Tính tới thời điểm hiện tại, mình tới Đà Lạt sống cũng được gần 2 năm. Trong thời gian này, mình để ý thấy một điều rằng mọi người hiểu lầm rất nhiều về đời sống ở Đà Lạt và về hạnh phúc mà một cá nhân có thể đạt được. Mọi người thường nghĩ rằng ở Đà Lạt thì thích thật, nơi này chẳng khác gì thiên đường, cây cối hoa lá chim muông khắp mọi nơi. Còn bầu không khí thì thật trong lành, tách biệt với ồn ào khói bụi của đô thị. Cách đây không lâu, có một người bạn kia đã từng hỏi mình rằng Hòa sống ở Đà Lạt thì chắc tách biệt khổ đau và tiêu cực lắm hả. Mình hiểu ý bạn ấy đang muốn nói. Nhưng câu trả lời lại không như những gì bạn ấy từng nghĩ. Đó là mình sống tại xứ mộng mơ thì cũng vẫn phải đối mặt với những đặc thù khó khăn riêng của bản thân, đối mặt với những góc khuất và điểm yếu bên trong đang được hoàn cảnh hé hộ. Như ông bà ta đã có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.” Hầu như những gì mọi người nhìn thấy tốt đẹp ở người khác luôn chỉ là phần bề nổi, chúng chỉ là một nửa câu chuyện. Nếu ta không được biết nửa còn lại của câu chuyện ấy thì sẽ dễ mang góc nhìn màu hồng ảo tưởng về cuộc đời. Vì có một thực tế là ẩn sau một tâm hồn lạc quan là những vết sẹo, ẩn sau một lối sống tự do là trách nhiệm cá nhân, ẩn sau sự thành công là những thử nghiệm thất bại và ẩn đằng sau ngôi nhà ở nơi “thiên đàng” là những cái giá mà một người (sẵn sàng) phải trả.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: Vậy lên núi sống, xuống biển đánh bắt cá tôm, hay về quê nuôi gà trồng rau thì liệu có được bình an hay không? Câu trả lời là Có và Không.
Có là vì môi trường sống xung quanh có năng lượng tích cực thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến con người ở trong đó. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Rừng núi, biển cả, thôn quê, môi trường của thiên nhiên khiến con người được tận hưởng, thư giãn và sống chậm lại. Nhờ đó sẽ cảm thấy bớt âu lo, toan tính và căng thẳng.
Có là vì người ấy có sự chuẩn bị các kế hoạch, đối diện với các vấn đề thực tiễn như nơi ăn chốn ở, nghề nghiệp, gia đình, con cái, mục đích sống, ý nghĩa sống,…, đồng thời họ có sự cam kết gắn bó với nơi này. Về quê hay lên núi sống không phải chỉ nằm ở việc thưởng ngoạn cảnh quan, thư giãn vui chơi như đi nghỉ dưỡng. Sống ở đâu thì cũng đều có những sự thiết lập cần thiết ở đó để một người có thể neo lại. Bám càng chắc thì càng bình an và hài lòng. Ngược lại, bám không chắc thì luôn bất an, nghĩ ngợi, âu lo đứng ngồi không yên.
Và Có là vì người ấy đã thức tỉnh sự bình an bên trong, nên ở đâu họ cũng thấy bình an và có thể xoay xở được. Xuống biển, lên rừng hay ở lại nơi đô thị là chuyện tùy duyên.
Vậy còn câu trả lời “Không” sẽ dành cho những trường hợp nào?
Không là do sự hấp thụ và thích nghi của cá nhân đó với môi trường bình yên như làng mạc núi rừng là chưa đủ. Có những người sống đã quen ở thành thị, quen với sự ồn ào náo nhiệt, tưởng về quê lên núi là sung sướng, nhưng hóa ra lại vỡ mộng ê chề. Để thực sự thích nghi và hòa nhập với môi trường có tính chất bình an thư thái hơn thì người đó phải trải qua giai đoạn tẩy rửa và thanh lọc tần số lúc ban đầu. Mình đã chứng kiến không ít bạn trẻ cảm thấy rất tiêu cực trong thời gian đầu tới Đà Lạt sống. Sự tĩnh lặng nơi này làm lộ ra những góc tối và ồn ào bên trong mà trước kia họ luôn lảng tránh hoặc phủ lấp đi bằng những bộn bề và các thú tiêu khiển bên ngoài. Nếu một người có thể kiên nhẫn chịu đựng được hết quá trình thanh lọc ban đầu này thì sự bình an sau đó sẽ hiện ra. Người đó sẽ giao hòa với tần số của vùng đất thiên nhiên.
Không là do người đó không có sự cam kết gắn bó với nơi ở mới, không chịu gỡ bỏ ảo tưởng rằng lên Đà Lạt hay xuống Vũng Tàu là chỉ có việc ngồi ngắm mây hay nghe tiếng sóng biển cả ngày chứ không cần phải lao động, làm việc, giữ gìn nguyên tắc thói quen, hay theo đuổi đam mê cuộc sống,… Ở bất kỳ nơi nào cũng có thử thách của nó, và ở bất kỳ nơi nào, một người cũng phải luyện tập bám rễ và thích nghi.
Cuối cùng, câu trả lời Không còn dành cho người không biết hài lòng, không biết ơn những gì cuộc sống đang mang lại, không biết hướng đến các bài học dành cho sự phát triển tinh thần. Đi đến đâu người đó cũng sẽ không có bình an hay mãn nguyện.
Vậy nên, nói tóm lại, nếu ai đó nói với bạn rằng “Lên núi sống thích lắm” hay “về quê trồng rau vui lắm” thì họ đang mô tả thực tại của họ, phù hợp với họ trong thời điểm đó. Lựa chọn ấy, con đường ấy có thể phù hợp với bạn, có thể không. Bạn có thể có bình an nhờ đi theo nó, hoặc cũng có thể không. Quan trọng hơn tất cả, dù ở bất kỳ nơi nào, thôn quê hay thành thị, tĩnh mịch hay ồn ào, thì bạn vẫn luôn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho mọi sự lựa chọn của mình, và cũng là người duy nhất chịu trách nhiệm cho sự bình an bên trong chính mình.
Tác giả: Hòa Taro