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.”
Khi thấy như vậy, mình áp dụng lời này của Chúa bằng cách không chống đối lại những khó khăn, đau khổ hay nghịch cảnh, mà coi như mọi chuyện phải thuộc về nơi nó xứng đáng thuộc về. Cuộc sống chỉ đang tự phân loại sắp xếp mọi thứ về đúng vị trí của nó, và đôi khi việc sắp xếp ấy không mang đến cảm giác dễ chịu. Nhưng điều này là cần thiết và công bằng.
Nếu nỗi sợ hãi, tâm lý thiếu thốn và đòi hỏi thuộc về một người, chúng và những điều tương tự sẽ được “trả cho” người ấy, như những đồng tiền của Xê-da được trả về cho Xê-da. Còn nếu tình yêu, sự bình yên và niềm vui thuộc về một người, chúng và những điều tương tự cũng tự nhiên tìm về với người ấy, như những gì của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa.
2. “Kẻ nào đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, kẻ nào đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (Mark 10:31)
Ban đầu, mình thấy câu nói này đang nhắc nhở một bài học về sự khiêm nhường. Khi gặp chuyện khó khổ thì chúng ta cứ lắng xuống là được nâng đỡ đi qua, còn cứ cố chống cự chiến đấu thì ta lại càng bị cuộc đời vùi xuống.
Sau này, mình mới có cơ hội hiểu câu nói theo một ý nghĩa nữa rằng trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta biết nâng niu trân trọng những điều nhỏ bé giản đơn (đứng chót), thì sẽ thấy mọi thứ hiện ra trọn vẹn và đủ đầy (lên hàng đầu). Còn nếu ta chỉ đòi hỏi những chuyện to tát, những thành công kết quả (đứng đầu) mà quên đi việc tận hưởng những bước đi của tiến trình, thì sẽ chỉ thấy mệt nhọc, nóng nảy và luôn bất mãn với mọi thứ (xuống hàng chót).
Ví dụ trong các mối quan hệ, ta càng muốn người khác chú ý thì họ càng lánh xa. Còn ta vui vẻ không đòi hỏi sự chú ý của họ thì họ lại tự nhiên tìm tới. Trong công việc, ta càng ít kỳ vọng thì càng dễ làm tốt mọi thứ. Còn càng mơ mộng đòi hỏi đạt được điều này điều kia thì càng bị áp lực đè nặng và không làm được gì trọn vẹn.
3. “Làm một tay mà được nhàn hạ, còn hơn làm vất vả làm cả hai tay công việc của giã tràng xe cát.” (Giảng viên, 4:6)
Về câu nói này thì mình đã được trải nghiệm nó theo đúng nghĩa đen, câu ngay trước đó là “Kẻ ngu si thì tay quai miệng trễ”.
Cụ thể là trong một ngày nọ, mình đã phải làm việc bằng tay phải, vì tay trái của mình bị bong gân hay giãn dây chằng gì đó do buổi sáng lúc vừa thức dậy mình cử động hơi đột ngột. Trong khoảng thời gian chờ đợi bình phục, mình không dám động thêm vào cái tay, để yên cho nó nghỉ ngơi.
Lúc đầu mình tưởng rằng đây là một sự bất tiện nhưng hóa ra lại là một ân huệ. Khi làm mọi thứ bằng một tay, mình buộc phải làm chậm hơn và nhẹ nhàng từ tốn hơn thì mới được. Với cả, mình cũng rút kinh nghiệm từ cái tay đau nên cũng không dám để cái tay còn lại phải chịu chung số phận.
Từ trải nghiệm hôm đó, mình mới hiểu ra rằng việc gì cần làm thì cứ từ từ mà làm, không cần phải vội vàng hay ôm đồm nhiều thứ cùng một lúc. Như vậy chỉ chuốc thêm cực nhọc mà kết quả cuối cùng vẫn không khác là bao.
Mở rộng hơn thì mình hiểu câu nói này rằng chúng ta không nên tính toán lo nghĩ những chuyện không đâu (làm hai tay), mà chỉ cần sống vui vẻ hài lòng với hiện tại (làm một tay) là được. Ta cũng không nên đòi hỏi kiểm soát mọi việc theo ý mình, mà cứ chấp nhận và nương theo những gì đang có là được. Việc gì nặng nề thì chia nhỏ, việc gì phức tạp thì từ từ giải quyết, còn việc gì quá tầm tay thì phó thác cho cuộc sống dẫn dắt. Như vậy tất cả sẽ được ổn thỏa.
4. “Phúc cho ai không thấy mà tin.” (John 20:29)
Bình thường đa phần chúng ta muốn nhìn thấy lợi ích, hay kết quả trước rồi mới dám mở lòng, hay mới bắt tay vào làm một việc gì đó. Nhưng có một câu hỏi đặt ra rằng, nếu chúng ta làm ngược lại thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tức là mở lòng trước xem điều gì sẽ tràn vào? Bắt tay làm trước xem kết quả nào sẽ tới?
Thực tế là sau một thời gian mình luyện tập thư giãn và thả lỏng, thì cảm giác hỷ lạc dần dâng lên bên trong lòng. Tới một ngày, nó trở nên rất rõ ràng. Lúc đó, mình đã không biết phải gọi nó là gì, một ân sủng hay một hạnh phúc? Mình chợt nhận ra rằng không phải khi gặp chuyện khó khăn thì chúng ta mới nên thả lỏng và mở lòng để có thể đi qua. Việc đó có thể làm và nên làm vào mọi khoảnh khắc có thể. Vì bất kỳ khi nào ta mở lòng, ân phúc vẫn đang chờ đợi ở đó sẽ tràn vào.
Hay một ví dụ khác là mình bắt đầu ngồi viết (cụ thể là bài viết này) mà không cần biết trước nó sẽ được sắp xếp ra sao, độ dài bằng nào, thời gian viết trong bao lâu… Mình chỉ thấy muốn chia sẻ nên cứ ngồi xuống viết. Vậy mà vừa viết mình vừa thấy bình an, trôi chảy và trọn vẹn những gì trong lòng muốn nói. Với mình, trải nghiệm như thế này đã là thành công.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa