Tôi bay đi đây đó, châu Âu châu Á gần xa, và ngắm nhìn những người đi du lịch khi lên máy bay mang theo bên mình những gì. Mỗi đất nước một tác phong du lịch riêng, hay dở đều có. Người dân châu Âu chuyên đi đây đó khác người Nhật chăm đi du lịch. Tuy nhiên, họ có chung một vài thứ luôn kề sát bên mình mỗi khi dịch chuyển. Có thể, đây chỉ là những điểm nhỏ nhặt thôi, nhưng nếu bạn để ý và tạo cho mình những thói quen ấy, tôi đảm bảo chuyến đi của bạn sẽ thành công hơn rất nhiều.
Một cái bút
Bất kì ai có sở thích dịch chuyển đều không bao giờ quên vật dụng cỏn con tưởng chừng như vô nghĩa này. Tôi cá là chúng ta rất nhiều người không có thói quen mang bên mình một vài cây bút khi đi du lịch. Cá nhân tôi nghĩ, người Nhật người nước ngoài họ đi nước ngoài nhiều dễ như đi chợ, chứ không gian nan khó khăn như chúng ta, nên họ biết là họ cần một cái bút. Để làm gì? Viết nhật kí viết thiếp để sau. Bút để làm một việc thiết thực và cần kíp hơn mỗi khi bạn bay đến Hồng Kông hay Siêm Riệp hay Nhật Bản hay vô vàn các điểm đến khác: hoàn thành tờ khai xuất nhập cảnh. Khi được phát tờ khai này, và bạn cầm theo một cái bút, bạn sẽ không phải tần ngần ngại ngùng đi mượn bút. Bạn có thể khai ngay tờ phom, và không phải lề rề “để dành” đến khi “có hứng” mượn bút thì mới thực hiện. Tất nhiên, nếu sĩ diện và ngại “va chạm”, bạn có thể khai tờ xuất nhập cảnh khi máy bay hạ cánh ở nước sở tại, tại phòng xuất nhập cảnh. Sau khi khai xong tờ giấy, bạn có thể… tha thẩn xếp hàng sau một hàng dài miên man những người có bút. Đi du lịch, 5-10 phút sớm hơn cũng đủ để bạn không lỡ một chuyến xe bus, hay tránh giờ cao điểm ùn tắc xe cộ.
Một cái áo ấm
…Ngay cả khi bạn bay đi Đà Nẵng hay Nha Trang rực nắng và gió. Nhiệt độ nơi bạn đến có thể trên 40’C không có nghĩa là trên máy bay bạn cũng nóng như vậy. Nếu để ý, bạn sẽ thấy dân xứ lạnh xứ tuyết khi sang bên ta du lịch, giữa hè đổ lửa, họ vẫn luôn mang bên mình một chiếc áo chống lạnh. Và tôi thích tác phong chủ động ấy. Không phải mọi hãng hàng không đều có chăn trên tất cả các chuyến bay để một quý ông e ấp cuộn tròn như mèo con, nhất là khi bạn đi các hãng hàng không giá rẻ. Vậy nên một cái áo sẽ không thừa, ít nhất là khi người bạn đồng hành của bạn lạnh, và bạn là tuýp đàn ông chu đáo có sẵn một chiếc áo để ủ ấm cô ấy.
Một cái ô
Nghe đúng là hơi… lẩn thẩn. Nhưng thói quen này tôi học được của người Nhật. Tôi biết, bạn cho đây đúng là cẩn thận kiểu người già phải không? Kinh nghiệm của tôi khi bay với Air Asia đến Kualu Lumpur, máy bay đỗ ngoài sân bãi, phải đi bộ một đoạn xa. Sẽ chẳng cần cái ô cái dù nào cả, nếu hôm đó trời xanh ngăn ngắt nắng. Oái oăm thay, lúc máy bay đáp cũng là lúc mưa về. Không thể cứ ngồi mãi trên máy bay mà đợi trời nắng, cũng không thể đòi hỏi hãng hàng không cầm ô che mưa cho từng hành khách. Thiếu cái vật dụng nhỏ nhoi ấy, tôi chấp nhận bắt đầu một chuyến đi “ướt át” rất khó chịu. Tôi nghĩ, một chiếc ô gấp gọn không nặng hay tốn diện tích hơn chiếc tablet bạn mang theo, nhất là khi bạn du lịch quanh các nước nhiệt đới, vốn có đặc điểm dễ nhận thấy là mưa nắng bất ngờ.
Một vài loại thuốc
Cái này là kinh nghiệm của riêng tôi, một người Việt chính hiệu. Thuốc cảm sốt và thuốc tiêu hóa là hai loại thuốc luôn có trong va ly tôi mỗi khi đi làm hay đi du lịch. Bụng tôi ăn gì cũng được, đồ sống đồ chín đồ nóng hay lạnh đều ổn, miễn là… sạch, chuẩn và hợp vệ sinh. Tính tôi lại phàm ăn, đi đâu có gì ngon là chả kiêng nể gì, cứ ăn thả cửa. Một lần ở Phuket, nhóm tôi lê la mua cocktail đổ vào cốc nhựa cầm theo uống rồi ăn đủ mọi món quà vặt lề đường: Sầu riêng, mề nướng, gà nướng, gan nướng… Cuối ngày không ai bị sao, riêng tôi ngất ngây nôn ra nước gì đen xì, rất đáng sợ. Tìm hiệu thuốc ở nước ngoài không đơn giản như ở nhà và không phải ở đâu người ta cũng hiểu tiếng Anh. Không còn cách nào khác, tôi chấp nhận detox tẩy độc theo cách bản năng nhất: nôn thốc nôn tháo cả đêm cho ra hết đống nước đen hãi hùng.
Một vài nụ cười
Cơ bản nhất, giản đơn nhất, không mất tiền, và vô giá. Nụ cười lời chào từ lúc bạn bắt đầu cuộc hành trình cho đến khi bạn không còn bất kì cuộc hành trình nào. Tôi đi quanh quẩn đây đó, và quan sát thấy người Việt mình hơi lạ. Truyền thống hàng quán ăn sâu vào máu thịt tâm khảm mọi người Bắc Trung Nam. Đi đâu cũng thấy không để xuể hàng nước thuốc lào khắp mọi đường lớn ngõ nhỏ. Vậy mà không hiểu sao, chúng ta lại quá kiệm nụ cười lời chào lời cảm ơn xin lỗi. Bạn không chỉ cần cười nói với những người bạn quen. Bạn có thể mỉm cười với người tiếp viên hàng không đứng ở cửa máy bay nói lời chào bạn thay vì dửng dưng coi như đấy là điều tất nhiên người ta cần phải lịch sự với bạn. Bạn có thể nói cảm ơn với người khách chưa kịp ngồi yên vị đã vội vã đứng lên bước ra ngoài lối đi để bạn có thể thuận tiện di chuyển vào ghế ngồi phía trong thay vì phong cách “chất lạnh” bất cần chen ngang người ta xông thẳng vào ghế ngồi. Đại loại thế, hay nói một cách sến sẩm, cứ mỉm cười với cả thể giới, và bạn sẽ nhận được cả một thế giới nụ cười. Tôi có tranh luận với một vài “người lớn” về thói quen cảm ơn xin lỗi, bị họ “kết tội” là tôi hình thức và vọng ngoại, đúng kiểu “bọn tây”, cứ ngoạc mồm ra cười, quá giả tạo, rồi lại hơi tí là cảm ơn xin lỗi, nghe rợn cả người cứ như phạm tội lớn lao mắc nợ tày đình. Tôi không tranh cãi, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm tích cực về nụ cười của mình. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Không chỉ trong mỗi chuyến đi của bạn, mà còn trong suốt cuộc hành trình dài của tất cả chúng ta. Hãy cứ tạo ấn tượng ban đầu thật tốt, chỉ bằng nụ cười và lời chào, bạn sẽ nhận ra mọi thứ sau đó sẽ diễn ra suôn sẻ bớt chông gai đi rất nhiều.
Tôi đã liệt kê đầy đủ 5 thứ không thể thiếu mỗi khi dịch chuyển. Bạn có muốn bổ sung thêm, hay giản lược đi thứ gì không? Tôi luôn thích lắng nghe, và quan sát.